Ở kilômét số 0

Ở kilômét số 0
TP - Để chi viện cho chiến trường miền Nam đang ngày một diễn ra ác liệt, ngày 19/5/1959, Bác Hồ quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược (sau này trở thành đường Hồ Chí Minh); và điểm xuất phát được tính từ Km số 0 (Km 0), ở xã Kỳ Sơn (nay là thị trấn), huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Ở kilômét số 0 ảnh 1
Cột mốc km số 0 sau khi được xây dựng thành khu di tích quốc gia

Ông Chu Văn Tiếp, nguyên xã đội trưởng xã Kỳ Sơn (thời kỳ 1964-1973) kể, hai đầu xã Kỳ Sơn, tức xã Giang Sơn (huyện Đô Lương) và Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ) bị cài bom B52, dưới dòng sông Con bị rải bom từ trường, trong khi Kỳ Sơn lại là hậu cứ chiến lược quan trọng  cho việc chi viện chiến trường miền Nam.

Trước tình hình đó, Kỳ Sơn thành lập hai đơn vị, một đơn vị trực chiến bảo vệ giao thông và một đơn vị chuyên bắn máy bay, cả hai đều do ông Tiếp phụ trách để cùng bộ đội phòng không ngày và đêm đánh hơn 546 trận. Ngày 12/6/1966, tại Km 0, bộ đội ta bắn rơi chiếc máy bay F4 của địch đầu tiên bay qua đây.

Ngoài ra, Kỳ Sơn còn chọn ra một đội quân gồm 20 đồng chí luôn có mặt ở vị trí nguy hiểm để trực đèn xanh, đèn đỏ phát tín hiệu cho bộ đội hành quân chở vũ khí và lương thực vào chiến trường miền Nam và báo hiệu cho bà con địa phương xuống hầm mỗi khi có máy bay địch xuất hiện.

Ông Tiếp nhớ như in trận ngày 13/7/1968, khi đoàn xe gồm 12 chiếc của bộ đội ta chở hàng đi qua km số 0 thì bốn xe trúng đạn bốc cháy. Nhân dân Kỳ Sơn ôm chăn xông vào dập lửa, sau đó sơ tán những xe bị cháy để cho những xe còn lại tiếp tục nhanh chóng tiến vào chiến trường miền Nam.

Ngày đó ông Tiếp còn cho lập một tổ chuyên đánh kẻng báo động ở trên đồi 43. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh  đoạn qua Kỳ Sơn cứ cách năm chục mét, bà con đào một hầm chữ A để bộ đội và dân có thể trú ẩn mỗi khi máy bay địch thả bom.

Quân và dân Kỳ Sơn tham gia chiến đấu 537 trận. Những gương mặt anh dũng hồi đó như đồng chí Nguyễn Công Lợi, Nguyễn Khắc Hóa cùng đồng đội rà, phá được nhiều quả bom nổ chậm.

Ngoài chiến đấu, Kỳ Sơn còn cưu mang hơn 2.000 người từ tuyến lửa Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị sơ tán về đây.

Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Kỳ cho biết, trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, Kỳ Sơn chịu đựng 1.200 tấn bom đạn, 75 người chết và 112 người bị thương. Kỳ Sơn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Cột mốc chính thức được xây dựng thành khu di tích cấp quốc gia.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.