Niềm tin cho những chuyến hải trình

Tàu SAR 413 đưa các thuyền viên cập cảng chiều 4/1. Ảnh: TC
Tàu SAR 413 đưa các thuyền viên cập cảng chiều 4/1. Ảnh: TC
TP - “Bão to gió lớn là vượt sóng đi biển, bất chấp hiểm nguy cứu người trên hết”, đó là “tiêu chí” đầu tiên của thủy thủ tàu SAR 413 ở Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải khu vực III. “Nghề cứu nạn được coi là nghề nhân đạo, nhưng niềm vui chưa bao giờ trọn vẹn. Chúng tôi luôn sẵn sàng ra khơi, đó là mệnh lệnh từ trái tim, bất kể ngày hay đêm, mưa, bão”, anh Nguyễn Hùng Xuân, thuyền phó 3 tàu SAR 413 chia sẻ.

Chuyện thường ngày

Sau vụ tàu SAR 413 khẩn cấp đi cứu nạn, và đưa thuyền viên tàu Bulk Jupiter chìm trên biển Vũng Tàu về đất liền, thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân bần thần: “Đời thủy thủ cứu nạn có nhiều niềm vui nhưng không bao giờ trọn vẹn”. Tôi thắc mắc “nghĩa là thế nào?”. Anh Xuân bảo: “Đã đi cứu nạn hầu hết chứng kiến nạn nhân người chết, người bị thương, hoặc mất tích. Lúc đó cảm giác rất xót xa. Đặt trong hoàn cảnh mình, người thân sẽ sống sao đây?”.

Bên ly trà buổi tối ở quán cà phê Hoa Đá (đường Đô Lương, phường 11 Vũng Tàu), anh Xuân kể cho tôi nghe hàng trăm lần tàu SAR 413 cùng 18 đồng đội của anh vượt sóng gió đi cứu nạn trên biển xa, bất chấp là ngày hay đêm. 

Mình không nhớ tàu đã cứu bao người sống, vớt được bao nhiêu thi thể, song cảm giác vui mừng chen lẫn thương tâm thì không thể nào quên”. Vốn là đồng đội cũ khi anh Xuân công tác ở tàu HQ-668 của Hải đội 811 Lữ đoàn 171 Hải quân, nên tình thâm ấy giúp chúng tôi dễ trải lòng. “Trước khi đi cứu tàu Bulk Jupiter, tàu tôi đi cứu ba vụ chìm tàu khác ở biển Tiền Giang, Cà Mau. Mùa này, ít khi tàu ở Trung tâm lắm”.

“Tôi không biết dùng lời nào để cảm ơn các sĩ quan, thủy thủ tàu SAR 413. Các anh đã sinh ra tôi lần thứ hai. Cả đời tôi và vợ con tôi không bao giờ quên được”.

Ngư dân Trần Văn Ban được tàu SAR 413 cứu sống

Ngày 14/12/2014, tức trước 2 tuần đi cứu nạn tàu Bulk Jupiter bị chìm ở biển Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu SAR 413 đang làm nhiệm vụ ở Tiền Giang thì nhận lệnh hải trình khẩn cấp đến cứu sà lan Đồng Nai chở cọc bê tông bị chìm trên vùng biển Cửa Đại (Tiền Giang).

Sau hơn 10 giờ tăng tốc, tàu đã tiếp cận vị trí sà lan Đồng Nai chìm ở biển Cửa Đại. “Chúng tôi quần thảo nhiều vòng tìm kiếm. Đúng lúc tưởng như vô vọng thì phát hiện một ngư dân đang trôi dạt.

Tàu tiến đến vị trí, các thủy thủ quăng phao tròn, thả thang dây. Khi kéo lên tàu, nạn nhân đã nhợt nhạt. Tàu tiếp tục tìm kiếm và vớt được 5 thi thể ngư dân. Lúc vớt 5 thi thể lên tàu, nhìn họ thương lắm. Tất cả thủ tục tâm linh như cúng cơm, đốt hương chúng tôi làm chu đáo. Ngư dân được cứu sống bàn giao cho Bộ đội Biên phòng Côn Đảo. Ngỡ sẽ có được khoảng thời gian nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng không, ngay đêm đó tàu lại nhận lệnh khẩn cấp hành quân về cứu ghe cá Bạc Liêu bị chìm ở biển Cà Mau. Vậy là thức trắng lên đường khẩn cấp”.

