Rưng rưng “duyên kiếp lô tô“

Khách xem hát là chủ yếu tại một điểm lô tô ở Buôn Mê Thuột. Ảnh: H.Th
Khách xem hát là chủ yếu tại một điểm lô tô ở Buôn Mê Thuột. Ảnh: H.Th
TP - Dăm năm trước, tết là dịp đoàn lô tô (vui chơi có thưởng, đi cùng nó là các hoạt động văn hóa) tất bật chạy sô kiếm cơm cho cả năm, nhưng nay mọi chuyện đã khác. Người dân không còn mặn mà với đoàn, khiến những người kiếm sống bằng nghề lô tô bấp bênh và khó sống hơn trong thời thắt lưng buộc bụng.

Qua thời hưng thịnh

Một thời, đoàn lô tô được “ghi công” trong việc mang không khí đô thị tươi vui, nhộn nhịp đến các miền quê nghèo trên cả nước. Họ được chờ đón nồng nhiệt, bởi mỗi năm mới có một đôi lần đoàn ghé. Người dân tấp nập đến coi đông như trẩy hội. Nhờ vậy, đoàn ăn nên làm ra, từng đêm sáng đèn mỗi diễn viên có thể bỏ túi kha khá. 

Thấy dễ kiếm sống, nhiều người đua nhau lập đoàn, mở hội tranh giành ì xèo. Nhiều nhà đầu tư tung tiền tô điểm cho đoàn mình thật hoành tráng, nuôi tham vọng “mẻ to, trúng lớn”. Ai ngờ, chừng 3 năm trở lại đây, “gu” văn hóa nông thôn đã khác và các dịch vụ giải trí mọc lên như nấm chẳng kém mấy thành thị. Niềm hy vọng cuối dồn vào các đào chuyển giới pê đê từng là con át chủ bài hút khách, nay cũng đành bất lực. Người xem quay lưng, miếng ăn chia nhỏ khiến cuộc sống du mục của những mảnh đời lô tô trở nên khó khăn hơn lúc nào hết. 

Nằm chỏng chơ trong chiếc võng cũ kỹ, chị Kim Anh, chủ một đoàn lô tô đóng chân trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuột lắc đầu than: Hơn 1 tuần nay, đoàn về nhưng không diễn được đêm nào. Đêm đầu dựng diễn có 5, 7 khách lè tè, đêm thứ 2 không có mống nào nên đành đắp chiếu. Cả chục con người đói chỏng niêu, chỉ biết trùm chăn ngủ qua ngày. Đây là lần đói nhất trong hơn 15 năm lưu diễn từ Nam ra Bắc của đoàn.

Chung cảnh ngộ, đoàn đến từ Phú Yên của anh Thạch dựng lên có khách nhưng xem nhiều hơn chơi. “Người ta chủ yếu tới coi pê đê hát chứ không bỏ tiền chơi trò chơi. Đến vé lô tô 10 ngàn/vé, nài nỉ khô cả họng mới bán được. Ngày trước tầm sát tết, đoàn chạy sô diễn lia lịa chứ không ngồi ngáp ruồi thế này”, anh Thạch chia sẻ.

Không diễn nhưng tiền bãi bến, điện nước, tiền giữ trật tự an ninh vẫn phải đóng. Muốn đi bến khác thì phải chờ tiền “cứu trợ” ngoài quê gửi vào. Sau một chuỗi xin thủ tục dựng bến lưu diễn từ cấp Sở-phòng huyện-xã, phường rồi mới đến thôn, buôn. Xong thủ tục người ta chỉ cho bến diễn, cái này quyết định cơm cháo cho đoàn. “Gặp bến dân chịu chơi thì đỡ chứ chỗ bên trái, nghĩa địa, phải, giáp chùa hoang, giữa, rừng sâu thì chỉ có chết đói”, chị Anh nói thêm.

Biết theo nghề là bấp bênh, đói - no chỉ trong gang tấc, nhưng họ biết đi đâu với thân phận nghiệt ngã: 20 người trong đoàn thì hết bảy người góa vợ góa chồng, mồ côi, dị tật, còn lại có vấn đề về giới tính nên vẫn ít nhiều bị kỳ thị. Không chịu nổi ánh mắt soi mói, gièm pha của người đời, họ lỡ gửi phận mình vào nghiệp lô tô. Chỉ cần được sống đúng với con người thật, đối với họ là đủ.

