Những tấm ảnh 'rợn người' và người đàn bà bé nhỏ

Những tấm ảnh 'rợn người' và người đàn bà bé nhỏ
TP - Hơn 2 giờ sáng, có tiếng chuông điện thoại. Chị Trần Thị Hiền (khối 3, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vác chiếc ba lô đựng đồ nghề  rồi vù ga cho chiếc xe chạy đi trong đêm tối đến hiện trường các vụ tai nạn.

Chị còn nhớ như in vụ tai nạn của hai xe máy đâm vào nhau trên địa bàn xã Xuân Hồng. Chưa biết ai đúng ai sai nhưng những người dân địa phương khi phát hiện ra một xe là của người trong xã nên đã nhảy vào tạo hiện trường giả. Không để cảnh ngứa mắt này chị đã đưa máy ảnh ra ghi lại những cảnh không mấy đẹp đẽ trên.

Chính chị cũng không ngờ rằng những bức ảnh đó lại có giá trị đến vậy “Khi các anh bên công an biết được đến xin thì tôi liền đưa cho. Không ngờ những bức ảnh “ngứa mắt” chụp chơi của mình lại là cái chìa khóa giải quyết của vụ tai nạn đó” - Chị Hiền tâm sự.

Đã nhiều lần chồng của chị đã ném chiếc máy ảnh vào sọt rác vì những bức ảnh đầy máu me và hương khói nghi ngút đâu đâu mà Hiền đưa về nhà. “Nhiều lúc nghĩ cũng nản lắm muốn từ bỏ không bao giờ dính đến nữa. Nhưng cứ nghe thấy hai từ tai nạn là lại quên hết cứ chiếc máy ảnh chạy tới hiện trường bằng được” - Chị Hiền kể.

Đang ăn nên làm ra với một quán bún ven đường và nghề chụp ảnh thẻ cho học sinh, thế mà cũng vì những vụ tai nạn này đã làm cho gia đình chị “lủng củng” nhiều năm. Vừa mới đặt được đứa con ngủ chưa ấm chỗ bỗng dưng tiếng chuông điện thoại reo. Chị lại vụt đi trong màn đêm. Thế nhưng đâu phải khi nào chị cũng được trả công xứng đáng đâu.

“Một vụ phải chụp cả cuốn phim rồi phải lặn lội sang Vinh tráng ảnh cả đêm. Thế nhưng mười vụ thì gần chín vụ những tấm ảnh của chị lại được cho vào chiếc túi cẩn thận và rồi để đó cả chục năm trời…” - Vừa nói chị Hiền vừa mở cái túi ảnh đã cũ kỹ cho chúng tôi xem.

Khi nhắc lại lần đầu tiên đi chụp người chết đó là vụ tai nạn ở gần khách sạn Sông Lam “Đến nơi thấy hai người nằm bất động trên vũng máu, mọi người đi đường thì không ai dám nhìn vào. Dù thấy sợ lắm nhưng đã đến nơi thì quyết phải làm cho ra làm. Nhiều ngày liền sau đó tôi cứ ăn là nôn ra vì cứ thấy trong đầu toàn là máu” - Chị bảo.

Không ai nghĩ rằng người phụ nữ bé nhỏ này lại dám đặt sát ống kính vào những xác nạn nhân. Thế nhưng cũng chính một vụ tai nạn ở phía nam cầu Bến Thủy mà giúp chị vững tay với chiếc máy “Đó là vụ tai nạn năm 1994 của chiếc xe tải với xe máy. Tưởng chừng 30 tấm ảnh của mình lại được đưa vào “bảo tàng” thì bỗng nhiên có 3 người đến mua lại những tấm ảnh kia. Chính những tấm ảnh này là chứng cứ để 2 chiếc xe kia được Cty bảo hiểm trả bảo hiểm một cách đầy đủ” - Chị Hiền nhớ lại.

Những vụ va quệt khi chị “tác nghiệp” với những người tham gia giao thông xảy ra như cơm bữa. Chuyện bị va quệt làm rơi máy ảnh thì chị không tính nổi “nếu tôi bị người ta đâm vào thì cũng không chết được đâu…” - Chị Hiền tươi cười.

Cũng vì những tấm hình “đáng sợ” này mà nhiều hiệu ảnh mà chị thường xuyên làm  ảnh ở thành phố Vinh cắt đứt làm ăn với chị vì họ sợ ám ảnh.

Quán bún thành nơi tuyên truyền

Những tấm ảnh 'rợn người' và người đàn bà bé nhỏ ảnh 1
Những tấm ảnh nóng hổi mà chị vừa đi chụp về

Quán bún bán buổi sáng của gia đình chị đang ăn nên làm ra, bỗng dưng ngày ngày lại càng vắng khách. Đã có nhiều lời đồn đại của hàng xóm nào là “nó chụp ma nhiều thì có ngày cũng gặp ma thôi. Vào đó ăn cũng thấy sờ sợ…”.

Cách bán hàng của chị cũng rất lạ. Vừa đặt bát bún nóng hổi của buổi sáng cho khách trên tay chị kèm vài tấm ảnh mà chị vừa chụp được chiều qua hoặc tối nay của các vụ đưa cho khách xem. Nhiều khách đến ăn  rợn cả người nôn tại chỗ để bát bún lại khi chứng kiến những cái đầu người nằm lăn lốc ven đường trong tấm ảnh.

“Có nhiều khách mình phải xin lỗi và không lấy tiền bún. Họ tức giận lắm bỏ đi ngay lập tức. Thế nhưng không phải lên xe rú ga như ngày thường mà họ nhìn trước ngó sau rồi mới nhẹ nhàng vào số…” - Đó là cái cớ duy nhất để chị Hiền chấp nhận heo hút khách.

Trong cái tủ đựng ảnh bé con đặt bên mấy nồi bún của chị khi nào cũng có những tấm ảnh đầy tính “thời sự”. Chị cũng chẳng hiểu vì sao mà sau một thời gian ngày ngày khách lại vào với quán chị đông hơn.

Người dân sống ở ven quốc lộ 1A của thị trấn Xuân An thì ghi nhận: Những đoạn đường được gọi là “điểm đen” tại đây ngày càng vắng bóng những vụ tai nạn hơn. Những tiếng còi cứu thương mà ngày xưa từng làm rợn lòng người ở cả hai con đường nay lại không thấy.

Vì thế mà khi có những vụ tai nạn người ta thường gọi ngay cho chị Hiền. Đội cảnh sát giao thông huyện Nghi Xuân động viên chị cứ tiếp tục phát huy và luôn tin tưởng người đàn bà nhỏ con nhưng lại có cái gan to lớn này.

Chị vui mừng vì những tấm hình “rợn người” ngày càng vơi bớt đi trong tủ. Đây cũng chính là tâm nguyện của người đàn bà bán bún: “Tôi mong sao những tiếng chuông điện thoại trong đêm không còn và những tấm ảnh này trong tủ của tôi ngày một thưa hơn”. Chia tay chị chúng tôi thầm khâm phục người đàn bà 15 năm cầm máy không chuyên này.

Phạm Minh Thùy
K49 Báo chí ĐHKHXHNV Hà Nội

MỚI - NÓNG