Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam

Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam
TP - Nước ta có một đại công trường mang nhiều chữ “nhất” mà đang dần bị quên lãng một cách không nên tí nào. Đó là công trường mở đường Hạnh Phúc tuyến Hà Giang - Đồng Văn (trên địa bàn tỉnh Hà Giang).

Công trường làm đường, phá đá vĩ đại nhất trong lịch sử, chinh phục cao nguyên cao nhất Việt Nam - cao nguyên Đồng Văn.

Các tài liệu chính thống cho biết: hàng vạn lượt người, trong 8 năm ròng (từ năm 1959 đến năm 1965), đã tay búa tay choòng phá đá một cách thủ công nhất, trong thời gian lâu nhất với 2 triệu ngày công, để mở gần 200km đường ôtô vào Đồng Văn – Mèo Vạc, nơi hoang sơ mà tự thuở hồng hoang đến năm 1965 vẫn có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ.

Nơi đó, phỉ vẫn tuyên truyền, bao giờ đá mọc trên đầu người được, con dê đực đẻ con được thì Việt Minh mới làm được đường vào. Đường mở trong thời phỉ đang hành hoành mổ bụng cán bộ, treo cán bộ lên cây làm bia tập bắn.

Và, để có được “Vạn lý trường thành” bằng đá ác liệt nhất trong lịch sử mở đường của nước nhà ấy, thanh niên xung phong của 18 dân tộc, thuộc 6 tỉnh Khu tự trị Việt Bắc đã làm việc quên mình với tinh thần cộng sản…

Tất cả các tài liệu địa lý đều khẳng định: cao nguyên đá Đồng Văn, mênh mông rợn ngợp đá là cao nguyên cao nhất Việt Nam. Đá hùng vĩ và khắc nghiệt đã tạo nên vẻ quyến rũ đặc biệt của các huyện miền Bắc núi đá tỉnh Hà Giang, gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang, tập 2 (1955-1975, xuất bản năm 2000) thì có nhiều sự kiện đau lòng đã diễn ra trong thời gian đại công trường đường Hạnh Phúc đang được thi công: “Ngày 14 tháng 12 năm 1959, chúng (phỉ) đánh chiếm Lũng Phìn (...) bắt và mổ bụng hai cán bộ thương nghiệp, bắn chết hai người dân địa phương.

Ngày 20 tháng 12 năm 1959, Phàn Chỉn Sài chỉ huy một toán quân đánh vào Na Khê, sau đó xuống Bạch Đích bắt hai cán bộ huyện treo lên cành cây làm bia cho bọn phỉ tập bắn”.

(Sđd, trang 141).

Những thước phim, những tấm ảnh kỳ khu và đắm đuối về cao nguyên đá đã ngày càng mời gọi được nhiều “fan” hâm mộ cổng trời - vực sâu - dốc núi - cua tay áo - cua ba bốn đỏ đem lại cảm giác mạnh cho người khám phá. Xúc cảm mang tầm vóc vũ trụ.

Nhưng ít khi chúng ta đặt câu hỏi: Ai, và bằng cách nào đã làm nên đại công trình xuyên gần 200km toàn những đá dựng trời ấy để cho bạn lái xe veo veo du thám Đồng Văn – Mèo Vạc (thay vì đi bộ cả tháng trời)? Cũng ít ai biết, ở gần huyện lỵ Yên Minh, có cả nghĩa trang Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, nơi có di cốt của những anh hùng tử nạn vì đá, cách đây nửa thế kỷ…

Xin nhắc lại: Hơn 2 triệu ngày công đã được bỏ ra để chiến thắng biển đá này. Hàng nghìn thanh niên xung phong của 6 tỉnh và bà con dân công đã lao động suốt 8 năm trời khảm đường vượt đá cho xe bạn bon bon hôm nay.

Tôi đã sững sờ khi đọc tấm bia lớn dựng trên đỉnh Mã Pí Lèng vòi vọi trong mây mù, án ngữ giữa hai huyện Đồng Văn - Mèo Vạc. Bia viết: “Nhân dân vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng khi về Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/9/1959; ngày hoàn thành 10/3/1965.

Thành phần mở đường gồm bà con của 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao Bắc Lạng - Hà Tuyên Thái- Nam Định - Hải Dương. Riêng dốc Mã Pí Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”.

Những dòng chữ khiêm tốn, giản dị, mờ tỏ trong mây mù ở cái nơi mà nhìn sông Nho Quế chỉ bé như sợi chão vắt ngang các triền thung lũng xanh như có như không ấy chỉ là lát cắt tí tẹo của một cuộc trường chinh dài dằng dặc của tuổi trẻ Việt Nam chiến thắng sự khốc liệt của đá.

