Thầy thuốc, phúc đẳng hà sa

Thầy thuốc, phúc đẳng hà sa
TP - Tý (phong), Huân (ết), Dương (điên)... Chẳng đi tu cũng được lên niết bàn. Ấy là hai câu truyền miệng, tôn vinh những thầy thuốc ở Quảng Ninh, suốt đời sống với bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, bị cộng đồng xa lánh.
Thầy thuốc, phúc đẳng hà sa ảnh 1
Lương y như từ mẫu


Bác sĩ Nguyễn Tấn Dương là một trong số họ, một phần ba thế kỷ điều trị cho bệnh nhân thần kinh, 28 năm làm giám đốc bệnh viện tâm thần để, đến cuối đời, ông lại mắc chính căn bệnh ấy, liệt não.

Bài ghi chép này phác họa vài chân dung thầy thuốc, người gần 20 năm, người 40 năm, sống với bệnh nhân phong (hủi) và HIV/AIDS.

Trụ bám nghề dù 14 năm chẳng được cắt Q.

Các thầy thuốc bệnh viện phong ngày ấy, ngoài việc sống chung và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân phong tại bệnh viện, còn phải trèo đèo, lội suối, đến những vùng sâu, vùng xa, có nơi cách bệnh viện vài trăm cây số, tìm hiểu, khám, phát hiện bệnh, rồi cấp thuốc tại chỗ hay đưa họ về bệnh viện điều trị.

Nhiều gia đình có người mắc bệnh phong, nhưng sợ làng bản biết, sẽ xa lánh, kỳ thị, vẫn cho bệnh nhân trốn biệt. Được phát thuốc để điều trị tại chỗ, họ ném thuốc trả lại, chối đây đẩy: “Nhà này không ai bị bệnh phong”. Có nhà còn xua đuổi thầy thuốc như đuổi ma từ ngõ.

Bệnh viện phong Quảng Ninh xây dựng năm 1966 trên một bãi đất hoang, hẻo lánh, gần bờ biển, cách xa vùng dân cư (thuộc thôn Động Linh, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng) hai cây số.

Giám đốc bệnh viện là bác sĩ Trịnh Quang Phổ. Ông kiêm luôn cả chức trạm trưởng trạm da liễu của tỉnh. Trạm có chức năng quản lý, điều trị cả các bệnh nhân tiêm la, ghẻ, lậu.

Anh em trong trạm có vè: Phổ phong - hủi lậu, tim la/Vừa là thủ trưởng, vừa là nhân viên. Cả trạm chỉ có bảy, tám người nên bác sĩ Phổ không từ chối bất cứ việc gì, vừa làm quản lý, vừa khám bệnh, thay băng, rửa vết thương cho bệnh nhân, như một hộ lý.

Biên chế ít nên thầy thuốc bệnh viện phong phải kiêm nhiệm nhiều việc, ăn ở, điều trị và cả khâm liệm, mai táng cho bệnh nhân, khi họ tử vong. Người bị bệnh phong chết, thân nhân họ không có mặt, hoặc có, cũng không dám đến gần tử thi, chỉ gửi thẻ hương, nhờ thầy thuốc thắp lên mộ, rồi đứng xa, vái mấy vái, là về.

Giúp việc bác sĩ Phổ và trực tiếp ăn ở, điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện là y sĩ, phó giám đốc Nguyễn Văn Tý, một thầy thuốc, miệng nói tay làm, tận tuỵ với công việc, coi bệnh nhân như người thân trong nhà.

Năm 1972, bác sĩ Phổ chuyển hẳn về công tác tại trạm da liễu cùng bác sĩ Ngô Hùng, trạm phó, một thầy thuốc nổi tiếng xông xáo khắp các huyện vùng cao, được phong danh hiệu chuyên gia ghẻ, lậu, tiêm la. Ông Tý được Sở Y tế giao giữ quyền giám đốc bệnh viện. Ông ở cương vị này suốt 14 năm, đến lúc về hưu năm 1986 mà không được cắt bỏ chữ “quyền’’.

Anh em đặt vè về ông, Mười bốn năm chẳng cắt Q./quyền giám đốc vẫn vô tư, phớt đời. Ông vui vẻ đáp ngay: Ở đời quý nhất cái Q./Dại gì mà cắt để bu nó buồn/Trên quên, dưới cũng quên luôn/Bu cháu thôi buồn, tớ cũng vô tư.

Ông Tý vô tư thật, 18 năm sống tại bệnh viện phong, ông cần mẫn, lo cho bệnh nhân từ viên thuốc đến bữa cơm, chỗ ăn, chỗ nằm. Những năm ông Tý làm phó giám đốc, rồi quyền giám đốc và, những năm sau nữa, bệnh viện phong thường xuyên điều trị cho gần 100 bệnh nhân nội trú và hơn 300 bệnh nhân ngoại trú.

Có dạo, gần nửa số bệnh nhân nội trú, do phát hiện bệnh chậm, thuốc điều trị là loại đơn hóa, hiệu lực chưa cao, có tháng bốn, năm bệnh nhân chết. Có ngày hai, ba ca cấp cứu, nên thầy thuốc ở bệnh viện, chẳng kể chức vụ, bằng cấp, phải kiêm nhiệm nhiều việc hơn.

Lấy đùi làm bàn mổ

Có bệnh nhân bị phong ăn, lở loét từ bàn chân lên qua đầu gối, đỏ lòm, ứ mủ. Không cấp cứu khẩn, bệnh nhân sẽ chết vì viêm xương đùi hoại tử. Bác sĩ khoa ngoại bệnh viện Yên Hưng được mời về làm phẫu thuật, cắt một bên chân (đến ngang đùi) cho bệnh nhân.

Nhưng tại bệnh viện phong, không có bàn để thực hiện ca phẫu thuật đó. Thế là, một thầy thuốc của bệnh viện tình nguyện cho mượn hai đùi của mình, làm giá đỡ thay cho bàn mổ, đặt bên chân bị cắt của bệnh nhân lên, để bác sĩ cưa, có sự trợ giúp của một y tá. Xong ca phẫu thuật, quần áo vị thầy thuốc cho mượn đùi làm bàn mổ và y tá giúp việc, ướt đẫm máu từ bụng đến gót chân.

Nhiều bệnh nhân phong đến điều trị, ở lại luôn bệnh viện. Có cặp xin lấy nhau, rồi sinh con tại đây. Bệnh viện phải kiêm luôn chức năng khoa sản. Các cháu được bệnh viện nuôi dưỡng. Đến tuổi đi học, các cháu được gửi đến trường, học hết chương trình phổ thông, lại được gửi đi học nghề.

Cháu K.T và em trai, sinh tại bệnh viện phong, bố, mẹ đều là bệnh nhân phong được chữa khỏi. Khỏi bệnh, bố cháu xin ở lại bệnh viện làm y tá, ông chính là người đã trợ giúp bác sĩ, cưa chân bệnh nhân trên.

Còn cháu KT, hiện là cán bộ thuộc biên chế của ngành y tế Quảng Ninh. Cháu vừa được kết nạp Đảng và đang phục vụ những bệnh nhân phong không nhà riêng, ở lại chung cư là bệnh viện phong cũ.

Người ít, việc nhiều, nên thầy thuốc ở đây chẳng những coi bệnh viện là nhà, suốt ngày đêm ăn ngủ, trực, làm việc tại bệnh viện mà ngay khi đi cơ sở khám, điều trị cho bệnh nhân phong ngoại trú, cũng coi nhà bệnh nhân như nhà mình vậy.

Ở vùng sâu, vùng xa, các bản có bệnh nhân phong, nhiều khi cách nhau hàng chục cây số đường núi, không chợ, không quán ăn. Khám cho bệnh nhân tại gia đình nào, sắp đến bữa ăn là góp gạo, thổi cơm chung. Khám xong bệnh, trời tối, ở gia đình nào là ăn nghỉ lại ngay tại gia đình ấy, tạo nên sự gắn bó thân thiết giữa thầy thuốc với bệnh nhân phong và gia đình họ.

Nhờ thế, nhiều người tự nguyện đưa thân nhân đi khám, sẵn sàng nhận thuốc, điều trị theo hướng dẫn của y sĩ, y tá. Có gia đình còn tự giác liên hệ với bệnh viện, xin cho người nhà đến chữa bệnh nội trú. Nhờ thế, người mắc bệnh phong giảm. Người được phát hiện bệnh sớm, và chữa khỏi cũng tăng đáng kể.

Suốt đời hết phong lại ết

Dạo ấy, bức xúc nhất là, ít người muốn về công tác ở bệnh viện phong và rất thiếu thầy thuốc có tay nghề cao, điều trị căn bệnh này.

