Ngược dòng Nậm Nơn :

'Sông ma'

'Sông ma'
TP - Lũ quét đầu mùa đã cướp đi năm sinh mạng vùng núi Tương Dương, Nghệ An. Đúng lúc mưa lũ ùn ùn đổ về, miền tây Nghệ An vừa thêm ba người chết do lũ cuốn, phóng viên Tiền Phong ngược dòng Nậm Nơn, dài hàng trăm cây số, để tìm hiểu sông ma.
'Sông ma' ảnh 1
Thuyền máy ngược dòng Nậm Nơn

Thấy tôi  thuê chiếc thuyền máy  hơn hai mươi mã lực để ngược dòng đi về xã Mỹ Lý, thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn, chủ thuyền có tên Lương Văng Thông chỉ cười buông câu “các chú hay đùa”, rồi bỏ lên quán cóc bên bến Thượng Lưu ngồi uống rượu.

Loay hoay mãi, nhờ có đồng chí  Lương Thanh Liên, đội trưởng phụ trách xã, công an huyện Tương Dương đi công tác lên thượng nguồn sông nên mới thuê được chiếc thuyền của  tay lái trẻ Lương Minh Hùng (SN 1989), người xã Yên Na.

Dòng Nậm Nơn nối dài từ tỉnh Hủa Phăn (Lào) về qua xã Mỹ Lý, Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), xã Mai Sơn, Luân Mai, Nhôn Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Đa, Kim Tiến, Yên Na, Lượng Minh (huyện Tương Dương) rồi cùng với dòng Nậm Mộ đổ ra ngã ba Cửa Rào tạo thành dòng sông Cả (sông Lam).

Hầu hết sống ở hai bờ Nậm Nơn là đồng bào dân tộc gồm Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ đu. Sau khi công trình Thủy điện Bản Vẽ ra đời, có ít nhất 2.845 hộ, với trên 13.000 dân phải dời ra vùng tái định cư. Riêng huyện Tương Dương còn khoảng 929 hộ, với 5.321 nhân khẩu vẫn còn ở lại sống ở hai bờ Nậm Nơn.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt thuyền, bè đi lại trên dòng sông đầy thác ghềnh này, nhưng không thuyền nào trang bị phao cứu sinh.

“Giá bao nhiêu?”. “Một người bốn trăm đi lên, ba trăm rưỡi đi về”. Lái thuyền trả lời.

Không biết đây là lần thứ mấy ngược dòng Nậm Nơn, nhưng chưa lần nào đi hết dòng sông và cũng chưa lần nào tôi bắt gặp nước sông Nậm Nơn dâng cao và cuồn cuộn chảy như lần này.

Mùa khô, nước sông chỉ sít dưới chân bến Thượng Lưu. Thế mà hôm nay ngập lút tận lều quán. Không những thế, nó còn cắt đứt luôn đường liên lạch dọc theo ngọn đồi Pu Len ở khu vực Thủy điện Bản Vẽ.

Trước khi thuyền tăng tốc, tay lái Hùng căn dặn, vì hôm nay nước lũ lớn, đề nghị khách nắm chặt hai mạn thuyền, không được lúc lắc.

Sau một giờ đồng hồ, thuyền máy chạy đến bản Xốp Lằm, thuộc xã Kim Tiến cũ. Nước sông cuồn cuộn đổ về. Bỗng có tiếng sột soạt dưới đáy thuyền, mũi thuyền được bẻ ngoặt sang bờ bên kia.

Thấy tôi thắc mắc vì sao tốc độ thuyền đang nhanh bỗng chậm lại, anh Liên, công an huyện Tương Dương, cho hay, hầu hết thuyền bè đi qua khu vực này đều rợn tóc gáy.

Trước đây, đoạn sông này đã nuốt chửng mười một chiếc thuyền của thương gia Trung Quốc. Trên mười một chiếc thuyền đều được chở vàng và bạc nén. Vì thế, đoạn sông này người ta thường gọi là “văng hưa toong”, có nghĩa là đoạn “thuyền bạc”. 

Rời bản Xốp Lằm, thuyền máy tiếp tục chạy hết tốc độ hơn hai giờ đồng hồ mới đến bản Com, thuộc xã Kim Đa. Trời bắt đầu nắng như  thiêu đốt. Hơn tiếng đồng hồ loay hoay trong bản Com để tránh nắng.

Trước đây bản này có 228 hộ đồng bào Thái sinh sống quây quần. Không khí lúc nào cũng rầm rập trên bến dưới thuyền. Nay bà con đi vùng tái định cư hết, bản làng chỉ còn trơ lại những nền đất cũ, những thân dừa, thân cau đứng quắt queo dưới nắng hè gay gắt.

Nơi đây chỉ  còn năm gia đình đang cố bám trụ lại, để buôn bán lặt vặt phục vụ dân di cư ra khỏi lòng hồ. Bản Com là nơi cung cấp thuyền máy đi lại trên sông cho bà con vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Anh  Vi Văn Thoong, một tay thợ đóng thuyền giỏi bậc nhất vùng núi Tương Dương cho hay gia đình đã di cư ra khỏi lòng hồ cùng với bản làng từ hai năm trước. Tuy nhiên, Thoong cố bám trụ để tiếp tục làm nghề đóng thuyền để phục vụ đồng bào đi lại dọc tuyến sông này.

Nghề đóng thuyền ở bản Com rất thịnh vượng. Xưa nay, đi vào các xã hai bên bờ Nậm Nơn chỉ có đường thủy, và đó là sông Nậm Nơn. Muốn vào các xã vùng sâu như Nga My, Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh cách thị trấn Hòa Bình hàng trăm cây số, cũng phải đi một chặng đường thủy của con sông này.

Để đóng được thuyền ngoài tìm cho được gỗ còn phải bào trơn tru, đục đẹo, uốn éo, bẻ cong công phu. Mỗi chiếc thuyền mộc, chưa có mô tơ gắn vào bán với giá mười triệu đồng. Ai đặt mua trọn bộ chiếc thuyền máy thì  phải mất ba lăm đến bốn chục triệu đồng.

Đóng thuyền nổi tiếng như Thoong, mỗi tháng cơ sở của anh cũng chỉ cho ra xưởng tối đa năm chiếc. Hầu hết đóng được cái nào, bà con trong vùng mua cái đó.

Vượt qua cửa tử

Quá trưa, nắng vẫn đang thiêu cháy da cháy thịt. Bỗng mưa rừng ập đến như trút. Từ khi rời bến Thượng Lưu, chúng tôi thi nhau đếm thác ghềnh nhưng không ai đếm xuể. Thác Cành Tắt giáp ranh giữa hai xã Hữu Dương và Mai Sơn được gọi là cửa tử đầu tiên.

'Sông ma' ảnh 2
Muốn qua thác phải xuống thuyền leo bộ

Ở đây  núi đá hai bên lấn ra, nước sông chảy xiết, hốc đá, cồn đá lô nhô. Hùng cho thuyền dừng lại, quay mũi áp sát bờ rồi cứ thế trườn lên trên con thác dữ. Ai nấy toát mồ hôi trán.

Khi thuyền trườn lên đỉnh điểm của thác Cành Tắt, mọi người thót tim. Thỉnh thoảng, trên thượng nguồn ùn ùn những thân cây, gỗ lao qua thác. Trên thuyền không hề có một chiếc phao cứu sinh.

Tiếp theo là thác Cành Tạng. Trời bắt đầu xẩm tối. Hùng cho thuyền quay mũi vào bờ và chỉ cho mọi người men theo núi đá đi bộ, còn Hùng một mình vượt qua con thác dữ.

Chưa đầy mười lăm phút, từ thác Cành Tạng ngược dòng tiếp tục gặp thác Khe Vén, nơi thường xảy ra các vụ lật thuyền. Đúng lúc này trời tối sầm. Mưa rừng xối không ngớt.

Chúng tôi được anh Liên công an huyện đưa vào trú ở nhà ông Kha Văn Nguyên, xã đội trưởng của xã Mai Sơn, xã biên giới Việt Nam và nước bạn Lào, và là xã xa nhất của huyện miền núi Tương Dương. Chưa kịp giới thiệu, ông xã đội trưởng đã tặc lưỡi: “Các chú liều quá đấy.” 

Ông Nguyên cho biết, tại thác Cành Tạng đã xẩy ra nhiều vụ lật thuyền. Cách đây ba năm, xã Mai Sơn có tổ chức cho đoàn thanh niên đi ra vùng trung tâm của huyện tham quan. Thuyền  xuôi qua thác Cành Tắt bất ngờ lật úp. Rất may hôm đó là mùa khô nên mười sáu người ngồi trên thuyền được cứu sống.

Mấy hôm trước tại thác Khe Bén, một thuyền chở khách cũng bị lật. May có ông Nguyên quen với nghề sông nước ở thượng nguồn Nậm Nơn nên đã cùng lái thuyền cứu được tám người. Tuy nhiên hàng hóa mang theo của khách bị nước sông cuốn trôi mất tích.

Chiếc thuyền máy tiếp tục chạy một tiếng đồng hồ nữa mới tới xã Mỹ Lý, thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn. Đến được với Mỹ Lý là quãng đường chưa đầy một tiếng đồng hồ chạy bằng thuyền máy nhưng cũng đầy thác ghềnh.

Giáp ranh của hai xã Mai Sơn (Tương Dương) và Mỹ Lý (Kỳ Sơn) có ít nhất hai cửa tử là thác Cành Lẹp và Cành Cạp. Hai thác này có dốc cao và đứng nên thuyền bè về qua đây thường xuyên bị lật.

Ông Vi Văn Nga, một tay lái thuyền trên sông Nậm Nơn tâm sự, ba mươi năm làm nghề lái thuyền trên sông Nậm Nơn, nhưng mỗi lần chở khách qua thác Cành Cạp cũng như Cành Lẹp thế nào cũng phải thuê các tay lái bản địa của bản Xằng, thuộc xã Mỹ Lý đưa đi qua.

Nhiều hôm không ai dám cho thuyền cưỡi sóng vượt qua cửa tử thần thì phải thuê dân hai bên sông đẩy thuyền đi trên bộ. Vì thác nước dữ nên nhiều nậu buôn gỗ trắng tay. Về qua đây, thác nước đập tan bè từng mảng rồi gỗ cứ thế cuốn theo dòng nước  cuồn cuộn về xuôi.

Từ bản Xiềng Tắm thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, rong thuyền máy chưa đầy ba mươi lăm phút, chúng tôi tới điểm mút đầu tiên của thượng nguồn dòng Nậm Nơn chảy về Việt Nam.

Đôi bờ đoạn sông này thật hùng vĩ. Núi non trùng điệp, nhiều cánh rừng rậm, muông thú như khỉ, kỳ nhông, kỳ đà bật tanh tách hai bờ sông. Chạm vào lãnh địa nước bạn Lào, ước mơ cưỡi sóng chinh phục dòng sông ma trong đời làm báo của tôi bấy lâu, nay đã thành hiện thực.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG