Ngã rẽ cuộc đời sau bạo lực học đường - Bài cuối:

Nỗi ân hận ám ảnh

Vụ nữ sinh đánh nhau, lột đồ vừa xảy ra ở Hưng Yên
Vụ nữ sinh đánh nhau, lột đồ vừa xảy ra ở Hưng Yên
TP - “Em bây giờ có con gái rồi. Ðứa nào đối xử với con em như vậy chắc em không để yên. Cứ có con gái đi rồi mới hiểu. Ai cũng một thời bồng bột, không biết suy nghĩ. Có những điều xảy ra rồi, khi mình trải qua rồi thì mới thấy hối hận”, L, một nữ sinh đánh bạn trong một clip bạo lực học đường cách đây gần chục năm chia sẻ.

Nếu xảy ra với con mình...

Tình cờ, khi hỏi thăm về vụ việc bạo lực học đường cách đây gần chục năm tại Hưng Yên, phóng viên Tiền Phong vào đúng nhà nữ sinh từng đánh bạn trong vụ việc đó. Thấy người lạ hỏi, cô gái đang bế đứa con mặt đỏ lên “Anh hỏi làm gì?” rồi sau vài câu thì nhận “Em là người đánh bạn trong clip đó đây”...Nói về clip xảy ra cách đây gần chục năm, cô gái nói, hồi đó còn trẻ, thấy thích là làm thôi chứ không nghĩ đến hậu quả. “Có những điều xảy ra rồi, khi mình trải qua rồi thì mình mới thấy hối hận. Trong thời điểm đấy mình không nhận biết được, không biết được hành vi của mình gây tổn thương cho người khác như thế nào”, L nói.

Khi sự việc “bung bét”, clip bị tung lên mạng, L bảo sốc khi thấy quá nhiều người biết, dù ân hận nhưng không thể cứu vãn vì sự việc đã diễn ra. Muốn quay lại để giải quyết sự việc một cách đơn giản hơn nhưng không làm được. Hồi đó, L mới mười mấy tuổi, vừa nghỉ học để đi làm, tình cờ bạn rủ đi chơi thì vướng vào sự việc. “Cũng cứ nghĩ đó là một trò đùa thôi, không ngờ nó ảnh hưởng lớn thế”, L nói. Sau hôm đó, L bảo áp lực lên cô và gia đình quá lớn, tưởng chừng bố mẹ từ mặt luôn. “Cũng nghĩ như người ta thôi. Nếu có ai đối xử với con mình như vậy thì sao chịu được. Làm bố mẹ thì ai cũng cảm thấy như vậy”, L chia sẻ.

Vụ việc khá nghiêm trọng, theo như L kể thì còn liên quan đến cơ quan điều tra. L cũng bị lực lượng chức năng gọi lên nhiều lần để lấy lời khai. Nhưng thời điểm đó L và các bạn vẫn ở tuổi vị thành niên nên hướng xử lý là xử phạt hành chính. “Mình cũng không biết là xử phạt bao nhiêu, nhưng thấy bố mẹ buồn”, L kể. Còn đối với gia đình nạn nhân, họ cũng yêu cầu bồi thường, đền bù cho con họ, theo L kể thì số tiền rất lớn, nếu chắt bóp cả hai năm gia đình L mới trả đủ. Họ cũng thuê luật sư để khởi kiện, đòi đưa L và nhóm bạn đi trại giáo dưỡng nhưng rồi mọi chuyện nhẹ nhàng hơn.

Họ hàng, làng xóm bàn tán nhiều, L không đi làm nữa. Cô cũng phải lánh mặt một thời gian ở nơi khác trước khi trở về quê và lập gia đình. Cô cũng có ý định đi học trở lại nhưng bố mẹ không đồng ý, L kể.

