Tây Tạng huyền bí

Tây Tạng huyền bí
TPCN - Tây Tạng là vùng đất có cao độ trung bình trên 4.000 mét. ở độ cao này, tỷ lệ oxy trong không khí giảm tới gần 40% so với bình thường. Nếu không quen, cơ thể không được cung cấp đủ oxy sẽ gặp nguy hiểm.
Tây Tạng huyền bí ảnh 1
Một buổi hành lễ của các tu sĩ Tây Tạng

Du khách từ đồng bằng phải từ từ lên cao. Nếu đột ngột lên thị xã Lasa, ở độ cao trên 3.800 mét, cần phải nghỉ ngơi chừng nửa ngày để hệ hô hấp thích ứng dần dần.

Trung bình, trên mười người có một người không thích ứng kịp, bị phù phổi, ứ nước, hay phù não có thể dẫn tới tử vong nếu không được hỗ trợ kịp thời bằng cách cho thở oxy.

Đô thị Lasa trước đây là thủ đô của chính quyền hành chính và tôn giáo. Đạo Phật xuất hiện ở Tây Tạng mười ba thế kỷ sau khi Thích ca Mâu ni dạy lần đầu tiên ở vườn nai Sarnath, Đông – Bắc ấn Độ gần biên giới Nepal hiện nay. Lasa tượng trưng đậm đà cho tín ngưỡng của người Tây Tạng một nửa là Phật giáo, một nửa là đạo Bôn xưa và tín ngưỡng dân dã địa phương…

Người Tây Tạng có tín ngưỡng rất sâu đậm. Người mộ-đạo hay hành hương từ những làng mạc và thành phố xa xôi đến các chùa, nhất là điện Potala ở Lasa.

Họ di chuyển bằng nhiều cách, có người sụp lạy trườn mình tiệm tiến, như muốn đo bằng thân mình chiều dài con đường hành hương có khi trên vài trăm kilômét.

ở đô thị Lasa, hằng ngày từ sáng sớm, người hành hương nối tiếp nhau dài hàng kilômét, tay xoay lồng kinh nhỏ, trong đó có để lời Phật dạy. Đối với họ, sự xoay liên tục làm sống động những lời kinh Phật.

Có khi đồng thời họ tụng “Om, mani padmeom”! Có khi họ Nghé những nơi có lồng kinh lớn, đó là khối hình trụ có lồng cao hơn khổ người, chứa vô số kinh sách Phật, và xoay không ngừng, với ý nghĩa mong lời kinh sống mãi.

Ý nghĩa  này có ngụ trong sự treo những dây mang đầy cờ kinh nhỏ ở những nơi có nhiều gió để kinh in trên cờ được phất mạnh, gây linh động lời Phật dạy có khi những lồng trụ kinh được xoay bằng dòng nước trên các suối, lạch, sông ngòi.

Trên núi tuyết, có khi treo cờ kinh để đánh dấu đường hành hương hay các nơi điểu - táng. Theo phong tục Tây Tạng, sở dĩ phơi xác người chết cho chim diều hâu ăn có gốc tích từ việc không chôn vì thiếu đất, đất quá cứng hay thường phủ tuyết. Họ cũng không thiêu vì thiếu gỗ.

Rất nhiều chùa, điện ở Tây Tạng có lễ cúng hàng ngày. Có chùa mỗi buổi sáng có đến trên nghìn tu sĩ đến tụng kinh và nhận tiền. Một phần phụ cấp từ Nhà nước, phần lớn do tín đồ dâng cúng.

Những phiên lễ thường có cầu siêu cho người quá cố và cầu an cho người sống hay người đang còn trên đường hành hương. Không nhiều thì ít thường tín đồ nào cũng giao một số tiền cho hai vị sư phụ trách, để họ phân phát cho những vị sư đang tụng kinh diễu lễ.

Gặp những kỳ lễ Phật lớn, như lễ Phật đản, có nhiều tu sĩ đồng thời cũng là những nghệ sỹ tài ba, đã dùng những hạt cát nhuộm màu để vẽ trên vòng tròn lớn chừng 3 mét, rất tỉ mỉ công phu và đẹp. Trong ngày lễ lớn, những hình mandala này được trình bày, rồi long trọng quét bỏ thành những đống cát vô hình, để thể hiện điều vô thường theo lời Phật dạy.

Có nhiều chùa, trong những dịp lễ này, cử nhiều tu sĩ mang mặt nạ rực rỡ và mặc áo quần nhiều màu sắc uy nghi biểu diễn lắm điệu múa tượng trưng và huyền bí. Tuy lễ Phật, nhưng các màn biểu diễn này có thấm nhuần nhiều màu sắc tín ngưỡng dân dã.

Hình thức tín ngưỡng địa phương còn thể hiện đậm đà trong những  dịp hành hương quanh các núi cao đượm phong cách linh thiêng như đỉnh Kailas, không xa Lasa lắm, mặc dầu trên những đường mòn nhiều đoạn đang đầy tuyết phủ.

Tây Tạng huyền bí ảnh 2
Tác giả ở Tây Tạng

Người Tây Tạng hay hành hương tới đô thị Lasa, quanh điệu Potala, tuy nơi này đã trở thành một viện bảo tàng.

Trước mặt Potala, các nhà nhỏ cũ đã được thay thế bằng một sân to và nhiều nhà cao tầng. Có nhà lầu ầm ĩ suốt ngày nhạc disco…

Mặc dầu ở độ cao của miền thượng nguyên, thiếu oxy trong không khí, người Tây Tạng vẫn sống gần như bình thường, họ có trường học, nghề tiểu thủ công, hàng buôn bán nhỏ và nông nghiệp v.v…

Cuối đông, khi tuyết gần tan, nhiều đoàn người rời các đô thị, để xuyên rừng bằng mọi cách, đi tìm rễ thuốc hay cây lá thuốc. Họ không quên dừng lại trên đường, ghé qua những chùa nhỏ để cúng cầu, nhờ phù hộ không tai nạn và tìm được nhiều rễ thuốc mong muốn.

Người ở đây thường có ruộng khô, phải cày bằng loài bò Yack lông dài để trồng lúa đại mạch. Họ ít trồng rau cỏ vì nhiệt độ lạnh quá.

Những con bò Yack hiền lành và đảm đang chịu sống được cao độ trên 4.000 mét vừa kéo cày và kéo xe chuyển tải hàng hóa ra những vùng tuyết lạnh lại cung cấp hàng ngàn lít sữa quý đem lại món ăn cơ bản sữa trộn bột lúa mạch.

Bò Yack còn là nguồn cung cấp thịt cho mọi người. Kể cả cho các tu sĩ Lama. Tuy món ăn có khi dồi dào, có khi thanh đạm nhưng không hiếm khi họ mời chia sẻ bữa ăn cùng những du khách.

Thế nhưng đến đất này du khách khó quên được nụ cười ân cần niềm nở của những tộc người Tây Tạng, gặp gỡ trên đường viếng thăm, từ đô thị đến thôn quê. Cũng khó quên được không khí thiếu oxy nhưng thấm nhuần huyền bí đạo đức khi bước vào các điện chùa huy hoàng tráng lệ.

MỚI - NÓNG