Từ thảm họa lở núi kinh hoàng:

Nước mắt bên dòng Nậm Nơn

Nước mắt bên dòng Nậm Nơn
TP - Ba đêm nay, nhiều người thợ ở Yên Na không ngủ. Vụ tai nạn thảm khốc vào trưa ngày 15/12/2007 đã cướp đi của họ 18 người thân, bè bạn. Ở Tương Dương những ngày qua, chúng tôi thấy nước mắt chan hòa trên gương mặt bao người.

Đến cuối giờ chiều qua (17/12), có thêm 3 nạn nhân được tìm thấy từ đống đổ nát tại đồi D3. Như vậy, vẫn còn 12 người mất tích. Lực lượng công binh Nghệ An đã sử dụng 1 tấn thuốc nổ nhưng công tác cứu hộ tiến triển rất chậm vì đất đá trên núi tiếp tục bị sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn vụ lở núi tại công trường Thủy điện bản Vẽ cho biết, địa phương đã huy động hơn 1.000 người, gồm lực lượng công binh, đội ngũ công nhân và các y, bác sỹ tham gia tìm kiếm thi thể các nạn nhân.

“Công binh đã sử dụng 1 tấn thuốc nổ để cắt ngọn đồi D3, từng bước bóc tách khối lượng đất đá hàng trăm nghìn mét khối nhưng việc giải tỏa hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do núi tiếp tục sạt lở!” - ông Hồ Đức Phớc cho biết.

Đến sáng 17/12, xác nạn nhân thứ tư được phát hiện, nhưng vì địa hình phức tạp nên phải mất hơn một giờ đồng hồ sau lực lượng cứu hộ mới đưa được xác nạn nhân ra khỏi hiện trường.

Theo bác sỹ Nguyễn Vinh Quang (Trưởng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An)- người trực tiếp khám nghiệm cho biết đó là thi thể của anh Lê Công Tú (SN 1986, quê ở Lý Nhân, Hà Nam), công nhân trắc địa, thuộc Cty Sông Đà 2.

Khi phát hiện xác của nạn nhân Tú, một phần cơ thể nạn nhân đã biến dạng nhưng nhờ chiếc điện thoại di động vẫn còn hoạt động nên nhận dạng rất nhanh.

Trong buồn đau nước mắt, ông Lê Công Danh (cha nạn nhân Lê Công Tú) thở than: “Mới hôm trước nó điện về cho bố có nói ít bữa nữa nhận được lương con gửi tiền về cho bố mẹ sửa sang lại căn nhà, ngờ đâu số phận con tôi lại hẩm hiu thế này”.

Nhìn cảnh ông Danh vật vờ bên quan tài người con trai, không ai cầm được nước mắt. Một người thân của gia đình nạn nhân cho biết,  vợ chồng ông Danh có 5 người con, Lê Công Tú là con út, mới học xong ngành Trắc địa hệ Trung cấp, anh được vào Cty Sông Đà 2 làm việc được hơn 1 năm nay. 

Mẹ Tú bệnh tật liên miên, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Ngày 15/12, nghe tin con trai lâm nạn, ông Danh tức tốc bắt xe từ Hà Nam vào Tương Dương- Nghệ An).

Suốt 3 đêm qua ông thức trắng. Chiều 17/12, thi thể anh Nguyễn Văn Vạn (SN 1966, quê Hà Tây) và anh Võ Văn Trang (SN 1986, quê Nghệ An) được tìm thấy. Như vậy, đã có 6 nạn nhân được đưa ra khỏi vùng núi lở.

Nước mắt bên dòng Nậm Nơn ảnh 1
Ông Lê Công Danh – bố nạn nhân Lê Công Tú

Chuông điện thoại vẫn đổ nhưng không ai nghe máy

Những ngày qua, tại hiện trường vụ tai nạn, chúng tôi chứng kiến những chuyện xúc động, đau lòng.

Trưa ngày 15/12, anh Trần Văn Giang (41 tuổi, quê Thái Bình, công nhân của Cty Sông Đà 2 lặng đứng bên trái núi vừa đổ xuống bấm máy gọi tìm đồng nghiệp: anh Trịnh Bá Kỷ.

