Suối trường thọ

Suối trường thọ
TP - Dòng suối Nàng Nhị bắt nguồn từ chân núi Piơng hùng vĩ chảy qua địa phận xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An). Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa truyền thuyết và hiện tại về tính trường thọ của nó làm cho suối trở nên linh thiêng.
Suối trường thọ ảnh 1
Một góc bản Xốp Thặp, nơi dòng suối Nàng Nhị (Hữu Lập, Kỳ Sơn, Nghệ An) chảy qua Ảnh: Tiến Dũng

Tự bao đời nay bà con xã Hữu Lập đều lưu truyền về thiên diễm tình giữa  nàng Nhị và chàng Khăm Pon. Nàng Nhị là công chúa xinh đẹp của đất nước Triệu Voi. Nàng đem lòng yêu say đắm chàng chăn  ngựa. Vua cha phát hiện và cấm đoán. Muốn giết chàng trai, nhà vua gọi chàng đến ra điều kiện: “Ngươi hãy đi về vùng rừng núi Piơng, tìm viên ngọc cầu vồng trong mõm con hổ một chân về đây ta sẽ gả con gái cho”. 

Công chúa biết được ý đồ của vua cha nên trốn khỏi cung điện, vượt rừng tìm người yêu. Nàng đi cho  đến khi lạc vào một cánh rừng đầy mây trắng như trận đồ bát quái. Nàng đành phải trú ngụ trong một hang đá, sống bằng hoa quả và củ cây rừng. Với niềm tin mãnh liệt một ngày nào đó chàng trai sẽ tìm đến, nàng lấy dao khắc kí hiệu nhận ra nhau trên từng phiến đá, gốc cây.

Mỗi mùa hoa ban nàng lại ngồi nơi phiến đá khắc lên đó một bông hoa ban. Không ngờ, chàng trai cũng bị lạc trong cánh rừng này. Họ chỉ cách nhau một ngọn núi mà không hề hay biết. Khi chàng trai tìm đến được, chỉ thấy một người đàn bà tóc trắng gục chết bên phiến đá với 64 bông hoa ban được chạm khắc tỉ mỉ.

Chàng trai ngày ấy bây giờ là một ông lão tóc hạc da mồi, ôm lấy xác người yêu trĩu nặng bởi 64 mùa thương nhớ. Và rồi ông cũng trút hơi thở cuối cùng. Tình yêu của họ làm cho thần Núi phải bật khóc. Từ chân núi nứt ra một con mắt khổng lồ, nước từ đó ào ào tuôn thành suối.

Xác hai kẻ chung tình ngâm nước suối ba ngày ba đêm bỗng nhiên sống lại, trẻ đẹp như  thuở mười tám, đôi mươi. Họ nên vợ nên chồng bên dòng suối và sinh con đẻ cái... Tộc người Thái ở Kỳ Sơn bắt đầu từ đó. Dòng suối này được gọi là suối Nàng Nhị hay còn gọi là suối Dụ Kẻ (sống mãi).

Làng trường thọ

Suối trường thọ ảnh 2
Hai vợ chồng cụ Lương Khăm Phăn bản Xốp Thặp 112 tuổi

Xã Hữu Lập nằm cách thị trấn Mường Xén gần 15km đường chim bay về phía Bắc. Con đường heo hút mây trắng phủ đầy. Mái nhà sàn mốc thếch như những tổ chim treo lưng chừng núi và nằm rải rác.

Đến trụ sở UBND xã, nghe chúng tôi hỏi về suối trường thọ, anh Vi Thái Dương Chủ tịch xã cười: “Không biết răng mà họ đến thăm nhiều vậy, chứ chúng tôi cũng không rõ lắm. Chỉ biết có truyền thuyết đẹp về suối Nàng Nhị và xã này có nhiều người sống thọ trên 100 tuổi. Số người sống thọ chủ yếu nằm ở bản Na và bản Xốp Thặp dưới thung lũng, nơi suối Nàng Nhị chảy qua”.

Anh Vi Nam Phó Chủ tịch  xã dẫn chúng tôi đến bản Na. Vừa bước chân đến đầu bản đã nghe tiếng suối chảy thì thầm. Nơi đây bản làng quây quần hai bên dòng suối. Mái nhà sàn cổ kính lãng đãng mây vờn, không khí ấm hơn ở trung tâm xã, cây cối xanh tươi, đầy tiếng chim hót. Chúng tôi vào ngôi nhà sàn ở trung tâm bản, thấy nhiều người đang quây quần bên chóe rượu cần. Tiếng cười, tiếng hát rộn rã.

Một bà cụ bận trang phục Thái, làn da nhăn nheo chằng chịt như rễ cây si. Nhanh nhẹn, khỏe khoắn, bà vít cần rượu tu hết một sừng trâu. Anh Nam nói: “Cụ Lương Thị Biên, 110 tuổi rồi đó”. Chúng tôi đưa máy ảnh lên bấm. Cụ buông cần: “Thôi, chỉ một sừng thôi. Ta không uống nữa”.

Cụ Biên sinh được bảy con. Con gái đầu năm nay 93 tuổi, con út năm nay 76 tuổi. Anh Nam tếu táo: “Chồng cụ Biên “mất sớm”, chỉ hưởng dương 105 năm thôi”.

