Nông thôn mới- Chuyện lạ ở Hóc Môn

Cô trò trong “ngôi trường trăm tỷ” ở xã Nhị Bình
Cô trò trong “ngôi trường trăm tỷ” ở xã Nhị Bình
TP - Chương trình Nông thôn mới tại TPHCM đã tạo ra nhiều điểm nhấn ở ngoại thành, bộ mặt huyện Hóc Môn nhiều thay đổi trong những năm qua và người dân bắt đầu hưởng lợi từ các công trình được đầu tư khá mạnh tay. Nhiều nét biến đổi không ngờ ở vùng đất ven đô.

Một xã đầu tư gần 600 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới!

Chúng tôi về thăm xã Nhị Bình, một xã vùng sâu của huyện Hóc Môn, TPHCM và ngạc nhiên thấy hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đã có những bước tiến vượt bậc. Nơi chúng tôi tới đầu tiên là trường Tiểu học Võ Văn Thặng cao tầng rất khang trang và được cô hiệu trưởng cho biết trường được xây dựng với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Hơn 1.000 học sinh đang theo học tại trường. Một giáo viên đưa tôi vào thăm các cháu và cô cho biết: “Trước kia nhiều cháu không đi học, nhưng từ khi trường xây dựng khang trang, tất cả các cháu đều được đến trường”. Lớp học của cô Diễm Thúy là lớp 1 nhưng có em đã 9 tuổi, và lần đầu tiên được cắp sách nhập học.

Đoàn chúng tôi với hàng chục phóng viên báo đài cũng được mời sang thăm trạm y tế xã nơi thực hiện bảo hiểm y tế cho gần 75% dân trong xã. Hệ thống máy móc khám chữa bệnh khá hiện đại với cả máy siêu âm hiện đại. Trong xã có hai trạm cấp nước và 100% các hộ được dùng nước sạch. Hơn 300 hộ chăn nuôi trâu bò thì 90,5% số hộ có quy trình xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

“Chúng tôi đang sản xuất có lãi, hiệu quả cao. Người dân làm rau không kể đêm, ngày, thu nhập cao hơn đi làm công nhân. Nhưng đất đai của các thành viên HTX đều thuộc quy hoạch khu công nghiệp”.

Đại diện HTX Nông nghiệp

Trước khi thực hiện chương trình Nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân trong xã Nhị Bình là 17,2 triệu đồng/người/năm, đến nay thu nhập hơn 41,5 triệu đồng/người/năm. Xã có HTX thương mại dịch vụ, HTX cá sấu giống, 4 tổ hợp tác sản xuất rau, sản xuất nhang, trồng hoa, cây cảnh. Bình quân sản xuất nông nghiệp đạt 127 triệu đồng/ha/năm.

Ông Trần  Văn Chiến, chủ tịch xã cho chúng tôi biết con số vốn đầu tư đã thực hiện cho chương trình Nông thôn mới tại xã Nhị Bình là hơn 595,9 tỷ đồng. Trong số vốn này thì vốn ngân sách chiếm tới 66,9% (hơn 397 tỷ đồng) còn lại là doanh nghiệp và vốn vay tín dụng. Nhân dân đóng góp hơn 98 tỷ đồng (chiếm 16,46%).

Học sinh trong huyện tăng gấp đôi

5 năm thực hiện Nông thôn mới ở huyện ngoại thành Hóc Môn không phải là dài, nhưng có thể nói chương trình này đã làm sống lại một vùng đất ngoại thành gần như “bị quên lãng” trong quá trình đô thị hóa. Đơn cử trong lĩnh vực giáo dục, theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của huyện Hóc Môn: “Năm năm qua, quy mô giáo dục của huyện được duy trì ổn định và phát triển. Số trường học tăng 16%, số học sinh tăng 51%, giáo viên tăng 32%”.

Sở dĩ có những con số tăng đột biến về giáo dục là vì 10 xã thực hiện Nông thôn mới đều có đủ ba cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Huyện có 62 trường học thì có 49 trường đạt chuẩn quốc gia các loại.

Nông thôn mới- Chuyện lạ ở Hóc Môn ảnh 1

Người dân hiến đất xây dựng đường ở xã Xuân Thới Thượng. Ảnh: T.N.A

Một huyện nông thôn, nhưng Hóc Môn có 2 siêu thị Co.op-mart, chưa kể 13 chợ. Giá cả cạnh tranh, việc tiêu thụ và sản xuất cũng tiến bộ với nhiều mô hình hiện đại như nuôi bò sữa cung cấp sữa tươi và sản xuất rau sạch cung cấp cho siêu thị. Anh Việt, một nông dân nuôi 20 con bò sữa cho biết, mỗi ngày anh thu được khoảng 1,4 triệu đồng tiền sữa, trừ chi phí anh lãi 40%. Anh nói: “Bên công ty đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe, nhưng chúng tôi cũng cố gắng đáp ứng”. Trong xã Tân Hiệp của anh có trung tâm thu gom sữa, giúp nông dân không phải đi xa. Người phụ trách trung tâm nói với chúng tôi: “Hàng trăm hộ tập trung nuôi bò sữa, mỗi ngày chúng tôi thu được hơn 8 tấn sữa tươi”.

