Nương tựa bóng già

Nương tựa bóng già
TP - Hai góa phụ chung chồng năm nay đã 63 tuổi, một tấm lưng còng rạp vì thoái hóa cột sống, một sức tàn lo cho bảy miệng ăn. Đó là cảnh ngộ của gia đình bà Trương Thị Bích, Đội 1, Thông Đạt, Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội).

Ghé thăm gia đình bà Trương Thị Bích vào một ngày đầu thu, trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng phủ một không khí đượm buồn, u uất. Người đàn bà với khuôn mặt khắc khổ, tấm lưng còng rạp ra đón chúng tôi là bà Bích, vợ cả, cũng là trụ cột của gia đình.

Lấy chồng là lái xe từ năm 20 tuổi, bà Bích sinh con đầu lòng là Nguyễn Thị Bài (1972) bụ bẫm nhưng mãi cứ ngây ngây ngô ngô. Chồng đi bộ đội về, bà cố thêm đứa nữa may ra... nhưng liên tiếp hai con Nguyễn Thị Tịnh (1974) và Nguyễn Văn Thu (1976) sinh ra đều “có lớn mà chẳng có khôn”.

Sau đó, bà sinh thêm chị Nguyễn Thị Tiếp, bề ngoài lành lặn nhưng đau ốm triền miên. Sau nhiều đêm suy nghĩ bà Bích dằn lòng khuyên chồng lấy vợ hai may ra có mặt con cho ra hồn người để nối dõi và có chỗ nhờ cậy sau này.

Khi chồng lấy thêm bà Dương Thị Duệ làm vợ hai, hai bà coi nhau như chị em một nhà chung vai gánh vác việc gia đình, khi mà người chồng cứ đau ốm liên miên do di chứng của chất độc hóa học và căn bệnh sốt rét rừng.

Năm 2002, khi chồng qua đời thì khó khăn lại càng chồng chất lên đôi vai hai người phụ nữ đã lên tuổi bà này. Đến năm 2005, người con cả Nguyễn Thị Bài không thể ở lại cùng bà, ra đi đột ngột. Bà chơi vơi, hụt hẫng.

Nương tựa bóng già ảnh 1
Bà Duệ tất tả lo toan việc nhà

Cố không được chết

Đang tiếp chuyện chúng tôi thì bà Bích tất tả chạy đi thay quần áo cho người con năm nay đã gần 40 tuổi mà vẫn không được như đứa trẻ lên ba. Bà Bích dồn hết sức mới lôi được người con đái dầm đang cười vô hồn ra cửa. Bà nghẹn ngào: “Nhỡ tôi mà chết đi thì lấy ai lo cho chúng nó...”.

Cả nhà bà có bảy miệng ăn mà chỉ trông vào tám sào ruộng khoán do một tay lao động của bà Duệ. Có những hôm thấy em nó vất vả quá không đành lòng bà Bích cũng cố ra đồng. Hai bà già đã ngoài 60 tuổi, một bà ngồi trên xe bò cho một bà kéo ra đồng. Dân làng không ai không động lòng thương cảm. “Những lúc ấy chúng tôi phải xích con ở nhà lại đau lòng lắm nhưng biết làm sao được”.

Hai người con của bà Bích là anh Thu và chị Tịnh bị di chứng chất độc da cam, mất năng lực hành vi, thỉnh thoảng lại lên cơn đập phá, có khi còn xô cả mẹ ngã vật ra nhà.

Hằng ngày, bà Bích phải chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ, thay quần áo, giặt giũ. Thời gian gần đây hai người con của bà lại hay phát bệnh, nên lúc nào cũng phải có sẵn thuốc trong nhà, không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Còn hai người con của bà Duệ là Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Thị Nụ may mắn không bị ảnh hưởng của chất độc da cam, rất thương hai mẹ và học rất khá. Hai em ngoài lúc đi học chỉ chăm lo việc nhà.

Hằng ngày bà Bích ở nhà trông con, lo cơm nước lợn gà để cho bà Duệ ra đồng. Hai thân già dựa vào nhau với sức tàn leo lắt như ngọn đèn dầu trước gió. Họ gắng sức để thắp sáng cho cuộc đời của những người con chung.

Yêu  thương là sức mạnh

Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng hai người con bà Duệ vẫn phải đóng góp các khoản phí như những học sinh, sinh viên bình thường.

Huệ (20 tuổi) hiện đang là sinh viên Trường Cao đẳng Y Hà Nội, Nụ năm nay học lớp 11. Đã nhiều lần Huệ đòi nghỉ học để ở nhà đỡ đần hai mẹ nhưng hai bà đều nhất quyết, dù khó khăn thế nào cũng phải cho con đi học cho bằng bạn bằng bè.

Bà Bích vui hẳn lên khi khoe với chúng tôi những tấm giấy khen của Huệ những năm cấp 3. Có lẽ đây là ánh sáng để hai bà hướng đến.

Những ngày mùa màng, một mình bà Duệ phải đánh vật với tám sào ruộng. Trong đợt xét hộ nghèo vừa qua, thuộc diện hộ nghèo nhưng gia đình bà chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

Ông Nguyễn Hữu Long, Trưởng thôn Thông Đạt lý giải: “Do thôn còn nghèo nên có muốn hỗ trợ gì cũng không tìm đâu ra kinh phí. Các khoản phí của thôn cũng vẫn phải thu của gia đình bà Bích”.

Rời nhà bà Bích gần giữa trưa khi bà Duệ vẫn chưa đi làm về. Bà Bích không dám tiễn khách ra cổng vì sợ hai người con tật nguyền chạy ra giữa trời nắng đổ. Căn nhà nhỏ như ken chặt nỗi đau, nhưng những con người trong căn nhà đó, đang ôm ấp vỗ về, chia sẻ cùng nhau với tất cả chất chứa yêu thương để hướng về ánh sáng. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.