Phát triển Huế từ bài học 'đô thị vương giả'

Phát triển Huế từ bài học 'đô thị vương giả'
TP - Kim Long là một đô thị vệ tinh của Kinh đô Huế trong vòng mấy trăm năm với những nét văn hóa kiến trúc độc đáo. Nó đã trở lên nhếch nhác trong cuộc đô thị hóa mới mấy chục năm qua. Từ ví dụ của nó đặt ra những bài toán cần giải cho việc phát triển các khu đô thị mới chốn cố đô.
Phát triển Huế từ bài học 'đô thị vương giả' ảnh 1
Dấu xưa dinh phủ

Thế kỷ 14, từ sau ngày Huyền Trân Công Chúa về làm dâu Chiêm Quốc, trung tâm của xứ Thuận Hoá nằm ở hạ lưu sông Hương, thành Hoá Châu giữ vai trò lỵ sở.

Hơn 300 năm sau, công cuộc xây dựng đô thị Huế mới được bắt đầu, kể từ năm 1636, khi chúa Nguyễn Phúc Lan thiên đô từ Phước Yên lên mạn Kim Long. Nói chính xác hơn là từ đầu thế kỷ 17, khi chúa Tiên tìm ra cuộc đất tụ khí thiêng và cho xây chùa Thiên Mụ, ngôi quốc tự đầu tiên của xứ Đàng Trong, ở trên đồi Hà Khê.

Kim Long là quãng đường vừa tàn một nén hương, tính từ đồi Hà Khê, đi dọc theo sông Hương, như lời báo mộng của Thiên Mụ (Bà Trời). 51 năm sau, chúa Nguyễn Phúc Thái cho dịch chuyển thủ phủ về Phú Xuân - kinh thành Huế hiện nay - nơi cuộc đất rộng rãi hơn, địa thế đẹp hơn, thuận lợi hơn, và sông Hương  tiếp tục giữ vai trò là minh đường, linh hồn của một  trung tâm đô thị mới.

Lối xưa xe ngựa

Để Kim Long nhếch nhác như bây giờ với những nhà hộp lô nhô, những ki ốt, nhà hàng tràn ra mặt đường che khuất cả phủ thờ, nhà thờ gia tiên, xâm hại những cổng cổ rêu phong, diễn ra chỉ trong vòng 30 năm lại đây.

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành chính sách hỗ trợ các gia đình trùng tu nhà rường cổ, hỗ trợ các gia đình tạo lập nhà vườn truyền thống.

Dĩ nhiên từ đó Kim Long vẫn giữ vai trò tây đô, vai trò đô thị vệ tinh của kinh đô mới. Đồng thời Kim Long còn là nơi thờ tự, nơi ở của các hoàng thân quốc thích, các bậc quan lại, thức giả.

Một thời Kim Long được ghi chép trong thư tịch cổ: "... Cảnh trí xinh đẹp, phủ chúa và các nhà quan lại còn lan ra các làng chung quanh. Kim Long mang lại nhiều lợi ích cho nền thương mãi trong đời ngài (chúa Nguyễn Phúc Lan).

Các thuyền buôn từ Hội An, Trung Hoa ghé Thuận An, đi dọc theo sông Hương lên Huế. Nhờ đó mà phẩm vật của người Âu và Trung Hoa (tơ sống, thuốc bắc, bút chỉ,v.v) đều được mang bán tại Huế.

Khách phương xa ghé đến Kim Long không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng huy hoàng của phủ chúa và các nhà quan lại. Mỗi khi ngài ngự đi đâu đều có hơn hai nghìn thị vệ theo hầu, tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời, oai vệ khác thường".

Ngày nay, dọc theo bờ bắc sông Hương, ngược lên Thiên Mụ, Văn Thánh, dù cuộc sống đã xô bồ, tất bật nhưng chúng ta vẫn bắt gặp lối xưa xe ngựa của dinh phủ Kim Long một thời.

Vừa qua khỏi cầu Bạch Hổ là phủ Đức Quốc Công - từ đường Thượng thư Phạm Đăng Hưng, người Gò Công, thân sinh bà Từ Dũ và là nhạc phụ vua Thiệu Trị.

Tiếp đến là Vĩnh An Viên - đệ trạch của Diên Phước công chúa, con vua Thiệu Trị và bà Từ Dũ, em vua Tự Đức.

Nhà xưa cổng cổ nay vẫn còn nguyên vẹn với từ đường mái ngói âm dương, tam quan rêu phong trầm mặc. Chỉ tiếc đất vườn đã bị hậu duệ phân lô nhiều mảnh để làm nhà ở, phá vỡ bố cục vườn nhà cổ truyền thống Huế.

Bên cạnh chợ Kim Long còn hiện hữu ngôi đình thuộc loại cổ nhất của Huế. Đấy là trung tâm của thủ phủ xứ đàng trong từ năm 1636 đến năm 1687, trải qua hai đời chúa Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần đến đầu thời chúa Nguyễn Phúc Thái. Phía trên chợ Kim Long có phủ Vĩnh Quốc Công - từ đường của Đại thần Nguyễn Hữu Độ với tam quan uy nghi, hoành tráng. Nhưng phủ cũng không thoát khỏi thực trạng bị hậu duệ phân lô cất nhà, vươn ra mặt tiền làm dịch vụ.

