Tây Nguyên, những ngày lịch sử 30 năm trước

Tây Nguyên, những ngày lịch sử 30 năm trước
Ngày 18/12/1974, Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng. Tin chiến thắng Phước Long đến. Ngày 6/1/1975, toàn bộ thị xã Phước Long được giải phóng. Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị khẳng định thêm quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.

Ngày 8/1/1975 Bộ Chính trị ra Nghị quyết lịch sử. “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Ngay hôm sau, ngày 9/1/1975, Thường trực Quân uỷ Trung ương họp để quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tôi được tham dự cuộc họp này. Vấn đề trọng tâm là bàn về chiến dịch Tây Nguyên.

Ở Hà Nội, khi tôi còn đang hiệu chỉnh lại các tài liệu để chuẩn bị báo cáo thì nhận được lời mời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gia đình dự bữa cơm thân mật. Những dịp như vậy, chúng tôi vẫn quan niệm như một lần làm việc sơ bộ.

Quả nhiên sau bữa cơm, khi còn có hai chúng tôi, Đại tướng đã cho biết ý định của Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu mở một chiến dịch lớn ở nam Tây Nguyên vào mùa xuân 1975. Rồi hỏi tôi:

- Ý kiến của các anh?

Ý kiến của chúng tôi? – Vâng. Một chiến dịch cho nam Tây Nguyên.

Cũng như những lần trước  được gặp anh tôi còn nhớ, năm 1973 trong một buổi làm việc, tôi đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất và có khả năng phát triển xuống đồng bằng dễ hơn Kon Tum. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Anh rất đồng tình.

Đúng như mong muốn, sau các cuộc họp khẩn trương tại Hà Nội, tôi nhận được quyết định trở lại Tây Nguyên với cương vị Tư lệnh Chiến dịch, một chiến dịch mở đầu cho chiến cuộc mùa Xuân năm 1975.

Rời Hà Nội, chúng tôi cố gắng vào chiến trường thật sớm. Chẳng may chiếc xe quá cũ phải nằm lại ngang quân khu IV, và chúng tôi lập tức nhận được sự giúp đỡ đầu tiên. Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu Đàm Quang Trung ưu tiên đổi cho chúng tôi một chiếc xe mới.

Vào đến Hiền Lương, chúng tôi tìm đến sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn. Trung tướng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thông báo cho tôi biết tình hình hành quân nhập tuyến của các lực lượng tăng cường cho Tây Nguyên. Rồi cười:

- Còn gạo, đạn, xăng dầu, anh yên trí, không phải kêu đâu, chúng tôi đã lót sẵn và đang tiếp tục chuyển nữa, đủ để làm lại “cả năm 1972”.

Chúng tôi đã quá hiểu nhau. Cái năm 1972 ấy, chiến dịch nổ ra ở bắc Tây Nguyên. Hồi đó, tôi không hiểu đồng chí “Tư lệnh Đường dây”(1) đã phải vò đầu bứt tai như thế nào khi luôn luôn thấy xuất hiện trước mắt mình các bức điện thượng khẩn của Bộ tư lệnh Tây Nguyên với những câu ngắn gọn, mạch lạc đến chát chúa: “Rất thiếu xăng”, “Cần cấp gạo và xăng”, “Gạo vào quá nhỏ giọt”, “Không đủ đến ngày N” và lại còn thế này nữa: “Bắt đầu mưa xuống rồi!”.

- Cám ơn. Chúng tôi có thể “vào” đêm nay được không anh?

- Ngay bây giờ cũng được, đường tốt, không có máy bay địch từ Trị Thiên trở ra. A, chúng tôi đã thông xong con đường phía đông rồi đấy. Mời anh hành quân trên tuyến đường mới này.

Còn gì bằng nữa, chúng tôi đang muốn rút ngắn khoảng cách về thời gian với chiến trường. Đây là con đường thẳng, còn con đường quen thuộc phía tây lại phải đi một vòng cung.

Ngày vào đầu tiên thuận lợi. Các nam nữ chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong nhộn nhịp trên mặt đường từ sáng đến tối. Đường còn đang mở tiếp, còn đang nắn lại, đoạn nào xong thì tiếp tục củng cố.

Chạy cùng với ô tô là đường ống dẫn dầu, một kỳ công nữa của ngành hậu cần trên dải Trường Sơn. Chúng tôi say mê ngắm từng đoạn đường ống ló ra khỏi rừng cây và cảm động nhìn những chiến sĩ trẻ măng thao tác nhanh nhẹn tại một trạm bơm mà chúng tôi dừng lại lấy xăng.

