Tết cuối cùng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm

Tết cuối cùng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm
TPCN - 36 năm trước, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã đón Tết Canh Tuất - 1970 đơn sơ nhưng đầm ấm trong tình thương yêu của cán bộ, du kích và nhân dân thôn Nga Mân, Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Tết cuối cùng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ảnh 1
Chị Cho và chị Ninh (phải) chỉ nơi trước đây đã diễn ra màn kịch giả điên cứu BS. Trâm thoát chết

Trên nền nhà lá xập xệ khi xưa, nơi BS. Trâm đã đón giao thừa, nay là một căn nhà ngói thấp nhỏ, chị Tạ Thị Ninh - người đồng chí, người học trò và là người em thân thiết của BS. Trâm - bồi hồi nhớ lại...

Đêm Ba Mươi Tết Canh Tuất

“Chị Trâm từ trên trạm xá (ở Hóc Bầu) về tới nhà vào lúc chạng vạng ngày Ba Mươi Tết - chị Ninh bắt đầu câu chuyện”. Nhà chị Ninh nằm trong vùng tranh chấp, là một trạm liên lạc của cách mạng nên thường xuyên có cán bộ, du kích đi về.

Tết thời chiến, bữa cơm chiều Ba Mươi rất đơn giản. Cúng xong, mọi người cùng ăn rồi tập trung lại hát hò, trò chuyện rôm rả. “Ngày ấy, mọi người hay hát bài “Vinh quang thay Du kích nhân dân” – chị Nguyễn Thị Cho, em ruột anh Thuận và là em kết nghĩa của BS.

Thùy Trâm kể, rồi lẩm nhẩm hát: “…Nào anh em ơi, những người chiến sỹ tiên phong, mau ra sa trường, súng lê chắc tay sẵn sàng”... Đêm ấy, không chỉ hòa cùng mọi người, chị Trâm còn hát đơn ca bài “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sỹ Nguyễn Thành.

Chị Ninh nhớ lại: “Gần đến giao thừa, cả nhà cúng bánh rồi mấy chị em ngồi quây quần tâm sự. Lúc này, chị Trâm mới để lộ nỗi buồn, đó là nỗi  nhớ nhà”.

Nhật ký viết ngày 6/2/1970 (ghi theo ngày dương lịch), BS Thùy Trâm tâm sự với chính mình:

“Bốn năm rồi xa nhà, giao thừa lần thứ tư sống xa những người thân yêu. Hà Nội ơi! Đêm nay Hồ Gươm người vẫn vai chen vai, Tháp Rùa vẫn rung rinh ánh điện. Nhưng ta biết Hà Nội của ta niềm vui không thể trọn vẹn.

Trái tim còn một nửa rớm máu thì làm sao vui cho đành. Đêm nay, mỗi người đều mang nặng trong lòng nỗi nhớ thương. Và ở đây cũng hoa, bánh tét, cũng lời ca tiếng hát nhưng lòng mình cũng chỉ là nỗi nhớ thương”.

Đôi mắt chị Ninh ngân ngấn lệ: “Chị Trâm nói, ước gì đến hòa bình thống nhất, mình cùng ngồi ăn tết vui vầy, rồi chị dẫn mấy em ra Hà Nội để giới thiệu với gia đình chị”. Tôi nói: “Chị ơi chiến tranh ác liệt như vầy, đến ngày đó không biết có ai còn?” Chị trấn an: “Còn chứ, không sao đâu em ạ!”

Sáng mùng Một Tết, chị Trâm về bên nhà hai người em nuôi là Thuận và Cho để làm cơm cúng ông bà, cha mẹ. Gọi là nhà, nhưng thực chất là cái xum luôn luôn lạnh lẽo vì chỉ còn hai anh em suốt ngày lo việc chiến đấu (anh Thuận là Phó bí thư Đảng ủy xã, chị Cho là Xã đội phó Phổ Cường).

Chị Cho nhớ rõ: “Chỉ một mâm cơm sơ sài, thức ăn gửi mua dưới vùng địch chiếm từ hôm trước. Vừa ăn xong nghe cơ sở báo địch chuẩn bị càn, mấy chị em vội giả trang thành dân thường, áo bà ba, đầu đội nón lá, tay kẹp ôm rơm về lại nhà chị Ninh. Ở đó có hầm bí mật, công sự và cả đường rút khi cần”. “Hai bên thỏa thuận ngưng bắn vào những ngày Tết, nhưng nhiều khi địch vẫn đi càn”.

Đêm mùng Một, BS. Thùy Trâm tạm biệt mọi người để về lại trạm xá khi “mưa xuân rơi ướt trên mái tóc”. “Đêm nay trời tối, ánh sao mờ chỉ đủ soi con đường cát trắng giữa xóm thôn.(…). Tạm biệt em, nhất định sẽ còn gặp lại em, sẽ hôn lên đôi mắt đen thân yêu của em”. (Nhật ký Đặng Thùy Trâm ngày 7/2/1970).

Tình yêu nén lại

Câu chuyện nhớ thương một người em kết nghĩa tên Thuận luôn được trở đi trở lại trong nhật lý của BS.Thùy Trâm với nhiều cung bậc khác nhau. “Chị Trâm thương anh Thuận hơn tất cả những người khác” - chị Ninh xác nhận. Còn anh Thuận từng nói: “Em thương chị hơn tất cả mọi người, trừ cha mẹ” - chị Cho, em gái anh Thuận kể.

Chị Cho tâm sự: “Từ khi được nhận chị Trâm là chị nuôi, mấy anh em tôi coi chị Trâm vừa như người chị ruột thịt và vừa như người mẹ. Lúc chị ở trong trạm xá, thỉnh thoảng tôi làm lương khô gửi lên”.

Ngừng một lát, chị Cho tiếp: “Đúng là ban đầu tôi chỉ nghĩ là chị em thật tình, sau đó tôi nhận ra giữa anh Thuận và chị Trâm có tình cảm khác. Trong quan hệ cá nhân, xưng hô giữa hai người không rõ ràng, lúc lại gọi tên, lúc thì nói trống không”.

“Khi phát triển Đảng của chị Trâm gặp trở ngại, chị Trâm về khóc, kể với anh Thuận và tôi. Anh Thuận động viên: Trâm cứ việc yên tâm lo phục vụ công tác tốt, dần dần anh em sẽ hiểu, còn có lãnh đạo của huyện nữa.

Những lúc tình hình yên ổn, hai anh chị thường ngồi bên nhau nói chuyện, cóự khi hai người cùng ngồi trong một cái võng, có lúc kéo cái băng (ghế dài) ra ngoài vườn, nơi vắng vẻ tâm sự rất thân mật. Họ âu yếm nhau lắm! Nếu chị Trâm đi thì thôi, còn về nhà thì anh Thuận vui ra mặt và luôn quấn quýt bên chị.

Chị Cho mân mê cây kéo nhỏ vẫn còn sáng loáng, kỷ vật của BS.Thùy Trâm để lại, nói tiếp: “Vì lúc đó chiến tranh ác liệt nên mọi người không để ý nhiều đến chuyện yêu đương, và chính chị Trâm chủ động kìm nén tình yêu lại.

Những ngày sau khi chị Trâm hy sinh, anh Thuận buồn sờ sạc. Mỗi bữa ăn, anh xúc một chén cơm, gác đôi đũa lên và để riêng một bên rồi lầm rầm “Mời Trâm ăn cơm!”, mắt anh đỏ hoe, rơm rớm nước”.

Tình dân Đức Phổ với BS Thùy Trâm

Không ít lần BS. Thùy Trâm đối mặt với cái chết nhưng đều thoát khỏi nhờ mưu trí. Chị Ninh vừa tủm tỉm cười vừa kể về một lần thoát hiểm ngoạn mục ngay tại căn nhà của gia đình: “Hôm ấy là một buổi chiều cuối năm 1968, lúc chị Trâm và mọi người trong gia đình tôi đang ngồi ăn cơm thì địch ập đến.

Khi chúng tới gần, nghe tiếng tên thông ngôn nói với thằng Mỹ mới hay. Mẹ tôi vơ ngay bộ quần áo của mình đưa cho chị Trâm và bảo chị mặc vào. Bộ áo quần của chị Trâm thay ra thì bỏ vào chậu, đổ nước như chuẩn bị giặt.

Rồi mẹ tôi bảo chị Trâm lấy rạ đốt nồi mắm kho cho nó cháy bốc mùi. Vì sợ địch phát hiện chị Trâm qua giọng nói, mẹ tôi bảo chị giả câm và xõa tóc ra.

Một tay mẹ nắm đầu tóc chị Trâm lay lay, tay còn lại cầm cán chổi vừa khóc lóc vừa kể lể, la lối cố tình để bọn địch nghe được: “Trời ơi là trời, chi mà cái thân tôi khổ dữ vầy. Đẻ ra đứa con đã câm lại còn điếc. Sai cái gì nó làm hư cái nấy….”.

Nghe la lối, bà con hàng xóm chạy sang và hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mọi người cùng vào vai: “Cơn cớ gì mà cứ con nhỏ bà uýnh (đánh) hoài, nó đã điếc lại câm, bà nuôi được thì nuôi, không được thì để tui nuôi. Tội nghiệp con nhỏ…”.

Màn kịch diễn xuất thần, địch tưởng thật nên không thèm quan tâm đến chuyện “con điên” và bỏ đi.

Chị Ninh lại kể một câu chuyện khác: “Một lần vào cuối năm 1967, chị Trâm và mọi người đang tập trung tại nhà này thì hai chiếc tàu rọ của Mỹ xuất hiện. Chúng hạ sát mái nhà quạt cho tranh bay hết nhưng không phát hiện ra cái nắp hầm bí mật dưới nền nhà vì được ngụy trang kỹ.

Trong hầm, du kích chĩa súng ra định bắn, chị Trâm cản không cho và nói: “Mấy em ham thành tích mà bắn, bọn chúng trả thù thì dân ở đây chết hết”.

Sau khi chạy càn, lúc này dân đã tập trung hết về nhà, bò trâu cũng đã lùa về. Quạt một hồi lâu, không thấy động tĩnh gì, chúng ném 2 quả mù cay vào nhà rồi bỏ đi.

Sau sự kiện này, mọi người càng qúi chị Trâm, nên mỗi khi chị về, ai có gì cũng tới mời chị Trâm ăn. Mấy người lớn nói: “Mình còn sống tại đây  cũng là nhờ con bé Trâm, bữa đó không có con bé Trâm nó bàn (ngăn cản) du kích thì mình chết hết”. 

MỚI - NÓNG