“Rái cá cầu Bình Lợi” vẫn lặn ngụp

Ông Ba Chúc với cuộn dây dài dùng để cứu người.
Ông Ba Chúc với cuộn dây dài dùng để cứu người.
TP - Cả cuộc đời gắn bó với chiếc thuyền, “rái cá cầu Bình Lợi” và những người anh em chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay nơi sóng nước Sài Gòn. Đến cuối đời, họ vẫn chưa thể rời xa mặt sông, bởi nơi đây đã là chốn gắn bó máu thịt, mà cũng phần vì đời sống ngư nghiệp còm cõi không đủ giúp họ thuê trọ khi cất bước lên bờ.

Xóm đò nho nhỏ

Lọt thỏm bên mé sông dưới chân cầu Bình Lợi (thuộc tổ 35, khu phố 2, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) là xóm đò liêu xiêu với vài chiếc ghe cũ kĩ cùng mấy nhân khẩu. Đây là bến trú ngụ của đúng mười con người có họ hàng thân thích với nhau cùng đắp đổi mưu sinh qua ngày ngót nửa thế kỷ nay.

Rê điếu thuốc lá trong một chiều nhạt nắng, ông Nguyễn Văn Chúc (58 tuổi, tên thường gọi là Ba Chúc) chậm rãi kể về cái nghiệp đã vận vào mình hơn nửa đời người. “Quê cha đất tổ của tôi ở ngoài Vĩnh Phúc. Sau năm 1954, gia đình tôi di cư vào Nam kiếm kế sinh nhai. Nhiều năm theo cha rồi sau này ông cho chiếc ghe để ra ở riêng. Từ lúc cưới vợ năm 1977 đến nay, tôi lên hẳn trên ghe thuyền, sống đời nổi trôi sông nước này”, ông kể.

Ông Chúc theo cha làm nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm từ tấm bé. Lúc ấy, ông vẫn còn được theo cha “lên bờ” (sống trên đất liền), ngụ ở quận Gò Vấp. Tuổi thơ bên mành lưới, mái chèo lênh đênh sông nước đã giúp ông có kỹ năng bơi lội hơn người. Nhiều người gọi ông là “người cướp cơm Hà Bá”, “rái cá cầu Bình Lợi”.

Ông Chúc sinh ra trong một gia đình có cả thảy mười anh em. Hiện tại, ngoài ông Chúc và bà Nguyễn Thị Hinh - vợ ông, còn có hai người em trai và cô em gái thứ năm của ông cũng bám trụ cùng thuyền, cùng sông bên cầu Bình Lợi. Cách con thuyền gỗ gia đình ông Chúc độ dăm bước chân là “nhà” của bà Ngô Thị Liêm - bác họ ông Chúc. Bà Liêm hiện sống cùng con trai và con dâu cũng trên “căn nhà” bốn bề nước sông. Một quần cư nhỏ bé, liêu xiêu cặp sát bờ sông đã bao tháng năm thăng trầm cùng những đổi thay bên mấy nhịp cầu Bình Lợi cũ - Bình Lợi mới.

Chênh vênh chuyện “lên bờ”

Bao năm xuôi ngược mưu sinh, ông Chúc đã chứng kiến biết bao đổi thay dọc sông Sài Gòn. Khi thì đưa đò chạy qua Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Cát Lái (quận 2), hay quanh quẩn khu cầu Bình Lợi, lúc lại ngược lên tận Lái Thiêu (Bình Dương)… để kiếm vài mẻ cá tôm cho bữa chợ.

“Rái cá cầu Bình Lợi” vẫn lặn ngụp ảnh 1

Bà Ngô Thị Liêm bên “căn nhà” chắp vá của mình.

“Xưa mình còn dễ sống bởi cá tôm nhiều, giờ đây đánh bắt còm cõi hơn cũng phần vì nguồn nước ô nhiễm, phần tại người ta dùng điện đánh cá theo kiểu hủy diệt”, ông Ba Chúc nói. Nếu chỉ trông cậy vào những sản vật từ sông nước mênh mông thì có lẽ ông Chúc đã không trụ nổi với cái nghề cha truyền con nối này. 

Những chuyến hàng từ các sà lan vận tải đã trở thành cần câu cơm thứ hai của gia đình ông khi ông tham gia vận chuyển vật liệu, hàng hóa. Rồi người ngoài tàu cần mua bao nước đá, phụ gia, thùng bia… đều a-lô ông. 

Dăm ba chục ngàn tiền công người ta trả mỗi bận đó cũng giúp ông Chúc xoay trở chuyện ăn cho mấy nhân khẩu trong nhà. “Năm nàng tiên” nhà ông lần lượt ra đời, lớn lên và đều “lên bờ”. Ba cô lớn ông gả đi rồi, còn hai cô đang theo học tại TPHCM. Chỉ còn hai vợ chồng ngày ngày bầu bạn với chiếc thuyền dập dìu theo con nước. 

Thấy có người trò chuyện với chồng, bà Hinh tới góp chuyện. Bà Hinh trông phốp pháp, nhưng mang trong mình bệnh tiểu đường tuýp 2 đã 12 năm nay, phải tiêm thuốc mỗi ngày hai lần. “Hai vợ chồng mấy chục năm rồi cứ sống trên sông, cá mắm nuôi nhau qua ngày. Lên bờ là phải bon chen đủ thứ, mà mình hồi giờ quen sống an phận vậy rồi nên thôi ở đây mà đùm bọc lấy nhau. Con cái cũng khuyên mẹ cha “lên bờ” tìm nơi trú ngụ, nhưng mình sống ở đây bao nhiêu năm đã quen thuộc, giờ đi thì không nỡ”, bà Hinh tâm sự. 

