Rưng rưng trong vườn xưa Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu (giữa) và anh trai Nguyễn Nẳm (áo trắng). Ảnh: Tư liệu.
Nhà thơ Tố Hữu (giữa) và anh trai Nguyễn Nẳm (áo trắng). Ảnh: Tư liệu.
TP - Ngôi nhà ở quê hương, nơi nhà thơ cách mạng Tố Hữu lớn lên và cũng là cảm hứng của ông khi viết nhiều bài thơ, qua thời gian, giờ hoai mục có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Nhiều du khách tới thăm không khỏi bùi ngùi trước ngôi nhà trống tênh, buồn nhưng nhức.

Một xã hai di tích danh nhân cách mạng

Cách thành phố Huế không xa, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền được nhiều người biết đến là quê hương của hai nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một người “giỏi về võ” là đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một người “giỏi về văn” là nhà thơ Tố Hữu.

Đi từ thành phố Huế ra, tôi qua nhà đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước. Ngôi nhà rường được lợp mái lá hẵng còn mới. Cạnh đó là một nhà trưng bày các hình ảnh hoạt động của đại tướng, một tấm bia lớn phục vụ nghi lễ dâng hương, một bức tượng toàn thân đại tướng nom rất thanh thoát. Khu lưu niệm mở cửa suốt ngày. Cháu chắt của đại tướng ở ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên và sống bằng nghề chăn nuôi gia cầm.

Một người trông coi nhà thờ họ ở trong làng cho biết: “Làng chúng tôi trước gọi là làng Lừ vì có nghề làm lừ bắt cá, nên chữ là làng Niệm Phò, nơi sinh ra và lớn lên của đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhà thơ Tố Hữu từng viết về làng tôi:

Như quê bạn Niệm Phò trơ trụi,
Đạn bom cày cả nương sắn, 
đồng khoai!

(Bài ca quê hương)

Từ khi khu lưu niệm này mở ra nhiều du khách, quan khách, các nhà nghiên cứu, nhiều thế hệ học sinh thường xuyên tham quan”.

Hỏi thăm nhà Tố Hữu tôi được mọi người chỉ cho cây cầu bắc qua dòng sông nhỏ xanh biếc: “Sau bụi tre là nhà cũ của Tố Hữu đó! Nhưng mà hư hại hết cả rồi, không có chi mà tham quan cả”.

Rưng rưng trong vườn xưa Tố Hữu ảnh 1

Vợ chồng ông Nguyễn Phương trong ngôi nhà đang xuống cấp.

Gió to chỉ lo nhà sập

Thấy có người hỏi thăm nhà Tố Hữu, những người trong quán cơm bụi trước làng bảo tôi: “Di tích ông Nguyễn Chí Thanh thì xây lâu rồi mà di tích ông Tố Hữu dự lệnh mãi mà chưa thấy động…”. Hóa ra nhà Tố Hữu ở ngay đầu làng, dưới chân cầu, trước kia có hẳn cái chợ làng với vài chục người buôn bán, khá đông đúc người lại qua. “Huyện dự định xây dựng khu lưu niệm Tố Hữu nên giải tỏa chợ chúng tôi mấy năm rồi, bây giờ thành ra bãi đất trống để hoang”.

Qua bụi tre, đi vào gặp ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ dột nát nhất trong thôn Phù Lai. Quả thật, không thể nghĩ trước mắt lại là nhà của thi sĩ Tố Hữu năm xưa. Ngôi nhà cũ thấp, vá xíu, xiêu vẹo, thậm chí nhà dưới trống hoác, không phên, cửa. Khoảng sân xi măng phía trước thấy phơi một ít ngô. Trong nhà có cái xe đạp cũ, mấy chiếc giường cũ.

Hai bố con chủ nhà đang đánh trần trên thửa ruộng sau nhà, dù trời đang nắng như đổ lửa. Thấy khách vào, người đàn ông tóc đã bạc màu, dáng vẻ khắc khổ đi vào bảo: “Tôi là Nguyễn Phương, cháu gọi ông Tố Hữu là chú ruột. Đây chính là nhà Tố Hữu. Bố tôi tên Nguyễn Nẳm là anh cả nên chúng tôi có trách nhiệm trông coi nơi này”.

Thấy ngôi nhà quá cũ kỹ, muốn sập tới nơi, tôi hỏi: “Sao bác lại sống trong căn nhà nguy hiểm thế này?”. Ông Nguyễn Phương bảo: “Nhà này xây từ năm 1980, không có tí sắt nào, nên giờ đã bục ra, nứt, nghiêng, không biết sập lúc nào. Mấy lần tôi định sửa sang lại, thì có đoàn thanh tra vào yêu cầu giữ nguyên hiện trạng vì đây là khu di tích lưu niệm”. Chủ nhà lại bảo: “Hay là họ sợ chúng tôi sửa chữa thì đội tiền đền bù lên chăng? Tôi chỉ có thể lợp lại cái mái”.

Ông Nguyễn Phương thông tin thêm: “Người ta đã vẽ sơ đồ phục dựng ngôi nhà rường ngày xưa để làm khu lưu niệm. Ngôi nhà này sau năm 1975 chúng tôi mới dựng lên, chứ ngôi nhà cổ mà chú tôi sinh ra thì làm gì còn nữa!”. Bà Lộc, vợ của ông Phương dẫn tôi ra hè, chỉ những vết nứt trên tường, bảo: “Gió to, chỉ lo nhà sập”.

Trên nền tích cũ

Ông Nguyễn Phương nói: “Ngôi nhà bố tôi và chú Tố Hữu sinh ra lớn lên chính là ở chỗ này chứ đâu. Nhà thờ họ chúng tôi trước cũng ở đây. Cố tôi là thầy thuốc nhưng giàu có, trong nhà có 30 người làm. Ruộng đồng nhiều, vào mùa, người làm tới báo: Lúa chín rồi thầy ạ. Cố tôi bảo cứ gặt đi. Gặp khi đói kém, nhà tôi đóng gạo vào bì, chèo thuyền đem đi phát cho dân trong vùng ăn. Cũng do gia đình khá giả nên chú tôi mới được lên Huế đi học rồi tham gia cách mạng”. Nhà thơ khi đi học trên Huế, thường đem bút giấy về nhà cho các bạn trong làng để khuyến khích mọi người học tập.

Hỏi ngôi nhà cổ ấy nay đâu, người cháu nhà thơ bảo: “Đây là vùng cách mạng, hầu hết người dân tham gia kháng chiến. Bộ đội về, chúng tôi tháo dỡ tòa nhà rường để làm hầm cho bộ đội trú ẩn tránh pháo kích. Sau 1975, mới dựng lại một ngôi nhà lá, đến năm 1980 xây lên như thế này”.

Người mê thơ Tố Hữu chắc không quên câu thơ trong: “Bài ca quê hương”.

Cơ chi anh, sớm được về bên nội,
Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai

Sau Mậu Thân năm 1968, giặc khủng bố, tàn phá, đưa dân cư đi khỏi làng.  Năm 1974, ông Nguyễn Nẳm về làng dựng lại nhà. Tháng 4/1975, ông Phương từ Sài Gòn về. Sau đó nhà thơ Tố Hữu về thăm quê. Ông Nguyễn Phương kể: “Mọi người tổ chức đón tiếp rất long trọng hai bên đường. Không ngờ chú tôi lại đi về bằng đò!”.

Chính chuyến về quê tháng 5/1975 ấy mà Tố Hữu đã viết nên những câu thơ:

29 năm dằng dặc xa quê
Nay mới về thăm mừng tái tê...
Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt
“Huế giải phóng nhanh, mà anh lại muộn về!”
               

(Bài ca quê hương)

Ông Nguyễn Phương chính là người dẫn Tố Hữu đi ra mộ thắp hương cho tổ tiên. Ông kể: “Nhiều ngôi mộ cỏ mọc um tùm. Bảo vệ họ không cho chú cháu tôi vào, bảo rằng: Sợ vẫn còn mìn”.

Rưng rưng trong vườn xưa Tố Hữu ảnh 2

Ông Nguyễn Phương với những viên đá kê chân cột còn sót lại của ngôi nhà cổ Tố Hữu từng sinh ra và lớn lên. Ảnh: T.N.A.