Chuông điện thoại đổ liên hồi nhưng chủ nhân của chiếc máy di động không trả lời. “Trời ơi!”, anh Giang thốt lên, ôm mặt khóc nức nở.

Vẻ kinh hoàng hiện rõ trên từng nét mặt của những công nhân. “Hùng ơi”, “Sơn ơi”... những lời kêu vò xé tâm can những người có mặt.

Giọng anh Giang buồn rầu: “Xót lắm anh ơi! Cả đội tôi có mười một người thì bốn người đã ra đi, trong đó có một đội trưởng đội nổ, một thợ mìn và hai thợ khoan. Sáng nay cả đội còn ăn sáng và nói đùa cùng nhau mà. Có đứa còn hẹn nhau khi nào xong công trình sẽ làm mối cho đứa em gái. Giờ thì...!”.

Ông Bùi Văn Định, cha của nạn nhân Bùi Văn Kiên (Cty Sông Đà 5) vừa bắt xe từ Hòa Bình vào thét như xé ruột : “Sao lại thảm thương thế này con ơi! Sao nỡ bỏ lại vợ con ở quê nhà. Đã bao cái tết rồi con không về thăm vợ. Trời ơi!”.

Không gian im lặng. Núi rừng như nợ những con người kia một câu trả lời. “Giá như, giá như chỉ cần đá đổ chậm khoảng 30 phút nữa thôi là đến giờ nghỉ, anh em của chúng tôi đã không chết oan ức thế này”- anh Trần Quốc Hùng nghẹn ngào nói.

Cả không gian lại vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Cần lắm những tấm lòng

Ông Phạm Văn Thích (Đội khoan nổ, quê ở Thái Bình) giọng nghẹn ngào: “Trong đống đổ nát ấy có cả đồng hương, đồng nghiệp, bạn bè thân hữu của tôi. Riêng anh Sơn (Dương Cao Sơn, SN 1967, quê Hòa Bình) là tội nghiệp nhất.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong lúc đi làm ăn xa cô vợ trẻ của Sơn  ở nhà đang mang bầu đứa con thứ hai. Tội nghiệp cho chị ấy, ngày nào cũng gọi điện vào Nghệ An để được gặp chồng, giờ thì Sơn không còn nữa!”.

Được biết, vợ anh Sơn là công nhân của một trạm xi măng thuộc Tổng Cty Sông Đà, lương tháng chưa đầy 700.000 đồng. Chồng mất, sớm chịu cảnh goá bụa, liệu chị có đủ sức để gượng dậy nuôi con?

Trong đêm giá lạnh, thức bên 18 người xấu số đang bị vùi trong núi đá, chị Lê Thị Thảo quê Nga Sơn, (Thanh Hóa) đứng ngoài xa vừa khóc vừa gào thét gọi tên từng người đồng hương của mình đang nằm dưới núi đá lở: “Trực ơi, Nhượng ơi!”.

Anh Kiên, một công nhân trên công trường Thủy điện bản Vẽ cho biết: “Gần đây cả hai anh Trực, Nhiệm khoe họ sắp cưới vợ. Ai cũng nói người yêu của mình rất xinh đẹp, chỉ chờ ngày lành tháng tốt nữa là lên xe hoa!”.

Một hoàn cảnh đáng thương khác đó là trường hợp của anh Nguyễn Thế Sơn, nạn nhân quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tối 15/12, nghe tin vụ tai nạn lao động tại Thủy điện bản Vẽ, chị Hằng- vợ Sơn hoảng hốt gọi điện cho chồng, gọi mãi không thấy anh trả lời, biết chuyện chẳng  lành cô bắt xe từ Diễn Châu lên Tương Dương.

Chưa tới khu vực xảy ra vụ tai nạn, Hằng đã ngất  xỉu, sau đó phải nhập viện. Cách đây mấy hôm chị phải vào viện để chữa bệnh, sức khỏe của chưa hồi phục thì tai họa lại ập đến.