Đường cùng gặp ngõ cụt

Trong túp lều bạc tạm bợ dựng giữa trời, người đàn ông có biệt danh “Ái Vân” tuổi ngoài tứ tuần trải lòng về cuộc đời thăng trầm nhưng không bi lụy của mình. Sinh ra ở miền Tây sông nước, cuộc sống gia đình “chị” quanh năm gắn nghiệp chài lưới. Tạm gác con chữ, “chị” vùi mình mưu sinh quên cả thời gian. 

Sở hữu thân hình vạm vỡ, nước da ngăm đen phong trần như bao chàng trai xứ chài khác, nhưng “chị” lại có “sở thích” không “men” tí nào. “Chị mê hát dữ lắm, suốt ngày mở nhạc hát theo không à. Thấy ca sỹ diện đầm đẹp là chị liền trộm đồ của chị gái mặc theo. Mới đầu mọi người cứ nghĩ pha trò, sau biết rồi mẹ như bị trúng gió”- Ái Vân nhớ lại.

Rưng rưng “duyên kiếp lô tô“ ảnh 1 Đìu hiu vắng khách
Không chịu được ánh mắt, lời nói của xóm làng, chị trốn nhà lên Sài Gòn. Để bám trụ, “chị” kìm nén, che giấu thân phận thật của mình. “Hồi đó nghe tới pê đê là người ta xua đuổi ngay, những người như tụi “chị” nào dám để lộ”.  

Sau 2 năm chắt bóp làm đủ nghề, “chị” quyết định xin học cắt tóc. Trớ trêu thay, con mắt của bà chủ tiệm chỉ cần đảo qua đã loại chị ngay vòng đầu kèm theo câu nói đầy miệt thị “Ở đây không nhận pê đê”. Lúc đấy, “chị” chỉ muốn chết cho xong, nhưng nghĩ đến mẹ, “chị” lại thôi.

Rồi cái nghiệp đào cũng đến khi “chị” tình cờ vào hội lô tô chơi. Nhìn những ca sỹ thân phận giống mình múa hát nảy lửa, máu ca hát bấy lâu âm ỉ nay trỗi dậy sục sôi trong “chị”. “Chị” thèm được như họ, rồi theo hội từ đó.

Không quá gian truân như Ái Vân, con đường đến với nghiệp “đào” của Đình Dũ 32 tuổi như định mệnh khi còn trong bụng mẹ. Sự hiện hữu của Dũ chính là kết quả của cuộc tình lô tô chóng vánh. Anh tâm sự bằng chất giọng trầm nhẹ, đậm chất Phú Yên: Ngày nhỏ mẹ Dũ cùng bà ngoại theo đoàn bán đồ ăn vặt. Vì nhẹ dạ cả tin, mẹ đem lòng yêu một ông khách đào hoa quê ở Bình Định. 

Khi bụng mang dạ chửa, ông cao chạy xa bay, bỏ mặc mẹ đối diện với bao đắng cay, tủi nhục. Rồi cuộc sinh hạ không tròn trịa, mẹ mất, ngoại phải bế mình xin sữa khắp nơi. Đến năm 7 tuổi bà cũng bỏ Dũ theo mẹ luôn. Nói đến đây giọng anh nghẹn lại. Mình buồn lắm, mọi người hay chọc mình là “đứa không cha”, “con rơi con lượm”. Nhiều lần muốn dứt bỏ ra đi nhưng biết đi đâu khi khắp trời đều là chốn lạ. Thôi đành an phận cho hết kiếp người.

Khoác lên mình bộ cánh sặc sỡ, những nạn nhân của tạo hóa vẫn không xóa hết vẻ nam tính cuồn cuộn trên từng cơ bắp. Các “đào” đành cầu cứu dao kéo. Tiền ít, họ phó mạng vào cơ sở phẫu thuật chui. Sau một hồi xẻ da, kéo thịt, đa số đành chịu phó mặc hình thể “chẳng giống ai”. Chỉ tay lên khuôn mặt loang lổ do sự cố hút mỡ không thành, một đào trong đoàn xị mặt nói: “Nhìn mặt cứ như diễn viên đóng phim kinh dị Mỹ không cần trang điểm vậy đó. Khi diễn chị phải tấp một lớp phấn dày cộm để che”.

Vẫn bám nghề

Tuy nghèo túng nhưng các thành viên trong đoàn luôn giữ niềm tin lạc quan vào nghề. Quỳnh Như 27 tuổi, hoa khôi trong đoàn quả quyết với tôi bằng chất giọng Sài Gòn: “Ông tổ của tụi chị là chủ cái bang (ăn mày) nên ổng thương tụi chị lắm. Ổng hành tụi chị bầm dập đã rồi ổng cho phất lên. Cũng giống như ổng thôi, có ngày ổng xin được tiền, ăn uống no say nhưng cũng có ngày đói không có đồng nào”. 

Rưng rưng “duyên kiếp lô tô“ ảnh 2

Bữa cơm đạm bạc

Họ cũng quan niệm rằng đã trót ăn cơm lô tô thì đời này kiếp này phải theo, không tài nào dứt được. Tuy không đưa ra được lý giải khoa học nhưng những con người ở đây đều là minh chứng sống cho lời nguyền đó. Chị Phương (34 tuổi, gốc Long Giang) nói: “Ông tổ ổng ám dữ lắm không thể nói bỏ là bỏ được đâu. 

Ngày trước, chị theo đoàn mở gian hàng trò chơi, những năm đầu làm ăn khấm khá có tiền gửi về quê nuôi con. Về sau đoàn làm ăn ế ẩm, túng thiếu đủ đường. Chị phải lấy bánh kẹo, nước ngọt dùng làm quà thưởng đổi gạo ăn tạm. Chồng gọi về nhưng được vài ngày ruột nóng gan sôi, chị lại trốn nhà theo đoàn. Thương vợ, chồng đưa con lên rồi nhập hội luôn.    

Nhắc đến chuyện học hành của lũ trẻ trong đoàn, người mẹ tuổi ngoài ba mươi hồn nhiên đáp: Hỏi chữ người lớn còn ú ớ, huống gì trẻ con. Ở đây, tre già măng mọc, nối nhau hành nghề. Vả lại cuộc sống nay đây mai đó, trôi dạt tứ phương, bữa đói nhiều hơn no lấy đâu nuôi mộng con chữ”.

Tết đến người người sum họp bên gia đình, trao cho nhau lời chúc đầu xuân ấm áp. Riêng những kiếp lô tô vẫn lặng lẽ, cần mẫn, bán tiếng hát lời ca nơi đất khách quê người. Đón tết nhà với họ thật xa vời. “Sáu năm rồi chị chưa biết mùi vị tết nhà là gì. Có dịp đi ngang qua nhà, chị ghé vô thăm mẹ một lát rồi đi ngay. Mẹ nghẹn ngào hỏi ngày về. Chị cứ hứa tết, nhưng… đến giờ vẫn chưa thực hiện được”- Ái Vân tâm sự.

Kể từ lúc dứt áo rời quê theo nghiệp lô tô, họ tự biết học cách xoa dịu nỗi nhớ, nuốt nước mắt vào trong, cố sống tốt để không hổ thẹn với đời. Đó là cách duy nhất họ “cáo lỗi” với bậc sinh thành. Và để chứng minh rằng: “Người đồng tính cũng có tư chất, có quyền sống bình đẳng như bao người khác. Xin đừng nhìn họ bằng ánh mắt thương hại”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch phụ trách mảng văn hóa – xã hội phường Tân Lập, thành phố Buôn Mê Thuột cho biết: “Những đoàn lô tô ngoại tỉnh về đây chỉ để dừng chân tạm thời, rồi xuống huyện, xã, buôn tìm bến diễn. Ở phố dịch vụ vui chơi giải trí nhiều rồi, người dân ít xem lô tô lắm”.

MỚI - NÓNG