Tây Trường Sơn, nơi cơn lũ đi qua

Tây Trường Sơn, nơi cơn lũ đi qua
TP - Trận lũ lịch sử tuy không thể làm người bà con dân tộc Cơ tu ở vùng biên ải đói kiệt, nhưng việc mất trắng mùa lúa cuối năm khiến 4 xã khu 7 Tây Giang báo hiệu nơi đây sẽ đón một mùa xuân buồn.
Tây Trường Sơn, nơi cơn lũ đi qua ảnh 1
Những bản làng nằm chênh vênh giữa miền biên ải 

Chúng tôi là một trong số ít những người đầu tiên đặt chân lên vùng Tây Giang (Tây Trường Sơn) sau những ngày bị chia cắt vì trận lũ lịch sử tháng 11 vừa rồi. 10 ngày ăn cơm “ba trăng”, uống nước thượng nguồn, đi bộ và sống với bà con đồng bào dân tộc Cơ tu và những cán bộ đang làm việc tại đây khi mùa xuân đang sắp về.

Tây Giang sẽ đón mùa xuân buồn

Trận lũ lịch sử tuy không thể làm người bà con dân tộc Cơ tu ở vùng biên ải đói kiệt, nhưng việc mất trắng mùa lúa cuối năm khiến 4 xã khu 7 Tây Giang báo hiệu nơi đây sẽ đón một mùa xuân buồn. Xuân đã đến rất gần, nhưng những thôn bản, xóm làng, nơi chúng tôi đi qua, dường như xuân vẫn còn xa lắm.

Sáng tinh sương, thôn A banh (xã Tr’Hy) lạnh như cắt, mây mù trắng xóa giăng giăng tứ bề, nhìn ngang nhìn dọc thấy một bầu trời mây. Đây là ngày thứ 3 của cuộc hành trình.

10 giờ sáng, dù sương mù vẫn chưa rõ mặt người, nhưng chúng tôi vẫn quyết định lên đường. Bỏ qua những con đường gập ghềnh, lướt qua A xan, nơi được mệnh danh là “trung tâm thương mại” khu 7, chúng tôi tiếp tục những chặng đường gian khổ. Điểm đến là Ch’ơm, xã biên giới nằm chênh vênh giữa biên giới Việt – Lào...

Anh Hồ Mã Nhi – Phó phòng dân tộc huyện, nói: “Bà con vẫn lên xuống con dốc này băng băng, trên lưng họ còn gùi mấy chục kg hàng”. 10giờ tối, bếp lửa bập bùng trong nhà Gươl ở thôn A choong không ngăn nổi cái lạnh như cắt da cắt thịt trên độ cao ngàn mét.

Bh’riu Máu - cậu bé có cái tên ngồ ngộ cùng mẹ cậu, Alăng thị Doan mang chăn mền đến cho chúng tôi. Đêm khuya, cả thôn A choong cùng tập trung đến nhà Gươl để nghe Phó Chủ tịch huyện Bling Mia phổ biến kế hoạch gieo trồng mùa vụ sắp tới.

Dù mừng vui vì có cán bộ dưới xuôi lên thăm, nhưng khi hỏi về tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra, dân làng A choong ai nấy buồn thiu.

Già làng A lăng Lăng, nói nhỏ: “Cả A choong có 26 hộ đều mất trắng lúa nước, hoa màu. Heo gà cũng trôi hết rồi, tết này thế là mất vui”. Cả đêm chập chờn trên nhà Gươl, vì lạnh một phần, và cũng khó ngủ trước những ánh mắt buồn thiu, của Bh’riu Máu, của A lăng thị Doan, của già làng A lăng Lăng.

Chủ tịch xã Ch’ơm – Pơloong Năng, buồn rầu: “Chưa năm nào Ch’ơm đói ăn như năm nay, toàn xã có 286 hộ thì có đến 200 hộ đói, 86 hộ nghèo. Sau trận lũ này, số còn lại cũng gia nhập hộ đói. Căng nhất là tình hình tái sản xuất của bà con rất khó khăn. Lúa giống bà con đem ra ăn hết rồi”.

Rời Ch’ơm, bước chân qua những thôn bản của Gary, rồi Axan, thấy tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Phó Chủ tịch huyện Bling Mia mách nước: “Ta đến Agríh thử xem. Thôn này trù phú nhất vùng biên ải Tây Giang đấy, mỗi năm Agríh bán cho đồn biên phòng mấy trăm ang gạo đấy”.

Tuy thuộc xã Axan, nhưng Agríh lại nằm “mấp mé” Gary, và chỉ vài bước chân thì lạc sang xã Lahê của huyện Nam Giang. Nằm “mấp mé” Gary thực ra chỉ tính trên đường chim bay, nhưng để đến được Agríh, chúng tôi lại phải đi bộ non một ngày đường dưới trời mưa tầm tã.

Quả thật, trên đồi cao nhìn xuống, thung lũng Agríh vàng ươm. Cán bộ huyện Tây Giang cùng anh em chiến sĩ biên phòng đồn Gary thường gọi đùa Agríh là “quận 1 của khu 7” bởi sự trù phú và sầm uất.

“Quận 1” có 15 nóc nhà sàn, chúng tôi thoải mái tuỳ thích chọn chỗ qua đêm vì nhà nào cũng sạch sẽ tinh tươm, khác hẳn với tình cảnh lầy lội, nhếch nhác của hàng chục thôn bản khác ở Ch’ơm hay Gary. Tôi tách đoàn, ghé vào nhà ông Alăng Đươi ngủ tạm.

Alăng Đươi giục con gái Alăng Hương làm cơm, giết gà đãi khách. Gà luộc thơm lừng, bát cơm ở nhà bố con A lăng Đươi trắng phau, khác hẳn với gạo “ba trăng” trên thôn bản các xã Ch’ơm hay Gary.

Ngày thứ 2 ở Agríh trời bỗng hửng nắng, bà con ùa ra nhà Gươl, cười đùa vui vẻ. Hỏi ra mới biết, thôn Agríh không đi ruộng nữa, bởi lúa giống cũng đem ra ăn gần hết rồi.

A lăng Đươi nói: “Chưa có lúa giống, bà con không gieo trồng được, mà đốt rừng làm rẫy lại trái với đường lối của Nhà nước”. Lời của A lăng Đươi như quất vào mặt tôi. Thì ra, nồi cơm bốc khói tối qua tôi ăn ngon lành là lúa giống...

Chủ tịch xã Axan Pơloong Đinh bộc bạch: “Năm nào Agríh cũng dư dả cái ăn, chỉ riêng mùa này là đói thôi. Năm ngoái, thôn bán cho đồn biên phòng 549 hơn 600 ang gạo đấy. Lúc nào lên khu 7 công tác, mấy anh cán bộ huyện chọn Agríh là mô hình cần nhân rộng”.

Trọn buổi chiều thơ thẩn ngoài khe suối, tâm trí tôi vẫn không thể nào dứt ra được bữa cơm và những lời tâm tình của A lăng Đươi ban sáng.

Những người trẻ chốn biên thùy

Tây Trường Sơn, nơi cơn lũ đi qua ảnh 2
Bh’lang Blơi giã ngô nấu ăn qua ngày

Câu chuyện rỉ rả của chúng tôi với 2 thầy giáo Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Hữu Mỹ (trường tiểu học Ch’ơm) chập chờn bên bếp lửa nhà Gươl giữa đêm A choong lạnh buốt.

Trường tiểu học Ch’ơm đặt ở thôn Achoong, dù trụ sở UBND xã lại đặt ở thôn Z’rượt. Thật ra, với những con đường cheo leo khủng khiếp như vùng cao biên ải này, chẳng ở đâu là trung tâm.

Thầy Nguyễn Minh Châu giải thích: “Trẻ em Cơ tu ở đây hiếu học kỳ lạ. Các anh đi mấy ngày như thế đã rã rời chân tay, nhưng những em học cấp một, cứ sáng đi tối về mấy chục cây số, mưa nắng gì cũng đến lớp đều đặn”.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Mỹ buồn buồn: “Lâu lắm rồi em không về nhà, cũng nhớ lắm, nhưng đành ở lại vì các mấy đứa trẻ tội lắm. Chúng đi bộ cả mấy chục km, vượt đèo lội thác đến lớp, không lẽ mình lại bỏ?”.

Thầy giáo Nguyễn Minh Châu đã ngoài 30 tuổi, quê Tiên Phước (Quảng Nam) tình nguyện lên dạy ở vùng biên giới hơn 9 năm nay. May mắn cho thầy giáo Châu là vợ cũng dạy ở xã Lăng nên thỉnh thoảng vượt dốc lội bộ về thăm.

“Vợ em mới sinh đứa thứ 2, con trai anh ạ. Đáng lẽ những đêm lạnh thế này phải có em ở nhà chăm sóc mẹ con cô ấy”. Dẫu sao thì thầy Châu vẫn còn may mắn hơn thầy Mỹ rất nhiều. Cùng tuổi, cùng tình nguyện lên vùng cao dạy học, nhưng khi bạn bè lần lượt có gia đình, thầy Mỹ vẫn chưa có một mối tình.

“Năm 21 tuổi, em có người yêu ở cùng xã Quế Trung (Quế Sơn), khi biết em tình nguyện lên đây dạy học, cô ấy khóc lóc, riết rồi cũng chia tay. Nghe nói giờ đây đã lấy chồng” – thầy Mỹ kể. Gần 9 năm gắn bó với vùng biên, vẫn chịu cảnh phòng không.   

Buổi sáng thứ 7 ở Z’rượt, tôi gặp lại 2 thầy Châu và Mỹ. Thì ra, cứ dịp cuối tuần, cả 2 cùng sang trụ sở xã Ch’ơm để điện thoại. Con đường từ A choong đến Ch’ơm phải mất 3 tiếng đồng hồ đi bộ.

