Tận cùng nỗi đau

Tận cùng nỗi đau
TP - Chiến đấu khắp các chiến trường, trải qua trăm trận đánh không làm ý chí người chiến sĩ đó lung lay. Thế nhưng, sau ngày đất nước hòa bình, ông lập gia đình rồi sinh ra những đứa con, những tưởng hạnh phúc sẽ tràn đầy. Nhưng không ngờ đó là lúc cuộc đời ông đau khổ và tuyệt vọng nhất.
Tận cùng nỗi đau ảnh 1
Ông Xuân đang cố mặc lại quần áo cho từng người con

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Thanh Xuân, 64 tuổi, thôn 9, xã Động Quan (Lục Yên, Yên Bái) khi trời đã quá trưa. Mới bước chân tới sàn nhà, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Khách vào nhà từ lúc nào mà ông Xuân vẫn không hay.

Nhìn ba con người tội nghiệp nằm trên sàn như những quả bí ngô héo úa, không một tấm vải che thân, chốc chốc lại cố rướn tấm thân oặt ẹo bò về phía ánh sáng, lòng chúng tôi nghẹn đắng.

Ông Xuân vội vã tìm quần áo mặc cho ba con người, miệng lẩm bẩm: “Các con ơi, có khách, mau nằm im để bố mặc quần áo lại cho”. Nhưng đáp lại những lời vỗ về ấy là những ánh nhìn ngờ nghệch và những tiếng gào kêu thảm thiết.

Cố sức mình để mặc lại quần áo cho cả ba người con, ông Xuân trầm giọng: “Khổ lắm các chú à, suốt ngày chúng nó kêu la, xé rách rồi tự lột hết quần áo”.

Tận cùng nỗi đau ảnh 2
Ông Xuân bất lực trước những đứa con điên dại

Cố gắng thu dọn lấy một khoảng nhỏ mời khách ngồi, những ký ức buồn vui trong ông cứ thế ùa về.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, ông nhập ngũ đi vào chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 1975, được về nghỉ phép rồi kết duyên với một cô gái làng bên cùng tuổi. Năm 1984, ông được nghỉ mất sức.

Hạnh phúc tưởng chừng như đã mỉm cười khi 5 người con khỏe mạnh lần lượt ra đời Lương Văn Tới (1978), Lương Văn Đích (1980), Lương Thị Tuyết (1982), Lương Văn Tuyến (1984), Lương Văn Dưỡng (1986). Nhưng đời thật  nghiệt ngã. Trong năm người con thì ba người chỉ biết ăn mà không hề khôn lớn.

Biết con mắc bệnh nên vợ chồng ông đã cố gắng hết sức, có thứ gì bán thứ đó hay ai thuê gì làm nấy, mong sao có tiền đưa con đi chữa chạy. Hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, sức lực, tiền của đã cạn, nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ các bác sĩ.

Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông chỉ còn biết ôm con mà khóc mỗi khi chúng lên cơn kêu gào, đập phá: “Ở chiến trường cứ khấp khởi mong ngóng ngày về được nuôi dưỡng, nhìn thấy các con khôn lớn.

Ngờ đâu, năm tháng thì cứ trôi, còn chúng nó thì ngày càng nhỏ lại. Làm cha làm mẹ nhưng vợ chồng ông đã bao giờ được nghe con gọi, dù chỉ lấy một lần. Mắt ông Xuân hoe đỏ. Ông quay mặt đi không muốn khách thấy mình đang khóc.

Khi chúng tôi hỏi ông Xuân, vợ ông đang ở đâu, ông cho hay: Cả gia đình ông giờ trông cả vào ba sào ruộng, vụ được vụ không. Hai vợ chồng ông phải thường xuyên thay phiên nhau, người đi ra đồng, người ở nhà trông con.

“Bé đã phải bồng phải bế, giờ có đứa đã gần 30 tuổi rồi mà vẫn thế”. Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng la hét. Những đứa con ông bò, dính bết vào nhau. Ông Xuân buồn bã: “Bây giờ còn khỏe còn có thể lo được, không biết sau này già rồi chết đi ai sẽ lo cho chúng nó” - Giọng ông tuyệt vọng.

Hai vợ chồng ông năm nay đều đã ngoài 60. Chiến tranh đã vắt kiệt sức, nay lại phải trĩu trên vai gánh nặng ba đứa con tội nghiệp. Tuổi già càng thể hiện rõ hơn qua những cơn đau lưng cùng những trận ốm liên miên. Vợ chồng ông không được gục ngã lúc này, bởi còn đó những đứa con tội nghiệp, nạn nhân da cam thời hậu chiến.

MỚI - NÓNG