Săn trâu chọi

Săn trâu chọi
TP - Tục truyền thống, sau khi kết thúc lễ hội chọi trâu, dù trâu thua hay thắng cuộc đều bị làm thịt tế trời đất. Bởi thế, sau mỗi mùa lễ hội, người dân Đồ Sơn, hay Vĩnh Phúc lại đi khắp nơi “săn” trâu chọi.

Đi khắp nước không tìm được trâu ưng ý nhiều người còn sang cả Lào săn trâu chọi. Và từ đây, hình thành đội ngũ săn trâu chọi chuyên nghiệp về bán lại. Tôi may mắn có dịp được cùng dân buôn sang xứ sở Triệu Voi săn trâu chọi...

Theo chân người đi săn

Làm xong hộ chiếu tôi theo Tùng, tay lái trâu có thâm niên  mần cú sang Lào săn trâu chọi. Tùng trước đây chỉ là tay lái trâu dạng cò con ở chợ Dinh Si - Yên Thành (Nghệ An) nhưng do nhanh nhạy, có ít vốn liếng kinh nghiệm xem tướng trâu, nên anh ta quen biết rất nhiều mối làm ăn trong Nam, ngoài Bắc.

Săn trâu chọi ảnh 1
Một "kháp" đấu tại hội chọi trâu ngày 9/8 Âm lịch 2007

Khi đã có vốn, Tùng tậu hẳn con Hun-dai để chở trâu đi các nơi bán. Biết ở các lễ hội chọi trâu như Hải Lựu - Lập Thạch - Vĩnh Phúc, Đồ Sơn - Hải Phòng  rất cần trâu chọi, thế là Tùng chủ động tìm hiểu, bắt mối và trở thành tay săn trâu chọi chuyên nghiệp.

Tùng kể: “Trước đây mình đi các vùng miền tây Nghệ An là có trâu chọi nhưng giừ hiếm lắm nên phải sang Lào. Kiếm được chú “mờm” là ăn tiền.  Nhưng săn trâu chọi phải biết coi tướng cho chuẩn mới chắc ăn, ngoài kinh nghiệm và kiến thức sách vở ra thì trực giác cũng rất quan trọng”.

- Thế nào là một con trâu chọi tốt?

- Trâu hay phải tầm 8-10 tuổi, gọi là tráng niên, sừng cánh cung, dài vấn đá (từ mũi sừng này tới mũi sừng kia khoảng 86 phân); da đồng; móng sò; đuôi chai; mắt he đỏ (mi mắt dài);

Trường đùi, ức rộng, háng to, cổ cò, khu nhọn, có 4 xoáy 2 tiền hai hậu đóng đều, đẹp; lông trán dày, xoáy tròn đóng cao. Con nào mà có được những đặc điểm trên thì chắc chắn vô địch- Giá bán có khi lên tới 70- 100 triệu đồng...

Săn trâu chọi ảnh 2
Tùng "lái trâu" và con trâu chọi mà anh "săn" được tại Lào

Trên đất Lào chúng tôi dừng chân ở Nong Păn - Hủa Phăn. Nơi đây núi rừng trùng điệp nhưng có một thung lũng Pơ xi Luông rộng lớn- từng đàn trâu bò đang thung dung găm cỏ. Tùng dừng xe và đi xuống thung lũng ngắm những con trâu rồi lắc đầu đi lên.

Tùng nói: “Đi thôi. Phải có thổ công chứ tìm như ri có mà mục thất. Người mình bên ni nhiều lắm, mình đã cài cắm cộng tác viên một số nơi rồi. Họ gom trâu sẵn, mình chỉ việc đến chở về. Mỗi lần sang mình phải mua kèm ít con trâu thịt về bán còn trâu chọi thì cũng dễ mà cũng khó kiếm, phải đi mới có”.

Chúng tôi đến nhà anh Châu người Yên Thành sang đây làm ăn đã lâu. Châu là cộng tác viên đắc lực của Tùng trong việc săn trâu chọi. Trong bữa cơm chiều chúng tôi đang ăn thì Châu có cú điện thoại gọi đến. Châu vỗ đùi đánh đét: “Có hàng rồi, hàng xịn” . Tùng chồm người lên: “Ở mô?”.

Châu cười: “Hơi xa ông bạn ạ, ở Đông Xa Vẳn. Phải đi thôi không thì thằng khác hắn nẫng mất!”. Chưa kịp uống nước chúng tôi lên xe xé màn đêm lao đi. Mấy ngày trời mưa nên xe chúng tôi bị sục bùn, trầy trật mãi đến 12 giờ đêm mới tới nơi.