Vợ chồng ông Chúc ít ra còn có cái ăn cái để, dành dụm nuôi con, chứ như ba mẹ con bà bác họ ông - bà Ngô Thị Liêm - sống kế bên thì giờ có muốn lên bờ cũng là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nói như bà Liêm dẫu có đi chài lưới hằng ngày thì cũng chỉ bữa đực bữa cái, kiếm cái ăn quá nhọc nhằn giữa thời buổi nguồn lợi trên sông bị teo tóp như hiện nay. Ở cái tuổi ngoài 80, bà Liêm vẫn hằng ngày mang chút cá tôm bắt được ra chợ Bình Lợi, chợ cầu Đỏ gần đó để kiếm chút tiền mọn đổi gạo, mua dầu mắm. “Cuộc sống khốn khó quá, tui muốn lên bờ, nhưng lên rồi cũng không có tiền thuê trọ”, người phụ nư khắc khổ thổ lộ.

Những vụ “cướp cơm Hà Bá”

Lấy sông nước làm chốn mưu sinh, thuyền chài làm nhà, ông Chúc đã quá quen với cảnh người ta gieo mình xuống sông tự tử. Không ít lần ông cứu họ khỏi lưỡi hái tử thần. Ông Chúc không nhớ rõ đã cứu và vớt biết bao người quyên sinh, chỉ mang máng khoảng mười trường hợp được cứu mỗi năm. Và chừng đó người không cứu kịp, ông Chúc cũng cố đưa xác họ vào bờ.

“Tôi sinh sống ở ngay dưới chân cầu, bất kể đêm ngày, chỉ cần thấy hoặc nghe ai tri hô là phi ra ngay. May cứu được thì mình điện cho người nhà họ đến đưa về, còn không kịp thì chờ bàn giao cho bên công an xử lý. Hễ thấy là phải làm thôi, lương tâm không cho phép tôi lơ đi”, ông nói. Những người may mắn được cứu sẽ phải chờ ông tìm cách liên lạc thân nhân đến đón về. Không đời nào ông cho họ bỏ đi, bởi ông lo họ lại tìm đến cái chết. Buông lưới tung chài là cái nghề để ông có miếng cơm manh áo, còn việc cứu người vớt xác mỗi khi có chuyện xảy ra đã thành cái nghiệp.

Về chuyện cứu người nhiều năm qua, ông Chúc bảo đã đôi lần suýt chết. Lúc đuối nước, người ta quẫy đạp mạnh mẽ nhất, ông phải cố xoay trở giữa mênh mông nước. “Bởi gặp nhiều rồi nên mình phải kinh nghiệm hơn, trước khi nhảy xuống nước, tôi cột một đầu dây vào tay, một đầu buộc vào thuyền. 

Xuống nước, dẫu họ có lôi tới đâu thì mình cứ nắm sợi dây mà kéo thì không lo chìm”, ông Chúc chia sẻ cách cứu người. Còn với ai không may đã chết, ông buộc xác họ vào sợi dây thừng khác rồi kéo lên bờ, chờ lực lượng chức năng đến giải quyết. Bởi thế, trên thuyền ông không lúc nào vắng cuộn dây dài.

“Rái cá cầu Bình Lợi” vẫn lặn ngụp ảnh 2

Từ trên cầu Bình Lợi nhìn xuống, xóm đò bên mé sông trông thật liêu xiêu, nhỏ bé.

Cảm kích trước tấm lòng nhân nghĩa của ông Chúc, ba năm trước, chính quyền địa phương trao cho ông chiếc xuồng máy composite để hỗ trợ ông trong công tác cứu người. Biết tiếng ông, nhiều đơn vị chức năng lưu số máy của ông để nhỡ có chuyện xảy ra ở đâu là nhờ đến giúp. Trên chiếc thuyền nhỏ, ông lưu giữ nhiều tấm huy hiệu, giấy khen của các cơ quan chính quyền, báo chí.

Bây giờ, tuổi cũng nhiều, sức khỏe giảm, nhưng hễ còn có thể dốc sức vì người khác là ông vẫn không từ nan. Người phụ nữ bao năm nâng khăn sửa túi vẫn luôn ủng hộ công việc của chồng. Bà chỉ canh cánh mỗi chuyện vì không dư dả nên đến giờ chồng vẫn chưa mua nổi bảo hiểm phòng khi ốm đau, bệnh tật. Dòng sông sâu hàng chục mét vẫn cuộn chảy, sức lực của “rái cá” Ba Chúc cũng hữu hạn, rồi cũng đến lúc phải nghỉ ngơi. Chỉ có cánh bèo là dạt trôi mải miết theo con nước giữa đôi bờ.  

Ông Nguyễn Hà Vĩnh Trường, Phó Chủ tịch phường 13, quận Bình Thạnh, cho biết, địa phương rất hoan nghênh việc làm nhân đạo của ông Nguyễn Văn Chúc. “Thấy được việc tốt mà ông làm lâu nay nên chúng tôi cũng tạo điều kiện để ông mưu sinh trên đoạn sông và tiếp tục cứu người. Ông Chúc là người hiền hòa, cư xử đúng mực với mọi người xung quanh”, ông Trường nói.


MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.