Phỏng vấn anh Lê Quang Vịnh, tác giả “chuyện người tử tù có một không hai”:

Sóng gió thời bình

Sóng gió thời bình
TP - Tại sao có nhiều điều rất lý thú anh lại “cất giấu” khá kỹ, khá lâu? Lê Quang Vịnh: Tôi bị địch bắt tù đến 3 lần, cộng chung lại là 16 năm, vào lứa tuổi thanh thiếu niên (14  – 39 tuổi).

>> Chuyện người tử tù có một không hai

Sóng gió thời bình ảnh 1
Anh Lê Quang Vịnh (trái) và tác giả bài báo

Cho nên cuộc sống trong tù ghi đậm dấu ấn lên tâm trí, ý thức tôi. Sau này, tôi đã nhiều lần nghiêm túc xem xét lại mình, tôi tự thấy vốn sống của mình trong đời thường bị nhiều hụt hẫng.

Có nhiều việc đời tôi rất yếu kém so với lứa tuổi, mặc dù cũng có một số việc thì tôi lại sâu sắc hơn các bạn đồng niên. Nhìn chung thì tôi dại khờ, ngây thơ, non nớt về nhiều lĩnh vực trong đời.

Tôi không có ý “cất giấu” những câu chuyện đời mình. Tuy nhiên, tôi rất sợ sơ hở, sợ đụng chạm đến người khác, nhất là những người đã khuất, Nếu chỉ vì một câu nói nào đó của mình mà gia đình người ta gặp phải khó khăn, thì đó là điều tôi vô cùng ân hận.

Trong những năm đầu giải phóng, cũng do trình độ của tôi lúc đó còn hạn chế nhiều, tôi đã để cho người biên tập được toàn quyền sửa sang thay đổi những điều gọi là của mình viết ra, khiến cho nhiều khi ý nghĩa của đoạn văn lại khác hẳn với ý định của tôi mà về sau thì chính tôi mới là người chịu trách nhiệm...

Trong trường hợp nhà thơ Ngô Minh cũng như thế, tôi chỉ nói một vài ý rất chung chung, còn cụ thể như thế nào là phải Ngô Minh tìm tòi, điều tra, nghiên cứu ở những người khác.

Tôi thấy anh Ngô Minh rất thông minh và có phương pháp làm việc tốt.  Ngô Minh đã tìm đến những người tương đối có hiểu biết về sự việc để lần ra sự thật. Về cơ bản, tôi thấy không có gì phải phiền trách.

Tuy nhiên, nhân đây, tôi cũng xin cải chính về một số chi tiết mà tôi nghĩ là cần nói lại.

Một là, Như đã có lần theo tôi ra rừng để dự khóa huấn luyện cán bộ Đoàn kéo dài nhiều ngày. Nói điều này ra, tôi muốn đề cập đến sự tin cậy, quí trọng của gia đình thầy Kỵ và của riêng Như đối với tôi.

Nhưng đó là về chính trị, về đạo đức cách mạng, chứ còn về tình yêu thì tôi nghĩ thuộc về một phạm trù hoàn toàn khác. Mặc dù tâm can nóng bỏng, nhưng tôi không dám tỏ tình, một phần cũng vì tôi sợ bị từ chối. Bài thơ “Thư gởi người yêu” nên hiểu là “người tôi yêu” mà thôi, nó không có nghĩa là “người yêu tôi”.

Hai là, chuyện chị Lý có tấm ảnh của tôi và đề trên tấm ảnh ấy câu “Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh” thì mãi đến sau này khi tờ báo Giáo dục và Sáng tạo năm 2000 đăng lên như một phụ bản bài phỏng vấn tôi của Vi Ân, tôi mới biết.

Thật ra, tôi có gặp một cô Lý ở Sài Gòn vào lúc nào thì bây giờ tôi không nhớ nổi, nhưng chắc chắn không thể quá năm 1958 được. Đến ngày giải phóng được ra Hà Nội, tôi có gặp lại chị Lý ấy và cả anh Tuấn nữa (về sau là chồng của chị Lý).

Tôi cũng hiểu chút ít về những tình cảm đặc biệt mà chị Lý dành cho tôi, nhưng chuyện tấm ảnh thì cả chị Lý và những người thân của tôi đã giấu kín không cho tôi biết. Tôi không cầm được nước mắt khi viết những dòng này.

Trong thời bình, cuộc đời anh cũng không hề suôn sẻ. Có những khi nghiêm trọng đến mức độ có người nói rằng” Lê Quang Vịnh bị án tử hình lần thứ 2!”. Anh có thể kể lại một vài chuyện người thật việc thật với tinh thần “ôn cố tri tân”?

LQV: Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1975) cho đến ngày tôi được nghỉ hưu theo chế độ (2003), cọng chung lại là 28 năm công tác trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Tựu trung tôi đã đảm nhiệm những chức vụ:

Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM và Chủ tịch Hội LHTNVN.

Ủy viên Đoàn chủ tịch kiêm Phó Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQVN.

Thường vụ Đặc khu ủy Vũng Tàu- Côn Đảo, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo.

Phó Ban Dân vận Trung ương (Đảng) và Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nói chung là tôi làm công tác quản lý – lãnh đạo. Chức năng của công tác đó là “dùng người, xét việc” và tất yếu sẽ có người thương, người ghét đối với tôi.

Tôi xin kể về quãng thời gian tôi làm Bí thư Huyện ủy Côn Đảo. Chuyện xảy ra đã lâu rồi, đến nay tôi chỉ còn nhớ một số khung của sự việc mà thôi.

