Nụ cười Việt bên tượng thần Bayon

Nụ cười Việt bên tượng thần Bayon
TP - Có nhiều thú vị trên đường khám phá Angkor huyền bí. Đến đâu cũng gặp những nụ cười thân thiện, nhất là khi nhắc tới Việt Nam.
Một góc Angkor Wat
Một góc Angkor Wat .
 

Rắn thần Naga, bò trắng, dế cơm

Hướng dẫn viên du lịch Song Sray Lin, cộng tác viên của Saigontourist giới thiệu với mọi người trên xe về chiếc khăn cà ma truyền thống của đất nước chùa Tháp. Sau đó, cô hướng dẫn cách quấn khăn. Chẳng khác nào một diễn viên ảo thuật, trong tay cô, chiếc cà ma lúc trở thành nón che nắng, lúc trở thành khăn đội đầu, khi lại trở thành tấm vải huyền bí che thân thể nõn nà nếu cô xuống dòng Tonle Sap, đắm mình trong dòng nước mát lành.

Nụ cười duyên dáng dấu sau chiếc khăn cà ma , Song Sray Lin mê hoặc du khách bằng câu chuyện về những món ăn đặc sản của quê hương mình. Với hơn 70% diện tích đất còn hoang sơ, trồng cấy không sử dụng thuốc trừ sâu nên côn trùng ở đây sinh trưởng nhanh, phong phú về chủng loại nào dế , nhền nhện, bò cạp. Chúng được chế biến sử dụng trong nước và xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam.

Côn trùng không chỉ có trong bữa nhậu bình dân mà đã trở thành đặc sản trong khách sạn bốn năm sao ở Phnom Penh, Bangkok, Sài Gòn. Vào đầu mùa mưa, dân ở Cong Pong Thom, một đêm có khi bắt được 4 tấn dế cơm. Bẫy bắt dế giăng khắp đồng. Đây là nguồn lợi thiên nhiên mang lại lợi ích không nhỏ cho dân sở tại. Món dế cơm chiên giòn sớm chinh phục được thực khách bởi mùi thơm ngầy ngậy, béo mầm và được sinh sôi trong môi trường không ô nhiễm.

Để khám phá Angkor, đường từ cửa khẩu Mộc Bài tới Siem Reap dài hơn 500 km qua Cong Pong Cham, Cong Pong Thom... Theo lời Song Sray Lin, trên suốt tuyến này, không có trạm kiểm soát giao thông, không cảnh sát bắn tốc độ nên lái xe thoả sức chạy.

Nhưng chính những con bò thả rông chạy ngang đường là những biển báo hạn chế tốc độ hiệu quả. Nếu xe phóng nhanh đâm phải bò sẽ là cái hạn lớn. Nếu bò lăn quay trên đường hay gãy chân, giập sừng, lái xe đều phải đền cho chủ 200 đô- la, không có tiền hãy gửi xe lại về nhà lấy mang đến chuộc.

Một đàn bò đủng đỉnh sang đường. Hầu hết đều là bò trắng. Song Sray Lin giải thích : Trước năm 1975, ở Campuchia, bò có màu vàng. Sau năm 1975, khi chế độ diệt chủng Pol Pot tàn sát người dân, nhiều đàn bò cũng bị chúng hạ sát. Chúng lùa bò đi qua những bãi mìn. Mìn nổ. Bò tan xác. Kinh hoàng trước cái chết thảm của đồng loại , từ đó bò ở Campuchia đã chuyển sang màu trắng.

Thực hư câu chuyện bò đổi màu xin nhường các nhà nghiên cứu về động vật học nhưng tôi hiểu điều cô hướng dẫn viên du lịch muốn nói là, đến con vật cũng kinh hoàng trước tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot.

Chỉ tay về phía những cây thốt nốt còn xiêu vẹo, xõa lá trên cánh đồng trống trải đầy cỏ lác phía xa, Song Sray Lin giới thiệu, đó là Cánh đồng chết thuộc tỉnh Cong Pong Thom, lớn thứ 2 trên đất nước Campuchia. Dưới thời Pol Pot, trên khắp 24 tỉnh thành đều có Cánh đồng chết.

Lớn nhất là Cánh đồng chết cách Thủ đô Phnom Penh 15 km, nơi có những hố chôn tập thể tới 150 người. Thứ hai là ở đây. Đã hơn 30 năm hồi sinh nhưng nhiều hố chôn người tập thể vẫn được tiếp tục phát hiện trên đất nước này.

Ở Cong Pong Thom, cầu Rồng là một di tích giá trị còn giữ lại được. Cây cầu được xây dựng năm 1186, bằng đá tổ ong. Chỉ là những tảng đá ong xếp lại, vậy mà gần 10 thế kỷ, nó vẫn sừng sững trước thiên nhiên. Đầu năm 1979, khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giúp người dân thoát khỏi nạn diệt chủng, bọn Pol Pot đã đến đặt mìn nhằm phá hủy cầu.

Bên cầu, Rắn thần Naga bằng đá bỗng hóa thành rắn khổng lồ quật chết nhiều kẻ bất nhân. Lính Pol Pot dùng lửa để đốt cây cầu cùng rắn thần . Kỳ lạ thay, rắn khổng lồ quằn mình biến thành rắn đá, không ngọn lửa nào thiêu cháy được. Lính Pon Pot kinh hoàng bỏ chạy. Câu chuyện mang nhiều yếu tố thần thoại ấy cứ truyền từ người này sang người khác.

Nhưng có một điều dễ nhận ra, người dân đất nước chùa Tháp luôn biết ơn sự hy sinh cao cả của quân tình nguyện Việt Nam cứu họ thoát khỏi nạn diệt chủng. Tôi chợt nhớ bức tượng bên bến phà Niêk Lương. Một chiến sĩ tình nguyện Việt Nam cùng một chiến sĩ của Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia đang lao nhanh trên đường tiến quân vượt sông tiến vào giải phóng Phnom Penh. Một cánh quân khác đã băng về Cong Pong Thom bảo vệ cầu Rồng, tiến về Siem Reap bảo vệ Angkor.

Nụ cười Việt
Nụ cười Việt.
 

Nụ cười Việt bên tượng thần Bayon

Quần thể khu di tích Angkor huyền bí với hàng trăm đền đài chùa tháp là một trong bảy kỳ quan của nhân loại , được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1992. Tôi thoáng thấy sau những nét rêu phong cổ kính là những vết đạn găm lại sau chiến tranh. Thời Pol Pot khu đền này cũng từng bị chúng tàn phá. Sau năm 1979, quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt để bảo vệ Angkor.

Đại tá Đức Toàn, một phóng viên chiến trường từng có mặt ở đây kể với tôi rằng, trong nhiều năm, tàn quân Pol Pot thường ẩn náu trong ngõ ngách đền đài bắn lén các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam bảo vệ Angkor . Máu của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã đổ trên những con đường dẫn đến đền đài, bên những vũ nữ Apsara, bên bức tượng thần Bayon.

Angkor Thom, trung tâm là khu đền tháp Bayon, mỗi tòa tháp đều được điêu khắc 4 mặt người nhìn ra 4 phía. 54 toà tháp cổ kính với 216 gương mặt với những nụ cười bí ẩn. Với người dân Campuchia, Angkor là một giá trị bất khả xâm phạm.

Song Sray Lin kể rằng, đầu năm 2003, có một nữ ca sĩ người Thái hát rất hay, đóng phim rất giỏi. Khắp nơi trên đất Campuchia rất nhiều người ngưỡng mộ cô. Người ta hát theo cô, mê mải xem những bộ phim cô đóng cho dù họ không hiểu tiếng Thái. Rồi nhiều người đề nghị mời cô sang Campuchia biểu diễn. Cô ca sĩ này ngạo mạn nói rằng: Nếu muốn cô sang hát, người Campuchia phải tặng cô ta ngôi đền Angkor. Ngay lập tức, người dân đã yêu cầu trong 24 giờ cô ca sĩ kia phải xin lỗi. Sau 24 giờ, không thấy cô ca sĩ xin lỗi, lập tức tất cả những băng đĩa liên quan tới cô ca sĩ bị người dân Campuchia tiêu huỷ, không ai còn xem phim của cô chiếu trên truyền hình.

Hơn thế, người dân trên khắp đất nước bài trừ hàng Thái. Đây cũng là một cơ hội để hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Campuchia. Từ chợ bình dân đến của hàng cao cấp, hàng hoá Made in Vietnam đề có mặt. Theo Song Sray Lin, hàng Việt Nam đẹp, tốt lại rẻ nên ai cũng thích dùng.

Khách là người Việt Nam đến khám phá Angkor ngày một nhiều, chiếm tỷ lệ người nước ngoài cao nhất đến đây. Mỗi người một trải nghiệm riêng. Với tôi, mãi lắng đọng những nụ cười Việt bên tượng thần Bayon trong nắng chiều vàng óng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG