Thấp thỏm nỗi lo đưa con gửi trẻ tại gia

Cụ già làm thêm nghề trông trẻ? Ảnh: N.C
Cụ già làm thêm nghề trông trẻ? Ảnh: N.C
TP - Hiện các cơ sở giữ trẻ không phép với nhiều bất cập vẫn mọc lên khắp nơi, do nhu cầu gửi trẻ của một bộ phận dân cư có thu nhập thấp tăng cao. Không ít người gửi con ở những cơ sở kiểu đó mà lòng thấp thỏm nỗi lo nhưng không còn cách nào khác.

>> Thâm nhập nhà trẻ chui

Cụ già làm thêm nghề trông trẻ? Ảnh: N.C
Cụ già làm thêm nghề trông trẻ? Ảnh: N.C.

Đi làm, vẫn canh cánh về con

Hơn 5 giờ chiều, trước cổng điểm giữ trẻ V.A trên đường số 4, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM bỗng trở nên rộn ràng bởi hàng chục bậc phụ huynh đến đón con. Khi bảo mẫu bế bé gái chừng 4 tuổi ra cho mẹ cháu, em bé oà khóc nức nở. Chị Phượng, mẹ cháu, công nhân ở khu chế xuất Linh Xuân, tưởng con mình khóc vì nhớ mẹ. Dỗ dành thế nào cháu cũng không chịu nín. Bế cháu đi một đoạn, chị mới phát hiện tai cháu bị sưng, đỏ tấy.

Chị bế cháu quay lại để hỏi bảo mẫu thì bảo mẫu cũng ngớ người. Chị xuýt xoa một hồi rồi cũng đành dịu giọng: “Đành phải gửi con như thế này thôi, chứ biết làm sao được. Hai vợ chồng đi làm cả ngày. Cũng đắn đo lắm, hỏi đi hỏi lại nhiều lần, lựa chỗ quen mới dám gửi”.

"Gửi thì gửi nhưng vào công ty ruột gan cứ cồn cào, không biết cháu nó ở đó thế nào, có khóc, có ăn được không, có bị bạn bè cắn, véo không…" - Anh Tiến nói 

Anh Tiến, công nhân may trong khu chế xuất Linh Trung, có con nhỏ 17 tháng tuổi. Không có người thân, hai vợ chồng đều làm công nhân nên anh đành ngậm ngùi gửi con vào nhà trẻ tại gia ở phường. “Lương công nhân của cả hai vợ chồng hơn 3 triệu đồng, tiền nhà, tiền điện, nước đến tháng đã hơn một triệu, ăn uống tằn tiện lắm cũng đã gần 6 trăm ngàn đồng/tháng rồi. Ai cũng muốn gửi con ở những chỗ tốt, ai cũng muốn con mình được chăm sóc chu đáo nhưng nếu gửi ở những trường điều kiện tốt thì học phí cao, mà lương công nhân thì đào đâu ra” - anh Tiến nói.

“Gửi thì gửi nhưng vào công ty ruột gan cứ cồn cào, không biết cháu nó ở đó thế nào, có khóc, có ăn được không, có bị bạn bè cắn, véo không...”.

Lúc đầu, chị Sáu, công nhân Cty Copal trong khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 (TPHCM) cứ nghĩ, có chỗ để gửi con cũng là may mắn. Nhưng sau hơn một năm ở nhà trẻ tại gia, từ 11kg khi 12 tháng tuổi, bé sụt xuống còn 9kg. Thấy cảnh chăm sóc con, ăn uống mất vệ sinh, mới đây chị đành đem con về nhà tự bơi. “Chắc em nhờ ông bà ngoại ở quê vào trông để đi làm thôi, chứ gửi con kiểu này có ngày con mang bệnh không biết chừng” - chị Sáu nói.

Vợ chồng anh Đoàn, chuyên nuôi heo ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM, thì kể: “Từ sáng đến tối tui đi chở cơm heo ở các nhà hàng dưới thành phố, cứ đi đi về về, vợ thì ở nhà lo nấu thức ăn heo, rồi cho heo ăn, suốt ngày cứ ở ngoài trại heo. Cháu nhỏ thì ở nhà hay lê la ra chỗ nấu cháo heo, rồi lang thang ra mương nước”. Không an tâm, vợ chồng đem con đi gửi, nhưng gửi được hơn hai tháng thì cứ mỗi lần đón về là con khóc, bảo cô giáo đánh. Thương con, hai vợ chồng tạm đành không gửi nữa.

Khó quản lý hết những điểm giữ trẻ tự phát đang mọc lên như nấm hiện nay
Khó quản lý hết những điểm giữ trẻ tự phát đang mọc lên
như nấm hiện nay .

Nhu cầu thiết yếu chưa được đáp ứng

Chia sẻ với chúng tôi xung quanh vấn đề này, lãnh đạo phòng giáo dục một huyện ngoại thành tại TPHCM, cho rằng: Không thể thống kê con số chính xác những nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ tự phát trên địa bàn huyện. Có những người lúc đầu chỉ giữ nhờ do ở nhà rảnh rỗi, lâu dần rồi thành điểm giữ trẻ với cả chục trẻ nhưng không hề xin phép.

Thực tế, số điểm trông giữ trẻ ngày càng nở rộ là do nhu cầu của người dân. Khu dân cư mà đa số là lao động nghèo, công nhân, càng có nhiều điểm giữ trẻ tự phát. Các điểm này nằm len lỏi trong các con hẻm, sâu trong các khu dân cư, chính quyền không kiểm soát hết được. “Thực sự là hoạt động của các nhà trẻ dân lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình hiện nay đang vượt khỏi tầm kiểm soát”, vị lãnh đạo phòng giáo dục nói.

Tình trạng nhóm trẻ tự phát, giữ trẻ chui cũng đang khiến ngành giáo dục tỉnh Bình Dương đau đầu. Theo Sở GD&ĐT tỉnh này, hầu hết cơ sở nhận trẻ để giữ chứ không có chuyện dạy học, cũng chẳng mấy ai quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Thống kê của Sở cho thấy, tỉnh hiện có 158 trường mầm non tư thục gia đình với 228 nhóm, lớp đang hoạt động không phép với gần 40% số học sinh mầm non toàn tỉnh.

“Từ đầu năm đến nay, tại các cơ sở mầm non tư thục ở Bình Dương đã xảy ra 8 vụ trẻ bị thương tích do sự bất cẩn của những người nuôi dạy trẻ không có chuyên môn” - một cán bộ Sở GD&ĐT cho biết.

TPHCM có khoảng 300 nhóm trẻ hoạt động không phép, tập trung tại các quận, huyện ngoại thành, những nơi có số lượng lớn lao động nhập cư và công nhân. Theo một phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, toàn TP hiện có khoảng 800 nhóm trẻ gia đình có phép, đang nuôi dạy 200.000 trẻ, đáp ứng được 25% nhu cầu của xã hội. Tình trạng buông lỏng các nhóm giữ trẻ không phép, sự thiếu thốn vật chất, giáo viên không được trang bị kiến thức đầy đủ... đang là nguyên nhân của nhiều chuyện đau lòng xảy ra với trẻ em nghèo.

Một điểm nuôi dạy trẻ phải đảm bảo các điều kiện: cô nuôi dạy trẻ có trình độ tối thiểu là sơ cấp; mặt bằng ít nhất 2 m2/cháu; dinh dưỡng tối thiểu cho trẻ đạt 60 Kcal/ngày; nhà trẻ luôn đảm bảo an toàn, vệ sinh... Tuy nhiên, tại nhà trẻ không phép, những điều kiện trên là thứ xa xỉ.

 
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.