Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ - kỳ cuối

Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ - kỳ cuối
TP- Ban lãnh đạo Hội cựu binh Mỹ (VVAF) ở Washington đưa ra một quyết định lịch sử: Bổ nhiệm một cô gái Việt Nam sinh ra sau chiến tranh làm trưởng đại diện của VVAF ở Việt Nam với 30 nhân viên, tiếp tục sứ mệnh hòa bình thông qua các dự án nhân đạo trị giá hàng triệu USD.

>> Kỳ trước

Sơn nữ chinh phục chính khách Hoa Kỳ - kỳ cuối ảnh 1
Ngày Patrick, chồng Thảo nhận bằng Tiến sỹ

Với tư cách đại diện của VVAF, Thảo đã tạo được sự thông hiểu giữa phía Mỹ và Việt Nam.

Trước, mỗi lần ra vào đơn vị quân đội (đối tác thực hiện dự án), Thảo phải xin phép. Nay, ra vào thoải mái, không còn phải kiểm tra. “Tuyệt. Cô bé này được lắm. Được hết. Chỉ mỗi tội  là lấy chồng tây”, một chuyên gia bom mìn quân đội nói vui.

Lúc đầu, Thảo là người Việt duy nhất của VVAF tham gia dự án với tư cách phiên dịch. Sau cánh gà, nhiều lần cô sang Bộ Quốc phòng để chuyển ý kiến của phía Mỹ rồi nhận ý kiến chuyển cho phía Việt Nam. Những gì Thảo chứng kiến, cách tiếp cận và mong muốn của hai bên, được cô chuyển tải vào luận án thạc sỹ ở Đại học RMIT, Úc.

Sau khi ký thỏa thuận tháng 1/2003 mở đường cho dự án lịch sử và biết chắc dự án sẽ triển khai, giữa năm 2003, Thảo đệ đơn xin học tiếp. Hồi ở ngoại giao, cô lờ mờ hiểu rằng, bảng điểm không được xếp loại khá thế nào cũng ảnh hưởng đến xin học bổng.

Thất bại đầu tiên của Thảo là khi xin học bổng AusAid của Úc và ngay từ vòng một. Các tiêu chuẩn: nữ; Vùng sâu vùng xa; Tiếng Anh tốt; Kinh nghiệm, Thảo đều có, thế mà không đỗ chỉ vì bảng điểm tốt nghiệp ngoại giao thấp. Học bổng FORD cũng không qua vòng thứ nhất.

Năm 2001 Thảo đành nhận học bổng RMIT với ba khóa từ xa một năm rưỡi và khóa cuối cùng sang Úc với tiền vé máy bay tự trả. Thảo học một ngành không giống ai, công nghệ hệ thống (system engineering). “Thôi thì beggar can not be chooser (ăn mày đừng hòng đòi chiếu manh)”. May mà có nhiều môn liên quan đến quản lý dự án nói chung, đắc dụng cho Thảo sau này.

Trở về VVAF với vị trí liason official (phái viên liên lạc), Thảo lại xin học bổng mặc dù hai lần trước thất bại. Lần này chơi hẳn Fulbright, nặng ký hơn cả mấy học bổng trước. Trong lòng nghĩ “không có gì để mất thì tại sao lại không thử”. Cuối năm 2003, Thảo tuổi 25 trở thành thành viên trẻ nhất nhận học bổng Fulbright ở Việt Nam.

Tháng 1/2005 bắt đầu học bổng kéo dài hai năm. Mọi người muốn chọn trường khi nộp đơn. Còn Thảo “chọn thủ đô Washington, nơi có trụ sở của VVAF. Ở đó, em còn có cơ hội học tập qua công việc thực tập”. Qua bạn bè, Thảo cảm nhận được tầm quan trọng của quan hệ cá nhân, của vận động hành lang, những yếu tố giúp cô đạt được khoản viện trợ lịch sử cho nạn nhân da cam.

Ghế nóng

Trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, VVAF có vai trò đặc biệt. Sau chiến tranh, năm 1981, Chủ tịch VVAF Bobby Muller dẫn đầu một đoàn cựu chiến binh Mỹ lần đầu tiên trở lại Việt Nam theo lời mời của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Những năm 80 và đầu 90, VVAF là cầu nối để quan chức hai chính phủ Việt Nam và Mỹ tiếp xúc, bàn thảo lộ trình bình thường hóa. Mùng 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam. Chủ tịch VVAF, Bobby Muller, ngồi xe lăn được mời ngồi ngay cạnh Tổng thống Clinton chứng kiến giờ phút lịch sử.

Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Mỹ năm 2005 có cuộc gặp riêng với lãnh đạo VVAF ở Washington và nói: “VVAF luôn tiên phong trong bình thường hóa quan hệ Mỹ và Việt Nam. Chính các bạn đã tạo điều kiện thúc đẩy cho chuyến thăm hữu nghị này” (Vietnam News ngày 17/10/2007).

Không hẹn mà lại trùng hợp. Hôm Tom Hayden(*) đến dự bữa cơm đầu tiên với vợ chồng Thảo ở Hà Nội, họ ôn lại với nhau chuyện năm 1968 khi thả ba tù binh chiến tranh, ta trao cho phía Mỹ thông qua ông ở Campuchia. Còn Thảo kể cho Tom chuyện cô vừa chính thức đảm nhiệm vị trí Trưởng đại diện cho tổ chức của những cựu binh Mỹ mà, 40 năm trước, họ là đối tượng bị tấn công chí mạng của cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân gây chấn động.

Với Thảo, những gì học được đều không thừa nếu không muốn nói là cô tham. Có người nói, muốn tham cũng khó. Đi đi về về tuyến đường Mỹ- Việt như con thoi, mỗi chuyến ngồi máy bay trên 20 tiếng. Về nhà, Thảo lại lao vào việc như không. Không rõ có phải sự dẻo dai leo núi đá tai mèo khiến cô giờ dai sức thế.

Một cán bộ bên VVAF kể từ cuối tháng 12/2007, Thảo còn tư vấn cho tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft ở Việt Nam do hậu quả phải học ngành công nghệ hệ thống ở RMIT bên Úc. Cô tư vấn về mảng quan hệ chiến lược với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, mức lương trả như chuyên gia quốc tế. Phối hợp bằng thạc sỹ về công nghệ hệ thống ở Úc (quê chồng) và bằng thạc sỹ về quan hệ quốc tế ở Mỹ (quê của bạn bè là các chính trị gia nặng ký), hoạt động tư vấn của Thảo cho Microsoft từ 1/1/2007 hanh thông không ngờ.

Một trong những đóng góp đáng nhớ cho cả Microsoft và quê hương Việt Nam là Thảo tham dự  lễ ký kết biên bản thỏa thuận giữa Microsoft và đại diện Bộ Bưu chính & Viễn thông (nay là Bộ Thông tin&Truyền thông) về hợp tác giữa Microsoft và Chính phủ Việt Nam về tăng cường tiếp cận công nghệ thông tin (ICT), chính phủ điện tử, phát triển giáo dục thông qua ICT, và phát triển ngành ICT. Lễ ký kết tổ chức ở Washington DC, tháng 3/2007, nhân chuyến công tác của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

Bước đệm này dẫn đến lễ ký giữa Microsoft và Chính phủ Việt Nam vào tháng 5/2007 tại Hà Nội với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giám đốc Điều hành của Microsoft, Steve Ballmer. Bản thỏa thuận lịch sử được đưa vào một trong mười sự kiện  lĩnh vực công nghệ viễn thông của năm 2007 ở Việt Nam.

Đầu năm 2008, Thảo tạm nghỉ Microsoft để quay về VVAF ở vị trí cao nhất của tổ chức phi chính phủ (NGO) rất có uy tín này. Cô tiết lộ, một ngày kia, thế nào cũng quay lại với công nghệ hệ thống.

“Cô là người kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp”

Các cụ thường bảo sức người có hạn. Nhưng mày râu thi đua với cô, có lẽ cũng tướt mồ hôi. Có điều Thảo lờ mờ nhận ra mặt trái của chạy đua với việc. Hối hả, vội vã là đặc trưng của xã hội hiện đại, không còn thời gian cho mình và gia đình. “Cuộc sống của em thay đổi hoàn toàn. Thay đổi nhiều và nhanh đến mức em hay tự vấn để cuối cùng lại chấp nhận như là tất yếu”.

Trên diễn đàn BBC Online xuất hiện ý tưởng chống lại trào lưu khó kìm hãm này. Đó là học cách sống chậm lại. Dường như nhận ra nguy cơ vô hình của cơn lốc công việc, Thảo tìm cách tranh thủ tạt ngang mỗi khi có cơ hội thoát khỏi bàn giấy.

Cuối tháng 11 vừa qua, sang Washington, Thảo gặp ngôi sao nhạc Rock, Bruce Springsteen, với tư cách bạn cũ  không dưới ba lần dù thời gian ở Mỹ không nhiều. Bruce là ca sỹ phản đối chiến tranh Việt Nam, ủng hộ nhiệt tình các chương trình của VVAF. Thảo đưa tôi xem bức ảnh cô chụp chung với Bruce Springsteen tháng 11/2007 ở Washington DC, khi ông công diễn giới thiệu album mới. “Đấy là lúc thư giãn tuyệt vời nhất của em bên Mỹ”.

Thảo còn đầu quân vào dàn Hợp xướng quốc tế ở Hà Nội (Hanoi international choir). Đợt kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam (21/9/1973 – 21/9/2003), Nhật thành lập và đưa Dàn Hợp xướng kỷ niệm 30 năm tới Hà Nội, phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và dàn Hợp xướng quốc tế Hà Nội. Trong đêm diễn tối thứ Hai, 24/3/2003 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có sự góp mặt của Thảo.

Bắt đầu buổi ghép nhạc cuối cùng sáng Chủ nhật, 23/3/2003, chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng người Nhật, Tefsuji Honna, bất ngờ đề nghị: “Trong không khí phản đối chiến tranh ở Iraq, tôi nghĩ chúng ta nên dùng tiếng hát của mình để cổ vũ hoà bình, tự do”. Hội trường im lặng. “Tôi đề nghị chúng ta hát thay từ Freude bằng Freiheit, có nghĩa là tự do - tự do khỏi chiến tranh”.

Hà Nội gần giữa đông lúc lên đèn mà vẫn chưa thấy gió đông. Không nóng, không lạnh, ẩm thấp. Tôi sấp ngửa đến một rạp xi nê trên phố Hai Bà Trưng. Mưa phùn. Chia tay. Ngõ ẩm thấp, chật chội, đèn tối mù. Vắt qua hai thế kỷ mà nó vẫn thế. Tây, ta vào ra rầm rập mà lối đi vẫn bước thấp bước cao. Hai dãy tường cao vống, bong vữa, kéo từ trong hun hút ra mặt đường cái quan mà một nửa bị chắn bởi cái quán tạm. Suýt đâm sầm vào một ông tây đi với một bé trai và một bé gái trắng như trứng gà bóc. Chưa kịp chụp mũ bảo hiểm thì điện thoại réo. Một giọng khoan hòa: “Anh có gặp họ không? Chồng và hai con em đấy”.

… “Thảo, cô lấy từ đâu để có được tia lửa, nghị lực và tình yêu cuộc sống đến vậy? Cô thật lạ thường”, lá thư đề ngày 11/1/2007 của bác sỹ Karen, người được ĐSQ Mỹ tại Hà Nội cử phối hợp cùng Thảo làm việc với BV Việt Pháp để chữa cho GS Papert bị xe máy người Hà Nội tông vào lúc ông đang tản bộ, có đoạn viết như vậy.

Sau khi GS Papert ra khỏi Việt Nam, BS Karen và ĐSQ Mỹ tổ chức tiệc cảm ơn BV Việt Pháp và Thảo. Bức thư đó, BS Karen gửi cho Thảo một ngày sau bữa tiệc: “Cám  ơn cô về cuộc gặp tối qua. Những điều cô nói thật tuyệt vời. Nhiều người không thể biết cô phải làm nhiều thế nào để giúp Papert… Cô thật rộng lượng và đáng tin cậy. Hãy đến với chúng tôi và đưa cả con đến nếu muốn và có thời gian… Cô là người kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp”.

Phiên tòa xử kẻ gây họa cho gia đình khoa học gia danh tiếng vừa mở hôm 28/1. Thảo lại bấn lên liên lạc, kết nối cho con gái của nạn nhân, GS Papert, thông báo với nhà chức trách Việt Nam rằng gia đình đề nghị xá tội cho bị can, xóa trách nhiệm hình sự và cả trách nhiệm tài chính cho bị can.

Sứ mệnh của VVAF mà cụ thể là của các cựu binh Mỹ đối với những gì còn lại của cuộc chiến ở Việt Nam không biết bao giờ mới hết. 41/46 tỉnh thành vẫn thấy bom mìn chưa nổ (UXO) với tổng cộng  350.000- 800.000 tấn (Nguồn: Bộ Quốc phòng Việt Nam và Báo cáo Giám sát Mìn), hàng chục vạn người tàn tật sinh ra hàng trăm nghìn đứa trẻ tật nguyền vì chất da cam/dioxin. Trong đội ngũ cựu thù đang làm công việc xóa bỏ các di chứng chiến tranh ấy, giờ thấy thấp thoáng bóng dáng sơn nữ Hà Giang trên chiếc ghế nóng, phấn đấu cho một cuộc sống mát lành.

Chiến dịch vận động chống sử dụng mìn sát thương trên toàn thế giới do VVAF đồng khởi xướng đoạt giải thưởng Nobel năm 1997. Vào Việt Nam, VVAF có ý định triển khai các bước kỹ thuật của dự án đoạt giải Nobel như đối với ở nhiều nước khác. Khởi đầu là tiền trạm, đánh giá tác động ô nhiễm bom mìn. Rồi khảo sát kỹ thuật. Rồi tiến hành rà phá.

Không ngờ, quy trình khoa học đó vào Việt Nam thì tắc. Từ nhà tài trợ (Bộ Ngoại giao Mỹ) đến nơi tiếp nhận viện trợ (Bộ Quốc phòng Việt Nam) và đơn vị triển khai dự án (VAAF) đều nhận ra một vấn đề trong bối cảnh Việt Nam. Đây là dự án liên quan đến cái gọi là ngoại giao nhân dân (public diplomacy) chứ không đơn thuần về kỹ thuật.

Những năm trước, làm việc với nhau về hậu quả chiến tranh, Mỹ chỉ giúp Việt Nam mảng hỗ trợ người khuyết tật. Đến rà phá bom mìn, phần lớn do Mỹ để lại, phía Việt Nam thấy đấy là trách nhiệm của Mỹ chứ quyết không thể xem là ban ơn. Hơn nữa, thay vì chuyển cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, Mỹ lại giao cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) là VVAF thực hiện. Lâu nay, chính phủ với chính phủ chỉ làm về vấn đề người Mỹ mất tích (MIA).

Đấy là chưa kể những năm trước, vai trò của các NGO chưa được thừa nhận nhiều ở Việt Nam. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng chưa có tiền lệ triển khai dự án với một NGO. Chưa có tiền lệ cả việc hai bên cùng thực hiện (joint implementation). Vân vân và vân vân.

Những khó khăn như thế khiến con tàu dự án chạy chậm hơn rùa. Từ tháng 5/2001, bắt đầu cuộc đối thoại đầu tiên. Đến năm 2003 mới ký được thỏa thuận chung (memorendum understanding) sau khi hai bên đạt được tin cậy lẫn nhau. Từ 27/1/2003- 2/2004, hai bên mới thống nhất tài liệu dự án và bắt đầu triển khai.

(*) Chồng cũ nữ nghệ sĩ Jane Fonda xông xáo một thời trong phong trào phản chiến tại Mỹ, nhân vật được nhắc đến trong kỳ 2 loạt ký sự này.

MỚI - NÓNG