Rưng rức mảnh đời đeo 58 mảnh đạn

Rưng rức mảnh đời đeo 58 mảnh đạn
TP - Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm, nhưng 58 mảnh đạn vẫn róng riết bám theo mảnh đời bà Trần Thị Hiền ở xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh TT- Huế.

Chết đi sống lại

Ngồi trước tôi là một phụ nữ gần 60 tuổi, từng suýt bị đem chôn vì tưởng đã hy sinh, hai hõm mắt thâm quầng, trũng sâu. Hàng chục mảnh đạn, vết thương chiến tranh ngày ấy vẫn hành hạ, cấu cào trên khắp cơ thể bà.

Đã 38 năm trôi qua, bà Hiền còn nhớ như in cái ngày đồng đội chuẩn bị khâm liệm mình trong 4 m2 nilon như bao người lính hy sinh giữa chiến trận thời chống Mỹ. Bà cũng không thể nào quên một chiều thu rực lửa năm 1973 trên vùng đồi Hương Trà. Đó là một buổi chiều nhuốm máu, khét lẹt khói bom tưởng đã đưa bà mãi mãi vào cõi chết.

Hôm đó, Hiền và 5 nữ giao liên trẻ tuổi được Huyện đội Hương Trà cử đi lấy lương thực nuôi quân dọc theo triền sông Bồ. Cả nhóm 6 người chia nhau tải hơn 2 tạ quân lương. Một nữ giao liên cùng bà Hiền đi tốp đầu bất ngờ trúng mìn Claymor phục kích của địch.

Trong phút chốc, xác thân người đồng đội hóa vào cây cỏ. Phần thân thể phía trước của Hiền bị mảnh đạn găm kín, thịt da bầm giập khét lẹt thuốc súng. Sau tiếng nổ chát chúa, quân địch vây ráp bốn phía. Lúc đó khoảng 2 giờ chiều. Đồng đội đành đặt Hiền vào một hốc cây.

Đến 6 giờ tối hôm sau, vòng vây bị phá, Hiền được đồng đội cắt rừng đưa về đơn vị. Hiền mất quá nhiều máu, thân thể dính đầy mảnh bi thép, bất động, không còn hơi ấm. Bốn mét vuông vải liệm đã sẵn sàng. Ba lô, áo quần và tư trang của người lính cũng đã được gói ghém. Cách đơn vị không xa, công binh đào sẵn huyệt để an táng đồng đội hy sinh.

Ai cũng nghĩ Hiền đã chết sau hơn một ngày đêm trọng thương. Chỉ huy đơn vị bất ngờ ra lệnh kiểm tra thật kỹ tình trạng sức khỏe Hiền lần cuối. Thay chiếc áo mới và kiểm tra cơ thể Hiền trước khi tiễn đồng đội đi xa, một y tá phát hiện trên lồng ngực rách bươm của Hiền bỗng phát ra những nhịp đập yếu ớt. Tất cả các loại thuốc men tốt nhất của đơn vị lập tức được huy động cứu chữa Hiền. Hiền hồi tỉnh kỳ diệu bên cạnh tấm nilon màu lá cây đã trải sẵn chờ bọc xác. Xung quanh là những gương mặt đồng đội chan đầy nước mắt.

Sau lần trở về từ cõi chết đó, do vết thương quá nặng, khả năng tử vong vẫn rất cao, Hiền được chuyển ra Bắc an dưỡng. Một tháng trời dọc đường mòn Hồ Chí Minh bom đạn, từ TT- Huế ra Quảng Bình, Hiền được 4 đồng đội thay nhau cáng võng, vừa đi vừa cứu chữa bằng lá rừng và một số thuốc men ít ỏi.

Hai tháng tiếp theo nằm viện tại Hà Nội, vết thương tạm lành, nhưng thân thể không còn nguyên vẹn, sức khỏe rất yếu. Nhiều lần chị suýt bị cắt chi vì vết thương ở chân, tay cứ tái phát, nhiễm trùng. Theo cách xếp loại lúc bấy giờ, Hiền là thương binh hạng 6/8 (rất nặng). Hiền nhẫn nại tập luyện, đi lại, cố gắng ăn nhiều, phục hồi chức năng để xin hạ bậc thương tật, với mong muốn được đi học văn hóa và trở lại chiến trường miền Nam.

Sau ngày hòa bình, đi chụp X-quang kiểm tra sức khỏe, trên cơ thể bà Hiền vẫn còn đeo gần 60 mảnh đạn nằm rải rác từ đầu đến chân. “Tui không nghĩ mình sống được đến hôm nay. Hồi trước, cứ chụp phim xong là không dám coi. Vô số mảnh đạn được nhìn thấy trong phim cứ như một nắm hạt đậu xanh vung vãi ra nền nhà. Nguy hiểm nhất là vùng lồng ngực, bác sĩ nói hiện còn 5 mảnh đạn: 2 mảnh ở phổi, 3 mảnh nằm bên trong tâm mạc của tim. Phần đầu cũng còn 11 mảnh”, bà Hiền mệt nhọc cho biết. Bà hiện là thương binh 2/4.