Đầu năm 1986, tôi nhận được quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tham gia Ban Thường vụ Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo, trực tiếp làm Bí thư Quận ủy Côn Đảo.

Đồng chí Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm UBKH Nhà nước có mời tôi dự một bữa cơm thân mật trước khi ra CĐ, đã giao cho tôi nhiệm vụ xây dựng một thành phố trên biển (do đó không gọi CĐ là huyện mà lại gọi là quận). 

Ngay khi tôi vừa mới chân ướt chân ráo về tới CĐ thì trên CĐ rất nổi tiếng là xã hội chủ nghĩa chân chính lại nổ ra một số tiêu cực thật bất ngờ trong khá nhiều lĩnh vực. Trong bộ máy chính quyền có khá nhiều kẻ hành tung mờ ám.

Ngay trong tuần đầu tiên tôi nhận việc, đã có những người đứng ra tố cáo vụ tàu của ta vũ trang đánh cá ngoài khơi xa. Khi được báo cáo cụ thể, tôi trình lên Đặc khu ủy (ĐKU) và trong những đề xuất quan trọng có nhận định tối mật là đầu mối của các tiêu cực ấy...

Trong quá trình xét xử về sau, khi đầu mối tiêu cực đã bị bịt kín, tôi trở thành người bày đặt ra các tiêu cực không có thật, gây mất đoàn kết nội bộ!

Có ý kiến trong ĐKU nên khai trừ tôi ra khỏi Đảng và cho vào nhà thương điên. Tôi quá uất ức nên bịnh cũ tái phát. Trước khi nhập viện chữa bịnh, tôi gởi hết hồ sơ vụ án lên Ban Bí Thư trung ương Đảng.

Tôi cũng còn phải kiểm điểm trước quận ủy nhiều lần nữa và cuối cùng là hội nghị ĐKU với tuyệt đại đa số phiếu thuận chống lại một phiếu của tôi có kèm theo mấy phiếu trắng nữa quyết định kỷ luật “cảnh cáo” đối với tôi. Về phần tôi, tôi chỉ nói được 2 tiếng “Bảo lưu” mà thôi.

Tôi đã nằm bệnh viện 2 năm liền, sau đó Ban Tổ chức Trung ương rút tôi về làm chuyên viên cao cấp ở MTTQVN. Từ đó, tôi không còn hay biết gì nữa về những việc đang xảy ra ở Vũng Tàu - Côn Đảo.

Nói như thế cũng chưa đúng hẳn. Trong thời gian này, trên báo Tiền phong có mấy bài “Vì Côn Đảo thiêng liêng, tôi tố cáo” và trên báo Công an thành phố Hồ Chí Minh có bài “Những người có vấn đề ở Côn Đảo”.

Cũng còn một số báo khác nữa, mà tôi không nhớ nổi, đăng những bài ủng hộ tôi (có lẽ là do các bạn bè, thân thiết với tôi thấy tôi bị nạn, góp phần giúp đỡ).

Mãi cho đến  năm 1993 (5 năm sau khi tôi đã rời khỏi Côn Đảo), trong một lần đồng chí Tổng Bí thư và một số uỷ viên Bộ Chính trị, ủy viên BCH trung ương Đảng, gặp gỡ các chiến sĩ tử tù, tôi được trực tiếp nghe đồng chí TBT nói về cuộc đấu tranh trong nội bộ ĐKU Vũng Tàu - Côn Đảo rằng “Đồng chí Vịnh... là đúng”.

“Bây giờ thì Trung ương đã có đủ bằng chứng để kết luận…”. Tôi còn nhớ lúc đó tự nhiên nước mắt tôi giàn giụa, tôi đã khóc... Sau đó ít lâu, tôi được bổ nhiệm là Phó Ban Tôn giáo Chính phủ và năm 1997, tôi được cử làm Trưởng Ban.

Có khi nào sóng gió cuộc đời trong thời bình làm anh xót xa, ân hận và nản chí?

LQV: Tôi xuất thân là một chú bé học trò dốt nát, biếng lười, nhưng nhà tù đế quốc (hay cũng là trường học cộng sản) đã rèn luyện tôi trở thành một con người có ích cho xã hội. Bài học đầu đời của tôi là “đi trên đường cách mạng, con người sẽ được quần chúng nhân dân nâng đỡ, đùm bọc, nỗi bất hạnh sẽ biến thành niềm hạnh phúc”.

Tôi cũng không biết là tốt hay xấu nữa, nhà tù đã tạo ra trong tôi tính chịu đựng (có người gọi là nhẫn nhục). Tôi tự thấy trong bất cứ công cuộc gì, tôi cũng bắt đầu bằng sự non kém, thiếu kinh nghiệm và thất bại, nhưng tôi không bỏ cuộc, tôi vẫn tiếp tục.

Càng về sau tôi càng được sự giúp đỡ, ủng hộ của những người tốt và cuối cùng là đi tới thành công. Tôi tin tưởng rằng vấn đề chủ yếu là rút kinh nghiệm, tìm ra được nguyên nhân và phương pháp khắc phục, thì nhất định thất bại sẽ là mẹ của thành công.

Nếu có những lúc tôi cảm thấy xót xa, ân hận, không phải vì đã chọn lầm đường (thì đường cách mạng là chính nghĩa, có gì mà ân hận?), mà tôi chỉ ân hận là mình tài hèn, đức mọn, việc cần phải làm mà không dám làm, hoặc không đủ tài trí để làm cho tốt, cho được mỹ mãn… 

Xin cảm ơn anh!

Thanh Tùng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.