Anh Vinh (cán bộ Ban quản lý dự án Thủy điện 2) cho biết thêm: “Anh Sơn là người rất có năng lực về chuyên môn, mặc dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng Sơn đã vươn lên, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Sơn không chỉ là một kỹ sư giỏi mà còn là người rất tâm huyết với nghề”.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 nói:

“Việc đưa các nạn nhân ra khỏi đống đá đổ nát cần phải khẩn trương nhưng cũng không thể nhanh được vì khối lượng đất đá quá lớn, thiếu phương tiện chuyên dụng và vẫn còn rất nhiều tảng đá nằm lơ lửng trên đỉnh có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Có lẽ phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới giải phóng được khối lượng đất đá đã sập đổ”. Hy vọng linh hồn những người công nhân xấu số sớm được yên nghỉ.

Cả nước hướng về Thủy điện Bản Vẽ:

Hơn 2,3 tỷ đồng ủng hộ để khắc phục hậu quả

Theo tin từ Tổng Cty Sông Đà tính đến 15 giờ ngày 17/12/2007, các tập thể, cá nhân đã ủng hộ hơn 2,3 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ tai nạn tại Thủy điện Bản Vẽ:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 500.000.000 đồng; TCT Điện lực Việt Nam: 500.000.000 đồng; CBCNV ngành Xây dựng (Bộ Xây dựng): 500.000.000 đồng; Cty CPĐT&PT Đô thị và KCN Sông Đà: 100.000.000 đồng; Cty Bitexco: 100.000.000 đồng; TCT Đầu tư phát triển Đô thị và khu CN (IDICO): 50.000.000 đồng; Cty Hải Việt CP (167/10 đường 30/4 -TPHCM): 50.000.000 đồng; Cty CP Sông Đà - Thăng Long: 50.000.000 đồng; Cty CP Sông Đà 7: 50.000.000 đồng; Cty CP Đô thị Sông Đà: 40.000.000 đồng; CBCNV Cơ quan TCT Sông Đà: 38.000.000 đồng; Cty CP Tư vấn Sông Đà: 36.000.000 đồng; Cty Tập đoàn Đầu tư TMCN Việt Á: 36.000.000 đồng; Cty CP Tài chính Dầu khí: 36.000.000 đồng; Cty SIMCO - Sông Đà: 35.000.000 đồng; Tập đoàn Than Việt Nam: 30.000.000 đồng; Cty Sông Đà –UCRin: 30.000.000 đồng; Cty CP Cơ khí lắp máy Sông Đà 30.000.000 đồng; Cty CP Sông Đà 6: 20.000.000 đồng; Cty CP Sông Đà 12: 20.000.000 đồng; Cty CP Sông Đà - Hoàng Liên: 10.000.000 đồng; Phan Ngọc Diệp - Cty SUDICO: 18.000.000 đồng; Gia đình ông Vũ Đức Thuận – TGĐ Cty CP SUDICO: 18.000.000 đồng; Hoàng Anh - GĐ Cty CP Đô thị Sông Đà: 10.000.000 đồng; Cty CP May XK Sông Đà: 10.000.000 đồng; Vũ Văn Dũng - Phòng Kinh doanh Cty SUDICO: 9.000.000 đồng; Nguyễn Sỹ Cát - GĐ Cty CP Sông Đà 7: 5.000.000 đồng

Hãy ủng hộ các nạn nhân vụ tai nạn Bản Vẽ

Như vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, vụ tai nạn lở núi ở Công trình Thủy điện Bản Vẽ đang được nhân dân cả nước hướng sự chú ý và sự sẻ chia nỗi đau.

18 cán bộ, kỹ sư, công nhân mất đi, đa số để lại cha mẹ già, con nhỏ; hoàn cảnh gia đình nhiều người rất khó khăn. Để góp phần làm dịu bớt phần nào nỗi đau mất mát, bạn đọc cả nước hãy dành sự ủng hộ vật chất thiết thực đối với gia đình các nạn nhân.

Báo Tiền phong xin làm cầu nối chuyển mọi sự giúp đỡ của bạn đọc đến nơi trong thời gian nhanh nhất.

Xin liên hệ: Báo Tiền phong - 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. ĐT: 04.9434031; Tài khoản: 12310000062175 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Quang Trung, Hà Nội; Ban đại diện báo Tiền phong tại TP Vinh: 23 Hồ Xuân Hương, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An. ĐT: 0383837907; và các ban đại diện báo Tiền phong trên cả nước (địa chỉ tại trang 2 các số báo Tiền phong ra hàng ngày).

MỚI - NÓNG