Sài Gòn, Đà Lạt quán những ngày mưa

Ca sỹ Quỳnh Như
Ca sỹ Quỳnh Như
TP - Mưa đêm mưa ngày mưa thảng thốt mưa bất chợt mưa đùng đùng... Bạn sẽ chạy đi đâu khi đột nhiên phải hứng chịu những cơn mưa cà trớn cà chua như vậy. Giải pháp tối ưu - một quán café nhỏ cùng với âm nhạc, thứ mà Sài Gòn và Đà Lạt còn có khá nhiều, ẩn khuất phía sau phố phường ồn ã và những tụ điểm ca nhạc phô phang.

> Một ngày dưới đáy sông Hồng

Nơi đây cũng có rất nhiều khuôn mặt của thời gian đang nhẫn nại ngồi đếm mưa rơi. Khi những ngọn đèn đường bật sáng lan tỏa ấm áp trong màn mưa trắng bạc, khi những con đường đang hối hả cùng với những chiếc xe lao về đâu đó, bạn hãy ngồi lại lắng nghe - tiếng guitar thùng vang lên như kỉ niệm đang như mưa rầm rập đi về, những hợp âm của piano bùng dậy như những nỗi buồn đang trùng trùng thác đổ và những tiếng hát đột nhiên vút lên trầm xuống len lỏi vào trong những nỗi buồn không tên đang réo gọi.

Có còn nhớ gì không khi thời gian đang trôi đi vùn vụt, có còn nhớ gì không khi kỉ niệm đang gào lên cùng với những ca khúc đã một thời vang bóng...

Tôi thường hay nhớ đến những Quán - những - cơn - mưa - đêm của Sài Gòn, Đà Lạt vì một lẽ khi đến những nơi này nỗi nhớ của tôi thức dậy êm đềm và hoang dại, bởi những tiếng hát nơi đây làm cho kỉ niệm của tôi trồi lên như những mầm xanh ủ rũ nhưng ngọt ngào hi vọng.

Có những lúc buồn quá vì bị những cơm áo gạo tiền chạy quanh, mệt quá vì bị những oán thù vây rượt, tôi đã tìm đến những khung trời nhỏ nhoi này - nơi đây những người bạn thân thiết của tôi luôn có mặt cùng với âm nhạc của họ.

Không cần biết cuộc đời sẽ ra sao họ vẫn hát, dù quán có nhiều khói thuốc hay không, dù khách có nhiều hay không.

Ca sỹ Thu Minh
Ca sỹ Thu Minh.

Tôi nhớ đến một Thu Minh nhỏ bé cùng với cây guitar gỗ đơn chiếc trong một cái quán có tên - Căn nhà Xưa - cheo leo lộng gió trên đầu đèo Pren Đà Lạt, một cái quán hiu hắt trập trùng giữa mù sương phủ chụp.

Nhiều khi chỉ với lèo tèo vài người khách lỡ đường ghé qua. Trong ánh đèn vàng ấm, mặc cho ngoài kia núi đồi đang quằn mình trong mưa bão, Thu Minh vẫn hát.

Tiếng hát bay cao chèn kín những khe hở, ngăn không cho những cơn gió lùa đang cố ùa vào căn phòng nhỏ.

Tôi đã hỏi ngu ngơ rằng: “Vì sao em vẫn hát?”. Minh trả lời như một định mệnh: “Hát cho đỡ lạnh” - nghe mà buồn muốn khóc. Em không nói cô đơn vắng lặng, hát đơn giản chỉ vì không có ai hay có một ai đó - hát cũng chỉ để cho đỡ lạnh cho đỡ hoang vu vì những cơn mưa vẫn hoài đổ trong cuộc đời.

Có quá nhiều thứ để nhớ trong những cơn mưa nhất là những Quán - mưa và trong đó có âm nhạc - cả hai như bàn đèn và thuốc phiện - những lúc ấy tôi như một thằng nghiện không thể rời bỏ dù chỉ trong một đêm - Vì thế tôi đã vẫn phải thường đi và đến những nơi này cho qua những cơn vật vã, đôi khi chỉ cần nghe và nhìn một Quỳnh Như hát thôi tôi như thấy cuộc đời mình như một con chim non dính bẫy.

Tuổi thơ của tôi và những mối tình không bao giờ hé môi đến bây giờ khi đã già chát rồi tôi mới có dịp mở miệng. Tôi cũng đã khù khờ hỏi Quỳnh Như: “Này nhóc, em đi hát như vậy có vui không, có giàu không?”.

