Nỗi niềm nghề đốt than

Nỗi niềm nghề đốt than
TP - Mặc dù quen biết nhau khá lâu, nhưng khi tôi đặt vấn đề viết về nghề đốt than ở làng Thọ Hạ thì anh Trần Ngọc Huyên - Chủ tịch xã Quảng Sơn (Quảng Trạch (Quảng Bình)) chối bay chối biến. Thuyết phục mãi, anh mới đồng ý nhưng với điều kiện: “không nói xấu xã”.

Chiếc xe máy cứ chồm lên rồi khựng lại mấy lần, cuối cùng mắc kẹt giữa hai thanh đường ray. Bí quá tôi đành nhờ người khiêng qua. Bên kia đường sắt Bắc – Nam là làng Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Nhà của Chủ tịch xã Huyên nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo. Tiếp tôi bằng thứ nước được nấu từ lá rừng có vị ngai ngái. Giải thích về sự “không tạo điều kiện” của mình, anh Huyên ái ngại: “Nói thiệt với chú, không phải tui sợ liên quan trách nhiệm là đã để cho dân phá rừng mà chỉ sợ khi viết báo lên rồi, kiểm lâm họ làm căng thì dân tui chết đói”.

Tôi yêu cầu mục sở thị dân làng Thọ Hạ làm nghề, anh lắc đầu: “Có ba điều mà yêu cầu của chú không thể thực hiện được: Thứ nhất, sáng nay trời đổ mưa nên dân làng không vào rừng; thứ hai, đường đi quá xa và vất vả; thứ ba là...”.

Anh ậm ừ mãi không nói. Sau này khi tiếp xúc với dân, tôi mới hiểu điều khó nói của anh, rằng: Nếu ai đó cho tôi đi theo mà Kiểm lâm phát hiện được thì coi như bỏ nghề.

Đường làng ở Thọ Hạ là những lối mòn, cây dại hai bên vướng cả vào chân người đi. Thấy chủ tịch xã và người lạ vào nhà, chủ nhà đen nhẻm, gầy gò, chừng 40 tuổi. Ngôi nhà chừng 20m2, xây bằng bờ lô chưa tô trát, lợp tôn, không quạt điện, mặc dù giữa trưa nắng và chiếc chiếu chúng tôi ngồi cũng rách toác lòi cả nền đất.

Nỗi niềm nghề than

Chủ nhà có tên Trương Văn Tươi, sinh năm 1975, học hết lớp 5 anh bỏ học theo cha vào rừng làm nghề đốt củi lấy than. Năm 23 tuổi (1998), anh gặp chị Nguyễn Thị Thường (người ở ga Tân Ấp - huyện Tuyên Hóa) cũng vào rừng lấy củi, thấy thích nhau, thế là thành vợ chồng.

Về làm dâu làng Thọ Hạ, vợ anh bắt đầu học nghề của chồng. Hai vợ chồng cứ thế lầm lũi trong rừng kiếm sống bằng nghề đốt than. Sống với nhau được hai mặt con thì năm 2006 vợ anh đột ngột ra đi.

Kể đến đây anh Tươi ứa nước mắt, bùi ngùi nhớ lại: “Sau 4 tháng ở cữ, hôm đó vợ chồng tui cùng nhau vào rừng đốt than, đến tối mịt mới về tới nhà. Cho con bú xong, vợ tui kêu mệt không ăn cơm rồi lên giường nằm. Sáng ra, nghĩ là vợ mệt nên tui một mình vô rừng sớm. Chiều tối, gánh 2 sọt than quay về thì thấy nhà đông nghịt người… Vợ tui ra đi không lời trăng trối, không kịp nhìn mặt chồng. Sau này nghe các cụ trong làng nói, đàn bà non tháng mà làm việc nặng là như rứa”.

Sự ra đi đột ngột của người vợ trẻ khiến anh mất tinh thần. Suốt ngày vật vã bên nấm mồ của vợ, cả tháng anh không vào rừng. Thế rồi tiếng khóc đói cơm, đói sữa của hai đứa con thơ đã làm anh bừng tỉnh. Anh quay lại nghề cũ, dằng dặc những ngày dài lầm lũi trong rừng kiếm sống.

Đêm, dậy từ 3 giờ sáng, nấu cơm ăn và gói thêm cho phần buổi trưa. Khoảng 4 giờ sáng thì lên đường. Đi miết, đi miết trên con đường mòn quen thuộc cho đến khi mặt trời gần đứng bóng thì tới nơi. Chặt 15 vác củi, mỗi vác nặng khoảng 50 kg, tập trung về địa điểm đã được chọn trước và bắt đầu đào lò.

Nói là lò, chứ thực chất là đào một cái hố sâu chừng hơn nửa mét, rộng khoảng 3m2 rồi chất củi lên đốt. Vừa ăn cơm trưa, vừa chờ cho những thanh củi cuối cùng bén lửa thì xúc đất đổ lên. Công đoạn cuối là dùng cuốc xỉa cào cho đất và than trộn lẫn cho lửa tắt rồi nhặt từng cục than nóng hổi cho vào sọt. Gánh 2 sọt than về đến nhà cũng 7, 8 giờ tối.

