Nữ nghệ sĩ độc lập và “Ngôi nhà kỳ dị”

Nữ nghệ sĩ độc lập và “Ngôi nhà kỳ dị”
TP - Đã khá nhiều năm mới trở lại Đà Lạt, một trong những địa chỉ tôi chủ động tìm tới là “Ngôi nhà điên”. Chủ ngôi nhà, kiến trúc sư Đặng Việt Nga là một tấm gương làm nghệ thuật miệt mài, độc lập và sáng tạo.

Niêu cá kho làng Vũ Đại
> Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển

Tự mình bước đi

Nhiều nhà nghiên cứu và du khách nước ngoài khi nói tới công trình “Ngôi nhà điên” tại Đà Lạt, thường gắn thêm cái mác “Chủ nhà là con gái một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Việt Nam”. Rõ ràng sự tò mò càng được nhân lên gấp bội, với tiểu sử tác giả như vậy. Không phải nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng có con là nghệ sĩ đạt tầm vóc quốc tế. Đặng Việt Nga là con gái của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhưng sự thực, dường như tiểu sử không ảnh hưởng nhiều đến con đường nghệ thuật của một nghệ sĩ sáng tạo.

Ông Trường Chinh là người duy nhất hai lần giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, được gọi là “Tổng bí thư của đổi mới”. Dưới con mắt của Đặng Việt Nga thì bố của cô là một người cha hiền hậu, rất chiều con cái. Chị nói: “Cha tôi không áp đặt chúng tôi phải học gì, làm gì. Tôi tự chọn con đường cho mình. Khi cha tôi biết tôi chọn nghề kiến trúc sư, lại theo thiên hướng nghệ thuật, cha tôi không phản đối mà ủng hộ với lý do ngành này thiết thực cho đất nước, cho nhân dân”.

“Ông chẳng để lại tài sản gì. Tài sản lớn nhất mà cha tôi để lại, đó là tinh thần say sưa làm việc”. Kiến trúc sư Đặng Việt Nga cho biết chị đã sống tự lập, một mình xông pha từ nhỏ. “Bé tí tôi đã xa nhà. Tôi học trường thiếu nhi Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1951-1954, sau đó sang Liên Xô học phổ thông. Tự tôi phải thu xếp cuộc sống, miệt mài học hỏi để không thua kém chúng bạn”.

Tri thức là ngọn đèn

Chị tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Mátxcơva (1959-1965), sau đó từ 1969-1972 tiếp tục trở lại học và lấy bằng tiến sĩ của Liên Xô.

Trở về Hà Nội, chị công tác tại các Viện thiết kế Kiến trúc của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa. Năm 1983, Đặng Việt Nga quyết định rời thủ đô Hà Nội, rời trung ương, vốn là mảnh đất mơ ước của các kiến trúc sư, rời những dự án khổng lồ, để chuyển vào Đà Lạt. Khác với ngày nay, Đà Lạt lúc đó kinh tế, du lịch, thậm chí văn hóa đều rất nghèo nàn, thiếu thốn. Thành phố cao nguyên đài các gần như bị quên lãng trong xã hội bao cấp nặng nề. Quyết định vào Đà Lạt của chị khiến nhiều người thấy khó hiểu. Chị sẽ làm gì ở xứ tỉnh lẻ đó?
Giải thích cho quyết định “lên núi” của mình, chị Đặng Việt Nga cho biết: “Tôi yêu Đà Lạt. Chính phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, con người hiền hòa và sự yên tĩnh của Đà Lạt đã ảnh hưởng lớn tới quyết định của tôi: ở lại đây cho đến cuối đời”.

Không khí đổi mới đã thổi vào chị một luồng gió. Sáng tạo cá nhân cần được chú ý đúng mức. Người nghệ sĩ phải tư duy bằng cái đầu của chính mình. Chị tiết lộ: “Sau khi đã thiết kế nhiều công trình cho nhà nước, và cũng là do sự thích thú và đam mê trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc của bản thân, giờ đây tôi bắt đầu thể hiện những ước mơ của riêng mình” (Tự bạch của Đặng Việt Nga tại Biệt thự Hằng Nga).