Chiêu hết một sừng trâu rượu cần, cụ Biên vẫn minh mẫn, móm mém: “Hôm nay làm vía cho con Tơm nên con cháu tập trung uống rượu”. Bà Lương Thị Tơm là con gái đầu của cụ Biên, lấy chồng ở Tương Dương lâu ngày về thăm mẹ nên làm vía ăn mừng. 110 tuổi nhưng cụ Biên thỉnh thoảng nhớ khung cửi vẫn dệt được thổ cẩm, mắt vẫn nối chỉ tinh tường, tiếng thoi đưa  vẫn đều đặn.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa truyền thuyết và thực tế làm cho suối Nàng Nhị trở nên nổi tiếng. Nhiều người trong và ngoài huyện tìm về đây tắm, lấy nước suối đem về uống với mong muốn được khỏi bệnh và trường thọ. Lúc chúng tôi đến tiết trời lạnh mà vẫn có khoảng trên chục người đang tắm. Họ còn đựng nước trong chai, trong can để đưa về.

Chúng tôi khảo sát hơn 20km bờ suối từ thượng nguồn cho đến hết địa phận xã Hữu Lập thấy hai bên bờ hoa ban đỏ rực rỡ tỏa bóng xuống dòng suối trong vắt nom thấy rõ từng hòn cuội nhỏ.

Hỏi một du khách tên là Lê Hải Châu đến từ thành phố Vinh - anh cười: “Nghe được truyền thuyết và hiện tại nhiều người sống trường thọ như vậy,  tắm xong, tôi thấy cũng sảng khoái hơn”.

Già Lương Bảo Thăn 99 tuổi nói: “Suối cho ta nước uống như mẹ cha ta, dân bản ta từ xưa đến nay đều lớn lên từ con suối này nên thờ cả thần Núi và thần Suối. Còn uống và tắm nước suối sẽ được trường thọ- đó chỉ là tin đồn”.

Lại chuyện bí quyết

Anh Lương Bảo Nho, cán bộ bản Xốp Thặp nói vui: “Cụ bây giờ còn thích mần nữa không?” Cụ cười: “Có chớ! Nhiều lần đòi nhưng bà không cho!”.

Còn cụ Lương Thị Biên ở bản Na nói: “Ta lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, suốt ngày trên nương trên rẫy nên ta nỏ biết chi mô mà hỏi. Có lẽ ta leo núi từ khi nhỏ đến giờ nên da thịt, xương hóc như cây lim, cây táu không bị mối mọt, không bệnh tật mà thôi”.

Chúng tôi hỏi cụ Lương Khăm Phăn 112 tuổi về bí quyết  dụ thầu- dụ kẻ (tiếng Thái nghĩa là sống lâu, sống mãi), nhấp chén rượu, cụ khà khà: “Ta nỏ biết! Ta chỉ sống thật cái bụng, như cây rừng, không để con ma giận, con ma ác lọt vô cái bụng. Sống để í noọng (yêu em). Phà gọi về mấy lần nhưng ta bảo khoan đã, để ta sống tiếp mươi mùa mận nữa xem sự đổi thay của bản làng”.

Theo các con trai của cụ Phăn, 112 tuổi rồi nhưng chưa một lần vợ chồng cụ nặng lời với nhau, kể cả những lúc cuộc sống bi đát nhất. Cụ còn có tài nói trạng để gây cười, khắp bản làng ai cũng thích. Vợ chồng cụ là người siêng năng cần cù làm việc luôn tay, hết làm nương, làm rẫy đến hái măng đào củ, săn bắt và đánh cá...

Mới chỉ bảy năm trở lại đây sức khỏe giảm nên cụ Phăn không còn đi lại như trước. Trước đó, cụ còn vô rừng gùi củi về cho cụ bà đun nấu. Riêng ăn uống, bây giờ cuộc sống khấm khá hơn,  bữa ăn luôn có thịt cá. Nhưng cụ vẫn thích ăn uống thanh đạm như xưa, ăn  nhiều rau rừng và cá suối. Món khoái khẩu nhất của vợ chồng cụ là món tóc đá (rêu đá) hấp với trứng gà. Đêm vợ chồng cụ vẫn ôm nhau ngủ tình cảm lắm!

Chúng tôi gặp nhiều cụ ở hai bản này đều thấy một điểm chung. Họ sống rất hòa thuận, con cháu đều hiếu thảo và thương yêu cha mẹ. Họ lấy công việc làm đầu, ăn uống thanh đạm. Rau rừng và rượu là món không thể thiếu được trong các bữa ăn nhưng rượu họ chỉ uống 1 – 2 chén mà thôi.

Điều quan trọng nữa là quan hệ bản làng ở đây thật tuyệt vời. Mỗi khi nhà nào có công việc vui, buồn cả bản đều đến chia sẻ. Nhà cửa từ bao đời nay không bao giờ khóa, không bị mất trộm.

Bản Na và bản Xốp Thặp nằm dưới thung lũng bao bọc bởi những dãy núi cao hùng vĩ quanh năm mây trắng, bảng lảng như xứ tiên bồng, khí hậu ổn định hơn những bản làng khác trên địa bàn Kỳ Sơn. Vùng này rất nhiều thảo dược, bà con thường hái về bán, làm món ăn, thuốc chữa bệnh và ngâm rượu.

Chúng tôi chia tay miền biên viễn trong nắng xuân mơ vàng, mây trắng bảng lảng vờn bay.

Chúng tôi tiếp tục đến nhà cụ Lương Khăm Noi 101 tuổi, Vi Văn Chà 103 tuổi… nhưng các cụ vẫn ngồi tiếp chuyện minh mẫn và đi lại được. Có lẽ song tuyền nhất là vợ chồng ông Lương Khăm Phăn và bà Lương Thị Thắm ở bản Xốp Thặp. Ông năm nay 112 tuổi còn bà 104 tuổi. Ông bà vẫn ra suối lấy nước, tự nấu cơm ăn. Khi chúng tôi chúc thọ, cụ Phăn hóm hỉnh: “Nói với diêm vương khoan đợi đã; Nhắn với Phà hãy còn lâu”…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.