Nơi chắt chiu sự sống

Nơi chắt chiu sự sống
TP - Đó là Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội)- nơi nuôi dưỡng trẻ có HIV. Tại đây có những chuyện ấm áp tình người, nhưng cũng không hiếm chuyện phải thắt ruột, thắt lòng…

Nằm cách thị xã Sơn Tây hơn mười kilômét, từ lâu Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 là điểm đến của nhiều trẻ có HIV bị bỏ rơi. Khác với thế giới bên ngoài, ở đây luôn tĩnh lặng và tách biệt.

Lật giở hồ sơ của từng cháu, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh - Trưởng phòng Y tế Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội 2 cho biết, Trung tâm hiện có 55 cháu từ sơ sinh đến chín tuổi, hầu hết các cháu đều có HIV.

Ngày 7/9/2009, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký công văn gửi các Sở GD&ĐT cả nước về việc không được kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ có HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Để đảm bảo quyền không bị kỳ thị và phân biệt đối xử đối với trẻ em nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống HIV/AIDS; tăng cường truyền thông cho người học, nhà giáo, cán bộ về Luật Phòng chống HIV/AIDS; giáo dục nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người học, nhà giáo, phụ huynh.

Tuyên truyền giáo dục lòng nhân ái, chia sẻ đối với người bị nhiễm và ảnh hưởng HIV; không đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV/AIDS; huy động người nhiễm HIV/AIDS tham gia các hoạt động phòng chống HIV của các cơ sở giáo dục.

Các trường phải có giải pháp cụ thể để mọi người hiểu và không có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ có HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đảm bảo quyền được học tập, làm việc và sống hòa nhập cộng đồng của trẻ.

Mỗi cháu đến với Trung tâm theo một con đường riêng nhưng đều có điểm chung là bị cha mẹ chối từ, thậm chí bị bỏ rơi ngay cổng Trung tâm khi vừa lọt lòng. Đa số tên của các cháu là do Trung tâm đặt.

Trường hợp bé Trương Quốc Dũng sáu tháng tuổi, bé Nguyễn Khánh Ly, bé Bùi Thùy Dung bị bỏ rơi tại bệnh viện được nhân viên bảo vệ Trung tâm phát hiện. Nhiều cháu có HIV bị gia đình kỳ thị đưa vào Trung tâm như trường hợp của cháu Nguyễn Trà My, cháu Lê Văn Lâm.

Hầu hết trẻ bị nhiễm HIV rất yếu, thường xuyên bị nhiễm bệnh nhiễm trùng cơ hội, viêm phế quản, cảm cúm... Không ít em đến Trung tâm trong thời gian ngắn đã ra đi, bởi đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh quái ác này. Trong số đó có bé Trần Duy Khánh.

Bé Khánh sinh ngày mùng 2/4/2009, vào Trung tâm ngày 27/4/2009 nhưng do sức khỏe yếu cháu đã ra đi ngày 13/6/2009. Như vậy, năm cháu Khánh ra đời cũng là năm giỗ của cháu.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Lan những trường hợp như cháu Khánh không hiếm. Năm năm qua, bảo mẫu Nguyễn Thị Lập đã tiễn đưa chín bé. Mỗi lần có cháu qua đời, cả Trung tâm lặng đi.

“Chúng tôi coi các bé như con của mình, có những cháu chỉ sống được vài năm là mất. Nhìn cái cảnh chúng bị căn bệnh hành hạ vào giai đoạn cuối mà không làm gì được, thật xót xa” - Chị Lập chua xót.

Ở nơi ranh giới mong manh sống và chết, tưởng như các em sẽ buông xuôi nhưng không, các em vẫn nuôi ước mơ và những ước mơ ấy đã giúp các em thêm nghị lực đấu tranh với bệnh tật.

Đến lớp học 3 + 4 thấy các em đang hăng hái phát biểu xây dựng bài. Trong lớp có em Phạm Đình Đức bốn năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và đoạt giải tại các cuộc thi Vở sạch - Chữ đẹp toàn huyện.

Sắp tới, Đức đại diện cho các bạn trong Trung tâm làm khách mời trong một chương trình của VTV6. Khi được hỏi về ước mơ của Đức em nói, em rất thích làm ca sĩ. Vừa nói dứt lời Đức thể hiện bài Đứa bé của nhạc sĩ Minh Khang Em mơ một vì sao sáng/Dẫn lối em trên đường đời...

Em Nguyễn Thu Thủy (Gia Lộc, Hải Dương) có số phận khá nghiệt ngã. Thủy mồ côi cha mẹ từ bé nên ở cùng với hai bác. Sau khi biết bố mẹ mất vì HIV, hai bác đưa em đi xét nghiệm thì biết em bị bệnh liền cho đến Trung tâm. Hỏi về ước mơ, bảo sau này em muốn trở thành bác sỹ.

Nơi chắt chiu sự sống ảnh 1

Bé Trúc trước khi đến Trung tâm - Ảnh: Đỗ Sơn

Ở Trung tâm, có lẽ nổi tiếng nhất là em Bàn Thị Thanh Trúc (Lục Nam, Bắc Giang) và em Nguyễn Trà My (Thanh Sơn, Phú Thọ). Hai em có hoàn cảnh khá giống nhau. Bố mẹ mất vì HIV bị người thân ruồng bỏ.

Năm 2008, qua các phương tiện truyền thông, hai em được đưa vào Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2. Gặp các em tại lớp học, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các bé lớn hơn hồng hào và xinh xắn hơn trước.

Em Bàn Thanh Trúc vừa vẽ đàn gà con bên gà mẹ vừa cho biết, em mơ sau này làm họa sĩ để vẽ bức tranh đẹp về gia đình gà quây quần ấm áp.  Em Nguyễn Trà My thì ước mơ có được chiếc cặp thật đẹp. Cô giáo Phùng Thúy Hòa cho biết, hầu hết các em ở Trung tâm đều ham học và kiên trì.

Trong dãy nhà dành cho trẻ sơ sinh có HIV, sáu người mẹ hằng ngày ân cần chăm sóc các bé. Vừa tra thuốc cho cháu Trương Quốc Dũng, chị Hà Thị Đông vừa cho biết, hầu hết các cháu đều rất yếu nên thường xuyên khóc quấy, phải kiên trì, nhẹ nhàng mới dỗ được. Tất cả mọi khâu từ ăn uống tới vệ sinh cá nhân đều nhờ vào những bàn tay nhân ái của các chị.

Khao khát được đến trường

Tất cả các mẹ, các chị ở Trung tâm đều không quản ngại nhọc nhằn, vất vả và cả những nguy cơ lây nhiễm HIV để cưu mang, đùm bọc lũ trẻ bằng tình thương và trách nhiệm. Đặc biệt người mẹ lớn Nguyễn Thị Phương – Giám đốc Trung tâm.

Nơi chắt chiu sự sống ảnh 2

Bé Trúc với bức tranh vẽ gia đình gà - Ảnh: Hải Ninh

Tình yêu thương lũ trẻ đã thôi thúc chị vượt khó khăn, nhận nhiệm vụ ở đây, ngược xuôi vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ các cháu. Bởi thế, trong khi chế độ của mỗi cháu chỉ được 370.000 đồng/tháng, song từ các nguồn huy động được và tiết kiệm chi trong đơn vị, mức ăn của các cháu hiện đạt 600.000 đồng.

Được biết tiền lương của các bảo mẫu chỉ ở mức 800.000 - 850.000 đồng/người/tháng, riêng những người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV được nhận thêm 150.000 đồng/tháng.

Hầu hết các em ở nơi đây đều có chung một mơ ước là được đến trường, được hoà nhập cùng chúng bạn. Nhưng ước mơ nhỏ ấy đến giờ vẫn chưa thực hiện được.

Ngày khai giảng năm học mới vừa qua, 25 học sinh của Trung tâm náo nức diện quần áo đẹp để đến trường. Nhưng đến dự khai giảng, các em bị cô lập đứng rúm ró ở một góc, không có bạn bè đến chơi. Không chỉ có vậy một số phụ huynh học sinh kéo đến trường quát tháo, miệt thị các em.

Năm học 2006 - 2007, các em được tham dự cùng toàn thể học sinh của trường trong niềm vui khôn tả của phụ huynh có con nhiễm HIV. Nhưng ngay sau đó các em phải về học tại Trung tâm trước sức ép của các bậc phụ huynh. Nhiều người không đồng ý cho các cháu nhiễm HIV học chung với con họ.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm cho biết, từ năm học 2006 - 2007 đến nay, trước kỳ khai giảng nào cũng có những cuộc họp giữa Trung tâm với Phòng GD&ĐT huyện, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Yên Bài B và Hội Phụ huynh học sinh, bàn lên bàn xuống xung quanh việc tạo điều kiện đưa các cháu nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm ra học hoà nhập cùng với học sinh toàn trường. Nhưng đến nay mọi chuyện vẫn bế tắc vì phụ huynh không chịu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Bài B, cho biết, việc đưa các cháu đến trường gặp nhiều khó khăn do bị phụ huynh phản đối. Khi xảy ra vụ việc, nhà trường cùng Trung tâm đã tuyên truyền tới các bậc phụ huynh thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên tạo điều kiện cho các cháu đến trường.

Mong rằng người dân xã Yên Bài sẽ mở rộng vòng tay nhân ái tiếp bước các em đến trường, hoà nhập cộng đồng.

MỚI - NÓNG