Và đau xót hơn là ở chỗ: tôi đã liên lạc với các bảo tàng, kể cả bảo tàng Việt Bắc (tư liệu về khu tự trị Việt Bắc cũ), đã đọc kỹ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang, mà hầu như không tìm được tư liệu gì về 11 tháng treo mình trên vách đá để mở được một khúc đường dốc ở Mã Pí Lèng, về 8 năm của hàng nghìn người với 2 triệu ngày công ăn đói mặc rét, “rải rác biên cương mồ viễn xứ” (theo đúng nghĩa đen) để hoàn thành đường Hà Giang – Mèo Vạc. Tôi thấy mắc nợ những người hùng phá đá, mắc nợ thế hệ sau, nếu không nhắc ai đó sớm sưu tầm về lịch sử tuyệt vời của trang sử đá kỳ vĩ nhất xứ sở này.

Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam ảnh 1
“Giải phóng đôi vai” bằng cách vận chuyển đất bằng băng - ca

Sau nhiều chuyến bôn ba các tỉnh của khu tự trị Việt Bắc cũ (gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn), tôi đã có trong những tấm ảnh ố cũ và cả trăm trang tư liệu từ lời nói của các nhân chứng trực tiếp chỉ huy, đánh đá mở đường, những người đều đã ở tuổi cổ lai hy, nhiều người gần đất xa trời.

Chuyện bắt đầu từ trước cái mốc khởi công đường Hạnh Phúc (cái tên rất ý nghĩa do Trung ương đặt) vào năm 1959. Bấy giờ, dẫu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc nước ta khỏi sự đô hộ của giặc Pháp đã 5 năm, 8 vạn đồng bào của chúng ta ở phía sau mấy cái cổng trời của cao nguyên Đồng Văn vẫn chưa bao giờ biết đến đường ôtô.

“Vua Mèo” (theo cách gọi dân gian) Vương Chí Sình đi họp Quốc hội dưới Hà Nội vẫn phải cho lính dõng khênh cáng suốt 3 ngày đêm mới ra khỏi mấy cái cổng trời để về thị xã Hà Giang ngày nay.

Thiếu một con đường, đó là nguyên nhân quan trọng của đói nghèo, mông muội, và cả những lầm lạc của các thế lực phản động mà bấy giờ lịch sử đã và đang phải chứng kiến. Trung ương quyết định cho mở con đường qua biển đá dữ dằn thách thức ấy, lấy tên là đường Hạnh Phúc. Mọi công việc giao cho Khu tự trị Việt Bắc tính toán.

Người trực tiếp đi khảo sát tuyến, “ngoại giao con thoi” từ tỉnh lên Khu để mở đường Hạnh Phúc là ông Phạm Đình Dy, trưởng Ty (nay gọi là Sở) Giao thông tỉnh Hà Giang.

Ông Dy, sau làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, giờ nghỉ hưu sống ở Hà Nội, vẫn nhớ như nguyên cái buổi cách đây gần tròn nửa thế kỷ ấy: Ông Xã (Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) gọi ông Dy lên và hỏi về cung cách mở đường Hạnh Phúc, với dấu hỏi băn khoăn “cái chỗ ấy khó quá, liệu có mở được đường ôtô vào không nhỉ?”.

Ông Dy là người được đào tạo bài bản về lĩnh vực giao thông, mở đường từ thời Pháp. Ông đã dắt một con ngựa, cầm theo một cái bản đồ sơ sài tỷ lệ 1/100.000 thời Pháp, đi thực địa một tháng trời trong các lối mòn chuột chạy dọc Hà Giang - Đồng Văn.

Trở về, ông báo cáo Bí thư Xã: huy động cả nghìn người làm việc liên tục, ít nhất phải 4-5 năm trời mới mở được đường ôtô vào trong Đồng Văn. Ông Đức, bấy giờ là Phó Chủ tịch tỉnh, kiêm trưởng Ty Công an nghe xong, thở hắt ra: làm quái gì mà kinh khủng thế. 160 cây số đường, là 16 vạn mét dài, ta huy động 16 vạn dân công, mỗi người mở 1m đường, chỉ ít ngày là xong!

Còn trong dư luận thì bọn chống phá cách mạng nó bảo: làm đường vào Đồng Văn khó như mở lối lên trời, cả “vua Mèo”, cả người  Pháp bao năm dòm ngó vựa thuốc phiện lớn và “ngon” nhất Đông Dương ở Đồng Văn nó cũng còn chả mở được đường nữa là.

