Phố Âu bên dòng Mê Kông

Phố Âu bên dòng Mê Kông
TP - Thành phố Viêng Chăn, thủ đô nước bạn Lào, chỉ cách Thái Lan bằng dòng sông Mê Kông. Bên kia là làng mạc, phố xá người Thái. Bờ bên này, người Lào xây dựng một khu phố mang vẻ đẹp riêng.

Anh Anuxanuvon, kiến trúc sư người Lào cho biết, hầu hết các công trình nhà cửa và đường phố ở khu vực Patuxay (Khải hoàn môn - Tượng đài Chiến thắng) đều được xây dựng theo kiến trúc châu Âu, nhất là kiến trúc Pháp, nhưng không mất đi phong cách kiến trúc Lào.

Từ dãy phố Ruesetthathirath đến đường Laundrymixay, vòng qua dãy phố Hophakeo, ngoài nhà cửa hiện đại mang phong cách châu Âu thỉnh thoảng còn thấy những ngôi chùa cao chót vót mang đậm kiến trúc đặc trưng Lào.

Rảo bộ ngược bờ sông Mê Kông, tôi như lạc vào một thế giới hiện đại của châu Âu thực sự. Một dãy phố mang phong cách châu Âu ngoảnh mặt ra bờ sông Mê Kông.

Đường phố sạch đẹp và tĩnh lặng, du khách chủ yếu là đi bộ. Xa xa thấp thoáng khách sạn 5 sao, cao hơn hai mươi tầng đầu tiên được mọc lên cao chót vót bên bờ sông Mê Kông. Có lẽ khách sạn, công trình cao nhất của thủ đô Viêng Chăn này mang tên Donchan Palace Hotel.

Tới đây người ta bắt gặp toàn du khách châu Âu. Nối liền khách sạn này là dãy phố cổ kính, hai bên đường san sát nhà hàng chủ yếu nhằm phục vụ du khách nước ngoài. Con phố Ruesetthathirath dài chưa đầy nửa cây số nhưng có đến hàng trăm nhà hàng đều mang tên nước ngoài.

Bước vào nhà hàng Roma, cô nhân viên nhà hàng có tên Leng Saharutikham cho biết, nhà hàng này của một ông chủ người Lào, các món ăn của nhà hàng chủ yếu chế biến theo kiểu Italia nên rất nhiều du khách châu Âu vào đây.

Hôm chúng tôi có mặt, chưa đến Noel, nhưng nhiều nhà hàng, quán cà phê đã được trưng bày cây thông, ông già tuyết với nhiều màu sắc sặc sỡ của ánh điện nhấp nháy lung linh.

Chiều tà, dòng người đổ về ăn tối bên bờ sông Mê Kông rất đông. Nhà hàng nào cũng đầy ắp du khách Tây, hiếm hoi lắm tôi mới bắt gặp được một du khách châu Á. Thấy cái tên rất Việt Nam “Restaurant Nam Phú”, tôi theo chân ba, bốn du khách Anh bước vào.

Nhà hàng này do một ông chủ người Việt đầu tư xây dựng. Điều làm tôi ngạc nhiên là nhà hàng rất sang trọng giá cả không cao lắm so với một số nhà hàng khác ở trung tâm Viêng Chăn.

Cô nhân viên Lê Thu Hiền cho biết, ngoài các món ăn phục vụ người phương Tây, nhà hàng Nam Phú còn có rất nhiều món ăn khác phục vụ cho người Việt, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, lúc nào cũng tấp nập người vào ra.

Cũng nằm trên phố này, nhà hàng mang tên Hungary tấp nập du khách. Cô Mariana Victoria, một du khách đến từ Hungary tâm sự, tới Viêng Chăn họ thực sự như đang ở châu Âu, ngoài phong cảnh đẹp, nhiều di tích văn hoá hấp dẫn thì các món ăn ở Viêng Chăn luôn hợp khẩu vị với họ.

Phía sau nhà hàng là một công viên nhỏ, có hệ thống vòi phun nước, kề bên công viên là một siêu thị mini bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Các nhân viên nhà hàng ở đây cho biết, thượng đế của họ hầu hết đến từ phương Tây.

Tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ

Ấn tượng đầu tiên là lúc vừa đặt chân đến dãy phố có tên gọi Souphanouvong, tôi đã bắt gặp hai người Lào chạy xe tuktuk chào mời du khách bằng tiếng Anh rất trôi chảy. Ven vỉa hè sông Mê Kông thuộc Viêng Chăn giống như một công viên tình yêu.

Nơi đây không chỉ dành riêng cho trai gái Viêng Chăn yêu nhau ra ngồi hóng gió mà còn có cả những cặp tình nhân là du khách nước ngoài tới đây. Một số trẻ em bán hàng rong nhưng rất  lịch sự.

Các em đều nói tiếng Anh thành thạo, không có chuyện ép giá như một số nơi khác. Sau lời chào mời, dù du khách không mua hàng cũng nhận được câu cảm ơn.

Southone Phoung (12 tuổi) kể nhà có bốn chị em thì cả bốn đều đi bán hàng rong bên sông Mê Kông. Nhưng bán hàng chỉ là cái cớ, còn việc chính là đi phiên dịch cho du khách. Nhiều du khách thuê các em đi theo để phiên dịch từ tiếng Lào sang tiếng Anh. Ngày nào may mắn mỗi em kiếm được 50 USD.

Tại nhà hàng có tên Tây Ban Nha, cô nhân viên quầy rượu Nguyễn Thị Khánh Huyền kể: Muốn vào làm việc cho các nhà hàng ở khu vực này ngoài hình thức ưa nhìn, nhân viên còn phải biết giao tiếp bằng tiếng Anh.

Hầu hết các gia đình sống bên sông Mê Kông thuộc thành phố Viêng Chăn đều sử dụng được tiếng Anh. Và thế nên nó được mệnh danh Vương quốc tiếng Anh bên dòng Mê Kông.

MỚI - NÓNG