Ôm đá mà mơ

Vợ chồng ông Nguyễn Phương dẫn tôi ra vườn, chỉ cho tôi những viên đá lớn kê chân cột đã cũ kỹ nằm trong đám cỏ, nói: “Dấu vết ngôi nhà rường năm xưa chỉ còn lại những viên đá này thôi đó”. Dựa vào những viên đá kê cột, cũng có thể mường tượng mức độ to lớn của ngôi nhà rường cổ mà thi sĩ Tố Hữu sinh ra, lớn lên.

Vợ chồng ông Phương nói: “Chú tôi ra đi hoạt động, mãi không về nhà. Hồi Pháp, có lần về tuyên truyền cách mạng thì gặp dân ở đình. Người làng chỉ nghe tiếng chú tôi trong đình vọng ra. Không ai nhìn thấy chú tôi ngồi ở đâu”.

Những năm 1960, ông Phương gặp anh trai đi tập kết về, nghe anh bảo: “Chú ta ngoài Hà Nội làm chức gì lớn lắm, họp hội đồng hương, anh vẫn gặp chú”. Ông Phương đang tính đi học, anh trai bảo: “Nhà ta có truyền thống cách mạng, phải đi hoạt động trước đã, hòa bình thống nhất học chưa muộn em ạ”. Trong chiến dịch Mậu Thân, ông Phương làm kinh tài, lưng đeo ruột tượng mấy triệu đồng dân quyên góp, dẫn đoàn dân công 500 người đang đêm gùi gạo tiếp tế cho bộ đội chủ lực, băng qua đồn, súng giặc bắn như mưa. Rồi anh trai hy sinh, ông Phương cũng bị địch bắt, nhưng ông không khai danh sách những người đã quyên góp cho cách mạng.

Ông Phương kể: “Gia đình chúng tôi vì hoàn cảnh chiến tranh chia cắt, lâu lâu mới gặp được nhau. Khi hòa bình thống nhất, chú bảo tôi: Chú có nguyện vọng sau này mua miếng đất rộng, tất cả họ hàng chúng ta sống quây quần bên nhau. Tiếc rằng, việc chưa làm được, chú tôi đã qua đời”.

Ông Phương dẫn tôi đi quanh ngôi nhà cũ xiêu vẹo nói: “Chú tôi tuy xa quê nhiều năm ra Bắc, mà đọc thơ biết chú vẫn đau đáu nhớ về quê, đó là điều động viên chúng tôi trong cuộc sống hằng ngày”. “Trước kia nhà cửa ruộng vườn đẹp lắm, không phải như bây giờ! Sau vườn có cây dâu da rất to mà chú tôi thích ăn quả ấy lắm. Cảnh cũ nay chẳng còn gì” - người cháu của thi sĩ Tố Hữu bùi ngùi.

Câu chuyện dựng nhà lưu niệm Tố Hữu ở quê ông vẫn còn dở dang. Ông Hoàng Công Khanh, Chủ tịch xã Quảng Thọ cho tôi biết: “Xã chúng tôi có 942ha, dân số 1.780 hộ, 7.000 khẩu, không thể có đủ ngân sách xây dựng nhà lưu niệm cho nhà thơ Tố Hữu. Từ năm 2009 huyện Quảng Điền có dự án quy hoạch xây dựng nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu. Phương  án dựng nhà rường xưa để làm nơi giáo dục truyền thống cho lớp trẻ và phục vụ du khách xa gần thường tìm tới thăm”. Ông Khanh giải thích: “Sở dĩ đến giờ dự án chưa triển khai được là do huyện chưa tìm được nguồn kinh phí”.

5/2016

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế cho biết: “Nhân dân Thừa Thiên - Huế từ lâu có nguyện vọng xây dựng nhà lưu niệm danh nhân Tố Hữu, nhà thơ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà được biết tại nhiều nước, đồng thời ông cũng là nhà cách mạng tiên phong. Dự án nhà lưu niệm vốn là của huyện Quảng Điền, quê hương nhà thơ đề xuất. Mới đây tỉnh họp bàn và thấy rằng việc xây dựng nhà lưu niệm Tố Hữu là một dự án lưu niệm danh nhân quan trọng thuộc hạng mục cấp nhà nước quản lý, do đó tỉnh đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ báo cáo trung ương. Hy vọng sớm được trung ương phê duyệt”.

MỚI - NÓNG