Nỗi niềm trang sử đá kỳ vĩ nhất Việt Nam ảnh 2

Mọi người hơi hoang mang, mới bảo nhau về xin ý kiến của các chuyên gia hàng đầu của Bộ Giao thông, của cấp trên (Khu tự trị Việt Bắc). Phó Bí thư Khu ủy (bấy giờ là ông Phong), mới bảo: khó khăn quá vậy, phải có “quyết sách” huy động thanh niên xung phong và dân công 6 tỉnh của toàn khu, “húm” vào giúp Hà Giang mở đường cho 8 vạn đồng bào thiệt thòi chưa bao giờ trông thấy cái ôtô trên cao nguyên Đồng Văn.

Con đường được khởi công  ngày 10/9/1959, bắt đầu Km số 0 ở cầu Gạc Đì, rìa thị xã Hà Giang; bắt đầu những ngày lao động xả thân, với những gian khó và hy sinh, mà chính những người chỉ huy và thi công không thể ngờ được.

Lưu lượng lúc nào cũng là 1.000 thanh  niên xung phong (TNXP) và khoảng 1.000 dân công nghĩa vụ. Họ “làm ngày làm đêm, làm thêm tý gà gáy”, “luyện tay thành chai, luyện vai thành ụ” để phá đá. Cả công trường chỉ có 2 cái ôtô tải cũ làm phương tiện, không một máy khoan hay bất cứ dụng cụ hỗ trợ hiện đại nào.

Chỉ có phương pháp thủ công: một tay nhét choòng (như cái xà beng 8 cạnh) vào, một tay cầm búa, nện xuống để đục lỗ trên các vỉa đá. Rồi nhét thuốc nổ vào, đánh vỡ các phiến đá. Khiêng đá lên, đập đá, xếp thành con đường có bề rộng 4,5m cho ôtô lăn bánh. Ngày nọ qua ngày kia, năm nọ qua năm kia, hàng nghìn người tiến từng xăng ti mét phá đá tiến dần suốt 8 năm mới vào đến Mèo Vạc.

Những Thạch Sanh đi kiếm củi và Kiện tướng đục lỗ choòng

Cuộc sống ở sau mấy cái cổng trời vốn đã vô cùng khắc nghiệt, nóng cháy và lạnh dưới không độ, đá lăn nghiền nát thi thể và sơn lam chướng khí giữa rừng thiêng đã làm nhiều người trẻ gục ngã.

Ông Trịnh Văn Đảm, một TNXP mở đường Hạnh Phúc đang sống tại Hà Giang giữ cuốn sổ cũ, ghi tên 12 người đồng đội đã ngã xuống; ông Đàm Văn Kiềm, một TNXP của đại công trường kể trên, đang sống ở TP Lạng Sơn, cũng giữ “sổ tử” của ít nhất 6 đồng đội quê xứ Lạng của mình đã hy sinh cho con đường Hạnh Phúc được khai sinh.

Người còn sống trở về, trong không khí ai cũng đốt mình trở thành một Pa-ven xả thân cho cộng đồng, họ tiếp tục hồ hởi lên đường nhận nhiệm vụ mới theo tiếng gọi non sông. Không đòi hỏi, không so đo. Nhưng rồi, càng ngày họ càng thấy 8 năm trời là gần ba nghìn ngày tuổi trẻ, tuổi trẻ của họ đã gắn bó máu thịt với địa đầu Hà Giang.

Công trường mở đường phá đá kỳ vĩ, tráng lệ nhất Việt Nam kia đã giữ phần đời hào sảng nhất của hàng nghìn người. Họ nhớ mồ hôi, nhớ máu của mình, nhớ sự hy sinh khi con đường còn dang dở của đồng đội mình.

Bà Viên Chi Anh (đang sống tại Lạng Sơn) nhớ y nguyên cái buổi: khi nghe thông tin “một nửa quân số ở lại đi công trường khác”, anh chị em, gần 300 người đã hào hứng chặn cả xe ô tô của ông Trưởng ty Giao thông Lạng Sơn lại để dâng kiến nghị cho tất cả được xông pha lên tuyến đầu Hà Giang - công trường gian khổ nhất.

Anh em lên lập lán giữa rừng, cầm choòng xách búa đi phá đá như Thạch Sanh. Nam thanh nữ tú quên mình cho công cuộc vực miền núi tiến kịp miền xuôi. Đoàn TNXP người Lạng Sơn là đông nhất trong 6 tỉnh của Khu tự trị. Họ sống kham khổ trong nỗi thèm khát rau xanh, trong những ngày đói vàng mắt vì đường sạt lở, xe tiếp phẩm không vào được.