Chiếc điện thoại VSAT (một loại điện thoại vệ tinh) là phương tiện duy nhất để người ở vùng biên liên lạc về xuôi. Nét mặt hớn hở vì mới được nói chuyện thỏa thích với người yêu, thầy Mỹ hơn hở: “Một năm gặp nhau có 2 lần, tụi em cũng buồn lắm, nhưng vì nhiệm vụ, đành cố gắng thôi”.

Từ thôn Z’rượt đi bộ non tiếng đồng hồ, đứng trên một quả đồi nhìn sang, thấy đồn Biên phòng Gary (hay còn gọi là đồn 615) lồng lộng giữa trời xanh. Tiếng là nhìn thấy, nhưng để qua được con dốc, trèo lên cổng đồn, chúng tôi cũng phải mất cả buổi trưa.

Trung tá Vương Đăng Vinh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gary giải thích cho sự vắng vẻ: “Anh em đi tuần biên giới cả rồi, có mấy cậu chắc gần tối mới về”. Trung tá Vinh người thấp đậm, vẫn nguyên chất hóm hỉnh Thanh Hóa. Đồn Biên phòng Gary sạch sẽ ngăn nắp.

Sáng sớm, cơn mưa quái ác khiến cuộc đi bộ lên cột mốc T8 của chúng tôi chỉ tiến hành được chưa đầy 1 tiếng. Thiếu uý Nguyễn Văn Ý buộc phải để chúng tôi quay về vì không thể vượt qua con dốc quá hiểm trở, trơn tuột. Thiếu uý Ý năm nay đã ngoài 30 tuổi, là “hội trưởng hội độc thân” trên dưới 20 người ở đồn Gary.

Từng đóng quân ở rất nhiều miệt rừng núi như Lạng Sơn, Tây Nguyên trước khi được điều động về Đồn Gary cách đây 4 năm, thiếu uý Ý bây giờ đã gắn bó một phần máu thịt với đất rừng vùng biên ải.

Chất giọng xứ Nghệ nặng sền sệt, anh tâm sự: “Chưa có mảnh đất nào mình thấy gắn bó như thế này”. Đằng đẵng xa nhà mười mấy năm trời, hành trang tình yêu của chàng trai này dường như vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

Mình rất khổ tâm vì một người con gái ở quê, quen nhau cũng trên 2 năm rồi, mình không muốn làm khổ cô ấy thêm nữa. Con gái có thì, bắt người ta đợi đến lúc nào bây giờ. Mình thì đã xác định giành trọn tâm huyết cho miền rừng núi này rồi”- Nguyễn Văn Ý bộc bạch.

Người độc thân cao tuổi thứ 2 ở đồn Gary là Trung uý A lăng Hoà - đội trưởng Đội vũ trang. A lăng Hòa cùng với Nguyễn Văn Ý được mệnh danh là 2 “quả đấm thép” của vùng rừng núi khu 7 bởi những thành tích giữ gìn an ninh trật tự.

A lăng Hoà chơi đàn rất hay. Đêm văn nghệ giữa chúng tôi với những người lính Đồn Gary thêm phần đặc sắc bởi những màn ghi ta hoàn hảo của A lăng Hoà.

Độc thân, người ở thị trấn Prao (Đông Giang) nhưng một năm cũng chỉ được về nhà đúng 1 lần vào dịp Tết, nhưng dường như với Hoà, vùng biên ải này cũng đã là mảnh đất không thể xa rời.

Anh tâm sự: “Em không thể tượng tượng, một ngày em rời xa anh em trong đội vũ trang, rời xa những ngày tuần tra biên giới, canh gác cột mốc, cổng trời”. Câu chuyện của ba chúng tôi bị cắt ngang bởi sự trở về của thiếu uý quân y Nguyễn Thọ Nam.

Thiếu uý Nam cũng là “lính phòng không”, vừa kịp bưng chén nước, vừa thở: “May quá không bị sao anh ạ, chỉ đau bụng sơ sơ thôi”. Ấy là thiếu uý Nam đang kể việc mới sáng sớm, anh đã phải dựng vượt đèo hơn 1 tiếng vào thôn Réh (xã Ch’ơm) để chữa cho một cháu bé bị đau bụng.

Theo thiếu uý Nam, ngoài những bệnh tật thông thường do thiếu vệ sinh thì tình trạng đáng ngại nhất trong cuộc sống bà con thôn bản hiện nay là những cái chết lãng xẹt vì ăn lá ngón.

Chỉ tính riêng 2 tháng trở lại đây thiếu uý Nam đã cứu được 2 vụ tự tử vì ăn lá ngón. “Cũng chẳng có gì ghê gớm anh ạ, chỉ những mâu thuẫn nho nhỏ thôi, nhiều người đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng nắm lá độc”.

Cuộc hành trình trở về xuôi vất vả hơn ban đầu, vì những đôi chân đã thấm mệt, trời hết mưa dầm lại nắng gắt. Qua con dốc cuối cùng trước khi đặt chân lên xã Lăng, tôi ngoái lại, sau lưng chỉ là những dãy núi trùng điệp, xanh mờ. Nơi đó là vùng biên ải, nơi đó tôi đã đi và sống trọn 10 ngày với bà con dân tộc Cơ Tu, với những người mà có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên.

MỚI - NÓNG