Chúng tôi đến sở chỉ huy Tây Nguyên nằm bên dòng suối Đăk Đam đêm 29 tháng 1, chỉ hơn 1 tuần sau khi xuất phát. Thật là một thời gian kỷ lục vào thời kỳ ấy! Nhưng sở chỉ huy chiến dịch đã chuyển mãi vào phía nam, chúng tôi chỉ còn gặp ở đây Đại tá Phó chính ủy Phí Triệu Hàm, Thượng tá Phó tham mưu trưởng Hồng Sơn và một số đồng chí khác.

Tôi nắm qua tình hình địch rồi đi ra phía trước. Mùa này Tây Nguyên đầy hoa phong lan. Có nhiều chỗ, phong lan xòe ra như cánh tay tiên mời chào. Một chuyện nho nhỏ là vào dịp này, tôi nhận được một giò lan tai trâu tuyệt đẹp. Và giò lan ấy như một tín hiệu chiến thắng đã đi cùng tôi suốt chiến dịch, suốt chiến cuộc 1975, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Trung Bộ, vào thành phố Sài Gòn giải phóng rồi ra Hà Nội mới chịu từ biệt vị trí sau xe để đến ở nhà bác sĩ GS Nguyễn Văn Phan (Viện Quân y 108), một người bạn cũ rất thích phong lan.

Khi tôi đến nơi, không khí nhộn nhịp như ngày tết ở sở chỉ huy đã gây ấn tượng rất mạnh. Chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến Tết Nguyên đán Ất Mão. Tôi tranh thủ nắm ngay tình hình mọi mặt qua Thiếu tướng Vũ Lăng và Đại tá Đặng Vũ Hiệp.

Phải thừa nhận là các đồng chí trong Bộ tư lệnh Mặt trận (mà bây giờ trở thành Bộ Tư lệnh Chiến dịch) đã hoàn tất quá nửa công tác chuẩn bị chiến dịch từ việc xây dựng kho tàng, đường sá, vận chuyển, thiết lập mạng thông tin, mạng quân y, chở gạo, đạn đi các hướng đến các chi tiết của việc tiến hành nghi binh lừa địch, trinh sát thực địa và đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật.

Chiều ngày 8 tháng 2, tại Bộ Tư lệnh mặt trận, đã có cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và các đồng chí bên Dân, Đảng. Đồng chí Bùi San (Chín Liêm), Thường vụ Khu ủy V, người đã cùng chúng tôi làm việc trong một bộ chỉ huy chung năm Mậu Thân lại một lần nữa được Khu uỷ cử lên phối hợp các hoạt động nổi dậy của nhân dân và giúp đỡ Bộ Tư lệnh chiến dịch trong công tác dân vận.

Phía Đắc Lắc có các đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (Năm Cần), YBlok, Nguyễn Xuân Nguyên (Mười Nguyên) và nhiều đồng chí khác. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh), cũng lặn lội từ bắc Tây Nguyên vào để nhận kế hoạch hiệp đồng.

Riêng các đồng chí Kon Tum vì ở quá xa nên không trực tiếp đến được, đã hứa với Khu uỷ sẽ phối hợp các hoạt động chiến trường ở mức cao nhất.

Trong mấy ngày Tết, tôi và anh Vũ Lăng tập trung chuẩn bị kế hoạch tìm cách đánh phù hợp để thực hiện quyết tâm giành thắng lợi cao nhất cho thắng lợi. Sau đó có lúc tôi tranh thủ xuống kiểm tra một số đơn vị và chúc Tết anh em. Tất cả đều phấn khởi, tất cả đều háo hức một không khí vào trận mùa Xuân.

- “Nghỉ” mấy mùa đánh lớn buồn lắm. Phen này chúng tôi phải trả bữa, xin thủ trưởng cho đủ đạn nhé!

Và tất cả đều khỏe mạnh. Quân y vừa cho biết, tỷ lệ quân số khỏe  tháng 1 của toàn chiến trường là 96,2% cao nhất từ trước tới nay! Ai ở Tây Nguyên lâu mà không nhớ những năm khó khăn, được tỷ lệ 80% đã thật là lý tưởng.

Ngày sau, Đại tướng Văn Tiến Dũng – Tổng tham mưu trưởng, đại diện Bộ Tổng tư lệnh vào chính thức công bố thành phần Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: Tôi làm tư lệnh; Đại tá Đặng Vũ Hiệp – chính ủy; Thiếu tướng Vũ Lăng, Đại tá Nguyễn Năng, Đại tá Phan Hàm, Đại tá Nguyễn Lang, Phó tư lệnh; Đại tá Phí Triệu Hàm – Phó chính ủy.

Khu ủy Liên khu 5 cử đồng chí Bùi San, Phó bí thư khu ủy; đồng chí Huỳnh Văn Cần, Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk và một số cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo phong trào nổi dậy của quần chúng.

Một cái tết cuối cùng trên chiến trường mà suốt đời tôi không sao quên được.

MỚI - NÓNG