Có anh ăn ngô sống trên nương, hoặc canh đậu lõng bõng, cháo loãng trừ bữa. “Hiếm ngọn rau xanh vì thiếu nước/ Bí đỏ muôn năm, vạn tuế su su và cải có lông”, thèm rau xanh giữa bốn bề rợn ngợp đá xám tai mèo, anh chị em đã “sáng tác” thơ như vậy. Không có rau xanh thì công trường vận chuyển bí đỏ và su su từ dưới xuôi lên ăn dè.

Hãi hùng nhất là cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Mạnh Thuỳ nhớ lại: Nước được chở về ban chỉ huy công trường (các lán) rồi người ta bỏ vào kho phân phát cho anh em.

Mỗi sớm, một người được 2 ca, đánh răng xong, số nước còn lại, được luân phiên “tái sử dụng” với một chu trình cực kỳ sáng tạo: rửa mặt, rửa chân (vì đi giày suốt một ngày rất… bốc mùi), giặt bít tất, tưới rau, mài rèn choòng, búa rồi mới đổ vào các lỗ choòng phá đá.

Mỗi ngày 2 ca/người, riêng phụ nữ, “thấy tháng” thì được ưu tiên thêm 1 ca (!). Đến lúc nước công trường cũng thiếu, anh chị em, mỗi A (tổ 12 người), hằng ngày phải cử một người ở nhà chuyên lo việc đi tìm nước. Họ đi mãi dọc các triền đá, theo bà con bản xứ, tìm những khe nước chảy ri rỉ, đợi cả buổi, được một gánh nước mang về.

Độ làm vào đến “dinh vua Mèo” ở Sà Phìn, ông Kiềm nhớ lại : gặp mấy cái vũng nước mưa đen ngòm toàn cung quăng bọ gậy, anh chị em khát quá, bảo nhau dùng vải màn lọc dăm ba lần cho hết tiệt cung quăng rồi đun nước lên uống. Có lần, chị em đánh rơi miếng xà phòng hôi xì vào vũng nước, cả đội vẫn bảo nhau cố nhắm mắt dùng nước ấy ăn uống tạm, còn hơn là chết khát. Khát sợ hơn đói.

Đêm  ngủ, khi có kẻ xấu vào quấy phá, sờ soạng chị em, anh em phải cắt cử nhau bồng súng canh gác suốt đêm. Công trường đang hăng hái, thì xảy ra vụ “đóng cổng trời nổi phỉ”, hàng nghìn người vẫn hăng say lao động và sẵn sàng chiến đấu. 

Không khí thi đua tới mức, anh chị em thành lập nhiều đội văn nghệ cây nhà lá vườn hát với nhau rất xôm, thành lập các đội Thạnh Sanh đi lấy củi, tổ chức các bễ thợ rèn “chế tác và phục hồi” các dụng cụ thô sơ ngay tại lều lán, tổ chức các buổi thao diễn cả đại công trường bầu ra “Kiện tướng đục lỗ choòng” (đục đá để nhét mìn vào).

Lịch sử có lẽ không nên quên một sự kiện thú vị, riêng đoàn Lạng Sơn đã có hai kiện tướng là: Lôi Quang Hải người ở thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng. Trong khoảng 7 tiếng đồng hồ dùng xà beng khoan vào lòng đá, ông Hải đục được hệ thống lỗ choòng tổng cộng có chiều sâu tới 4,2m.

Đó là “tráng sỹ” vô địch toàn công trường. Kiện tướng đục lỗ choòng! Người tiếp ngay sau “bảng xếp hạng” là Lý A Pủn, người Lục Bình với thành tích cũng suýt soát như vậy. Không khí thi đua tới mức, ai làm tốt, có người theo dõi, chuẩn bị, buổi tối đã nhận được… bằng khen của cấp trên.

Công trường còn tổ chức triển lãm về tấm gương chặt tay mình để tiếp tục chiến đấu của anh hùng La Văn Cầu, tấm gương đội đất đến trụi tóc mây của nữ anh hùng Phạm Thị Vách, về các phong trào tầm cỡ quốc gia lúc bấy giờ như Cờ Ba Nhất, gió Đại Phong, sóng Duyên Hải…

Là thiếu nữ hoa khôi của công trường, bà Viên Chi Anh vẫn xung phong, cắm cả chục xà beng chi chít vào các vách đá cao, treo mình lên đó, tay cầm búa và cầm tới 3 cái “mức choòng” để đục đá.

Đục được lỗ choòng loại dài 30cm, lại tay cầm vững búa, tay rút choòng dài 60cm rồi 1,2m tiếp tục đục khoét sâu vào ruột các vách đá. Có khi khoan xong 3 lỗ đã hết  1 ngày treo mình giữa mưa gió, mây mù của cao nguyên cao nhất Việt Nam.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...