Phía trên phủ Vĩnh Quốc Công chừng trăm mét có một địa chỉ văn hoá của Huế. Đó là vườn nhà cổ An Hiên, nơi hội tụ của thảo mộc ba miền, bốn mùa cây cối đơm hoa kết trái.

Trong vườn An Hiên có giống hồng tiến do ông nghè Mai, cháu nội của Nguyễn Du đem từ Tiên Điền (Hà Tĩnh) vào tặng gia chủ. Đây là loại hồng Nguyễn tiên sinh lấy giống ở phương bắc trên đường đi sứ bên Tàu trở về.

Trong vườn còn có hoa anh đào, những cây anh đào đầu tiên trên dải đất miền Trung do những bằng hữu đến từ xứ sở hoa anh đào tặng chủ nhân An Hiên là bà Nguyễn Đình Chi, nguyên hiệu trưởng trường Đồng Khánh, cố vấn Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất trong nhiều khoá. An Hiên là mẫu vườn nhà cổ độc nhất vô nhị của Huế.

Sớm cứu đô thị vương giả

Phát triển Huế từ bài học 'đô thị vương giả' ảnh 2
Xẻ đất dinh phủ làm dịch vụ

Để có một thành phố biệt phủ, một đô thị vương giả gắn liền với miệt vườn Kim Long xanh mướt, các thế hệ tiền bối trải qua chặng đường 300 năm khai phá, xây dựng; nhiều thế hệ con cháu tiếp tục gìn giữ, tài bồi.

Thế nhưng, để Kim Long nhếch nhác như bây giờ với những nhà hộp lô nhô, những ki ốt, nhà hàng tràn ra mặt đường che khuất cả phủ thờ, nhà thờ gia tiên, xâm hại những cổng cổ rêu phong, diễn ra chỉ trong vòng 30 năm lại đây.

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành chính sách hỗ trợ các gia đình trùng tu nhà rường cổ, hỗ  trợ các gia đình tạo lập nhà vườn truyền thống. Một chủ trương rất cần thiết cho dù đã quá muộn.

Sự muộn màng này cùng với những yếu kém trong công tác quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị thời gian qua đã khiến cho đô thị vương giả, dinh phủ Kim Long vang bóng ba trăm năm, nhanh chóng bị lụi tàn.

Một nét tiêu biểu của Huế là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên với dấu ấn đặc trưng là kinh thành - sông Hương - núi Ngự.

Sông Hương giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong tổng thể kiến trúc của thành phố, góp phần quan trọng tạo ra bản sắc của đô thị Huế. Khi qui hoạch, xây dựng khu bờ nam, người Pháp đã rất tôn trọng vẻ đẹp và vai trò của con sông Hương nói riêng cũng như tổng thể kiến trúc kinh thành Huế nói chung. 

Đặc thù của Huế là cố đô cổ kính chung sống với thành phố mới đang phát triển. Vì thế, tạo lập diện mạo kiến trúc đặc trưng cho thành phố Huế là vấn đề đặt ra đối với giới kiến trúc sư và chính quyền sở tại. Không thể cưỡng lại cơn lốc đô thị hoá đối với cố đô Huế.

Nhưng nếu có ý thức và có giải pháp, người ta vẫn có thể giữ được lối kiến trúc phong cảnh, có sự thay đổi uyển chuyển qua các thời kỳ lịch sử, không để phát sinh những lô cốt, những dãy nhà cao tầng phá vỡ sự ổn định của cảnh quan đô thị đã định hình, đã trở thành phong cách kiến trúc đặc trưng của đô thị Huế. 

Vì thế, trong cơn lốc phát triển đô thị cần phải có một Huế mới để không làm ảnh hưởng đến Huế cổ. Đáng mừng là gần đây đang hình thành những khu đô thị mới, hiện đại, phát triển nhanh về phía nam và đông nam, được quản lý rất chặt chẽ cả về quy hoạch và kiến trúc.

Hệ đồi núi của Huế cũng là một nhân tố cấu thành, mở rộng đô thị với phong cách kiến trúc riêng. Một Đà Lạt ở vùng gò đồi phía tây nam Huế là rất khả thi nếu có ý tưởng hay và có quyết tâm lớn.

Có nghĩa là cần phải xây dựng một không gian đô thị mới với những khu, những tuyến phố được phát triển về hướng tây nam mà những khu lăng tẩm, chùa tháp sẽ là những điểm nhấn, là cái hồn của Huế trong lòng những khu đô thị mới.

Dĩ nhiên, để những khu đô thị mới phát triển bền vững, đúng quy hoạch, công tác quản lý phải thật chặt chẽ và nghiêm minh, dựa trên nền tảng quy hoạch kiến trúc đã được phê duyệt từ ban đầu.

Xây dựng một đô thị hiện đại chỉ mất vài chục năm, thậm chí chỉ mất ba năm như trường hợp Khu phố Đông của Thượng Hải - Trung Quốc. Thế nhưng xây dựng một thành phố văn hoá phải mất hàng trăm năm.

Không thể để thành quả vài trăm năm bị lụi tàn trong vài chục năm, thậm chí chỉ trong vòng mười năm, như trường hợp Kim Long.

MỚI - NÓNG