Ðáng lẽ tương lai đã khác

Sau vụ việc, L không đi học lại. Các bạn của L tham gia vào vụ việc cũng không đi học nữa. Một vài năm sau L lập gia đình. Chồng và gia đình chồng của L cũng biết sự việc, tuy nhiên, nói như L thì cô được thông cảm vì “chuyện cũng qua rồi. Mình cũng không ăn chơi như ngày xưa. Ai cũng vậy thôi, khi mà tu chí rồi, khi mà ngoan ngoãn rồi thì người ta chấp nhận. Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”. Hai đứa con của L hiện cũng đã lớn. L bảo, nếu bây giờ ai động đến con gái của cô như trong clip ngày xưa thì “chắc chết với em”. “Bản thân em suy nghĩ đơn giản là bây giờ ai đối xử với con gái em như thế, chắc em không để yên. Ngày xưa còn nhỏ quá, không nghĩ được như thế. Ai cũng có một thời bồng bột, không biết suy nghĩ gì hết”, L nói. Đến nay, L vẫn bảo, nếu không xảy ra vụ việc đó thì tương lai của cô đã khác. Dù ít hay nhiều, nó cũng khiến cuộc sống của cô bị xáo trộn.

Đến giờ, mỗi khi xuất hiện clip nữ sinh đánh nhau, lột đồ, L lại nhớ lại chuyện của mình năm xưa. Cũng có những người xem clip xong trêu L, kiểu như “giống mày ngày xưa nhỉ”. Vừa rồi, có clip nữ sinh ở Hưng Yên đánh bạn, lột đồ, L bảo, qua tin tức thì thấy đúng là một đám dở hơi, hết trò nghịch. “Giả dụ mình cũng bị lột quần áo như vậy thì có chịu nổi không”, bà mẹ hai con nói. L bảo, người lớn đa phần không hiểu được tâm lý lứa tuổi mới lớn. “Hầu như đám trẻ muốn chứng tỏ một điều gì đó. Ví dụ như muốn cả trường biết rằng tao là chị đại đây. Chúng nó muốn tạo ra một quyền lực. Đứa nào cũng thế. Bởi vì mình đã trải qua rồi thì biết", L chiêm nghiệm.

Gần 10 năm trôi qua, hỏi L có quên được chuyện đã xảy ra không, cô đáp “cái gì mình làm thì không bao giờ quên được. Chẳng qua mình không nghĩ đến thôi. Vụ việc đó quá ấn tượng, có lẽ đến hết đời cũng không quên được. Sau này, cứ mỗi lần có clip tương tự, lại đánh nhau, lột đồ mình lại ám ảnh”. Bản thân L bây giờ, khi tìm kiếm thông tin đôi khi vẫn thấy tên mình trên báo, cô bảo cũng suy nghĩ nhiều, bởi cái đó hằn sâu vào trong tâm trí, nó theo mình cả cuộc đời.      

Có lỗi của người lớn

Nỗi ân hận ám ảnh ảnh 1 TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam

“Ðầu tiên là ở người lớn. Những vụ người lớn đánh nhau, đánh ghen, bạo hành dã man như lột đồ, cắt tóc, quay phim đưa lên mạng để làm nhục đối thủ của mình, vì thế các em gái cũng học theo”, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Chủ tịch Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam nói.

Cũng theo bà Hồng, bạo lực trong xã hội có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Có lẽ áp lực trong cuộc sống, sự căng thẳng về công việc, thu nhập, về các gánh nặng trong cuộc sống làm căng thẳng dễ bùng phát. Và nói chung mọi người đều thiếu kỹ năng để giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng con đường hòa bình nên dễ dẫn đến con đường bạo lực. Các em học sinh cũng vậy. Bây giờ chương trình giáo dục ngày càng nặng hơn, khi mà những kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống lại không được trang bị nên khi có mâu thuẫn thì dễ dùng bạo lực giải quyết với nhau.

Biện pháp nào để xử lý các hành vi bạo lực học đường? Bà Hồng nêu quan điểm: Thực ra các cháu đang ở độ tuổi vị thành niên, cho nên căn cứ theo pháp luật của Việt Nam các cháu sẽ không bị xử lý về mặt pháp luật, không xử lý nặng trừ trường hợp quá đặc biệt. Nhìn chung sau các vụ việc chỉ là biện pháp giáo dục, răn đe, quá lắm thì đưa vào trường giáo dưỡng. Nhưng ngay cả việc đưa vào trường giáo dưỡng dường như không có hiệu quả. Ðiều đó càng khẳng định là phải có giải pháp căn cơ hơn, như giáo dục về hành vi, về đạo đức ứng xử từ khi còn rất nhỏ để phòng ngừa những chuyện đó xảy ra.        

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.