Phnompenh, ngày hội 30 năm

Phnompenh, ngày hội 30 năm
TP - Có mặt tại bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng, phía nam thủ đô Phnompenh, Campuchia, đúng ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Phnompenh khỏi ách cai trị của chế độ Pol Pot, tôi thấy một nữ du khách trẻ người Úc bưng mặt chạy ra gốc dừa trước sân bảo tàng khóc òa lên.
Phnompenh, ngày hội 30 năm ảnh 1
Đài Hữu nghị

Phà Neak Loeung nằm trên đường xuyên Á đoạn TPHCM- Phnompenh cách thủ đô Phnompenh khoảng 60 cây số luôn cảnh chật chội đến ngạt thở vì bát nháo, nhếch nhác như bến phà Mỹ Thuận ngày trước. Những dòng xe chở đầy người cả trong xe lẫn trên mui và hàng hóa  rồng rắn xếp hàng chờ qua phà.

Phụ nữ, trẻ em, người già chen chúc nhau len lỏi vào những ô trống để bán hàng rong. Từ thúng đọt sầu đâu, tôm nướng, chim cút rô ti, bắp luộc, cóc me ổi, cơm lam đến trứng vịt gà luộc, kính mát, thuốc lá…

Hầu hết người bán hàng rong đến từ các tỉnh miền Tây nước ta. Hai chiếc phà nhỏ nặng nề đưa khách bộ hành và xe vượt sông Mekong. Bác tài Nguyễn Văn Phương cho biết: Do ngày mai là ngày lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng khỏi nạn diệt chủng nên người và xe về thủ đô Phnompenh nhiều hơn mọi ngày.

Là dân gốc Việt sống trên đất Campuchia (Cam) nhiều năm, anh gần như không phân biệt đâu là đất nước của mình. Anh lấy vợ người Sài Gòn, nên theo về Việt Nam sinh sống, còn gia đình ở hết bên Cam.

Trở thành lái xe cho Cty LD Kumho chạy tuyến TPHCM -Phnompenh, anh lại xuôi ngược qua lại hai nước như cơm bữa. Ai du lịch sang Cam mà đi cùng anh, xem như đi trên đất Việt.

Chiều nắng rực như hắt muôn ánh vàng óng ánh lên từng mái cong của đền tháp nguy nga khu Cung điện Hoàng gia, càng làm cho du khách tham quan mê mẩn tưởng như đang lạc vào xứ sở thần tiên của muôn ánh đạo vàng nơi cõi Phật.

Quảng trường Hoàng Cung quay mặt ra sông Mekong, người xe đông như hội. Một phố hàng ăn di động chuyên bán các loại hoa quả, côn trùng chiên, nướng thơm phưng phức.

Hai dãy cờ phướn Campuchia và các quốc gia bay phần phật trong gió lộng từ sông lên, báo hiệu niềm hân hoan lễ giải phóng thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot lần thứ ba mươi.

Ba mươi năm trước, ngày 17/4/1975, đúng dịp Tết cổ truyền dân tộc Khmer, thành phố Phnompenh rơi vào tay quân Khmer Đỏ. Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, dưới chế độ diệt chủng của Pol Pot, có thể hơn 1,5 triệu người bị giết hại.

Chúng tôi tìm đến bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng nằm trong khu phố nhỏ Tuol Svay Prey, phía nam thủ đô. Bảng tàng gần như chật cứng du khách nước ngoài và người dân Cam đổ xô về tham quan chứng tích tội ác diệt chủng.

Nơi đây là trường trung học Toul Svay Prey, từ năm 1976 Pol Pot biến thành “Nhà tù an ninh S21” giam giữ trên 14.000 người.  Nơi đó, chỉ còn khoảng 14 người sống sót.

Những gian phòng lạnh lẽo với thùng sắt đựng đạn, chiếc cùm sắt nằm trơ trọi trên giường, bên cạnh là những đồ vật hiền hòa bỗng trở thành hung khí như gậy, vồ, cuốc, búa, thuổng, xẻng…

Một nữ du khách trẻ người Úc bưng mặt chạy ra góc dừa trước sân bảo tàng khóc òa lên. Anh Nguyễn Văn Mỹ- Giám đốc Cty Du lịch Lửa Việt, cho biết thêm, lần trước đưa khách đến tham quan, anh gặp một phụ nữ người Lào như phát điên khi xem phim tư liệu và nhìn thấy hình ảnh giết người.

Từng là bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường Campuchia, mỗi miền đất từ Battambang, Siem Reap, Preah Vihear, Kok Kong, Kampong Thom…, đối với anh, đều là những kỷ niệm không thể xóa nhòa kỷ niệm về đồng đội đã chiến đấu, hy sinh.

Anh dặn mọi người, ngày độc lập của Campuchia, gặp đâu có bát hương hãy thắp lên cho ấm lòng các anh em bộ đội đã hy sinh trên đất bạn.

Tôi nghiêng mình trước Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia sừng sững uy nghiêm bên cạnh vành đai  khu quảng trường Hoàng Cung nối với Tượng đài Độc Lập, biểu tượng của đất nước Chùa Tháp.

“Cảm ơn Việt Nam”, “Cảm ơn bộ đội Việt Nam” là cụm từ mà rất nhiều người Campuchia trong những ngày này thường nhắc đến. Gặp anh E Thun, nhà ở đại lộ Monivong dắt con trai tám tuổi dạo công viên Tượng đài Hữu nghị. “Tôi đưa con trai đến đây và luôn nhắc con nhớ ngày này. Gia đình tôi thoát khỏi nạn diệt chủng nhờ ơn Bộ đội Việt Nam”.

Rời đất nước Chùa Tháp hiền hòa, tôi nhớ mãi nụ cười rạng rỡ xinh đẹp đầy quyến rũ  trên khuôn mặt những cô gái Khmer trong vũ điệu Apsara, nụ cười của tình bạn -Samaky “cùng uống chung dòng Mê Kông, cùng chung cánh đồng bát ngát”.

MỚI - NÓNG