Nhưng, thật thất vọng, con trâu chọi ấy đã bị bắn thuốc mê được cho lên xe tải chuẩn bị về Việt Nam. Tùng nghiến răng văng tục: “Mẹ kiếp, gặp phải Sơn tầm ngưu rồi!”.

- Nó là thằng nào?

- Thằng người nhỏ con đang nghe điện thoại đó. Thằng ni quê ở Hải Phòng. Hắn là thằng săn trâu chọi có lẽ siêu đẳng nhất Việt Nam. Hắn rất giỏi võ và có cả thuật thôi miên. Có nhiều giai thoại về hắn lắm.

Nghề của hắn là năm ni qua năm khác đi săn trâu chọi. Chính vì nghề ni mà hắn rất giàu. Mỗi mùa lễ hội hắn kiếm được hàng trăm triệu đồng. Hắn được mọi người đặt cho biệt danh “Sơn tầm ngưu”. Không riêng chỉ Sơn mà chắc chắn còn một số tay săn trâu chọi đang có mặt tại Lào.

Tuy chậm chân, bị hớt tay trên nhưng Tùng vẫn vui vẻ đến bắt tay, nói chuyện với “Sơn tầm ngưu”. Tôi cũng ngưỡng mộ đến làm quen và không quên xin số điện thoại.

Qua 10 ngày đi hết Hủa Phăn, Xa - va - na - khet, cánh đồng Chum, và mấy bản ngoại ô thành phố Viêng Chăn... chúng tôi mới tìm được con trâu khá ưng ý ở bản Noọng Hạy.

Con trâu này cũng được một người Việt mua lại. Xem và ngã giá trong vòng 30 phút, Tùng đồng ý mua với giá 21 triệu đồng. Lúc đó Tùng mới thở phào: “Con ni so với con của “Sơn tầm ngưu” mua ở Đông Xa Văn chưa biết con mô hơn”. Dắt 7 con trâu thịt lên xe và chú trâu chọi lên chuồng bịt tôn riêng, chúng tôi lên xe hồi hương.

Qua của khẩu cầu treo Hà Tĩnh, Tùng chạy xe một mạch và dựng lại ở thành phố Nam Định. Hỏi Tùng tại sao lại dừng tại đây. Tùng cho biết: Dừng lại đây để giữ bí mật. Đã là trâu chọi thì bí mật từng mô hay từng đó.

Vì đã điện thoại từ trước nên chỉ 15 phút sau đã có chiếc xe tải phi đến. Một người đàn ông to béo, trán hói bước xuống nói: “Cho xuống!”. Tùng mở chuồng bắc cầu dắt con trâu chọi xuống. Sau một hồi xem xét, ông ta trả giá 30 triệu đồng.

Tùng gật đầu và giúp chuyển con trâu chọi sang xe. Riêng con trâu chọi này, Tùng đã lãi ròng 9 triệu đồng. Tôi thắc mắc là tại sao không đòi thêm. Tùng cười: “Buôn bán trâu chọi có luật bất thành văn chỉ nói một giá, trả một giá chứ không bao giờ được cò kè. Trâu hay nhưng cò kè thêm bớt thì họ cũng không mua vì sợ xui”.

Chăm sóc và huấn luyện

Trước mùa lễ hội, tôi đến Đồ Sơn để gặp “Sơn tầm ngưu”.  Chúng tôi ngồi nhậu với nhau ở một quán ven biển. Sơn cho biết, con trâu hôm trước anh mua có 9 triệu đồng nhưng về bán được 46 triệu đồng.

Biết tôi có nhã ý muốn biết cách thức chăm sóc và huấn luyện trâu chọi, Sơn bảo: “Thời gian chăm sóc, huấn luyện chỗ ở của trâu không được cho người lạ biết. Đó là điều phải kiêng tuyệt. Nhưng xem ông cũng không có xoáy phản nên tôi sẽ dẫn đi”.

Sơn dẫn tôi đến một ngôi nhà hai tầng nằm trong một ngõ sâu hun hút. Người đàn ông trạc ngũ tuần niềm nở tiếp chúng tôi. “Anh cả tôi đó, chuyên gia chăm sóc và huấn luyện trâu”, Sơn nói.

