Tiến tới kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9 (1945 - 2009):

Thác Dẫng, trung tâm thủ đô kháng chiến

Thác Dẫng, trung tâm thủ đô kháng chiến
TP - Kề bên địa danh Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) nổi tiếng bấy lâu nay còn có một thủ đô khu kháng chiến lại được ít người thời nay biết đến. Địa danh có nguy cơ bị lãng quên ấy mang tên Thác Dẫng, thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương và đương nhiên, cũng thuộc địa giới tỉnh Tuyên Quang.
Thác Dẫng, trung tâm thủ đô kháng chiến ảnh 1
Bác Hồ chủ tọa họp Hội đồng Chính phủ. Thác Dẫng, 11/1949 - Ảnh tư liệu

Cái tên Thác Dẫng ra đời từ đặc điểm tự nhiên của một vùng đất phẳng ven đồi tả ngạn sông Phó Đáy. Nơi ấy, có các tảng đá to ngăn dòng nước mỗi khi mưa nguồn đổ về, và tạo thành thác. Thế là người ta gọi chỗ ấy là Thác Dẫng. Thác Dẫng trở thành thủ đô khu kháng chiến giai đoạn “Chín năm làm một Điện Biên” như thế nào?

Tìm nơi trên có núi, dưới có sông

Không chỉ thế, địa điểm Thác Dẫng còn có đất gieo trồng, có bãi ta chơi/Thuận đường sang Bộ Tổng/ Tiện lối tới Trung ương.

Chúng tôi về Làng Sảo (xã Bình Phú, cách huyện lỵ Sơn Dương hai cây số) – địa danh đầu tiên đánh dấu ngày Bác trở lại Việt Bắc để trường kỳ kháng chiến. Từ Làng Sảo, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang, ông Giang Văn Huỳnh kể chuyện hành trình đi tìm thủ đô cho chính phủ kháng chiến và việc chọn Thác Dẫng.

Ông chỉ rặng núi sừng sững trước mặt, đỉnh dãy núi Hồng, địa giới hai tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang. Thái Nguyên tiện đường, gần Hà Nội hơn. Tuyên Quang ngăn cách bởi núi Hồng, rừng già đại ngàn, hiểm trở hơn.

Giặc Pháp, giặc Nhật từng nhiều phen bạt vía kinh hồn khi tìm cách qua Đèo Khế, đèo Kháng Nhật, Đèo De, Đèo Muồng sang Sơn Dương, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 được gọi là Châu Tự Do, Thủ đô Khu Giải phóng.

Tới hạ tuần tháng 5/1947, việc di chuyển các cơ quan, xí nghiệp từ Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc cơ bản hoàn thành. Nhưng để đối phó với khả năng địch liều lĩnh mở cuộc tấn công bất ngờ lên căn cứ địa của ta, Hồ Chủ tịch bắt đầu cuộc di chuyển thị sát địa hình và thực tế của công việc, bộ máy tổ chức, hoạt động từ bên Thái Nguyên.

Cuộc tấn công chớp nhoáng và mau chóng thảm bại của thực dân Pháp ở Việt Bắc vào tháng 10 - 11/1947, cụ thể tại ba tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, càng chứng tỏ độ an toàn cao, khả năng ổn định lâu dài để tìm đặt khu vực đại bản doanh của Chính phủ và các cơ quan, đoàn thể bên phía tây dãy núi Hồng, nơi có sông Phó Đáy.

Thác Dẫng, trung tâm thủ đô kháng chiến ảnh 2 Thác Dẫng, trung tâm thủ đô kháng chiến ảnh 3
Bác Hồ tại Thác Dẫng 1950 Bác Hồ, ông Tạ Quang Chiến tại Thác Dẫng

Nếu đặt đại bản doanh tại đây, chỉ cần qua Đèo De, vượt núi Hồng, sang bên kia Định Hóa là đến Bộ Quốc phòng. Tiện đường, Bác có thể rẽ qua Văn phòng Trung ương Đảng, nơi có Tổng Bí thư Trường Chinh, đóng tại xã Thanh Định, gần Bộ Tổng Tư lệnh ở Bảo Biên.

Bước sang năm 1948 thế và lực của cuộc kháng chiến đã chuyển giai đoạn, các cơ quan cần an cư để lạc nghiệp. Bác Hồ và Trung ương chủ trương tập trung bộ máy và cán bộ ba cơ quan làm một cũng đều do Bác làm Chủ tịch. Đó là Hội đồng Quốc phòng Tối cao (bí danh Tiểu đội Thanh Sơn), Chủ tịch phủ, và Thủ tướng phủ (bí danh Ban Kiểm lâm 13).

Chánh Văn phòng Chủ tịch phủ Phan Mỹ được giao trách nhiệm quy hoạch xây dựng khu làm việc, nhà khách, hội trường, nhà ở, nhà ăn, một nhà sàn riêng để Bác ăn, nghỉ làm việc mỗi khi Người tới họp Hội đồng Chính phủ (Anh em quen gọi nhà chuồng chim).

Mặt bằng chính là Thác Dẫng, khu rừng ven đồi bên tả ngạn sông Phó Đáy, lòng sông lổn nhổn các tảng đá to.

Trừ Bộ Quốc phòng đóng bên Định Hóa (Thái Nguyên), như nói ở trên, bắt đầu từ năm 1948, lần lượt, các bộ, cơ quan ngang bộ, đều di chuyển dần về các xã cạnh Bình Yên, Tân Trào, mà tâm điểm là Thác Dẫng trong bán kính 10 cây số đường rừng đi về một buổi.

Ngày đó có 14 bộ đều ở bên Tuyên Quang mà, cụ thể là, quanh Thác Dẫng. Riêng tại xã Minh Thanh có 10 bộ gồm: Nội vụ, Ngoại giao, Ngoại thương, Giao thông, Canh nông, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Lao động, Công an (gọi là Nha Công an, hoặc Thứ Bộ Công an). Ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng tại đây. Bộ Giáo dục ở xã Thượng Ấm. Chỉ hai bộ là: Nội thương và TB & XH đóng trên huyện Chiêm Hoá và Bộ Kinh tế tại Yên Sơn.

Đóng quanh Thác Dẫng còn có bảy cơ quan đầu ngành như Nha Lâm Chính, Ngân hàng, Cục Lưu trữ Quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ, Mậu dịch Quốc doanh, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

Các tổ chức đảng, đoàn thể, công đoàn, mặt trận, các hội thời kỳ đầu có ở bên Thái Nguyên cũng rút dần sang Sơn Dương và tọa quanh Thác Dẫng. Có thể kể đến Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo, các Ban Thanh - Phụ vận, các Báo Nhân Dân, Cứu Quốc, Tiền Phong, Phụ Nữ, v.v…

Tập trung mà phân tán

Quyết định số 32/2000/QĐ-BVH-TT ngày 4/12/2000 của Bộ Văn hóa & Thông tin công nhận Thác Dẫng là DI TÍCH LỊCH SỬ CỦA CHỦ TỊCH PHỦ - THỦ TƯỚNG PHỦ THỜI KỲ 1947 – 1954.

Chiều 15/8/2005 tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đương nhiệm Phó Thủ tướng Thường trực) dự lễ động thổ khởi công công trình phục hồi, tôn tạo, xây dựng quần thể kiến trúc trung tâm quan trọng bậc nhất này của Chính phủ Hồ Chí Minh tại ATK Việt Bắc.

Văn phòng Chủ tịch phủ xây dựng thành cơ ngơi khá đầy đủ, to, rộng. Mỗi năm từ đại bản doanh Thác Dẫng, Chánh Văn phòng Phan Mỹ lại tổ chức cuộc di tản để tập dượt rút vào rừng sâu, lên núi cao, đề phòng kẻ địch liều lĩnh.

Bác Hồ có nhà sàn riêng mỗi khi về đại bản doanh họp Hội đồng Chính phủ, gặp tiếp khách quốc tế, cán bộ từ miền Nam ra. Anh em gọi nhà sàn này là chuồng chim. Song, Người thường không ở đây. Hòm thư mang bí số CQ41 luôn thay đổi, khi ở Khâu Lấu, Lũng Tẩu, lâu nhất ở Hang Bòng.

Từ tháng 9/1949, ông Phạm Văn Đồng từ Liên khu V ra nhận chức Phó Thủ tướng cũng ở ngoài làng Thia đối diện Hang Bòng qua sông Phó Đáy, cách Thác Dẫng đường chim bay chỉ 300 - 400 mét.

Không đâu xứng tầm như thế

Được hai Văn phòng Chủ tịch nước và Thủ tướng đặc biệt quan tâm, hàng năm Ban Liên lạc Cán bộ Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ Thời kỳ 1945 - 1954 đều tổ chức gặp mặt. Ban do Chánh Văn phòng Phan Mỹ gợi ý lập ra và làm trưởng ban. Nay ông Tạ Quang Chiến kế nhiệm.

Ngày đầu danh sách có 196 vị, nay còn non nửa. Lại cũng chỉ non nửa các ông bà đủ sức khỏe để cháu chắt đưa đi đón về dự họp mặt. Dù phải nằm liệt giường miễn rằng đầu óc còn tỉnh táo, hay cố đến được nơi họp mặt, gần chục năm nay ai cũng mong ngóng nghe, đọc, hỏi tin về Thác Dẫng được khôi phục thành di tích đúng tầm lịch sử chưa.

Trong cuộc họp mặt ngày 15/5/2009, các nhân chứng lão thành hết sức phấn khởi nghe thông báo Di tích Ban Kiểm tra 12 ở Thác Dẫng đã được phục dựng.

Lại mừng nữa, Văn phòng Chính phủ đã in xong tác phẩm Lịch sử Văn phòng Chính phủ 1945 - 2005. Trong đó, lời nói đầu của nguyên Chủ nhiệm VPCP, Bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao nêu rõ: “Thôn Lập Binh - với tâm điểm Thác Dẫng - là đại bản doanh của Chính phủ Kháng chiến”.

Thế là, từ đây, kề bên thủ đô Khu Giải phóng Tân Trào “trước Cách mạng Tháng Tám 1945” là Thủ đô Kháng chiến Bình Yên (sau Cách mạng Tháng Tám thời kỳ kháng chiến chống Pháp), một địa chỉ đỏ, điểm đến về nguồn hàng đầu, số một của cả ATK Việt Bắc. Không nơi nào xứng tầm như thế!

Tuyên Quang còn nghèo. Cuộc sống bà con các dân tộc vẫn dựa vào rừng, ruộng là chính. Để xây dựng một quần thể kiến trúc văn hoá - một di sản khai quốc Độc lập - Tự do - Chủ nghĩa Xã hội, cần lắm sự quan tâm nhiều mặt, sự hỗ trợ to lớn từ mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thác Dẫng không đơn thuần là di tích như các nơi khác ở ATK. Đông đảo bà con mong một không gian lịch sử - văn hoá - du lịch - bảo tàng, một tượng đài kháng chiến vươn cao đời đời. 

Trịnh Tố Long
(Cựu cán bộ TNXP ATK)

MỚI - NÓNG