Có lẽ ấn tượng dễ thấy nhất khi về huyện Hóc Môn đó là hệ thống đường giao thông được thay đổi, cải tạo, kiên cố. Người dân hiến 272.666m2 và nhiều vật tư làm đường, tương đương số tiền hơn 555 tỷ đồng. Một người dân ở xã Xuân Thới Thượng cho biết, con đường 300m chạy qua nhà anh trước kia chỉ rộng 1m, nhưng giờ đây người dân đã cùng nhau đóng góp mở con đường rộng 5m, rải nhựa. Chính con đường này đã làm cho giá đất mặt đường trong thôn từ chỗ chỉ 500.000đồng/m2 nay có giá 5 triệu đồng/m2!

10 xã xây dựng Nông thôn mới không còn nhà tạm dột nát. 96,5% nhà cửa ở đây đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng với bình quân diện tích xây dựng 22m2/người.

Con số thống kê cho thấy năm 2010 toàn huyện Hóc Môn có 11.062 hộ nghèo, với 49.113 nhân khẩu (thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm). Một con số thu nhập rất thấp đối với vùng ven TPHCM, nơi giá cả đắt đỏ. Tính đến 6/2015, mặc dù chuẩn hộ nghèo của thành phố đã nâng lên mức 16 triệu đồng/người/năm, nhưng số hộ nghèo của Hóc Môn chỉ còn 535 hộ. Với thời gian chỉ 5 năm đã có 15.125 hộ dân thoát nghèo.

Nông thôn mới không có ruộng

Huyện Hóc Môn đang đứng trước sức ép đô thị hóa rất lớn, khi huyện nằm giáp ranh với các quận nội thành. Nhiều dự án xây dựng được triển khai, nhiều dự án khác nằm trong quy hoạch. Tiếng là Nông thôn mới, nhưng ruộng đất và người làm nông ngày càng ít đi.

Chúng tôi về thăm xã Xuân Thới Thượng, một trong những xã điểm thực hiện Nông thôn mới của huyện. Tiếp chúng tôi, đại diện của HTX nông nghiệp dịch vụ Ngã ba Giòng nói: “Chúng tôi không có trụ sở, sinh hoạt tạm nay đây mai đó”. Hợp tác xã có 52 xã viên, phụ trách 28ha trồng rau quả, gia vị sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP và toàn bộ sản phẩm qua sơ chế đều tiêu thụ vào siêu thị. 9 tháng qua họ đã tiêu thụ được 9,7 tỷ đồng sản phẩm của nông dân trên địa bàn. Ông Yên, lãnh đạo HTX nói: “Mô hình chúng tôi đảm bảo chất lượng, uy tín, mỗi năm sản xuất 3.500 tấn rau sạch cho siêu thị, nhưng đất đai không có, toàn canh tác trên đất đã được quy hoạch làm khu công nghiệp”.

Nông thôn mới- Chuyện lạ ở Hóc Môn ảnh 2

Sản xuất rau sạch theo mô hình HTX

Bà Cao Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng nói: “Chúng tôi còn hơn 1.000 hội viên nông dân. Theo quy hoạch thì xã chúng tôi không còn đất sản xuất nông nghiệp nữa. Hiện nay đất đai bà con canh tác là nằm trong các dự án quy hoạch treo từ năm 2005 đến nay mà thôi”.

Xã Xuân Thới Thượng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới và được UBND TPHCM công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2014. Tuy vậy, xã Nông thôn mới này sẽ không còn đất nông nghiệp thì cuộc sống của người nông dân sẽ ra sao? Bà Cao Thị Hòa nói: “Nguyện vọng của người nông dân là nếu các dự án treo, hàng chục năm không thực hiện thì nên giao lại đất cho nông dân canh tác. Hiệu quả của sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay rất tốt và người dân có công việc và thu nhập rất ổn định”. Đại diện HTX nông nghiệp thì cho biết: “Chúng tôi đang sản xuất có lãi, hiệu quả cao. Người dân làm rau không kể đêm, ngày, thu nhập cao hơn đi làm công nhân. Nhưng đất đai của các thành viên HTX đều thuộc quy hoạch khu công nghiệp nên Sở NN&PTNT không tái chứng nhận VIETGAP cho các sản phẩm của chúng tôi nữa”.

            9/2015

56 xã thực hiện xây dựng Nông thôn mới tại TPHCM đã nhận được ngân sách từ Trung ương là 20,23 tỷ, từ ngân sách thành phố là hơn 6.084 tỷ đồng (chiếm 32,39%), vốn Nông thôn mới là hơn 5.133 tỷ đồng, vốn tín dụng 6.483 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 805 tỷ đồng, vốn dân là 5.392 tỷ đồng.  Giá trị sản xuất bình quân trên héc ta năm 2014 đạt 325 triệu đồng/ha/năm tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị thu hẹp. Thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 3,34 triệu đồng/tháng, thu nhập ở thành thị 4,12 triệu đồng/tháng.       

(Nguồn: UBND TPHCM)

MỚI - NÓNG