Chưa thôi kiếp nạn

Câu chuyện về bà Hiền đứt quãng khi một người đàn ông trung niên gầy ốm, đen đúa bước vào chào hỏi chúng tôi. Từ căn buồng tăm tối phía trong, giọng một thanh niên yếu ớt, khắc khoải vọng ra: “Ba đã mượn được tiền cho con ngày mai vô Huế chạy thận chưa?”.

Cháu Bùi Bá Hà hiện bị suy thận giai đoạn cuối, chi phí cứu chữa rất tốn kém, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, rất cần sự giúp đỡ. Chính quyền địa phương đang nghiên cứu, xem xét hướng giúp đỡ phù hợp đối với gia đình chị Hiền và bản thân cháu Hà.

Ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hương Vân

Người đàn ông khắc khổ đó là chồng bà Hiền - ông Bùi Bá Lung, một bệnh binh. Sau ngày hòa bình, mang thương tật và ốm đau triền miên, bà gặp lại người bạn chiến đấu thuở lên rừng, rồi thành vợ chồng. Ai cũng mừng cho hạnh phúc của họ. Ông Lung quê tận Ninh Bình, lấy vợ Hương Vân, nhận đây làm quê hương thứ hai. Bà Hiền khao khát có con.

Dường như ông trời cũng không quá đỗi khắc nghiệt với bà về đường con cái. Bà sinh liền 6 con, cả 6 lần sinh nở đều bình an vô sự. Đông con, thời buổi kinh tế khó khăn, năm 1989, hai vợ chồng dắt díu nhau lên vùng rừng núi Hương Trà. Lần trở lại rừng sâu nước độc này của bà Hiền đơn giản chỉ là để kiếm cái ăn.

Sáu năm giữa rừng, củ sắn, nhúm rau dại qua ngày, 6 đứa con như những người rừng, thất học, ngờ nghệch. Những cơn đau đến với bà thường xuyên hơn. Nhiều lúc đang đêm, vết đau tái phát, bà Hiền bị ngất, ông Lung phải cõng bà lội rừng đưa về bệnh viện huyện cấp cứu. Rồi cả gia đình lại dắt nhau về làng.

Sống xa cộng đồng lâu ngày, những đứa lớn con bà Hiền khi tới lớp đã không thể hòa nhập với bạn bè, đến lớp hai, lớp ba thì bỏ học. Lớn lên, những đứa đầu ít học mỗi người một nơi, ra Bắc vào Nam kiếm sống. Cậu con út của bà, Bùi Bá Hà, năm nay 27 tuổi, nguyện không đi làm ăn xa để ở nhà gần gũi, chăm lo ba mẹ già bệnh tật. Hà là trụ cột lao động của gia đình.

Cuối năm 2010, sau một lần vừa nhập viện trở về do vết thương ở tim tái phát, bà Hiền nhận tin con trai Bùi Bá Hà bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 tuần một lần mới mong kéo dài sự sống. Từ ngày đứa con út lâm trọng bệnh, nhiều đồ đạc trong gia đình lần lượt đội nón ra đi.

Chế độ thương binh, bệnh binh hằng tháng của hai vợ chồng trên 2 triệu đồng vừa đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Ốm đau thường xuyên, chi phí thuốc men dành cho bà vốn đã nhiều, rồi phải nuôi cháu ngoại (chồng con gái bị chết), nay cậu út lâm bệnh, kinh tế gia đình càng kiệt quệ. Bà Hiền cho biết, từ tháng giêng đến nay, bệnh của Hà đã tiêu tốn gần 30 triệu đồng, phần lớn là tiền vay mượn của người thân, bà con lối xóm. Số lần chạy thận trong một tuần giờ phải giảm xuống còn hai do thiếu tiền.

“Tui tính đi gắp những mảnh đạn còn trong người bằng số tiền dành dụm được lâu ni, vì nhiều lúc đau đớn không chịu nổi. Chừ đây, thằng Hà mắc bệnh hiểm nghèo, số tiền ít ỏi đó cũng không còn. Vợ chồng tui đang tính bán căn nhà nhỏ ni để lo cho nó. Nhiều lần chết đi sống lại, giá như cái thân tàn sứt mẻ của tui đây mà mang thay cái bệnh hiểm nghèo của thằng Hà thì hay biết mấy. Tui chết cũng được rồi, nhưng Hà còn trẻ quá”, nước mắt bà rơi lã chã. Hai hốc mắt xám xịt của người nữ thương binh như sâu hơn. Sau lưng bà, bức vách nhà cũ kỹ dựng dang dở từ 10 năm trước vẫn loang lổ vết vôi vữa dọc ngang, tăm tối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG