Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông

Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông
TP - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến đến bảng điều khiển của hệ thống đài phát sóng phát thanh VN1. Trên hệ thống điều khiển là tấm biển màu xanh nổi bật hai hàng chữ trắng Máy số I. Tần số 9835 KHZ. Hướng 145 độ: Hoàng Sa và Trường Sa.

Ba nút bấm ngoài cùng có màu vàng, đỏ, xanh lam, ngón tay cái của Thủ tướng dừng lại ở  nút bấm màu đỏ rồi ấn mạnh. Tổ hợp máy phát sóng Biển Đông chính thức đi vào hoạt động. Đúng 10 giờ ngày 29/8/2009.

Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn nút phát lệnh đưa tổ hợp máy phát sóng Biển Đông vào hoạt động. Ảnh: VOV

Phải một lúc lâu sau tôi mới dám bấm máy cho Võ Văn Trường (Sợ rằng ngoài đó chưa bắt sóng được ngay chăng?). Trường là chủ hộ gồm vợ tên là Hạnh và ba con nhỏ cùng nhiều gia đình đang sinh sống ở Đảo Trường Sa Lớn mà tôi quen trong đợt công tác ở quần đảo Trường Sa.

Giọng Trường hồ hởi, vì được thông báo trước nên vừa mở đài là bắt ngay được sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Chả bù cho trước đây có đài bỏ xó vì không có sóng. 

Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông ảnh 2Dự án phủ sóng Biển Đông là một công trình rất có ý nghĩa đối với quốc phòng an ninh biển đảo, sẽ giúp CBCS và bà con ngư dân làm việc nơi biển đảo xa xôi có thể nghe được tin tức từ đất liền thân yêu và cập nhật được tình hình thời tiết, có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển mà Bộ Quốc phòng đang đảm nhiệm.Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông ảnh 3 - - Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

(Nguồn: VOV)

Tôi gọi tiếp cho anh Bùi Văn Tiệp là Trạm trưởng Hải đăng Đảo An Bang, một vị trí hơi khuất nẻo của Trường Sa. Trạm trưởng Bùi Văn Tiệp dõng dạc,  từ nay An Bang nói riêng và Trường Sa nói chung đã có sóng của Đài TNVN.

Anh Tiệp cũng cho biết, anh vừa chuyển từ Hải đăng An Bang về Hải đăng đảo Đá Tây. Đá Tây cũng bắt sóng của đài rất tốt. Biển Trường Sa mấy bữa nay đang động.

Thế còn các chiến sĩ  Hải quân Trường Sa đang làm nhiệm vụ giữ gìn lãnh hải và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc? Qua điện thoại, Đại tá Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân hồ hởi báo tin, đại tá vừa liên lạc với anh em một số đảo, tín hiệu của Đài TNVN rõ và tốt.

...Tíu tít bộn bề công việc của ngày kỷ niệm 64 năm Đài Phát thanh TNVN phát sóng và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, nhưng tôi vẫn may mắn được Phó Tổng giám đốc Đài  Đoàn Việt Trung  thu xếp cho một chút thời gian...

Câu chuyện của chúng tôi lan man về chương trình phát sóng đầu tiên của Đài vào lúc 11giờ30 ngày 7/9/1945 do hai phát thanh viên Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân đọc, có nội dung chính là lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Dằng dặc 64 năm hầu như không phút giây nào ngừng nghỉ, trừ trục trặc vài phút chi đó hồi lũ cướp trời xé toang cột phát sóng Mễ Trì cuối năm 1972. Rồi câu chuyện lại trở lại với sự kiện hôi hổi vừa qua với việc Đài TNVN phủ sóng toàn bộ Biển Đông...

Tâm trí tôi ngược về chuyến đi Trường Sa lần trước. Trong số quà tặng của đất liền cho các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, tôi để ý đến vẻ tần ngần của người nhà tàu khi phân loại quà.

Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông ảnh 4
Một góc Trường Sa. Ảnh: Xuân Ba

Anh em than thở rằng bà con mình trong đất liền cứ chắc mẩm ngoài đảo đã phủ sóng radio lẩu lâu rồi nên gửi tặng anh em không ít radio các loại. Hình như vẻ áy náy day dứt ấy đương lây và lặn trong chất giọng đượm buồn của một yếu nhân nhà đài đây?

Ông Trung cho biết anh chị em nhà đài thấy mình như có lỗi khi các CBCS bảo vệ chủ quyền biển đảo nơi cùng trời cuối nước ấy hằng bao năm mù tịt các chương trình phát sóng. Cái đài như người bạn tâm tình thủ thỉ...

Rồi những biến chuyển thất thường của thời tiết, những cơn bão gần bão xa... các CBCS nhà mình đâu có lường hết được bằng kinh nghiệm? Rồi còn hơn 4 triệu ngư dân đánh bắt gần bờ xa bờ, bao ẩn họa đang rình rập nào dưới nước nào trên giời?

Qua ông Trung, tôi được biết đài lâu nay thường xuyên có chương trình phát thanh dành cho ngư dân cung cấp thông tin về mưa bão và hướng của luồng cá, nhưng đánh bắt xa bờ khoảng trên dưới 200km là không bắt được đài đành trông trời trông biển trông mây!

Không có cớ gì mà các chiến sĩ ngày đêm giữ chủ quyền của đất nước và ngư dân mình lại không được thưởng thức các chương trình của Đài TNVN với nhiều tiện ích? Cũng đã mày mò nhiều cách, tỷ như thử nghiệm rồi chuyển giao hệ thống phát thanh cho bên quốc phòng, chen ( kèm) sóng radio với sóng ti vi... Nhưng chất lượng và hiệu quả không được như mong muốn.

Câu chuyện với một chuyên gia được đào tạo bài bản ở nước ngoài về kỹ thuật truyền, phát thanh nay chững chạc ở vị thế quản lý về kỹ thuật của nhà đài khiến lắm khi tôi ù cả tai. Có lẽ mình đã khấu đi khá nhiều thời gian của ông Trung bởi cái sự mù mờ không tương thích về chuyên môn mà ông đang sở hữu ngồn ngộn.

Hóa ra cứ tưởng một tiến bộ kỹ thuật của nhân loại, đưa tổ hợp máy phát sóng phủ toàn bộ Biển Đông kia đem áp dụng cho xứ mình là điều đơn giản, nhưng không phải thế...

Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông ảnh 5Là đất nước có bờ biển dài, giàu tài nguyên, với hàng triệu dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản, Việt Nam luôn chú trọng đến chiến lược phát triển kinh tế biển. Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X nhấn mạnh, nhằm thông tin nhanh chóng và chính xác phục vụ đắc lực cho đồng bào và chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, việc phủ sóng phát thanh toàn bộ khu vực lãnh hải Việt Nam là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng.Sóng nhà đài vấn vít Biển Đông ảnh 6 - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ phát lệnh.

Công trình hơn 80 tỷ đồng này phải được đấu thầu theo quy định của Nhà nước chứ không được chỉ định thầu. Lực lượng thi công là Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh của nhà đài.

Tám tháng trời ròng rã cho việc căn chỉnh thiết bị này khác để các loại sóng phát ra phù hợp với từng địa hình. Các bước đi của sóng trung sóng ngắn trên đất liền và trên biển có khác nhau...

Tôi nghe láng máng đâu như ứng với khu vực A1 (khu vực gần bờ phạm vi hai, ba trăm cây số đổ lại), khu vực A2 tính từ bờ 400km, khu vực A3 cũng tính từ bờ 3.000km, mỗi khu vực thích hợp với từng loại sóng.

Tổ hợp phát sóng của nhà đài phải sản xuất phải chế ra những thứ sóng ấy... Lại nữa, đâu như sóng dùng cho ban đêm phải khác ban ngày, mưa gió bão bùng hay nắng ráo có khác v.v... và v.v...

Có một lúc ông Trung cứ xuýt xoa về tầm nhìn xa trông rộng của cấp trên về công việc của nhà đài cụ thể là của ông đang phải đảm trách.

Đành một nhẽ, Nghị quyết về chiến lược Biển Đảo của trên đã chắp cánh cho những bước sóng của nhà đài phủ được toàn bộ Biển Đông nhưng chủ trương quyết sách ấy phải đi vào cuộc sống và trở nên sinh sắc từ những việc cụ thể.

Chuyện cụ thể ấy, như ông Trung cho biết, là lần nhà đài lên báo cáo Thủ tướng về công việc phủ sóng Biển Đông, Thủ tướng khen và hỏi ngay, việc phát đã vậy còn máy thu thì sao? Câu hỏi của Thủ tướng trúng ngay tâm trạng của anh em bởi loại radio phổ thông có thể dùng tốt trong đất liền  nhưng với biển đảo thì khác... 

Ngay trong buổi làm việc, Thủ tướng đã gợi ý cho nhà đài thực hiện dự án sản xuất loại radio đặc biệt tạm gọi là đài trực canh. Thiết bị này sẽ áp dụng công nghệ mới để báo, nếu có tin bão, nó sẽ tự động kích hoạt máy thu.

Tỷ như trong khu vực thời tiết xấu hoặc máy thu thanh tắt thì máy vẫn phát tín hiệu cho người nghe. Loại radio này sản xuất giá cũng rẻ thậm chí có thể phát không cho những ngư dân nghèo.

Thêm nữa loại radio này sẽ được thiết kế bằng chất liệu đặc biệt có khả năng chịu được môi trường mặn và ẩm.

Câu chuyện của ông Trung khiến tôi chợt nhớ, trong buổi tham quan một tổ hợp viễn thông lớn của Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu cặn kẽ tại một khu vực giới thiệu những thiết bị dự báo phòng vệ cho những tàu cá hoạt động xa bờ. Đó là mùa thu năm 2007. Chắc không phải ngẫu nhiên và tình cờ xuất hiện cái đài trực canh bây giờ?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý trên nguyên tắc, Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí để VOV triển khai giai đoạn II dự án với việc tăng cường phủ sóng mạnh, ổn định, liên tục và chất lượng cao cho vùng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh và Kiên Giang, duyên hải miền Trung, đặc biệt vào các giờ ban đêm.

Nguồn: VOV

MỚI - NÓNG