Thầy rắn ở U Minh

Thầy rắn ở U Minh
TP - Ông Hà Văn Thành (Ba Thành), 50 tuổi, ở ấp 20, xã Khánh Thuận (U Minh) biết rắn ở đâu để bắt, chữa rắn độc cắn và muốn xây trại nuôi rắn trên đất rừng tràm U Minh. Ông được bà con gọi bằng biệt danh Thành “Rắn”.

> Ngỡ ngàng lọt vào chợ rắn Đồng Tháp
> Rộ 'nghề' săn rắn độc
> Bác tin đồn ‘rắn thần’ ở Lào Cai

Trị rắn độc cứu người

Hơn 15 năm bám đất rừng U Minh, ông Ba Thành có ngôi nhà gỗ tràm, vách lá, trên phần đất sang nhượng “nhận khoán đất rừng”.

Khi hỏi chuyện bắt rắn, ông xua tay: “Bắt rắn chơi chơi, cho bạn bè làm mồi nhậu. Nhưng tôi ẩn tích giang hồ lâu rồi, trốn về đây chăn nuôi, trồng trọt, giúp vợ con! Chủ yếu, tôi biết thuốc trị rắn độc, cứu người, làm phước”.

Ông Ba Thành sinh ra ở miền Bắc nhưng bén duyên, rồi bám rễ với đất U Minh khi làm tự túc cho Tỉnh ủy Cà Mau. Gia đình nghèo, đông con, không thể rong chơi với biệt tài bắt rắn, ông xin nghỉ việc “lãnh một cục”, sang hợp đồng 10 ha rừng, thuộc ấp 20, xã Khánh Thuận (U Minh) để cấy vài công lúa, chăn nuôi, trồng trọt. Với biệt tài biết rắn ở đâu để bắt, chữa trị người bị rắn độc cắn và nuôi rắn độc trong nhà trở nên nổi tiếng với biệt danh Thành “Rắn”.

Ai biết ông có bài thuốc chữa rắn độc, rước ông chữa, người ở gần thì chở thẳng đến nhà. Ông Ba Thành nói: “Quanh đây, rất nhiều nhà đã có người bị rắn cắn. Có đêm, tôi đắp thuốc cho đôi ba người, uống vài bình trà, khỏe rồi về nhà, sáng lại ra đồng làm ăn”.

Bài thuốc trị rắn độc, ông sưu tầm từ Bắc vô Nam. Khi ông về miền Bắc, có khi qua tận đất Lào để tìm cây thuốc. “Cây thuốc bây giờ ít lắm, rừng bị phá nhiều, được mấy cây thuốc mang về trồng, nước ngập chết hết, uổng thiệt”- ông nói.

Ông Ba Thành chữa rắn độc cắn không lấy tiền, không mê tín. Thấy vết rắn cắn, ông Ba Thành biết loại rắn gì, có độc không và con rắn đang ở đâu. Ông chỉ tay: “Cách đây 3 nhà, có người bị rắn cắn tím người rồi, tôi đắp thuốc hết bệnh. Tôi chỉ con rắn đang ở vách nhà, vén vách lá lên bắt được luôn”.

Cha ông Ba Thành là ông Hà Quang Thắng, tập kết ra Bắc năm 1954, thành hôn với mẹ ông là bà Lê Thị Oa, dân tộc Thái, quê ở Thường Xuân (Thanh Hóa).

Ông Ba Thành kể: “Cha đi công tác vắng, một mình mẹ nuôi 6 người con, phải tản cư để tránh máy bay giặc bắn phá miền Bắc. Tôi được các thầy Mo đỡ đầu, dạy bài thuốc cứu người”.

Ông Ba Thành nhớ lại, cứ vào ngày mùng 5 hằng tháng, ông lẽo đẽo theo sau thầy Mo Tom, dân tộc Thái, vào rừng tìm cây thuốc chữa bệnh. Rồi thầy Mo Khai, người Mường, thầy Mo Tít, người Dao mỗi người chỉ một chút.

“Các thầy cho biết cây lá này chữa được bệnh gì, con rắn này độc, đắp bằng cây lá gì hết. Khi vào Cà Mau, tôi được học thêm từ ông thầy bắt rắn Hai Khẻn, người dân tộc Khmer ở Cơi Năm, Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời).

Sát thủ rắn ở ẩn muốn nuôi rắn

Chiếc xe Hoda gắn liền với ông Ba Thành
Chiếc xe Hoda gắn liền với ông Ba Thành cứu người bị rắn cắn.
 

Hỏi đường về nhà ông Hà Văn Thành bắt rắn, trị rắn độc cắn, có quá nhiều người dân ở U Minh, Thới Bình biết. Ông Nguyễn Văn Tám, sông Trẹm, xã Biển Bạch (Thới Bình) vừa chỉ đường, vừa kể: “Hỏi Thành “Rắn” bà con mới biết.

Ông ấy thường chạy chiếc xe Honda 67, ngang qua đây. Có lần, anh em tụi tui thử tài bắt rắn, làm mồi nhậu chơi. Ông ấy ngó ngó, nhìn nhìn đám cây cỏ bên kia, xoắn quần lội vô, kéo ra nùi nùi rắn, gặp rắn gì bắt rắn đó”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Ba Thành theo cha mẹ về miền Nam. Ông vào làm công nhân xí nghiệp xà bông của Sở Công nghiệp Cà Mau và nổi tiếng về tài bắt rắn. Ông Ba Thành kể: “Hồi bao cấp, tôi ngồi xe ô tô bắt rắn cho mấy anh bạn làm mồi nhậu. Đang chạy trên đường, tôi kêu tài xế dừng lại, bước xuống là tóm rắn hổ bỏ vô bao. Nhưng bây giờ, tôi ẩn tích giang hồ rồi, trốn bạn bè, vào ở rừng tràm U Minh”.

Để tận mắt nhìn thấy ông là sát thủ rắn, tôi yêu cầu ông có thể bắt con rắn ngay bây giờ được không? Ông Ba Thành cười tươi, hỏi vặn lại để làm gì? Rồi ông lẳng lặng vô nhà, lấy viên thuốc, bỏ vào miệng. Ông ra sau hè, nhìn quanh. Ông chạy vụt vô vườn, lôi ra con rắn dài cả thước. Tay trái ông cầm đuôi rắn, giơ cao. Con rắn cắn ống quần ông không chịu nhả ra.

Để tôi chụp hình như thể ông làm xiếc với con rắn rồi thả con rắn xuống nước: “Đi đi con!”.

Ông Ba Thành nói như đinh đóng cột: “Nếu tôi ham tiền, bắt rắn bán chắc mỗi ngày được vài chục triệu đồng. Lúc trước, rừng U Minh nhiều rắn hổ lắm nhưng bây giờ ít rồi, săn bắt nhiều quá. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sống bằng nghề bắt rắn nên từ chối. Đồng tiền sẽ làm cho người ta quên cảnh giác, không tỉnh táo, sẽ bị rắn độc cắn. Sinh nghề tử nghiệp là chỗ đó!”.

Vợ chồng ông Ba Thành ở tận rừng U Minh nhưng cả 5 người con đều được ăn học, có tiền là đi học. Hai người con trai của ông học đại học xây dựng, đại học tin học… đang học cao lên. Cô con gái vừa đậu đại học, thiếu tiền, vừa đi Bình Dương làm công nhân để có tiền đi học tiếp.

Ông Ba Thành kể: “Tiến sĩ Phạm Trọng Ảnh, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam đến tận nhà, cùng ăn, cùng ở và cùng đi xem rắn. Tiến sĩ Phạm Trọng Ảnh dặn khi nào gặp rắn hổ mây, gọi điện cho ông xuống ngay!”.

Ông Ba Thành rời chốn thành thị, về rừng U Minh nhưng Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) đã 2 lần cử người đến mời ông về làm việc, cấp nhà ở, cho sang Ấn Độ học nghề nuôi rắn. Nhưng ông Ba Thành từ chối, ở miết U Minh đến giờ.

Ông Ba Thành nói rằng con rắn có tập tính riêng từng loại, từng mùa, thời tiết từng vùng. Vào cuối năm, tìm bắt rắn hổ rất khó được vì rắn ở hang sâu để đẻ trứng. Thời tiết thay đổi cũng làm cho rắn thay đổi tập tính sinh sống. Nắng lên, con rắn phơi bụng cho mau tiêu mồi…

Ông Ba Thành dự tính: “Lo cho con học xong, xây cất lại nhà cửa, sẽ xin phép xây dựng trại nuôi rắn, rắn càng độc càng phải nuôi để nghiên cứu thuốc cứu người”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG