Những phụ nữ giàu lên từ mảnh đất cằn

Đông đảo khách tham quan đến xem sản phẩm sáng tạo của phụ nữ VN
Đông đảo khách tham quan đến xem sản phẩm sáng tạo của phụ nữ VN
TP - Tại ngày hội sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, có hơn 150 sản phẩm của chị em được đánh giá cao.
Đông đảo khách tham quan đến xem sản phẩm sáng tạo của phụ nữ VN
Đông đảo khách tham quan đến xem sản phẩm sáng tạo của phụ nữ VN.

Cũng tại đây, những gương phụ nữ vượt lên số phận, làm giàu, nuôi cả gia đình và tạo việc làm cho nhiều người, được biết đến và trân trọng.

Chủ trang trại có 4 bằng đại học

Bà chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp Phan Thị Lượng (xã Tuân Chính, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nuôi 4 con thơ và chồng bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo thường xuyên ở Hà Nội. Cái nghèo đeo bám, chị Lượng lúc nào cũng trăn trở với miếng cơm manh áo.

Năm 1995, chị đánh liều thầu 6 ha đầm hoang trũng của xã, cải tạo để làm trang trại tổng hợp. Chị đầu tư đắp bờ bao quanh đầm, xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi, cải tạo môi trường mặt nước để thả cá; làm đường giao thông, điện, máy móc dụng cụ nuôi trồng thủy sản… Để có nguồn vốn, chị chai mặt đi vay anh em, bạn bè, làng xóm đến các tổ chức tín dụng.

Trang trại của chị được quy hoạch đủ thứ cây trồng vật nuôi. Xung quanh khu nhà ở là cây xanh, cây ăn quả, bờ đầm trồng cỏ làm thức ăn cho bò, cho cá. Rồi có khu chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Dưới nước khoanh vùng trồng một vụ lúa chiêm, trồng sen và nuôi các loại cá, trai, ốc. Thiếu kinh nghiệm, lại gặp thời tiết không thuận nên cá mắc bệnh chết hàng loạt khiến chị thiệt hại cả trăm triệu đồng.

Không nản lòng, chị tiếp tục vay vốn đầu tư mua con giống. Vận may đã đến. Hội Phụ nữ huyện cho chị tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo dự án của Hà Lan tài trợ qua T.Ư Hội. Học xong, chị áp dụng ngay kiến thức được học vào thực tế.

Năm ấy, chị thu được 150 triệu đồng từ các loại cá, 50 triệu từ trai, ốc, bán gia súc, gia cầm được 70 triệu đồng và thu từ thóc được 80 triệu. Trừ chi phí, lãi thực 150 triệu đồng. Cứ như vậy, trang trại của chị ngày càng phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 50 lao động mùa vụ.

Mọi việc đang trên đà thuận lợi, vận đen lại đổ xuống gia đình chị. Năm 2005, chồng mất, đúng 100 ngày sau chị lại nhận tin sét đánh: Con gái đang lao động tại Malaysia bị tai nạn không qua khỏi. “Ngày đó, tôi bị nhiều lời đồn gièm pha. Không ít người nghĩ tôi sẽ chết theo chồng, theo con. Nhưng tôi vẫn kiên trì sống và làm việc vì 3 đứa con còn lại”, chị Lượng tâm sự.

Năm 2008, lũ lớn cuốn trôi mất trắng đầm cá và vật nuôi trên bờ, thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Chị tiếp tục bắt tay làm lại. “Tôi nghĩ, cứ chắc tay chèo lái thì thuyền sẽ không trôi. Từ năm 2009 đến nay thu nhập của trang trại ngày càng tăng cao, vì áp dụng tốt kỹ thuật nên vật nuôi của tôi vượt qua được dịch bệnh. Lợn to, bò lớn, cá ngon… tăng thu hơn năm trước.

Lá sen trước đây chẳng để làm gì thì nay tôi đã bán như một loại dược liệu chữa bệnh thận, bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, mỡ máu… Thậm chí có cả khách nước ngoài đặt mua”, chị Lượng nói. Đến nay, trang trại của chị đã phát triển lên đến 10 ha.

Chị Lượng nói: “Phụ nữ trong xã hội hiện nay muốn thực sự bình đẳng thì phải phấn đấu, có tài, có tâm và có tiền sẽ được xã hội ghi nhận”. 10 năm chăm chồng bị bệnh và làm trang trại, chị vẫn theo học 3 bằng đại học: Quản lý tài chính, Cử nhân Chính trị và Luật Kinh tế.