Như tròn mắt nhìn tôi rất bắc kỳ chu môi trả lời “Hì hì. Giàu lắm anh, một show của em được chừng hơn một tô phở tổng thống loại đặc biệt đó, vui hả, thì vui chứ vì được hát là vui rồi. Một đêm chạy hai ba chỗ hát cũng vui lắm chứ anh” - Nói xong Như cười khanh khách như chim rồi bay mất.

Tôi biết em lại phải chạy xe từ Quán Mộc của Châu Đăng Khoa ở Phú Nhuận - chạy trong mưa - để đến Quán Alpes của Sơn Dream ở Lê Văn Sỹ nơi Đức Tiến đang cắm chốt - Rồi lại tạt qua Quán Phong Nguyệt nơi mà nhạc sĩ Tuấn Khanh vẫn đồn trú.

Nhiều khi em đến chỉ hát cho vui và cùng mọi người chuyên cần luyện tập cho những ngày sắp tới - không cần biết sẽ có khách hay không, nhất là vào những đêm mưa lại càng buồn hơn vì khi nhìn xuống đôi khi em chỉ thấy một mình tôi ngồi đó cùng với hư ảo nhạt nhòa cùng với bàn ghế không người . . .

Mưa bão vẫn đầy trời. Và nơi đây trong căn phòng ấm với nỗi buồn không bao giờ thôi vỗ cánh, trong những con hẻm vắng, trên những con đường mịt mùng mưa ướt, làm gì bây giờ, họ tự hỏi.

Họ nhìn nhau ôm đàn và hát - Còn đây có bao ngày thì ta cứ vui chơi [TCS] vẫn phải ca hát thôi, thà hát với nỗi buồn, tụng ca nỗi buồn còn hơn ngồi đó gặm nhấm rên rỉ cùng nỗi buồn. Âm nhạc lại vang lên dù ở phía bên dưới kia chỉ còn là kỉ niệm của ngày hôm qua của những ngày nắng ấm.

Ca sỹ Minh Thúy
Ca sỹ Minh Thúy.

Một ngày nắng ấm, một đêm êm ả, một đêm không có mưa, một đêm của Minh Thúy, rất lâu rồi ở quán Phong Nguyệt, tiếng hát đẹp như bóng tối.

Trong một căn phòng hẹp, chỉ với dăm ba chục khách, quá khiêm tốn cho một giọng ca và quá chật chội cho một live show nhỏ - Minh Thúy hát như lên đồng, một giọng ca tràn đầy phế tích, một giọng ca rền rĩ của một con ve chúa đang vẫy vùng trên tàn me trong một mùa hạ cuối. Minh Thúy đã tạo nên hồn vía cho những ca khúc mới toanh của Đức Tiến.

Tôi vẫn thấy Minh Thúy đêm đêm vẫn hát với Alpes, Quỳnh Như vẫn đi về với quán Mộc, Thu Minh vẫn trụ trên đỉnh đèo Pren Đà Lạt, và rất nhiều tên tuổi vô danh khác vẫn mải miết hát.

Tôi gọi đó là những người đàn bà hát, cho dù những cơn mưa tháng sáu vẫn tràn về trong phố thị, cho dù cuộc mưu sinh vẫn đè nặng.

Họ là những que diêm trong bóng tối, là tiếng hát của bóng tối, vì nó chính là cái đẹp của muôn đời của những ca khúc đã cũ, là ánh sáng cho những ca khúc mới. Họ là chất lân tinh trong bóng tối của những tháng ngày đã qua không bao giờ trở lại.

Không biết xuất hiện từ bao giờ những quán ca nhạc này, người ta chỉ biết khi đến đây, khách sành điệu sẽ thường xuyên được nghe những ca khúc lừng danh một thời với những giọng hát nghiêm cẩn lành nghề không chê vào đâu được.

Nó khác với những sân khấu ca nhạc ồn ào màu sắc thời trang nhảy múa ầm ĩ dưới ánh đèn rực rỡ. Nơi đây chỉ có sân khấu nho nhỏ trong một không gian cũng nhỏ không kém, thường chỉ khoảng 60 m2, nếu đầy khách chỉ chừng 40 là đầy.

Ca sĩ, nhạc công thường chỉ là những người mê ca hát đàn địch, nhưng họ hát lâu luyện tập chăm chỉ đến nỗi thành chuyên nghiệp hồi nào không biết. Lạ hơn, không biết lời lỗ như thế nào nhưng loại hình này vẫn phát triển.

Chính những nơi này đang góp phần tôn vinh một loại âm nhạc đích thực, một dòng chảy ngầm mạnh mẽ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG