Nỗi đau giờ mới kể

Nỗi đau giờ mới kể
TP - Sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên (tháng 7- 2009) của các nhân chứng, nhiều người mới biết đến cuộc thảm sát của máy bay Mỹ ngày 14- 6- 1972 tại Nam Ngạn, Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Gần 38 năm qua, nước mắt của các nhân chứng đã nối lời tri ân cho những người đã khuất, những người bị thương tật nặng sau sự kiện thảm khốc này.

Nỗi đau giờ mới kể ảnh 1

Các nhân chứng trong vụ thảm sát sáng 14-6-1972 vui mừng gặp lại nhau sau gần 38 năm. Ảnh: Hoàng Lam

Chuyện kể trong nước mắt

Nhớ lại quá khứ, ông Vũ Lê Thống (nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Thanh Hóa, nay đã nghỉ hưu), trước kia là hiệu trưởng Trường cấp III Lam Sơn, hiện là trưởng ban liên lạc sự kiện ngày 14-6-1972, kể lại:

“Khi tôi làm hiệu trưởng Trường cấp III Lam Sơn, nhận được lệnh của cấp trên điều động về Nam Ngạn, Hàm Rồng tham gia đắp đê sông Mã, tôi cùng anh em lên đường. Từ nơi sơ tán về thị xã hơn 15 km, nên đến Nam Ngạn cán bộ của trường bắt tay vào nhiệm vụ ngay.

Khoảng hơn 8 giờ sáng 14- 6- 1972, một tốp máy bay Mỹ gồm bốn chiếc từ biển Đông lao thẳng về cầu Hàm Rồng, rồi trút bom xuống đầu hơn 2.000 người đang đắp đê sông Mã, cách cây cầu 1 km, làm chết và bị thương hàng trăm người, hầu hết là các nữ sinh, giáo sinh và giáo viên ở các trường của tỉnh. Phần lớn họ ở tuổi đôi mươi mang trong mình những hoài bão, ước mơ và lý tưởng cao đẹp.

Tay run run lau những giọt nước mắt, ông Thống xúc động: “Trong lúc máy bay gầm rú trên bầu trời, bom giội xuống hiện trường thật hãi hùng, tôi nhìn sang bên cạnh thì thấy anh Bình quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An gào lên đau đớn khi bị mảnh bom găm vào xương sống.

Cách nơi anh Bình bị thương vài mét, anh Dương Ngọc Khôi- cán bộ Đoàn thanh niên của Trường cấp III Lam Sơn thét xé lòng khi bị mảnh bom chém mất một bên hông, máu phun đỏ vùng bùn nhão. Do bị sức ép của bom đạn tai tôi bị ù, máu từ bên trong bắt đầu chảy ra, tôi bất tỉnh ngay trên đống bùn đất công trường đắp đê hôm ấy...”.

Nỗi đau giờ mới kể ảnh 2
Một nhân chứng ôn lại kỷ niệm

Một nhân chứng khác là bà Phạm Thị Khuyến (60 tuổi, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa)- lúc đó là y sĩ của Bệnh viện Việt- Trung (đóng tại Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa bây giờ) bùi ngùi: “Ngày hôm đó, cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Việt - Trung chỉ còn 12 người ở lại trực cấp cứu, còn đâu đi sơ tán hết. Khoảng 9 giờ sáng 14- 6, chúng tôi nhận được tin máy bay Mỹ thả bom làm chết rất nhiều người trên công trường đắp đê Nam Ngạn - Hàm Rồng.

Toàn bộ anh em trong đội cấp cứu vội đưa xe cứu thương ra công trường, đưa các nạn nhân về bệnh viện. Do nạn nhân bị chết và bị thương quá nhiều, chúng tôi chỉ đưa được hai chuyến xe chở các nạn nhân về bệnh viện, còn lại anh em quyết định sơ, cấp cứu ngay tại hiện trường, tôi bàng hoàng, không tin vào mắt mình trước cảnh tang thương xé lòng. Cấp cứu, chuyển thương, khâm liệm đều được chúng tôi khẩn trương làm trong nghẹn đắng đau thương và uất hận.

Nỗi đau giờ mới kể ảnh 3

Đoạn đê Nam Ngạn- Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)- nơi hàng trăm người dân bị bom Mỹ giết hại sáng 14-6-1972. Ảnh: Hoàng Lam

Tri ân

Trong buổi gặp mặt sau gần 38 năm đầy cảm động, bà Nguyễn Thị Lan- nguyên giáo viên của ngành giáo dục TP Thanh Hóa kể lại: “Trận thảm sát của bom Mỹ ngày 14- 6- 1972 là nỗi kinh hoàng của cuộc đời tôi. Tôi và hàng trăm giáo viên thoát chết trong trận bom hôm đó, nhưng hầu hết chúng tôi đều bị thương.

Có nhiều đồng nghiệp của tôi bị thương nặng, nhưng sau khi điều trị tại bệnh viện đã vội vã trở lại bục giảng vì nhớ trường lớp và học trò. Những năm sau đó, nhiều người vết thương tái phát đã chết gục ngay trên bục giảng, tay vẫn còn cầm phấn trắng. Gần 38 năm, nhiều nạn nhân trong vụ thảm sát của bom Mỹ ngày 14- 6 đã được ngành chức năng quan tâm giải quyết chế độ chính sách. Nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được chế độ gì.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ: “Những hy sinh, mất mát của đồng bào Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ để bảo vệ cầu Hàm Rồng, bảo vệ tuyến đê Nam Ngạn, nơi che chở cho thị xã Thanh Hóa mỗi mùa mưa bão là to lớn. Trong đó, sự hy sinh của nhiều giáo viên, nữ sinh các trường học của tỉnh vào sáng 14- 6- 1972 bởi bom Mỹ tàn sát xứng đáng được tôn vinh. Ghi ơn họ phải bằng những việc làm cụ thể và thiết thực”.

Ông Lợi đề nghị ban liên lạc các nạn nhân cần nhanh chóng sưu tầm tư liệu về sự kiện 14- 6; lập danh sách thật chính xác các nạn nhân để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết chế độ chính sách cho họ.

Sự kiện mùa mưa năm 1972 mãi không mờ trong ký ức người dân Thanh Hóa một thời. Nước sông Mã lên cao, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên chính quyền tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ phải huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng, để bảo đảm giao thông và phòng chống lũ lụt cho thị xã Thanh Hóa ngay lúc máy bay Mỹ đánh phá dữ dội.

Để đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia đắp đê, ban chỉ huy công trường phân công cứ năm người làm một hầm chữ A. Lúc hơn 8 giờ sáng 14- 6- 1972, máy bay Mỹ ập đến và cuộc thảm sát dân lành đã diễn ra mà nỗi đau còn mãi cho đến bây giờ. Hằng năm, các gia đình nạn nhân của vụ thảm sát lấy ngày 14- 6 làm ngày giỗ chung.

Thông tin chúng tôi vừa nhận được: Một nhà bia tưởng niệm những người đã hy sinh trong sự kiện ngày 14-6-1972 (chủ yếu là học sinh, sinh viên trường Trung cấp Y và Trung cấp Sư phạm 7+3 của Thanh Hóa lúc bấy giờ) sẽ được xây dựng tại nơi xảy ra sự kiện đau thương này.

Gần 40 năm qua đi, nơi này vẫn chỉ là cỏ cây, sông nước đìu hiu. Chỉ có người thân của những người đã mất, đồng đội, bạn bè tìm đến đây thắp những nén hương để tri ân. Sự tri ân này phần nào sưởi ấm những linh hồn đã khuất và làm ấm lòng những người đang sống hôm nay.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.