Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ

Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ
TP - Nguyễn Thu Thảo, còn gọi là Thảo Griffiths, là  người Việt trẻ nhất nhận học bổng Fulbright danh giá của Mỹ ở tuổi 25 cách đây 5 năm.

Thảo được báo chí quốc tế nhắc nhiều lần và trở nên thân thuộc trong giới ngoại giao Mỹ ở Việt Nam sau khi cô tham gia vào một vài chuyện từ riêng tư đến quốc gia đại sự với kết cục có hậu.

Đặc biệt, đúng dịp kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, các cựu binh Mỹ dành cho cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Giang một món quà đặc biệt...

Kỳ 1: Ân nhân gia quyến nhà khoa học danh tiếng bị xe máy đâm ở Hà Nội

Ít ai không biết hai vụ xe máy đâm ngã hai nhà khoa học nổi tiếng khi họ đang tản bộ trên đường phố Hà Nội vào cuối 2006. Hậu quả, một trong hai qua đời một ngày sau tai nạn (GS.VS Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội). Còn một hôn mê sâu (khoa học gia Mỹ đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts).

Nghe tin vụ án sắp xử, con gái nạn nhân (Giáo sư Seymour Papert, 78 tuổi) tìm cách viết thư gửi cơ quan tư pháp Việt Nam xin miễn tố cho thủ phạm gây đại tai ương cho gia đình. Nhân vật trung tâm của bài ghi chép này được gia quyến nhà khoa học Mỹ tin cậy nhờ tư vấn, tiếp xúc.

Nói đến Thảo Griffiths, hầu như ai trong làng ngoại giao ở Hà Nội, nhất là cộng đồng, chính khách Mỹ ở Việt Nam, thậm chí cả ở chính quốc Hoa Kỳ, giờ đều thấy thân thuộc, cái tên mà một người Mỹ định nghĩa đồng nghĩa với “lòng nhân hậu bao la”.

Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ ảnh 1
Tổ lái máy bay đặc biệt của Thụy Sỹ cùng Thứ trưởng GD&ĐT Việt Nam Trần Văn Nhung trước giờ đưa GS Papert về Mỹ

Ác cảm về cách đi lại không giống ai của nhiều người Việt Nam, không ít báo nước ngoài lưu ý du khách ngoại quốc cảnh giác khi đến Việt Nam. Đứng đầu danh sách cảnh giác không còn là dịch bệnh cúm gà, tiêu chảy do mắm tôm (?), hay lợn tai xanh nữa. Thay vào đó là dịch giao thông.

Tờ Diễn đàn Thông tin Quốc tế (International Herald Tribune - IHT) - Một trong những báo bán chạy nhất ở Mỹ - đăng bài của hãng tin AP từ Hà Nội ngày 16/12/2006 về loại dịch này.

Phóng viên viết, tai nạn của “hai nhà khoa học đáng kính” ở hai vị trí khác nhau của thủ đô hòa bình trong một tuần là “sự trùng hợp khủng khiếp” ở một quốc gia hơn 85 triệu dân với 12.000 ca tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm (một số tổ chức quốc tế ước tính số chết gấp hai số đó).

“Có thể gọi giao thông ở đây là cuộc khủng hoảng tuyệt đối. - Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương tích Châu Á, nói - Ở các nước, vượt đèn đỏ là hành vi không thể chấp nhận được về văn hóa. Nhưng ở đây, nhiều thanh niên Việt Nam cứ tỉnh bơ”.

Phóng viên AP còn không hiểu nổi khi thấy những người được hỏi coi chết là do số. Tuân thủ luật giao thông mà đến số chết vẫn cứ chết và ngược lại… Sát bìa khu rừng ngôn từ ta thán ấy, bài của  phóng viên AP có nhắc đến một bông hoa.

Bài đề cập đến một máy bay chuyên dụng chở chuyên gia công nghệ và giáo dục Seymour Papert đang bị thương nặng từ Hà Nội về Boston vào một tối thứ Bảy cùng gia quyến với một y tá, một bác sỹ thần kinh.

Bài cũng nhắc đến Thao Griffiths như là bạn hữu của gia đình nổi tiếng kia (phu nhân của nhà khoa học xấu số là một trong số ít người xúc tiến kết thúc kỷ nguyên chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga).

Nhưng có lẽ phóng viên AP không biết, để có chuyến bay quy cố hương, gia đình nạn nhân trải  những ngày mất ăn mất ngủ, các tổ chức trong nước cũng như nước ngoài ở Việt Nam gần như bó tay.

Người giúp giải tỏa nỗi lo, đưa nạn nhân kịp về với tiên tổ từ đất Mỹ chứ không từ bất cứ mảnh đất nào khác như ước nguyện của toàn gia, không ai khác ngoài Thảo Griffiths…

Thì ra người Mỹ cũng như bất cứ dân tộc nào cũng lấy quê hương làm trọng. Tỷ bạc (tính theo tiền Việt Nam) cho chuyến đưa người hấp hối kịp về hôn đất mẹ Mỹ, với gia đình danh giá và coi trọng giá trị nguồn cội, bởi thế, không nhằm nhò gì.

Nhưng sự ra tay kịp thời của một phụ nữ Việt bình thường giúp họ thực hiện nguyện ước thiêng liêng đó, một người trong cuộc nói, không gì đo đếm được.

Thảo sinh ra ở Hà Giang 3 năm 4 tháng sau ngày giải phóng miền Nam. Thời thơ ấu, Thảo cũng nếm tiếng mìn nổ đạn réo do đấy là lúc xung đột biên giới Việt - Trung và miết cho đến năm 1985.

Gia đình ở ngay thị xã, cách biên giới 21 km. Thảo nhiều đận nếm mùi sơ tán về xuôi. Có  lúc cả nhà trú ẩn vào hang đá sau nhà. Rồi Thảo lại sống yên hòa như bao bạn vùng cao. Ít ganh đua, ghen ghét, hiếm đố kỵ. Không học thêm đến mức đánh mất tuổi thơ như ở xuôi.

Thảo có nụ cười dễ gần, nước da không đen cũng không trắng. Tôi không thấy Thảo dùng son khi thấy cô ở nhà hàng dân tộc sang trọng trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) chiêu đãi đồng nghiệp nhân hội nghị quốc tế.

Cũng chẳng thấy bôi phấn khi gặp cô ở phòng giám đốc một tổ chức đặc biệt, vị trí lẽ ra phải thuộc về mày râu, thuộc về người nước ngoài theo logic.

Gọi là bả, là bùa ngải thì anh người Úc hẳn ăn phải bùa ngải hay sao mà bám từ hồi cô là sinh viên năm hai Học viện Quan hệ Quốc tế. Chàng đẹp trai Patrick Griffiths còn lôi bằng hữu lên núi đá Hà Giang dự đám cưới sơn nữ.

Đận ấy mà không trùng ngày Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, bắt đầu thăm Việt Nam, 18/11/2000, thân bằng cố hữu quan viên hai họ còn hơn con số nửa nghìn.

Hơn 10 năm chìm trong đô thành náo nhiệt, chật như nêm giữa bụi và ồn, thôn nữ gần như không thay đổi lối sống ở quê nhà. Quần áo ngay cả khi lương gần 100 triệu đồng/tháng vẫn là những kiểu, cách thấy đầy ở thôn dã.

Nhưng những gương mặt trong môi trường mới giúp cô nàng có vẻ tuềnh toàng kiến tạo nên những việc như thể chỉ có trong cổ tích thời hiện đại…

… Ngày 4/12/2006, xảy ra tai nạn của GS Seymour Papert, người Mỹ gốc Nam Phi, một trong những nhà toán học hàng đầu của thế giới, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence).

Năm giờ sáng sau, 5/12, Thảo nhận thư từ một bạn thân của gia đình GS S.Papert và cũng là thân hữu của Thảo. Lá thư nhờ Thảo vào Bệnh viện Việt - Pháp thăm bệnh nhân đang quá yếu. Khi đó Thảo vừa mới từ Mỹ trở lại Hà Nội được mấy ngày.

Trong ngày, Thảo liên lạc trực tiếp với gia đình. Phu nhân nhà khoa học, Tiến sỹ Suzanne Massie, nhờ Thảo thông báo với BV Việt - Pháp cho phép bác sỹ phẫu thuật não bệnh nhân sau 3 ngày tai nạn và hôn mê. Hôm sau, TS Suzanne  vào Việt Nam, nơi bà không khỏi ác cảm bởi kẻ gây tai nạn cho chồng mình.

Ra tay giúp xoa dịu cơn đau từ khi bà còn ở Mỹ là cô gái Việt, đồng hương của kẻ tội đồ. TS Suzzane xuống sân bay Nội Bài trong cảm xúc lẫn lộn.

Tràn ngập tâm trí người đàn bà không phải là tỷ phú nhưng không thiếu tiền vẫn là, ở đất nước xa xôi chưa từng đặt chân đến, liệu có đưa kịp ông nhà quy cố hương trong tình trạng bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Ngày đầu phẫu thuật, 70 phần sống, 30 phần chết. Ngày thứ hai, 50-50. Ngày thứ ba, đảo ngược ngày đầu, 30 phần sống, 70 phần chết.

Không phải chức sắc, bằng hữu đầy rẫy ở Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ, không phải doanh gia Mỹ ở Hà Nội mà tất thảy họ đều kính trọng gia đình nổi tiếng này, được ủy thác thay mặt toàn gia lo liệu. Không phải họ được cậy nhờ xử lý vụ việc đòi hỏi khẩn trương tối đa với các liên hệ nhằng nhịt ở tầm cấp quốc gia nếu không muốn nói quốc tế.

Sứ mệnh được đặt vào tay một người bản địa ít tuổi hơn số năm kỷ niệm ngày kết thúc cuộc chiến vẫn làm nước Mỹ rỉ máu, được đặt vào tay một phụ nữ chưa từng làm ở một cơ quan quyền lực nhà nước nào với chức vụ dù nhỏ nhất.

TS Suzane nhờ cậy Thảo có lẽ bằng trực giác là chính. Đấy là chưa kể chuyện vượt qua ác cảm. Ác cảm về một đất nước mà tuân thủ luật giao thông thuộc hàng tệ nhất thế giới. Ác cảm về kẻ gây tai họa không thể bù đắp. Nhưng TS Suzane vẫn chọn người ở nơi ấy, đồng hương của kẻ đáng nguyền rủa, để gửi niềm tin.

Dấu hiệu tin tưởng đầu tiên là Thảo trở thành nguồn duy nhất biết lời tâm sự cuối cùng giữa GS Papert và phu nhân ngay trước khi xảy ra tai ương. “Anh cảm thấy sợ khi đi lại trên đường sá ở Việt Nam…”.

“Phải thật cẩn thận, anh nhé. Tốt nhất hãy đi bộ nếu có thể”. Tiến sỹ Suzanne rò rỉ với Thảo. Từ Thảo, tâm sự ấy được báo chí quốc tế, trong đó có IHT số phát hành triệu bản/ngày, khai thác.

Thảo lao vào lo thủ tục với cường độ chỉ có thể tả bằng hai từ như điên. Cô hiểu nhiệm vụ được gia đình nhà khoa học lừng danh nhờ vả. Thân đơn chiếc, Thảo gõ khắp nơi, gõ tất cả những chỗ có thể gõ. Đến Bộ Ngoại giao. Qua Bộ Giáo dục&Đào tạo. Vào Sứ quán Mỹ. Đến Sứ quán Thụy Sỹ. Tạt Vietnam Airlines. Gọi bạn bè.

Nhiệm vụ thật đơn giản, đưa bệnh nhân hồi quy cố hương trước khi quá muộn. Vấn đề là bệnh nhân phải nằm trên máy bay cấp cứu đặc chủng thay vì máy bay thương mại. Đã thế, còn phải một mạch từ BV Việt - Pháp Hà Nội về BV Đa khoa Boston cách nhau nửa vòng trái đất.

Bằng hữu của vợ chồng GS Papert toàn yếu nhân. Bản thân TS Suzane cũng quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật ảnh hưởng ở Mỹ và Nga.

Lịch sử từng xô đẩy bà vào vị trí của một trong số ít nhân vật tham gia xúc tiến chấm dứt kỷ nguyên chiến tranh lạnh ở hai trục Đông và Tây hồi thập niên 90 thế kỷ trước.

Suzanne Massie, được mệnh danh là The Woman Who Ended the Cold War (Người đàn bà kết thúc kỷ nguyên chiến tranh lạnh). Không ai khác ngoài bà là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan trong 4 năm (1984-1988) chuyên về quan hệ với Liên Xô.

Bà là người dạy cho Reagan câu ngạn ngữ Nga mà vị tổng thống diều hâu xuất thân từ diễn viên điện ảnh thích đến mức trích dẫn nhiều lần (câu này trở nên phổ biến nhờ cách sử dụng có chủ ý của Reagan - Trust But Verify (Hãy tin tưởng nhưng phải kiểm chứng).

Người đàn bà tỏa bóng vô hình rộng lớn trên chính trường quốc tế ấy trực tiếp làm việc với các Cty chuyên vận chuyển cấp cứu (S.O.S.) hàng đầu về y tế có văn phòng ở Việt Nam.

Không Cty nào đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của khách hàng. Có  máy bay chuyên dụng và bác sỹ tháp tùng, họ cũng chỉ đưa bệnh nhân đến Bangkok (Thailand) hoặc Hongkong (Trung Quốc) hoặc Singapore là cùng. Dựa vào ai bây giờ?

------------

Còn nữa

Quốc Dũng

MỚI - NÓNG