Các công trình của Đặng Việt Nga sáng tạo mạnh mẽ, gây nhiều dư luận trái chiều. “Cha tôi có rất nhiều việc, tôi lại ở Đà Lạt xa xôi, nên cụ chẳng có nhiều thời gian để xem các công trình và góp ý cho tôi. Nhưng cha tôi nói luôn tin tưởng và ủng hộ công việc của tôi” – chị Đặng Việt Nga nhớ lại.

Năm 1988 bố chị đột ngột qua đời. Chị cho biết chị bị sốc trước sự ra đi của người cha, nhưng chị vẫn đứng vững “Tôi đã được rèn tính tự lập từ nhỏ. Tôi cũng tự tin với kiến thức của mình”. Chị cũng nhận ra mình cần sống một cuộc đời mới, đối diện với bản thân: “Tôi nghĩ đã đến lúc phải làm được những gì mình cần phải làm, những gì có ích cho xã hội”.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, từ ý tưởng đến cơ sở vật chất ban đầu, Biệt thự Hằng Nga đã được thi công vào năm 1990. “Tôi không có tiền”, chị đã đánh cược cuộc đời vào dự án nghệ thuật của mình, “Tôi vay tiền bạn bè để làm, rồi vay tiền ngân hàng để trả cho bạn bè, vay tiền bạn bè trả ngân hàng, cứ thế mà làm. Lúc nào đầu óc cũng muốn quay cuồng vì nợ nần. Nhưng tôi tự nhủ, mình làm đúng, mình sẽ là người chiến thắng”.

Kiến trúc độc đáo của “Crazy house”
Kiến trúc độc đáo của “Crazy house”.

Ngôi nhà “điên” chênh vênh

“Tôi muốn thay đổi một cái nhìn về kiến trúc” – Kiến trúc sư Đặng Việt Nga nói – “Tôi muốn đưa ra một lối kiến trúc khác, phong phú hơn những tòa nhà thời bao cấp, nhưng cũng khoa học và hiệu quả”.

Ngay từ khi mới xây dựng, Biệt thự Hằng Nga đã gây xôn xao dư luận. Khu nhà không phải hình khối chữ nhật vươn cao mà là mang hình một cái cây cổ thụ khổng lồ, cong queo, cụt ngọn, đen đúa giữa bầu trời sương mù. Trong tòa nhà cây ấy có chứa nhiều phòng, mỗi phòng một hình thù, diện tích khác hẳn nhau.

Như cái tên ban đầu của nó là Biệt thự Hằng Nga, ngôi nhà dường như lấy cảm hứng từ sự tích cây đa trên cung trăng, rất lãng mạn, nên thơ. Nhưng, giữa một thành phố mà phần lớn nhà cửa biệt thự theo kiểu kiến trúc phong kiến nửa thuộc địa được xây dựng từ thời Pháp thuộc với tính chất nghỉ dưỡng thực dụng, Biệt thự Hằng Nga thiết kế độc đáo, phóng túng, bay bổng, phá cách, vẻ như không được lòng nhiều người.

Tên gọi của tòa nhà do vậy bắt đầu thay đổi. Người ta gọi nó là “Nhà cây”, “Ngôi nhà điên”. Thậm chí, do trong khuôn viên có phòng thờ tổ tiên và thờ cụ Trường Chinh nên có người nước ngoài nói quần thể kiến trúc của Đặng Việt Nga là khu lăng mộ!

