Nữ chủ trại tỷ phú

Nữ chủ trại tỷ phú
TP- Hàng năm, trang trại chăn nuôi của các chị đón rất nhiều khách đến thăm để học hỏi kinh nghiệm. Hai chị đã biến vùng đất trũng hiệu quả kinh tế thấp thành những trang trại chăn nuôi lớn nhất vùng Kinh Bắc.

Đó là chị Phùng Thị Hải và Nguyễn Thị Hoãn ở  thị trấn Thứa (Lương Tài, Bắc Ninh).

Trở thành tý phú từ 100 con ngan

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo trải nhựa dẫn chúng tôi đến trang trại của chị Phùng Thị Hải ở thôn Táo Đôi (thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh). Trước mặt chúng tôi là một trang trại khang trang, sạch sẽ. Bên trên là những dãy nhà nuôi ngan, gà, còn bên dưới là ao nuôi cá.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trang trại, chị tâm sự: “Khi bắt đầu xây dựng trang trại chăn nuôi tôi như ngồi trên đống lửa. Cái gì cũng thiếu, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu kiến thức về chăn nuôi. Toàn bộ của cải gia đình  đổ hết vào trang trại, nếu làm ăn thua lỗ thì trắng tay.

Nên mình học hỏi ở mọi nơi, mọi lúc, khi huyện, tỉnh mở lớp tập huấn về chăn nuôi đều tham dự. Nghe thấy ở đâu có mô hình trang trại chăn nuôi có hiệu quả cao tôi tìm đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm. Cũng lo lắm nhưng đã quyết là làm”.

Trước khi đến với nghiệp trang trại, gia đình chị chỉ có sáu sào ruộng, hai vợ chồng làm vất vả cả ngày lẫn đêm nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Thêm vào đó, chị phải lo cho các con ăn học, gánh nặng kinh tế ngày càng đè nặng lên đôi vai. Chị đã tìm đến nghề chăn nuôi, để có tiền nuôi các con ăn học và góp phần đưa kinh tế gia đình đi lên.

Mới đầu, chị ra chợ huyện mua 100 con ngan  về nuôi rồi gây thành ngan sinh sản, sau đó là ấp trứng để bán con giống. Nhưng  khi mang con giống ra chợ bán thì mọi người đều lắc đầu từ chối. Chị nhận thấy giống ngan mà mình bán không được thị trường ưa chuộng. Bởi thời gian nuôi dài, lại nhẹ cân nên giá trị kinh tế không cao.

Từ nhận định đó, chị quyết định phải  đi theo hướng khác có hiệu quả hơn. Sau bao đêm thao thức, hai vợ chồng chị khăn gói lên Viện Chăn nuôi T.Ư để được tư vấn về giống cũng như kỹ thuật chăn nuôi. Chị mua 200 con ngan giống của viện về nuôi thử.

Đến khi có con giống chất lượng tốt thì cái khó là quảng bá ra thị trường. “Tôi cùng chồng đạp xe đến tận những nơi xa như: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng… gõ cửa từng đại lý bán cám, các hộ chăn nuôi để giới thiệu con giống. Tối đến, tôi lại cần mẫn chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh bên đàn ngan giống của mình đến khuya mới đi ngủ” - Chị Hải nói.

Kể từ đó khách hàng chủ động đến tận nhà chị để mua con giống. Đàn ngan giống từ 200 con lên 400 con rồi 1.000 con. Những thành công bước đầu đã giúp người phụ nữ giàu nghị lực thêm tự tin chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình sang làm kinh tế trang trại với quy mô lớn.

Năm 2003, chị Hải mạnh dạn thế chấp cả “sổ đỏ”, vay thêm tiền của anh em trong nhà để thuê 4 ha đất trũng, cải tạo vùng đất hoang mỗi năm chỉ cho một vụ lúa thành trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.

Chỉ tay vào trang trại rộng lớn của mình chị nhớ lại: “Ngày trước, nơi đây chỉ là vùng đất trũng, cỏ dại mọc um tùm, gần như bỏ hoang. Để có được trang trại khang trang như ngày nay, hai vợ chồng tôi cùng mười người khác làm việc không quản đêm ngày hết đào ao lại đến đắp bờ để xây dựng cơ ngơi này.

Có khi ngày mình phụ giúp anh em sách từng xô vữa để xây chuồng trại, đêm về hai vợ chồng lại hì hục đào ao”. Khi lứa ngan đầu tiên của trang trại đẻ trứng, cầm quả trứng trên tay chị không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.

Niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi buồn ập đến với chị, đợt ấp trứng đầu tiên vì chưa nắm vững kỹ thuật nên hơn 600 quả trứng bị hỏng sạch. Thất bại đó không làm chị nản chí.

Chị vừa làm vừa rút ra những bài học kinh nghiệm. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hải nhẩm tính: Đến nay trang trại của mình có 10.000 con gà, 2.000 con ngan, 4 mẫu ao nuôi cá, đà điểu 150 con cả nuôi sinh sản và nuôi lấy thịt, 800 cây nhãn.

Năm 2007 chị thu về 1,7 tỷ đồng trừ chi phí chị lãi 400 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 900 nghìn đến 1,5 triệu đồng.

Từ trang trại của chị, mô hình kinh tế vườn ao, chuồng được nhân rộng ra khắp huyện. Chị sẵn sàng cung cấp con giống, chia sẻ kinh nghiệm với các chị em trong huyện. Nhờ vậy mà nhiều gia đình đã thoát nghèo như anh Hưng, chị Mai, anh Quân ở xã Phú Hòa...

Kể từ năm 1997 đến nay, chị luôn nhận được bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh về tấm gương làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, năm 1999 chị được Thủ tướng trao bằng khen gia đình chăn nuôi giỏi. Tháng 9/2006 ông Nguyễn Thế Thảo, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh  khi đến thăm đã khen ngợi mô hình kinh tế trang trại của chị.

Trang trại cho doanh thu 2 tỷ đồng/năm

Cách trang trại của chị Hải 4 km, là trang trại nuôi lợn của chị Nguyễn Thị Hoãn, thôn Nghĩa La (thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh). Chị Hoãn giống với khách tham quan trang trại hơn là một người hàng ngày phải vật lộn chăm sóc hàng nghìn con lợn.

Nữ chủ trại tỷ phú ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Hoãn

Bà chủ trang trại nói: “Tôi vốn không phải là nông dân, làm trang trại nuôi lợn không chỉ muốn làm giàu cho bản thân mà còn là tình nghĩa với quê hương. Tôi muốn làm cho quê nhà ngày càng giàu đẹp hơn”.

Chị Hoãn đến với nghề nuôi lợn là cái duyên, cái nợ với quê nhà. Vốn là giáo viên dạy tiểu học ở xã Trung Chính (thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh), chị về nghỉ sau 16 năm công tác trong ngành giáo dục.

Chồng và con chị đều sống trên Hà Nội. Con trai đầu đang là Giám đốc Cty TNHH, con trai thứ hai đang du học ở New Zealand.

Điều kiện vật chất đủ cho chị sống an nhàn ở thành phố khi về hưu. Nhưng ở Hà Nội được vài tháng, nỗi niềm nhớ nhung về mảnh đất đã gắn bó với chị hai mươi năm ngày càng da diết. Bao đêm chị trăn trở không ngủ được.

 “Khi còn dạy học ở Thứa, tôi nhận thấy cuộc sống của người dân chủ yếu là thuần nông, chỉ trông chờ vào cây lúa nên còn nhiều khổ cực. Một phần không nhỏ đất bỏ hoang chỉ trồng một vụ lúa nên rất lãng phí.

Đến nay, trang trại của chị Hoãn có gần 100 con lợn nái sinh sản, hơn 4.000 con lợn thịt, 2.000 con vịt, 4 mẫu ao. Theo giá thị trường hiện nay, chị nhẩm tính tiền thu từ lợn mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng, tiền từ bán trứng vịt là 90 triệu đồng...

Mỗi năm, 4 mẫu ao chị thu từ 10 đến 11 tấn cá, giá trị khoảng 200 triệu đồng. Như vậy mỗi năm trang trại của chị thu về hơn 2 tỷ đồng, chưa kể tiền thu từ cây ăn quả.

Thêm vào đó, mình vẫn còn trẻ, vẫn có thể lao động nên tôi quyết định bỏ Hà Nội về vùng quê Lương Tài làm trang trại nuôi lợn.

Một phần là để sử dụng hiệu quả quỹ đất ở đây, phần nữa là để thử sức mình. Tôi muốn làm điều gì đó có ích cho mảnh đất nơi đây” - Chị Hoãn tâm sự.

Khi quyết định mở trang trại nuôi lợn ở quê, chồng và con chị phản đối kịch liệt. Nhiều người nói chị có “vấn đề”, ở thành thị sung sướng chẳng muốn, lại muốn về quê làm nông dân cho khổ. Vượt qua những lời bàn tán của mọi người, chị kiên trì thuyết phục chồng con.

Năm 2000 chị quyết định đem toàn bộ số tiền mình tích cóp được, cộng với tiền vay ngân hàng để đầu tư để xây dựng trang trại nuôi lợn. Chị thuê 2 ha đất ruộng trũng hiệu quả kinh tế thấp, cải tạo xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá.

Ròng rã suốt 7 tháng, chị cùng những người làm thuê đào từng xẻng đất để xây dựng trang trại. Bên trên chị xây chuồng để nuôi lợn, ở dưới đào ao thả cá. Thức ăn thừa và chất thải của lợn được tận dụng để nuôi cá dưới ao. Xen kẽ giữa chuồng nuôi lợn và ao nuôi cá chị trồng cây ăn quả như đu đủ, nhãn…Với mô hình trang trại khép kín, chị đã tận dụng tối đa quỹ đất mình có.

Nhưng nghề nuôi lợn cũng không dễ dàng chút nào, hàng ngày phải luôn chân, luôn tay dọn dẹp vệ sinh cho hàng nghìn con lợn, hứng chịu mùi hôi thối của phân lợn. Mỗi đêm chị phải thức dậy ba lần để kiểm tra đàn lợn. Thêm vào đó, nuôi lợn hay gặp rủi ro vì lợn rất dễ nhiễm dịch bệnh. Năm 2007 trại lợn của chị mắc dịch bệnh, toàn bộ số lợn trị giá tiền tỷ phải mang đi tiêu hủy.

Chị Hoãn ngậm ngùi: “Nhìn từng con lợn do chính tay mình vất vả chăm nuôi phải mang đi chôn, công sức, tiền của mình bỏ ra đến ngày thu hoạch lại bị mất trắng. Lúc đó, tôi tưởng không thể vượt qua, suốt mấy tháng trời không ăn, không ngủ. Nhưng mỗi khi nghĩ đến việc mình có thể làm giàu cho quê hương, tôi lại gạt mọi chuyện sang một bên  quyết tâm làm lại từ đầu”.

Đến nay, trang trại của chị có gần 100 con lợn nái sinh sản, hơn 4.000 con lợn thịt, 2.000 con vịt, 4 mẫu ao. Theo giá thị trường hiện nay, chị nhẩm tính tiền thu từ lợn mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng, tiền từ bán trứng vịt là 90 triệu đồng... Mỗi năm, 4 mẫu ao chị thu từ 10 đến 11 tấn cá, giá trị khoảng 200 triệu đồng. Như vậy mỗi năm trang trại của chị thu về hơn 2 tỷ đồng, chưa kể tiền thu từ cây ăn quả.

Hàng năm, chị Hoãn đón rất nhiều lượt khách ở các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng về tham quan mô hình trang trại. Từ năm 2004 đến nay, chị là thành viên tích cực của Câu lạc bộ chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội trang trại nông thôn Việt Nam.

Chị đã được hiệp hội đưa đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về làm trang trại ở nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc… Mặc dù thành công trong công việc của mình nhưng điều làm chị trăn trở nhất hiện nay là chưa thể phổ biến rộng khắp mô hình trang trại hiệu quả kinh tế cao đến nhiều chị em khác. Theo chị Hoãn, các chị em ở nông thôn thường có tư tưởng làm ăn nhỏ, không dám mạnh dạn đầu tư lớn nên cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi.

MỚI - NÓNG