Nụ cười nơi đầu thác

Nụ cười nơi đầu thác
TPCN - Chúng tôi cùng bơi thuyền ngược sông Đà. Khung cảnh Sơn La thực bí hiểm, núi non khúc khủy, thác bất trắc...
Nụ cười nơi đầu thác ảnh 1
Đi thuyền trên sông Đà

Cái dòng sông như một con thác lớn của Tổ quốc, khi nóng nảy lúc dịu dàng mộng mơ. Sông Đà, một phần của Tây Bắc thương nhớ, xa xăm, ngày mai sẽ thành cái đập nước nhân tạo mênh mông ghềnh thác chìm sâu hơn trăm mét.

Người bạn đồng hành của tôi rất ít nói.

Khác với những người đàn bà Thái thường hay tủm tỉm cười, khâu vá, hay đang cặm cụi tát nước giữa xuồng, thầm thì trò chuyện với nhau bằng đôi mắt rất cô đơn, thì người bạn đồng hành của tôi gọn nhỏ, thanh thoát, cực nhanh nhẹn.

Những lúc mệt mỏi ngồi thừ ra, nheo mắt nhìn những ngọn núi, những đỉnh núi rồi sẽ nằm trong cốt nước. Chẳng biết nghĩ gì.

Tây Bắc gian khổ và gần gụi.

Con sông Đà chạy qua Tây Bắc như một bảo tàng lịch sử lộ thiên, “nước chảy đá mòn”, qua cái nơi đã phát hiện ra “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới. Cái đập thủy điện Hòa Bình, nhấn chìm một số di tích lịch sử quan trọng dưới làn nước sâu của nó như các di tích Bản Phố, Cụm Đồn, Sập Việt. Điều đó làm nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy mang một món nợ.

Rút kinh nghiệm, lần này, trước khi làm đập thủy điện Sơn La Chính phủ đã giao cho các nhà khoa học khảo sát các di chỉ sẽ bị ngập chìm để tiến hành khai quật sớm. Ông Nguyễn Khắc Sử một chuyên gia khảo cổ khu vực Sơn La cho biết có 41 di chỉ trong khu vực lòng hồ sẽ được tiến hành khai quật trong thời gian tới đây.

Có lẽ công việc này cần được bắt tay thực hiện sớm hơn. Một cán bộ Bảo tàng Sơn La đã cho biết: “Dù chúng tôi đã có nhiều công văn gửi cho bên thi công nhưng chẳng hiểu thế nào mà di chỉ khảo cổ học Hua Lon ở Mường La chúng tôi, một nơi chế tác công cụ của người xưa, đơn vị thi công xúc ủi hết sạch rồi”.

Cô bạn rất thông thạo nơi này. Chẳng kém gì nhà xuồng - những con người điềm tĩnh. Những người khác co rúm cả lại khi xuồng va vào đá, cô bạn vẫn điềm nhiên ngồi tắm nắng, những hạt nắng sau cơn mưa rừng.

Nụ cười tủm tỉm, những cái quan sát nghiêm khắc nhưng kín đáo, vài ba sự quan tâm nho nhỏ.

Tôi nhớ người bạn đã đèo mình qua đèo Ô Quý Hồ bên Lai Châu. Tôi hỏi chị lên công tác trên này lâu chưa. Chị nói: “Em không chỉ lên trên này công tác đâu, em lên làm dâu Tây Bắc”. Tây Bắc quý người, có ngược mà ít có xuôi.

Tôi đã gặp chị Hợp, một người đàn bà cùng gia đình lên buôn bán ở những xã cuối Tây Bắc. Nhà chị có những con ngựa, cho thuê để chở đồ đạc, vải vóc vào bản. Chị khá “nổi tiếng”. Dũng, một hướng dẫn viên sừng sỏ ở Tây Bắc, đã đưa tôi lên đỉnh Phan Si Făng, cũng từng gặp người đàn bà tháo vát này và phục cung cách làm ăn “khoa học” của chị.

Rút cục chúng tôi cũng gặp nhau quần tụ nơi đáy đập thủy điện tương lai, nơi nhiều người dân và cán bộ đã dời đi những vùng phủ lỵ mới, những người còn lại, thì, có lẽ chưa dứt nổi mảnh đất giờ đây càng thêm thân thuộc, vẫn qua lại trên sông.

Họ hi vọng sẽ kiếm được một ngọn đồi nào đó, giữa hồ, quanh hồ, để lại dựng lên những cái nhà tranh kiểu miền xuôi, những đứa con lớn lên với hai thứ tiếng, những đứa cháu hai dòng họ “ngược, xuôi”.

