Những “phố chợ”... ra đi

Những “phố chợ”... ra đi
Cách hồ Hoàn Kiếm chừng năm trăm mét theo đường chim bay, giữa lòng phố cổ, chợ Hàng Bè với trên ba trăm lều lán, đã có tuổi... gần một thế kỷ. Xa hơn, giữa trung tâm Hà Nội, chợ “Âm phủ” cũng trở thành nơi buôn bán sầm uất mấy chục năm nay...
Những “phố chợ”... ra đi ảnh 1
Một góc chợ Hàng Bè

Điều giống nhau, đây là hai chợ tạm và đều “được phép họp” trên lòng đường một con phố. Hai “phố chợ” nổi tiếng và lâu đời này đang nằm trong kế hoạch phải giải toả của năm 2005...

Theo cụ Quý, 86 tuổi, người phố Gia Ngư-phường Hàng Bạc, ngày cụ còn bé đã có chợ họp một đoạn trên lòng con phố này ở phía phố Hàng Bè, nên người ta quen gọi là chợ Hàng Bè.

Khi hỏi chợ Hàng Bè có từ bao giờ, nhiều người dân quanh đây chỉ nhớ là nó có từ thời Pháp thuộc, bởi thời đó ban ngày lều lán được dựng lên, tối cuốn về chứ không được xây dựng kiên cố nên không ai có thể nhớ tháng, nhớ năm ra đời của chợ.

Ông Chiêm, người phố Gia Ngư nhớ lại, vào khoảng năm 1972-1973, chợ Hàng Bè cứ lấn dần và tới tận bây giờ chợ đã nằm gọn trên cả con phố Gia Ngư, nối từ phố Đinh Liệt tới Hàng Bè, và còn rẽ sang cả phía Cầu Gỗ.

Hai bên phố Gia Ngư là hàng trăm ngôi nhà tầng, có cổ, có mới, chợ nằm giữa lòng đường, các lều lán lợp mái tôn, cót ép, hoặc ni lông nối đuôi nhau dài tít tắp. Những nắp cống hai bên vệ phố nằm trên lối ra vào chợ và đi lại của người dân sống trên con phố này.

Ở chợ Hàng Bè, người ta đã quen nghe những tiếng lộp cộp suốt ngày đêm mỗi khi người, xe lướt đi qua nắp cống. Dân phố Gia Ngư cũng đã khá... quen khi hàng ngày phải “thưởng thức” mùi mắm tép chưng thịt, vốn là đặc sản chợ Hàng Bè, cũng như mùi thức ăn chín chế biến tại chỗ bốc lên ngùn ngụt.

Đi qua đây người ta dễ dàng nhìn thấy hàng trăm ngôi nhà, cửa sổ thường luôn im ỉm đóng. Ông Nguyễn Tuyến Quang - Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc cho biết, phố Gia Ngư có trên 700 hộ dân, hàng chục năm nay người dân sống trong cảnh chợ nằm trong dân, dân trong chợ như vậy.

Giữa trung tâm Thủ đô, cạnh hai con phố sầm uất vào bậc nhất, nhì Hà Nội là Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng, chợ tạm Âm phủ cũng đã tồn tại hàng chục năm nay.

PGS-TS Phan Khanh - Phó chủ tịch Hội bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội cho biết, đây là nơi từng tập trung hài cốt của những người mất trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, năm 1946.

Sau năm 1975 các hài cốt được di dời, nơi này thành con đường rồi thành chợ như hôm nay. Chợ được đặt tên là 19/12, nhưng người dân cứ quen gọi là chợ Âm phủ.

Bởi, nhiều người vẫn đồn đại những câu chuyện xung quanh cái chợ này, rằng chợ không họp về đêm nhưng đêm đêm vẫn có những bóng người í ới gọi nhau mua hàng (!).

Chị Minh Nam- kinh doanh hàng sành sứ tâm sự, các hộ buôn bán ở chợ ngày tuần đều nhang khói chu đáo, vì đều có suy nghĩ mình đang làm ăn trên một nơi từng là ngôi mộ tập thể mà chắc chắn vẫn còn sót lại hài cốt...

Hiện có 287 hộ kinh doanh dưới những lều lán, mà không ít góc chợ vừa tối tăm vừa nhếch nhác, nó hoàn toàn đối nghịch với quang cảnh phố thị nơi đây.

Giữa lúc người kinh doanh đang buôn bán thuận lợi, thì thông tin sẽ giải toả chợ Hàng Bè và chợ 19/12 (tức chợ Âm phủ) đã gây xôn xao, lo lắng cho nhiều người. Bởi họ chưa biết đi đâu về đâu, khi cuộc sống gia đình từ lâu dựa vào việc buôn bán trên cái chợ tạm này.

Những “phố chợ”... ra đi ảnh 2
Chợ “Âm phủ” nằm cạnh khách sạn Melia

Nhiều hộ kinh doanh ở chợ Hàng Bè còn nhân thông tin trên kéo dài việc chậm nộp thuế môn bài. Theo bà Nguyễn Thị Minh Yến - Trưởng phòng kế hoạch - kinh tế, UBND quận Hoàn Kiếm thì: Điều chắc chắn là hai chợ tạm còn lại của quận Hoàn Kiếm là Hàng Bè và Âm phủ sẽ giải toả, dự kiến chậm nhất vào tháng 12/2005.

Hiện quận đang chỉ đạo Ban quản lý chợ Hàng Bè cùng UBND phường Hàng Bạc điều tra, khảo sát thực trạng kinh doanh, hộ kinh doanh ở chợ Hàng Bè để lập kế hoạch giải toả.

Trước thông tin chợ Hàng Bè chuẩn bị “ra đi”, nhiều phụ nữ đã tỏ vẻ lấy làm tiếc, khi từ lâu chợ này được coi là nơi có nhiều thực phẩm tươi sống, món ăn chế biến sẵn ngon nhất Hà Nội.

Người dân phố cổ thì ít ai muốn đi xa, phải đạp xe tới chợ Cửa Nam hoặc Hàng Da để mua cân thịt, con cá hay mớ rau, nên cũng không muốn mất chợ Hàng Bè. Nhưng nhiều người dân phố Gia Ngư không buôn bán ở chợ thì hồ hởi, phấn khởi trước việc “giải tán” chợ Hàng Bè.

Bao nhiêu năm nay họ phải sống chung sự ồn ào, mất trật tự của phố chợ. Chợ không có nơi tập kết rác, nên mùi hôi bẩn thường bốc lên một cách khó chịu. Có những đêm, từ bốn giờ sáng đã nghe tiếng lục đục của ai đó dọn hàng làm không ít người mất ngủ.

Người trong phố còn chịu nhiều cái khổ khác, như những lúc có ma chay, cưới hỏi không có lối để mà đi lại vừa hết sức chật chội. Đêm đến, nơi lều quán thi thoảng lại xuất hiện những con nghiện, kẻ bụi đời lởn vởn khiến nhiều người lo sợ. Họ còn bị đe dọa trước mối nguy hiểm những lúc không may xảy ra hoả hoạn.

Như vụ cháy xảy ra hồi cuối tháng ba, tại số nhà 35 Gia Ngư, xe cứu hoả đã đến nhưng không thể nào vào được do vướng lều quán. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, không nên để tồn tại chợ Hàng Bè, hãy cho người dân phố cổ này một lối đi lại như nó vốn có.

Phố cổ cũng rất cần một môi trường trong sạch để đón khách du lịch quốc tế. Hiện nhiều du khách khi tới khu “ba mươi sáu phố phường” Hà Nội thường tìm đến chợ Hàng Bè, nhưng không phải để mua sắm, mà chỉ đến do sự tò mò trước một cái chợ hoang sơ giữa lòng phố cổ.

Bởi vậy, không thể cải tạo chợ Hàng Bè thành chợ du lịch như ý tưởng của một số người từng đề nghị. Bà Nguyễn Thị Minh Yến cho rằng, nên giải toả chợ Hàng Bè nhưng phải chọn một phương án tốt nhất. Bố trí những hộ kinh doanh lâu đời đến nơi mới thích hợp còn lo việc kinh doanh cho những hộ dân ở phố Gia Ngư xưa nay sống bằng nghề buôn bán trên chợ Hàng Bè (khoảng 90 hộ).

Theo bà Yến, quận đang tính đến phương án sau giải toả có thể cải tạo phố Gia Ngư thành tuyến phố đi bộ, bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Cũng như thế, không thể để sự tồn tại của chợ Âm phủ ngay giữa trung tâm thành phố, sát cạnh khách sạn Melia, nơi thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Chợ Âm phủ hiện đang được lập dự án, dự kiến xây dựng một trung tâm thương mại cao tầng, có đường ngầm hiện đại dưới lòng đất phục vụ việc đi lại của người, xe cộ.

Theo Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc Nguyễn Tuyến Quang thì, quận nên nghĩ đến việc lập một cái chợ thực phẩm mới ở khu phố cổ, nếu không rất dễ mọc lên các chợ cóc, cảnh gồng gánh buôn bán hàng rong sau khi không còn chợ Hàng Bè.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, một số chợ của Hà Nội như chợ Bưởi, Cửa Nam, Hàng Da...được cải tạo, xây dựng lại theo hướng văn minh, hiện đại là rất cần thiết, nhưng hiện đại hoá cũng nên duy trì các mặt hàng tiêu biểu, truyền thống của từng chợ để giữ lại dấu ấn văn hoá của mỗi chợ.

Không ít người Hà Nội đã khá ngán ngẩm trước cảnh chợ tạm, chợ cóc hoạt động dưới lòng đường, gây ách tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay.

Việc giải tỏa một số chợ như Cao Đạt, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm...thực sự đã làm cho phố phường Hà Nội thêm đẹp hơn. Hà Nội cũng đang có kế hoạch giải tỏa chợ Nguyễn Cao, chợ Trời- những chợ tạm không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn là nguyên nhân của nhiều vấn đề an ninh trật tự nhức nhối.

Được biết, trong hai năm 2004-2005, Sở Thương mại HN đã có kế hoạch giải toả 124 chợ tạm, chợ cóc, trong đó nội thành chiếm đến 106 chợ. 39 chợ đã được giải toả trong năm 2004, 85 chợ còn lại sẽ giải toả nốt trong năm 2005.

MỚI - NÓNG