Sơn tiết lộ, việc chăm sóc trâu chọi phải theo một chế độ đặc biệt. Thức ăn là tinh bột gạo lứt. Thịt rắn, thịt bò, thịt gà và gạo nếp, lạc, vừng được chế biến theo cách thức riêng; sinh tố xay từ các loại hoa quả, nước uống phải tiệt trùng.

Và thứ thức ăn không thể thiếu đó là cỏ, cỏ cũng phải chọn lựa cỏ ngon, để trâu ăn cho đúng với quy luật của tự nhiên. Phòng cho trâu ở nhất thiết phải thoáng mát. Tuyệt đối không có muỗi, vì vậy phải mắc màn cho trâu.

Việc huấn luyện trâu là cả một vấn đề không hề đơn giản. Trâu chọi hay thường bản tính hoang dã nên người huấn luyện phải có kinh nghiệm và bản lĩnh để thuần phục trâu.

Tính kỉ luật được đặt lên hàng đầu nhưng người huấn luyện phải có bí quyết “tâm sự” cùng trâu để thổi bùng lên ngọn lửa quyết đấu. “Đừng tưởng trâu không nghe được tiếng người, nó nghe được đấy. Nếu như huấn luyện khắt khe quá nó có thể phản chủ.

Trước đây đã có vụ con trâu chọi bị rèn quá mức đã dùng sừng hất chủ xuống biển...”- Sơn kể. Còn lịch trình tập luyện thì buổi sáng cho tập chạy 3 lần, mỗi lần 30 phút.

Buổi chiều 4 lần và cho trâu xuống biển bơi, tắm. Thỉnh thoảng phải thuê người hò hét cho trâu quen với tiếng reo hò để khi vào sới khỏi giật mình. Cơ bản là vậy còn mỗi người sẽ có những cách thức và phương pháp chăm sóc huấn luyện riêng.

Trâu vào sới, người cũng “vào sới”

Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu. Ở Việt Nam, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn vào ngày 9/8 hàng năm là lễ hội văn hóa truyền thống rất kỳ thú và độc đáo thu hút hàng vạn người trong và ngoài nước tham dự.

Chứng kiến hội chọi trâu vừa rồi ở Đồ Sơn, khi hai con trâu lao vào nhau trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn người thì không khí cá cược trên sân cũng bắt đầu nóng lên. H- một đại gia chuyên cá cược chọi trâu ở thành phố Hải Phòng cho biết:

Từ trước đến giờ tất cả các lễ hội chọi trâu đều có cá cược. Mấy năm trước chỉ người trong nước với nhau nhưng bây giờ có cả Việt kiều và người nước ngoài tham gia - nó còn hình thành những đường dây cá cược qua mạng, xuyên quốc gia. Cá cược chọi trâu có rất nhiều cung bậc, nhiều tầng lớp. Cá cược nhiều cách: 50/50; 10 ăn 1,2,3...

- Mức cá cược lớn nhất là bao nhiêu?

- Tôi không rõ lắm nhưng một trận vòng loại vừa qua có mấy tay Việt kiều với mấy cha ở thành phố Hồ Chí Minh cũng ra. Số tiền cá cược cực lớn. Trận đó một tay Việt kiều mất đứt  1,2 tỷ đồng. Tôi thuộc dạng máu cá cược nhưng cũng chỉ dám chơi 1 trận khoảng 5- 10 triệu thôi. Tôi chứng kiến họ chơi mà kinh. Chơi cả va li tiền.

Chứng kiến trên sân chúng tôi thấy không những các bậc mày râu cá cược mà các bà cũng cá cược. Thậm chí những cậu học sinh cấp hai cũng đặt cược 50-100 ngàn đồng. Những câu 10 ăn 5 ; 3 ăn 4... nhao lên khi hai con trâu đang hăng máu đóng sừng vào nhau cồm cộp. 

Khi một trong hai con trâu trên sới bỏ chạy hay bị hạ nốc ao trong tiếng reo hò như sấm của khán giả, của những kẻ chiến thắng, những kẻ được bạc thì cũng có những giọt nước mắt, những gương mặt thất thần vì thua cược. 

Mấy ngày này ở Đồ Sơn đi đâu cũng thấy người dân bàn tán về những trận cá cược, ai được, ai thua. Nên cá con trâu ông nọ, ông kia... Một không khí cá cược sôi động bao trùm ở Đồ Sơn. 

Tiến Dũng

MỚI - NÓNG