Lần lên Đà Lạt này, tôi thấy tên chính thức được gắn biển công trình là “Crazy House”, Ngôi nhà điên, như người dân địa phương đã đặt cho nó. Phần nhiều sách báo cũng gọi công trình là “Ngôi nhà điên”. Tiếng Anh, trường hợp này, tính từ Crazy khó dịch là “điên”, bởi “điên” là tính từ thường dùng cho người, động vật hơn là những vật vô tri. Crazy, trong kiến trúc, còn có nghĩa là xộc xệch, không ngay thẳng. Có thể hiểu theo nghĩa “Crazy House” là ngôi nhà phá cách, ngôi nhà xộc xệch, kỳ dị.

Chính vì không “chính quy”, không “ngang hàng thẳng lối” mà ngôi nhà hứng chịu bão táp dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng “những kiến trúc kỳ quái không phù hợp với phong cảnh vốn có của Đà Lạt, phải đập bỏ càng sớm càng tốt”. Đỉnh điểm của cơn cuồng nộ trong dư luận đó là việc công trình kiến trúc “Nhà 100 mái” (tái hiện nguồn gốc dân tộc Việt qua câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ) của kiến trúc sư Lữ Trúc Phương bị cưỡng chế đập bỏ.

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga nhớ lại: “Nhiều người quyết định phá công trình của tôi vì họ nghĩ là không phù hợp với cảnh quan kiến trúc vốn có của Đà Lạt. Năm 1992, họ đập bỏ công trình của anh Lữ Trúc Phương. Năm 1993, họ sang bên tôi, để đập bỏ nốt. Họ không hiểu những gì tôi muốn làm, không thèm hiểu những thông điệp của tôi, không muốn có một Đà Lạt mới mẻ hơn”.

Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, cô độc giữa dư luận, tiến sĩ Đặng Việt Nga đã không thể tự mình bảo vệ công trình của mình. Chị chỉ còn một cách, một hi vọng mong manh cuối cùng. “Tôi đã viết một lá thư gửi cho đồng chí Đỗ Mười lãnh đạo khi đó, trình bày về giá trị và ý nghĩa của công trình”- chị thở dài – “Chẳng biết có phải nhờ lá thư thống thiết của tôi hay không, ít lâu sau tỉnh có ý kiến cho tôi được ra mua hóa giá nhà tôi đang ở”.

Khu đất ấy vốn là của nhà nước, chị là người đi thuê. Thời đó ai cũng đi thuê nhà của nhà nước như vậy cả. Được mua rồi, thành của cá nhân rồi, muốn làm gì cũng dễ. Tiến sĩ Đặng Việt Nga kể: “Tôi mừng quá, chạy vạy tiền bạc để mua hóa giá chính cái công trình của tôi. Mừng lắm! dù sao công trình tâm huyết cả đời của tôi cũng không bị đập nữa!”.

Khách tham quan Biệt thự Hằng Nga ngày càng nhiều
Khách tham quan Biệt thự Hằng Nga ngày càng nhiều.

Sáng tạo và thành công theo thời gian

Tôi còn nhớ mười năm trước gặp chị Đặng Việt Nga tại công trình này, khi đó ngôi nhà cây rất hoang vắng, ít du khách. Nó gần như ngôi nhà hoang. Chủ nhà với bộ dạng mệt mỏi, ngồi đan bên cửa, chờ khách, nói: “Bao nhiêu tiền kiếm được tôi đổ vào công trình này. Tôi cứ làm mỗi năm một ít, cho đến khi nào tôi chết. Mấy năm, lại nghĩ ra thêm một hạng mục, lại kiếm tiền để làm”. Chị gần như suy sụp sau những tháng ngày vất vả, đơn độc: “Đây là một tác phẩm không bao giờ hoàn thành, bởi sáng tạo chính là niềm vui của tôi. Tôi cũng cầu mong có đủ kinh phí để thực hiện tiếp các hạng mục của nó, để người ta thấy hết ý nghĩa và vẻ đẹp tôi muốn gửi gắm”.