Nỗi niềm nghề đốt than ảnh 1

Ông Thuật và những đứa cháu bên góc nhà của mình.
Ảnh: H.N

Anh Tươi tâm sự: “Vất vả thật, nhưng một ngày có 2 sọt than, ra chợ bán cũng được 60 ngàn. Gặp ngày may mắn thì có tiền để trang trải, còn không, như trời mưa, hay các bác kiểm lâm “không vui” thì coi như một ngày công toi”.

Hỏi về lịch sử của nghề đốt than, ông Trương Văn Thuật, năm nay 71 tuổi (bố của anh Tươi) cho biết: Nghề đốt than ở làng Thọ Hạ có từ khi lập làng đến nay.

Theo ông, nghề đốt than cũng có bí quyết riêng của nó. Để có được than tốt, phải chọn những cây gỗ chắc, kích thước đều nhau, một phần khô, hai phần tươi và khi xếp củi phải thật dày nhưng lại thoáng để lửa cháy đều. Công đoạn dập lửa cũng phải chọn đúng thời điểm, nếu không than sẽ bị già thì khi dùng than nhanh tàn, bị khói. Than bán được đắt hay rẻ là tùy thuộc nhiều vào công đoạn này.

Ông tâm sự: “Vợ chồng tui đẻ được 6 đứa con, thì cả 6 đều theo nghề ông cha để lại. Từ khi vợ thằng Tươi mất là tui phải ở nhà để giữ cháu. Xưa, một ngày đi được hai ba chuyến than, bữa ni đi từ sáng đến tối mới được một chuyến. Đêm nằm cứ lo ngay ngáy, đời tui thì không nói làm chi, đời con, đời cháu sau ni không biết lấy chi mà sống. Rừng rú chặt lắm cũng hết”.

Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi vào nhà chị Trần Thị Nghĩa. Gọi là nhà nhưng đúng hơn là một cái lều. Vừa đi rừng kiếm củi về, thấy khách, chị cứ loay hoay mãi không tìm ra chỗ để mời khách ngồi. Ngôi nhà bé tí, chỉ đủ chỗ để 2 chiếc giường sát nhau, áo quần, chăn màn bừa bộn. Đứng ngay bậu cửa, chị kể về cuộc dời mình.

Chị sinh năm 1967. Năm 1989 lấy chồng người cùng làng. Sống với nhau được 10 năm, thì chồng chị lẳng lặng ra đi để lại cho chị 4 đứa con nheo nhóc. Nghề đốt than đã nuôi sống 5 mẹ con chị. Và nay, thì cậu con trai đầu và cô con gái thứ hai đã lớn và đi làm thuê, đủ nuôi sống bản thân.

Chị nhớ lại: “Ngày anh ấy bỏ đi mạ con tui cực lắm chú à, đứa đầu mới có 10 tuổi, còn con út mới được 2 tháng. Tưởng không sống nổi, rứa mà mạ con tui vượt qua được nhờ nghề đốt than”.

Chia tay chị Nghĩa, trên đường đi anh Huyên cho biết thêm: Quảng Sơn là xã miền núi, có 8 thôn với hơn 7.000 dân. Tỉ lệ hộ đói nghèo toàn xã chiếm 34,6%. Là xã miền núi, đáng ra thế mạnh phải dựa vào kinh tế rừng, nhưng dân làng đốt than hàng trăm năm nay nên chỉ còn lại toàn đồi trọc. Xã cũng đã có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân, nhưng làm gì thì cũng phải có vốn, quăng quật suốt ngày chưa đủ ăn lấy đâu ra vốn liếng mà đầu tư vào rừng.

Nỗi niềm nghề đốt than ảnh 2Hiện Thọ Hạ có trên 100 hộ làm nghề đốt than, ai cũng biết là phá rừng, là vi phạm lâm luật đó nhưng làm răng được, cấm thì dân lấy chi mà sống?Nỗi niềm nghề đốt than ảnh 3

Anh Huyên chua xót: “Thọ Hạ có trên 50% hộ đói nghèo và được xem là thôn nghèo nhất xã. Không nghèo răng được, trước mặt bị sông Rào Nan chia cắt, hai bên toàn đồi trọc, sau lưng thì đường tàu, Thọ Hạ nằm kẹt giữa, đi lại còn khó khăn nói chi đến phát triển kinh tế. Bình quân đầu người cả xã là 300m2 đất trồng lúa.

Mà đã cực lại còn cực thêm, trên 50% diện tích canh tác của Thọ Hạ không chủ động được nước tưới, nhờ trời là chính, có làm mà không có thu. Tìm nghề phụ cho dân thì xã không đủ năng lực, huyện và tỉnh cũng đang gặp khó khăn, vì hàng chục làng nghề truyền thống trong tỉnh đang phải đối mặt với sự mai một. Hiện Thọ Hạ có trên 100 hộ làm nghề đốt than, ai cũng biết là phá rừng, là vi phạm lâm luật đó nhưng làm răng được, cấm thì dân lấy chi mà sống?”.

Có một điều mà khi chia tay chủ tịch xã Huyên cứ năn nỉ là đừng viết lên báo, làm tôi cứ đắn đo suy nghĩ mãi. Rằng, một chuyến vào rừng của những người làm nghề đốt than ở đây phải “làm luật” thông đường, hoặc hằng tháng phải nộp xâu cho lực lượng giữ rừng. Ai đó mà “qua mặt các anh” thì đừng nghĩ đến chuyện đưa được hai sọt than về nhà.

MỚI - NÓNG