Công việc điều tra lịch sử tộc người với số tiền đầu tư cho ba tỉnh lên tới hơn hai mươi tỷ đồng, hầu như chưa triển khai được gì, trong lúc có huyện đã động thổ xây dựng huyện lỵ mới và khá nhiều bản ở lòng hồ, nhất là ở huyện Quỳnh Nhai, đã di dân đến nơi ở mới.

Lịch sử của những người dân ven sông Đà đang có những xáo trộn đặc biệt, chính quyền tìm địa điểm dựng bản cho họ chứ không phải những người trưởng bản.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch xã Liệp Tè cho biết người dân trong xã rất mừng vì có đầu tư kinh phí để di dân, bình quân mỗi nhân khẩu được chừng mười triệu.

Bảo tàng Sơn La cũng được đầu tư một khoản tiền đáng kể để tư liệu hóa bằng sa bàn, chụp ảnh quay phim, rồi cắt bãi đá cổ Liệp Tè đưa về bảo tàng. Bãi đá này có nhiều hình vẽ quý mà người ta ngờ rằng đó là một thứ chữ cổ từng được dùng ở Tây Bắc nhưng rồi nó bị mọi người lãng quên.

Cuốn sách dày hơn 430 trang có tên: “Khảo cổ học tiền sử và sơ sử Sơn La” của Viện Khảo cổ học có đoạn viết: “Sơn La là tỉnh tìm thấy nhiều di tích thời đá cũ, phân bố trên cả hai loại địa hình: hang động và thềm sông cổ, không chỉ có mặt ở thềm cổ sông Đà mà cả sông Mã. Đây là một nét đặc thù về văn hóa giai đoạn cổ sơ nhất của con người trên đất Sơn La. Như chúng ta đã biết, trên lãnh thổ Việt Nam, các di tích thời đá cũ không nhiều và ở mỗi tỉnh thường tập trung một loại hình di tích hoặc ngoài trời như đã thấy ở Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Nghệ An hoặc chỉ trong các hang động, mái đá như Thái Nguyên, Hòa Bình”.

Từ trên sông Đà tôi đã gọi điện di động cho ông Sử, một người gắn bó nhiều năm với khảo cổ Sơn La, ông đang ở đâu đó trong cực Nam Trung Bộ. Nhà nghiên cứu này nói: “Văn minh thường tích tụ ở các dòng sông. Ngã ba sông Bạch Hạc, nơi có đền vua Hùng, chính là ngã ba hội tụ của các dòng sông lớn là sông Lô, sông Đà, sông Hồng”.

Tương truyền ngã ba sông ấy có cây Chiên Đàn, chim Bạch Hạc về đậu, gọi là ngã ba Bạch Hạc.

Có phải con chim trên trống đồng là con Bạch Hạc đó không? Hay nó còn là một biểu tượng nào đó của cuộc hội tụ văn minh mà giờ đây không dễ giải mã được?

***

Hết xuôi lại ngược. Cuộc mưu sinh của con người vừa bí ẩn vừa “hiện sinh” cụ thể với những tình huống của đời thường, của tồn tại.

Cuộc đời xuôi ngược trên sông, trong những làng bản. Làn da của cô bạn cùng xuồng nâu bóng, nhưng mịn màng. Những ngón tay búp măng của cô rất mềm mại.

Khuôn mặt lạnh lùng chai lì đôi khi chợt toát lên sự nghiêm nghị, như cô giáo trẻ.

Không nghi ngờ gì nữa, người bạn đồng hành của tôi là sự hòa trộn giữa hai dòng máu Thái và Kinh. Tôi không biết cô nói tiếng Thái như thế nào chỉ biết cô nói rất nhanh. Tiếng Kinh của cô là thứ tiếng phổ thông chuẩn.

Cái xuồng ghé vào mép núi để tôi lên bản, người bạn đồng hành chống chèo đưa tôi vào bờ. Nhà xuồng để cô làm việc ấy vì một lý do nào đó mà họ hiểu ngầm với nhau.

Tôi đứng trên vách núi Tây Bắc. Chiếc xuồng cũ nát tiếp tục chạy ngược lên, nó bé nhỏ và mỏng mảnh đến mức tội nghiệp, giữa dòng sông rộng và nhiều thác ghềnh.

Xa xa người bạn nơi rừng núi hiểm trở ngoái lại nhìn, như một ánh mắt của bạn bè đã quen thân nơi Tây Bắc. Nhoẻn miệng một nụ cười.

Những nụ cười như thế thì không ngành khảo cổ học nào “khảo” cho hết được, từ cuộc sống thầm lặng của một Tây Bắc cheo leo trên đầu những ghềnh thác.

   07/06

MỚI - NÓNG