Giờ đây, ngoài khách sạn hốc cây, lâu đài mạng nhện, các công trình phụ đan cài như dây rừng, đã thêm một ngôi nhà rông Tây Nguyên. Nhìn tổng thể, ta có thể thấy một không gian núi non được tái hiện bằng kiến trúc, bao gồm nhà truyền thống của đồng bào, cây cối, chim muông, hang động… Các công trình mọc lên bao nhiêu, công sức bỏ ra cũng cao lên ngần đó.

“Con người không được tàn phá thiên nhiên, phải bảo vệ và sống chung với thiên nhiên” - chị Nga nói với về ý tưởng của công trình. Chị cũng vui mừng cho biết thêm: “18 năm sau khi cho tỉnh hóa giá nhà, mới đây tôi mới được cấp giấy sở hữu công trình”.

Với diện tích rất khiêm tốn, chưa đến 2.000m2, nhưng “Crazy House” ở Đà Lạt, Việt Nam đã trở thành một điểm đến của rất nhiều du khách trên thế giới. Nó nổi tiếng đến mức có thể tìm thấy hàng trăm trang web nước ngoài nói đến công trình này với một thái độ nghiêm túc. Chị Đặng Việt Nga nói: “Công trình của tôi tồn tại được, một phần là nhờ nghệ sĩ và du khách các nước họ đánh giá cao!”. Có những nghệ sĩ quốc tế đã nhận xét rằng “Crazy House” là cảm hứng sáng tạo cho nhiều người trong số họ.

Rất nhiều tờ báo tạp chí kiến trúc và du lịch danh tiếng xếp Biệt thự Hằng Nga - Crazy House là một trong số các công trình kiến trúc kỳ lạ nhất thế giới. Điển hình là tạp chí People’s Daily của Pháp đã bình chọn Biệt thự Hằng Nga là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới.

Sự kết hợp giữa ý tưởng độc đáo mang tính nghệ thuật hậu hiện đại, với nhu cầu sử dụng, thương mại, du lịch, cuối cùng đã đi đến thành công. Hiện tại, mỗi năm “Crazy house” đón khoảng 100.000 lượt khách tới tham quan, trong đó phần nhiều là khách nước ngoài.

Khách trong nước và nước ngoài đến Đà Lạt, ngoài nhu cầu nghỉ dưỡng, giờ đây người ta bắt đầu đi tham quan. Những điểm tham quan giàu tính nghệ thuật ở xứ sở sương mù thực ra không nhiều, điều đó lý giải vì sao “Ngôi nhà xộc xệch” ngày càng thu hút du khách cả nước ngoài lẫn trong nước. Giá vé vào cổng hiện là 30.000 đồng/ lượt. “Năm ngoái chúng tôi đã đóng thuế cho nhà nước 100 triệu đồng, năm nay dự kiến đóng thuế 200 triệu đồng” – Kiến trúc sư Đặng Việt Nga nói.

Vất vả bán vé, trò chuyện với các du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, kiến trúc sư Đặng Việt Nga - con gái rượu của cố Tổng bí thư Trường Chinh giờ đây đã tự tin hơn rất nhiều: “Tôi không thấy mệt mỏi. Bằng kiến thức được học của mình, tôi có niềm tin vững chắc rằng trước sau gì người ta cũng hiểu, cũng đánh giá đúng công trình nghệ thuật của tôi”.

Một số nhận xét về công trình “Crazy House” ở Đà Lạt:

Công trình cho tôi thấy luật pháp Việt Nam đã cởi mở hơn, nghệ thuật đại chúng cũng ngày càng phát triển. Đó là một chuyến khám phá thú vị. (The New York Times).

Rõ ràng Biệt thự Hằng Nga được thiết kế để nhắc nhở bạn về sự hòa hợp của tự nhiên với cuộc sống, môi trường. (Star)

“Tôi thích nghệ thuật và kỹ thuật, và kỹ thuật là sự tổng hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật”- cô nói. (Unusual Travel Destinations)

Nguyên Anh (sưu tầm)

7/2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.