Cộng thêm tấm bằng ĐH cô nuôi dạy trẻ trước đây nữa, hiện bà chủ trang trại tổng hợp Phan Thị Lượng sở hữu 4 tấm bằng đại học. Chị đang là trưởng thôn Phù Chính, Phó Bí thư chi bộ thôn, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tuân Chính, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã…

Nhờ bần nên phú

Tuổi gần 60, chị Võ Thị Cúc, xã Long Đức (TP Trà Vinh) đổi đời bằng sản phẩm mứt bần và bột bần nấu lẩu do chị tự tay chế biến. Được giới thiệu, chị em các vùng miền nhanh chóng mua sản phẩm của chị về dùng thử. Ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ, chị Cúc nổi tiếng là người biến quả bần, vốn là thứ bỏ đi, thành thương hiệu, có đăng ký bản quyền trên cả nước.

Năm 2011, lần đầu tiên Hội LHPN Việt Nam tổ chức triển lãm sáng tạo đã trao tặng 139 bằng khen cho các cá nhân, tập thể. 4 tập thể và 7 cá nhân xuất sắc được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam của năm. Đây sẽ là hoạt động thường niên nhằm tôn vinh, khuyến khích tài năng, sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Cả gia đình bảy người con trước đó sống dựa vào nghề đánh cá ven sông, lạch. Bì bõm sông nước, biết đến cây bần vốn là cây chống ngập mặn mọc dày đặc ở ven sông. Bần chín rụng đầy gốc, không ai thèm nhặt.

Năm 2004, một lần tình cờ nấu lẩu cá bông lau chẳng may hết me chua chị đã cho vào nồi hai quả bần. Không ngờ, vị chua ngon thơm khác lạ. Từ đó chị mở quán lẩu bần, lượng khách ngày càng đông.

Cây bần cho trái theo mùa, nên chị tìm cách xay bần thành bột để dự trữ dùng dần. Một mình loay xoay luộc chín, đem ra giã, hoặc để tươi, gọt vỏ chà lấy hạt. Cuối cùng chị cũng tìm ra cách chế được bột bần đơn giản mà hiệu quả. Nhiều khách đến quán ăn món lẩu nấu từ bột trái bần thường xuyên hỏi mua đem về làm quà. Nắm bắt nhu cầu, thay vì làm thủ công mất nhiều thời gian chị đã tự mày mò chế tạo máy chế biến bần có công suất lớn.

“Trong cái khó ló cái khôn, đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao dạo đó tôi một mình mài, dùi, đục tạo được bộ máy đánh trái, tách hạt, máy khuấy để chế bần”, chị nói. Chị thu mua bần từ những vùng xung quanh với giá 4.000 đồng/ kg và thuê thợ chế biến. Trung bình mỗi ngày, cơ sở chế biến 200 kg bần. Sản phẩm bán hết sạch, chị đem quả bần ra chế mứt, có mùi thơm dịu.

Nhờ Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh tư vấn về thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, tháng 8-2009, sản phẩm mứt bần và bột lẩu bần của chị Cúc đã được công nhận. Hiện nay, với giá bán 15.000 đồng/hộp, sản phẩm mứt bần, bột bần của chị đang được bày bán ở một số siêu thị. Chị Cúc đang thử nghiệm sản phẩm nước mắm chấm chiết xuất từ bột bần.

Rau mầm Lý Sơn

Ý tưởng sản xuất giá đỗ và rau cải mầm trên bao bố của chị em Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi mang lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống của các chiến sỹ và người dân trên huyện đảo Lý Sơn. Đại úy Trần Thị Kim Oanh (đại diện Hội Phụ nữ), cho biết, sản xuất giá đỗ và trồng rau mầm vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm vừa tiết kiệm cho các chiến sỹ huyện đảo.

Ý tưởng của chị em xuất phát từ những lần ra thăm đảo, chứng kiến cuộc sống thiếu thốn rau xanh của chiến sỹ. Mùa mưa bão, những chuyến tàu không thể tiếp đảo, chị em dùng thử bao bố thay đất để làm giá và ươm rau mầm. Điều đặc biệt, vườn rau này có kỹ thuật đơn giản di chuyển được khắp nơi: Trong nhà, ngoài sân, gậm giường, nhà bếp. Hiện, nhiều địa bàn vùng sâu xa cũng đã vận dụng công thức sản xuất giá đỗ và rau mầm này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG