Ông Lụt

Ông Lụt
TP - Năm rồi mưa lụt nhiều. Riêng xứ Quảng miền Trung năm nào cũng bị dìm trong lụt. Dưới đây là câu chuyện kỳ lạ về một người bị cuốn trôi cả trăm cây số từ làng Đông An thượng nguồn Thu Bồn xuống tận Hội An trong trận lụt năm Giáp Thìn và là một trong vỏn vẹn 19 người của cả làng sống sót...
Ông Lụt ảnh 1
Ông Bảy Mân với vườn cây trái

“... Đông An ta chết ngàn bảy trăm người / Không nhất định nhưng còn hơn thế nữa / 19 người sống không nhà không cửa / Không áo cơm khô cả lệ can trường / Cắn vành môi nhìn quê hương thảm đạm...”. Đọc đến đây, ông Bảy Mân nghẹn lời, dõi mắt ngó ra xa.

Buổi sáng cuối đông. Làng Phong Lục Tây của vùng đồng bằng Điện Bàn phì nhiêu vừa ngớt mấy tuần mưa dầm, nắng đã tươi rói trên mấy ngọn cau ngoài ngõ.

Ông bảo đây là bài vè lưu truyền khắp làng trên xóm dưới đã mấy mươi năm rồi ai ai cũng thuộc, truyền sang cả thế hệ sau, như thằng Phong con ông ngồi bên cạnh đây, thỉnh thoảng ông ngắc ngứ lại nhắc cho tôi chép. Bài vè dài lắm, nghe nói tác giả là nhà thơ Tường Linh, nhà ở gần bên, sau trận lụt đã vào Sài Gòn...

Trôi từ núi xuống biển

Ông Bảy là một trong vỏn vẹn 19 người dân làng Đông An thoát chết trong trận lũ kinh hoàng năm Giáp Thìn (1964) tròn 45 năm về trước. Thoát một cách kỳ lạ không thể nào tin được: Từ ngôi làng cheo veo nơi thượng nguồn Thu Bồn, ông xuôi tay, bị dòng lũ cuồn cuộn hung hãn cuốn một hơi xuống tận cửa ngõ Hội An. Nhẩm tính, theo đường chim bay đã tròn trăm cây số.

Giá có tay máy nào kịp ghi lại, dù chỉ một đoạn ngắn ngắn thôi, của cái ngày thảm nạn ấy, không biết sẽ rúng động thế nào.

Và đây là những thước phim quay chậm trong tâm trí ông Bảy Mân.

... Buổi sáng ngày 6 tháng 10 âm lịch năm Thìn (1964), làng Đông An (xã Quế Phước, Quế Sơn, Quảng Nam), nắng còn hườm trên đồng làng. Tới khoảng 2 giờ chiều, bắt đầu mưa to gió lớn, nước lừ lừ dâng lên. Trước nay vùng núi non này mưa lũ là chuyện thường, không đáng kể, nên ít ai phòng bị. Đến khoảng 6 -7 giờ tối, nước bắt đầu cuồn cuộn ngập làng, bà con mới hoảng hồn, không kịp chạy lên núi, đành cứ nhắm nhà nào cao là bươn tới.

Ông Bảy Mân khi đó chừng 14-15 tuổi, cùng ông bà nội, anh chị em và mấy đứa cháu, cả thảy chục người tấp vào Hội thánh công giáo cách nhà chừng ba trăm mét. Trong mưa gió tơi bời, tối tăm mù mịt, cảm nhận rõ nhất là nước như con rắn leo dần từ chân, tới đùi, rồi ngang lưng, lạnh ngắt.

Một số người già, trẻ em lỏng tay bấu víu ngã xuống trôi ào mất dạng. Không rõ bao lâu sau, Bảy Mân thấy chiếc ghe 12 m của cha và bác Hai từ đâu chèo tới cứu. Thấy ghe, mọi người la ré, giành nhau nhào lên. Chiếc ghe chìm nghỉm, trôi ào, kéo theo mấy chục người, trong đó có ông bà nội và nhiều người trong gia đình.

Chặp lâu nữa, lại thấy chiếc ghe nhỏ hơn còn lại trong nhà, do anh Hai là Lương Hương - du kích xã, ráng liều mạng ngược lũ tới cứu vớt người thân. Lần này cũng vậy, ai nấy xô nhau ào lên ghe, trong đó có Bảy Mân. Chiếc ghe cũng bị nhận chìm trong nháy mắt.

Ông Lụt ảnh 2
Cảnh lụt ở Quảng Nam năm 2007. Ảnh: Trần Tuấn

Trong đêm tối mấy chục con người văng ra cuộn theo dòng lũ xiết. Quay cuồng một chặp, cuối cùng Bảy Mân bị sóng đánh tấp bu được vào cây mít. Cách đó không xa, trong bóng tối Bảy Mân nghe được tiếng cha và anh Hai, hai người cũng đang cheo leo trên ngọn mít. Thời gian nặng nề trôi, nước mỗi ngày một dâng cao và lạnh ngắt. Nhích dần lên tới ngọn cây, nước cũng cuồn cuộn nhích dần lên theo người. Bảy Mân tuyệt vọng.

Trong bóng đêm, khắp những bụi tre, rặng cây quanh làng dậy lên tiếng kêu khóc của những người bị lũ đánh tấp đang bu bám tuyệt vọng. Đến khoảng 2 giờ sáng, tiếng kêu la bặt dần, rồi tắt hẳn.

Sát bên cạnh Bảy Mân là ông Đoàn Dung, 60 tuổi, và bà Quyển hàng xóm đang cõng trên lưng đứa cháu nội, quần áo bị nước đánh trôi tuột. Chịu hết xiết, bà Quyển than một tiếng: “Thôi, em chết anh Dung hỉ”, rồi buông tay, hai bà cháu rớt chìm xuống nước.

Lát sau, ông Dung cũng rớt đánh “chủm”, không nói một tiếng. Rồi cây mít nơi cha và anh Hai đang bu bám gãy rắc, lặng thinh không còn nghe tiếng kêu của hai người nữa. Quá lạnh và sợ, lúc này Bảy Mân gần như tê dại, chỉ biết ôm cứng ngọn cây theo bản năng sinh tồn.

Trời sáng, ngọn mít cũng bị nước lũ đánh gãy, đẩy cậu bé trôi tuột, tấp vào cây gạo thần cuối làng. Bảy Mân gồng mình leo lên ngọn cây. Một cảnh tượng khủng khiếp: Trên ngọn cây, hàng trăm con rắn đủ loại, đủ màu cũng đang ngoe nguẩy ngóc đầu lên mặt nước.

Chẳng còn biết sợ là gì nữa, cậu cũng nhào lên tranh một chỗ ngóc đầu để thở, mặc cho lũ rắn dần dần quấn chặt lấy người. Đến khoảng 8 giờ sáng thì cây gạo cổ thụ bật gốc lao ào theo dòng lũ. Bảy Mân lại bị đẩy về phía nhà Hội thánh, rồi nước xoáy lại kéo tuột cậu về phía dưới. Bám đại vào thân cây trên mặt nước, Bảy Mân thả mặc số phận. Thân cây trôi như tên bắn, ra sông, rồi hướng thẳng về hạ lưu.

Quang cảnh lúc này mới thực hãi hùng. Hàng ngàn người không biết còn sống hay đã chết cứ lập lờ trôi trên sông, cùng với những mái nhà tranh tre, đồ đạc, những chiếc nón, tấm vải mưa ... Hai bên bờ là những con người thân mình không còn mảnh vải đang tuyệt vọng bu bám vào hàng tre, cây mít kêu cứu. Những hàng người bé nhỏ đau thương kéo dài như giăng dây giữa gió mưa và dòng nước đục ngầu ...

Rồi Bảy Mân thiếp đi, không biết gì nữa. Chỉ biết, lúc mở mắt ra, ông đã thấy mình nằm trong trạm xá ở làng Lai Nghi, chỉ còn cách phố cổ Hội An chừng... ba cây số!

Người “tố cáo tội ác của... lụt !”

Ông Lụt ảnh 3
Ông Bảy Mân (Lương Mân) bên vợ, con và cháu nội

Ông Bảy ngừng ngang câu chuyện, bước ra vườn hái vô mấy chùm trái cây mời khách. Nào chuối, cam, ổi, cóc... trông mơn mởn, căng tròn. Khu vườn xanh mát rộng hơn một sào với đủ loại cây trái. Ám ảnh về nước lụt khiến ông Bảy không dám về làng để ở.

Chọn vùng đất Điện Thắng Nam (huyện Điện Bàn) để sinh cơ lập nghiệp, ông đã “điều tra” rất kỹ, bảo đảm rằng sẽ không bao giờ... bị lụt. Gần sân bay dã chiến của Nhật ngày xưa, nay gọi là Trảng Nhật, nên thế đất cao ráo. Lụt lịch sử năm 1998-1999 nước các nơi chót vót là thế, cũng chỉ mon men tới gần thềm nhà ông Bảy đây.

“Tui cũng tính ở Huế, rồi Hội An nhưng mà thấy mấy nơi ấy... lụt quá! Kể cả bây giờ, đất cao như vầy nhưng hễ mưa lớn một chút là tui chuẩn bị thùng mì cua, áo mưa xe máy chạy thẳng lên núi Bồ Bồ đứng cho... chắc ăn !” - Ông Bảy cười.

Phải rời xa làng nhưng suốt đêm ngày, làng vẫn sống trong ông. Ngày ấy, được người ta vớt lên đưa vào trạm xá, suốt 7 ngày li bì không biết trời đất. Nước rút, ông về làng trên chiếc canô của trạm xá với mấy nhân viên y tế người Đức.

Cảnh tượng hoang tàn, cả làng bằng phẳng không còn ngọn cây, mồ mả cũng trôi hết, chỉ còn mấy cái hố khổng lồ sâu tới 8-9 m. Ngổn ngang xác người, nhưng chẳng còn thân nhân nào để chôn. 19 người sống sót lập cập tìm về làng. Lớn tuổi nhất là ông Ba Ruộng, chừng bốn mươi, bị trôi về gò Đá Mài (An Điềm, Đại Lộc). Bà Thiệp trôi về Giáng Hòa, chị Nam Nhí trôi về Gò Nổi (Điện Bàn).

Anh Hai Lương Hương của Bảy Mân cũng may mắn trở về sau khi bị trôi tới gò Đá Mài. Cả thảy 10 người trong gia đình đã ra đi trong trận lụt, chỉ kiếm được 2 xác. Có dòng họ không còn sót người nào.

Trên những nền nhà cũ, từng ấy con người, cùng với một số người làng làm ăn xa trở về, lấy áo mưa che làm trại, đêm đêm ngồi than khóc người thân. Ban ngày thì đào xới lượm từng hạt bắp, dúm lúa thối mục để ăn. Dạo ấy sao mà bầu bí ở đâu tự mọc ra vô kể, giúp qua ngày đoạn bữa...  

Được mấy tháng, Bảy Mân bỏ làng ra đi vì nỗi ám ảnh mỗi lúc một đè nặng. Xuống Đà Nẵng, cậu lần hồi vừa làm vừa học, rồi ra Huế theo học trung cấp y tế. Có lẽ bởi hình ảnh thân thiết của những nhân viên y tế trạm xá La Nghi ngày nào. Sau này, khi về định cư và lấy vợ ở làng Phong Lục Tây này, chính nghề y đã giúp ông Bảy Mân trả nghĩa được nhiều nhất cho đời.

Làng nghèo, nhà nào cũng có người hy sinh, ngay như bà Phan Thị Kim Minh vợ ông cũng là con liệt sỹ. Mấy chục năm nay, dành hết tâm huyết, sức lực, không quản nửa đêm đầu sáng, ông Bảy khám bệnh cấp thuốc miễn phí cứu người bằng hết khả năng của mình. Nhiều người làng sau này đã làm ăn xa, giỗ tết về quê vẫn không quên tới thăm hỏi cám ơn...

Hôm nay Chủ nhật, con cháu ông Bảy kéo về, căn nhà đơn sơ ồn ã tiếng nói cười. Điều mừng nhất với vợ chồng ông là cả 5 đứa con, 4 trai 1 gái, đều học giỏi, công ăn việc làm đàng hoàng ở những thành phố lớn.

Ở làng quê Đông An xưa, coi sóc hương khói ông bà hiện do người anh thứ tư là ông Lương Lang. Ngày ấy, ông Lang đang ở Hội An nên thoát. Ông về lại làng sinh sống, đứng ra quyên góp xây dựng một cái đình để làm nơi giỗ chung cả làng vào ngày 6-10 âm lịch hàng năm.

“Sau trận lụt ấy, người làng bỗng sinh đẻ rất nhiều, chú ạ. Như ông Tư anh tui, cũng có tới 8 đứa, nhờ trời cũng học hành làm ăn ngon lành hết...”- Ông Bảy bất giác nói. Tôi biết nỗi ám ảnh về lụt sau hơn nửa đời người vẫn còn nguyên trong ông.

Khi ông kể, mỗi lần thấy mưa gió, hoặc nghe tiếng người kêu la, hoặc chỉ cần nhắc tới chữ “lụt”, là ông giật mình, mất ăn mất ngủ. “Thỉnh thoảng đọc báo, xem tivi, thấy cảnh lụt lội, tôi thấy kinh hoàng quá. Chặt phá rừng, đốt than, đào đãi vàng... lấp hết khe hết suối, nước lũ đổ xuống, làm gì chạy thoát được!”.  

Tôi chợt nghĩ, giá có ai đó đứng ra tổ chức diễn đàn “tố cáo tội ác của thiên tai, lụt lội”, chắc chắn ông “Bảy lụt” đây là nhân chứng đặc biệt nhất...

Từ ngôi làng cheo veo nơi thượng nguồn Thu Bồn, ông xuôi tay, bị dòng lũ cuồn cuộn hung hãn cuốn một hơi xuống tận cửa ngõ Hội An. Nhẩm tính, theo đường chim bay đã tròn trăm cây số!

MỚI - NÓNG