Vượt chặng đường gần 100 hải lý, sau gần 6 giờ hành trình, tàu SAR 413 có mặt tại biển Cà Mau. Vừa lúc các thủy thủ bắt đầu cuộc tìm kiếm thì nhận được lệnh khẩn cấp đi cứu nạn 10 ngư dân của tàu cá Bình Định bị chìm ở Tiền Giang.

Nhanh chóng bàn giao hiện trường cho tàu SAR 272, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Đinh Xuân Trường, 18 thủy thủ lại cấp tốc lên đường. Biển Tiền Giang nước chảy xiết, trời mù sương. Việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn khi tàu cá Bình Định bị bục nước chìm xuống đáy biển ở độ sâu 40 m. 10 ngư dân trên tàu tan tác, biết ai sống, ai chết?

Niềm tin cho những chuyến hải trình ảnh 1

Chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân trên tàu. Ảnh: Hùng Xuân

Tất cả phương tiện ống nhòm được huy động, radar quét mặt biển liên tục vẫn không tìm thấy vật nổi nào khả nghi trên biển. Lúc đó mọi người nghĩ các ngư dân đã chìm sâu cùng tàu dưới đáy biển.

Việc tìm kiếm quá mong manh và vô vọng. Đúng lúc đó thuyền phó 2 Hoàng Thế Lực hét to: “Phía trước có người”. “Lúc đó, chúng tôi đổ xô ra hành lang tàu nhìn về phía trước mừng rơi nước mắt. Tàu tăng tốc chạy về hướng người đang chới với, chúng tôi quăng phao tròn để nạn nhân bám vào. Ba thủy thủ nhảy xuống biển dìu nạn nhân sát tàu rồi kéo lên bằng thang dây hoa tiêu. Lúc đó nạn nhân gần như kiệt sức. Đầu ngón tay, ngón chân tím tái và chấn thương nhiều chỗ. Anh Xuân kể lại.

Cần có tấm lòng

Nghề cứu nạn trên biển không phải tàu nào đi, thời gian nào xuất phát cũng cứu được người, tìm được xác. Theo anh Xuân đó là cái duyên mới gặp được họ. “Nói là cái duyên, bởi biển mênh mông biết đâu mà tìm. Khi tàu chìm, thuyền viên cố bơi để sống. Song thực tế ở giữa biển tầm nhìn thấp họ bị loạn phương hướng. Nên tìm được xác, vớt được người trong các vụ tai nạn không đơn giản”.

Năm 2015, đúng 10 năm kỷ niệm tàu SAR 413 về Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III hoạt động. Hàng trăm lần vượt biển, cứu sống nhiều thuyền viên, ngư dân, vớt nhiều thi thể nạn nhân chìm tàu ở nhiều vùng biển khác nhau, kể cả ngoài đại dương khơi xa hay gần bờ, những thủy thủ tàu SAR 413 đã dần quen việc vớt xác, khâm liệm thi thể nạn nhân. Bởi các anh xác định đó là nhiệm vụ trách nhiệm và tình cảm đối với đồng loại của mình.

Niềm tin cho những chuyến hải trình ảnh 2

Các thủy thủ Tàu SAR 413 cứu ngư dân tàu Bình Định bị chìm tàu trên biển Tiền Giang

Trong lần tiếp xúc với thuyền phó 2 Hoàng Thế Lực, anh chia sẻ: “Khi tàu chìm, thuyền viên rất hoảng loạn tinh thần. Họ thường cố bơi để sống. Nhưng càng bơi càng mất sức, càng xa vị trí tàu chìm đầu tiên. Để cứu các nạn nhân, chúng tôi thường đón lõng xuôi dòng chảy. Nghề cứu nạn là nghề nhân đạo. Ngoài thực hiện nhiệm vụ theo Luật hàng hải quốc tế qui định, mỗi người còn phải có tấm lòng bao dung, nhân ái. Khi vớt nạn nhân dù họ ở trong tình trạng nào cũng phải được đối xử như với người thân.

Anh Lực tâm trạng: “Mỗi lần cứu được ngư dân, niềm vui dâng đầy, nhưng mỗi lần vớt được thi thể lên tàu, nhìn họ không cầm lòng được”.

Trở lại chuyện cứu 3 thuyền viên của tàu Bulk Jupiter bị chìm trên biển Vũng Tàu ngày 2/1, anh Xuân đúc kết: “Cứu người là mệnh lệnh từ trái tim”.

Tàu SAR 413 là loại chuyên dùng cứu nạn trên biển có tốc độ 28 hải lý/giờ, song trong vụ cứu tàu Bulk Jupiter cũng chỉ chạy được 15 hải lý bởi sóng to cấp 9 và ngược gió. Sau hơn 20 giờ “chồm lên, ngụp xuống” trong sóng dữ, tàu SAR 413 đã đến tọa độ tàu Bulk Jupiter bị chìm. Lúc đó sóng rất lớn, tàu nghiêng ngả. Xuồng được hạ khẩn cấp. Một tổ thủy thủ ngồi sẵn trên xuồng và tiếp cận mạn trái của tàu OLNG Mutrah. 

Hai thi thể thuyền viên là thuyền trưởng Ronel Acueza Andrin, thuyền phó 3 Jerome Maquilang và bếp trưởng Angelito Capindo Rojia bị thương được chuyển xuống xuồng bằng cẩu. Ngay sau khi đưa các nạn nhân lên tàu, bếp trưởng Rojia được chăm sóc y tế. Lúc đó, anh ấy hoảng sợ. Hai nạn nhân xấu số được chúng tôi thắp hương, khâm liệm theo phong tục người Việt Nam”, anh Xuân kể lại.

10 năm có mặt ở Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải khu vực III là thời gian không dài nhưng có họ, hàng trăm thuyền viên được cứu sống, nhiều thi thể được đem từ biển về cho gia đình nạn nhân. Họ vượt hàng ngàn hải lý, cứu hàng trăm ghe cá bị nạn… đủ để minh chứng cho hy sinh thầm lặng, đầy tình người của sĩ quan, thủy thủ tàu SAR 413. Phía sau những giọt mồ hôi mặn mòi của biển, sau những chuyến cứu nạn gian khổ trở về là niềm vui không kể xiết. Các anh đã đem lại sự sống cho những người gặp nạn, xoa dịu nỗi đau mất mát cho thân nhân của những người xấu số.

Gắn bó với tàu SAR 413 từ những ngày đầu tiên khi tàu được điều về đơn vị, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải khu vực III cho biết: “Chức năng nhiệm vụ của chúng tôi là cứu nạn trên biển. Bất luận ngày lễ, tết, ngày, đêm, cứ có lệnh là lên đường. 10 năm qua, niềm vui lớn nhất của tập thể sĩ quan, thủy thủ tàu SAR 413 là cứu sống hàng trăm ngư dân, xoa dịu nỗi đau cho nhiều thân nhân của những người tử nạn. Mỗi chuyến đi biển, cứu sống được ngư dân là niềm vui nhân lên. Khi thi thể ngư dân nằm dưới biển, là cả đêm chúng tôi mất ngủ. Ngoài nhiệm vụ, chúng tôi cứu người bằng trái tim, bằng tình người và đạo đức nghề nghiệp”.

Là người chỉ huy cao nhất của tàu SAR 413, thuyền trưởng Đinh Xuân Trường hàng trăm lần cùng đồng đội cứu người giữa biển đêm. Anh Trường chia sẻ: “Khi chưa cứu được nạn nhân, chưa vớt được thi thể mình như người có lỗi. Vì vậy, bằng mọi cách, mọi phương tiện phải nỗ lực hết sức mình cứu vớt cho bằng được. Chỉ khi nào không còn tia hy vọng nữa mới thôi”.

MỚI - NÓNG