Thăm trang trại bò lớn nhất Việt Nam

Thăm trang trại bò lớn nhất Việt Nam
TP - Thu nhập từ đàn bò góp phần đưa Huy vào đại học. Tốt nghiệp đại học Huy trở lại nuôi bò. Trang trại của ông chủ 35 tuổi Phan  Đình Huy hiện có hơn 3.000 con bò và gần 1.000 con dê. Chàng cử nhân kinh tế đánh ô tô  trông bò...

Từ phố núi Pleiku xuôi về Phú Yên theo quốc lộ 25, đoạn qua  thảo nguyên H’Bông (Chư Sê, Gia Lai) lữ khách không khỏi ngạc nhiên thú vị ngắm những đàn bò hàng nghìn con say sưa gặm cỏ ven đường. Vùng giao thoa khí hậu đông và tây Trường Sơn này ngày mưa kéo dài đồng cỏ phát triển đủ để hàng chục ngàn con bò quanh năm béo tròn.

Gia đình Phan Đình Huy chọn mảnh đất này lập nghiệp chăn nuôi từ những năm tám mươi thế kỷ trước. Nhà ở Phú Thiện- Auynpa-Gia Lai, kiếm miếng cơm trong thời bao cấp đầy khó nhọc, ông Phúc-cha Huy quyết định để vợ con lại, một mình dắt bò đi 40-50km vượt đèo Chư Sê lên H’Bông đất rộng người thưa chăn nuôi. Lúc đầu gia sản ông chỉ vài ba con bò cái làm giống. Qua thời gian chúng sinh sản ngày một đông, hiệu quả chăn nuôi rõ dần.

Từ vài con ban đầu lên hàng chục, hàng trăm rồi hàng nghìn con. Đến nay trang trại của Huy giữ mức sàn 2.700 con bò, bình quân mỗi năm xuất chuồng 1.000 con. Trang trại của anh chia làm 20 trại  bò riêng, giao khoán cho từng hộ và hàng trăm gia đình nhận khoán chăn nuôi.

Trong hội nghị về Kế hoạch chăn nuôi từ 2007 đến 2010 của Bộ NN & PTNT tổ chức tại TP HCM với sự góp mặt của đại diện 56 tỉnh thành, trang trại của Huy được Bộ NN&PTNT ghi nhận lớn nhất Việt Nam hiện nay.

H’Bông còn có 7-8 trang trại khác có số lượng đàn bò từ năm bảy chục đến vài ba trăm con. Một số người ở Phú Thiện, Phú Túc , Plei Ku rồi tận Phú Yên, Đăk Lăk, Bình Định… cũng đến đây mở  trại nuôi bò. Xã H’Bông-Chư Sê và xã Hà Tam, Đăk Pơ trở thành 2 địa phương có đàn bò lớn nhất Gia Lai.

Lăn lộn với đàn bò mấy chục năm liền, gia đình anh Huy mày mò học cách chữa các loại bệnh ở loài động vật móng guốc này. Năm 2006, 2007 dịch lở mồm long móng gia súc bùng phát lan rộng trong cả nước.

Trong khi đó bệnh lở mồm long móng đối với trâu bò ở Tây Nguyên xảy ra thường xuyên. Năm 1998 - 1999, trang trại của Huy có khoảng 500 con bò bị bệnh.

Đứng trước tình thế bi đát, hàng trăm con chết dần chết mòn, công sức tiền của gia đình tích cóp mấy chục năm ròng có thể bay hết, cha con anh Huy mất ăn mất ngủ nghiên cứu triệu chứng bệnh và tìm giải pháp điều trị.

Khi mắc bệnh bò bị sốt cao, việc đầu tiên là tìm cách hạ nhiệt cơ thể chúng. Tiếp đến là dưỡng bệnh bằng loại thức ăn bổ, mềm, dễ tiêu hóa. Bệnh lở mồm, long móng quật ngã gia súc nhanh, theo Huy có nguyên nhân gián tiếp do ấu trùng ruồi, nhặng bu lên vết thương gây ra.

Ấu trùng lớn nhanh, vài ngày sau là đục khoét vào xương tủy bò làm chúng chết nhanh. Để vết thương tránh lở loét do nhiễm trùng, cần trừ ruồi nhặng, không để chúng đậu vào. Việc điều trị vết thương khá đơn giản.

Gia đình Huy đã tạo ra hợp chất bằng các loại thuốc nam trộn lẫn kháng sinh chữa dứt điểm ngay loại bệnh này. Đàn bò nhiễm bệnh về chuồng bước qua máng thuốc ngập đến ống chân để thuốc bám vào. Những con bị bệnh ở miệng được tách ra điều trị từ 4 ngày- 1 tuần là khỏi hẳn.

Bây giờ hầu hết người nuôi bò ở xã H’Bông, cả đồng bào dân tộc thiểu số đều biết phương pháp điều trị bệnh lở mồm long móng của gia súc do gia đình Huy truyền bá. Năm 2006 - 2007, dịch lở mồm long móng cả nước lan đến H’Bông, người dân ở đây đón nhận bình thản, xử lý nhanh, không xảy ra trường hợp bò chết.

Giấc mơ của ông chủ trẻ

Năm 2002, khi Huy tốt nghiệp đại học kinh tế, ông Phan Đình Phúc gọi con đến bảo: “Nhà đông con cái (Huy có 7 anh chị em), song con là người có tâm có chí với nghề chăn nuôi. Cha quyết định giao lại toàn bộ sản nghiệp cho con trông nom. Đây là vốn liếng chung cả gia đình, vì thế tất cả phải được tính toán rạch ròi. Giao vốn chứ không cho vốn”.

Chàng cử nhân kinh tế thay cha quản lý trang trại lúc này có 1.600 con bò. Một số cách thức làm ăn được anh hạch toán, quy định lại. Huy tăng lượng bò lên gấp đôi, giữ mức sàn 2.700 con, số tăng trưởng bán dần, mỗi năm khoảng 1.000 con. Đàn bò được giao khoán cho người lao động.

Mỗi trại từ 70-100 bò giống, hộ gia đình từ 2-3 lao động đảm nhận một trại. Cơ sở vật chất của trại như chuồng nuôi gia súc, nhà ở cho người lao động do anh xây dựng.

Người nuôi có 10 con bò giống “ăn chia đôi”, nghĩa là 10 con bò đẻ 1 lứa họ được 5 con bê. Số bò còn lại Huy trả công chăn 250.000đ/con/năm. Bê sinh ra trong 1 năm tiền công 175.000đ/con. Phân bò người nuôi khai thác, tiêu thụ. Nhiều hộ gia đình từ tay trắng, gắn bó với trang trại gia đình Huy giờ có tiền tỷ. 

Như anh Tư Tống quê ở Bình Định năm 1993 bỏ quê dắt người yêu trốn lên đây lập nghiệp. Được gia đình ông Phúc khoán cho 1 trại bò, trong vòng 7 năm anh Tống được vốn kha khá, tự mở trang trại riêng. Nay trang trại anh có hơn 200 con bò.

Ngoài cách khoán theo trang trại, anh Huy còn hỗ trợ bò cho  hộ đồng bào thiểu số trong vùng mỗi hộ từ 1-2 con bò giống. Ngay năm đầu tiên bê sinh ra chia cho người nuôi, con thứ 2 mới giao cho chủ.

Nếu nhận 2 con giống chăn dắt từ 4-5 năm người nuôi sẽ có 5 con cả bò lẫn bê. Đây là nguồn vốn quan trọng giúp hơn 300 hộ đồng bào nghèo ở xã H’Bông và huyện Phú Thiện thoát nghèo. Chính sách ưu đãi đặc biệt này gia đình Huy chỉ dành cho đồng bào thiểu số nghèo trong vùng.

Việc quản lý chăm sóc thú y của trang trại anh do 1 tổ gồm 2 bác sĩ thú y và 4 cán bộ chuyên trách theo dõi. Hàng ngày họ thay phiên nhau giám sát, kiểm tra việc chăm sóc của những người chăn dắt, kịp thời phát hiện xử lý dịch bệnh và tư vấn dinh dưỡng cho bò.

Tháng 7-2007, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã về đây thăm trang trại của Huy. Bộ trưởng NN&PTNT rất phấn khởi đánh giá  ngành chăn nuôi nước nhà rất cần thêm nhiều trang trại quy mô lớn thế này.

Huy tâm sự: Đồng cỏ cho chăn nuôi ngày một hạn hẹp. Sắp tới anh không mở rộng mà đầu tư chiều sâu cho ngành chăn nuôi. UBND tỉnh vừa cấp cho anh 56 ha đất để chăn nuôi gắn với trồng trọt. Huy bỏ vào đây hơn 3 tỷ đồng móc hố thoát nước, đào 4 hồ vừa nuôi cá, vừa chứa nước tưới, làm đường nội bộ, đền bù…

Anh sẽ xây dựng nơi đây 1 trại bò giống tầm quốc gia, trồng cỏ đảm bảo dinh dưỡng trong những ngày nắng hạn. Đầu năm 2008, Huy sẽ cho xây dựng làng công nhân cho người chăn nuôi.

Điều mà chủ trang trại trẻ Phan Đình Huy trăn trở nhất hiện nay là các trang trại chăn nuôi không được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển chăn nuôi thành đại gia súc như nhiều lần chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đề cập.

Tài sản hàng trăm tỷ đồng đứng đó nhưng Huy gõ cửa nhiều ngân hàng xin vay vốn đều nhận được câu trả lời: Ngân hàng không nhận thế chấp bò! . Sự thiệt thòi của ngành chăn nuôi như thế rất cần một chính sách đặc biệt để tháo gỡ.

Xã H’Bông từ một vùng đất hoang vắng, cằn cỗi đang chuyển mình khởi sắc nhờ những đàn bò. Xuân Nhâm Tý này người chăn nuôi nơi đây càng phấn chấn bởi giá bò tăng mạnh trở lại.

MỚI - NÓNG