Năm 1981, ông Huân được ngành y tế cử đi học bác sĩ, chuyên ngành khoa da liễu. Năm 1985, tốt nghiệp bằng bác sĩ, ông lại trở về bệnh viện phong, lần thứ ba.

Đúng năm ấy, hưởng ứng chủ trương của nhà nước “Thanh toán bệnh phong từng vùng trong cả nước”, UBND tỉnh Quảng Ninh xúc tiến chiến dịch “Dập tắt và thanh toán bệnh phong trong toàn tỉnh”. Năm 1985, bệnh nhân phong lại được điều trị theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó có loại thuốc đa hoá, hiệu quả cao.

Năm 1986, quyền Giám đốc Bệnh viện phong, y sĩ Nguyễn Văn Tý, nghỉ hưu, bác sĩ Huân được đề bạt làm giám đốc bệnh viện, kiêm trạm trưởng trạm da liễu - sau này là trung tâm da liễu của tỉnh.

Năm 1994, Quảng Ninh được Bộ Y tế công nhận “Đã thanh toán xong bệnh phong từng vùng”. Đợt hai, năm 2000, Bộ Y tế lại công nhận tỉnh Quảng Ninh đã loại trừ bệnh phong khỏi cộng đồng, theo tiêu chuẩn của WHO, và trở thành một trong bốn tỉnh trong cả nước về trước mục tiêu. Chín năm nay, Quảng Ninh không có bệnh nhân phong mới.

Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, nạn ma túy bùng phát kéo theo đại dịch HIV/AIDS, gây ra bao thảm họa. Trái ngược với thành tích đạt được trong phòng chống bệnh phong, Quảng Ninh là một trong bốn tỉnh của cả nước có người nhiễm HIV/AIDS cao nhất nước.

Năm 2005, bác sĩ Huân lại được thuyên chuyển về làm giám đốc trung tâm phòng chống HIV/AIDS, cùng với bộ khung hơn mười cán bộ, nhân viên.

Một cán bộ của Trung tâm, cho hay: “Năm 2008, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở Quảng Ninh đã được xếp xuống hạng thứ 10 trong cả nước”.

Ba gương mặt thầy thuốc trên đây, giờ họ ra sao? Y sĩ Nguyễn Văn Tý đã về yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng, bác sĩ Nguyễn Tấn Dương đang duy trì cuộc sống thực vật.

Một người suốt 36 năm làm việc vì bệnh nhân phong, bệnh phong được loại trừ, ông lại về làm giám đốc trung tâm phòng chống đại dịch HIV/AIDS, bác sĩ Nguyễn Văn Huân. Ông được các đồng nghiệp tặng cho bốn câu, vui mà xúc động:

Suốt đời hết ết lại phong/Về nhà đến vợ cũng không muốn gần/Bạn bè chí cốt quen thân/Gặp nhau chào, chứ không cần bắt tay.

Bằng trái tim nhân hậu, nghị lực phi thường, những thầy thuốc ấy đã suốt đời âm thầm, lặng lẽ sống, làm việc ở những nơi heo hút, xa xăm mà cộng đồng xưa thường gọi bằng những cái tên trạm lao, nhà thương điên, trại hủi. Nhưng chính những bông hoa mọc và vươn lên ở những nơi biệt lập và bị xa lánh ấy lại đang tỏa hương cho đời.

Y đức và y thuật của họ mãi là tấm gương sáng về lối sống “thương người như thể thương thân”.

Vài chục năm trước, tỷ lệ người mắc bệnh phong ở Quảng Ninh khá cao. Chỉ riêng xã Liên Vị, huyện Yên Hưng, có trên 50 người phát bệnh.

Ngày ấy, phong là bệnh đứng đầu tứ chứng nan y, dễ lây, khó chữa. Người mới mắc bệnh, chỉ thấy trên da những nốt sần, có cảm giác tê tê. Bệnh tiến triển từ từ. Các nốt sần lan rộng, tấy lên, mất cảm giác.

Giai đoạn nặng, các ngón chân, tay co quắp, lở loét, khả năng vận động kém dần, toàn thân biến dạng, mặt nứt nẻ, mu mắt, vành tai sưng mọng. Giai đoạn cuối, ngón tay, ngón chân tự rụng, vành môi, vành tai bị vi khuẩn phong ăn cụt.

Người mắc căn bệnh quái ác này làm cả cộng đồng ghê sợ, xa lánh. Nhiều gia đình phải bí mật đưa người nhà bị bệnh phong giấu biệt vào những nơi heo hút, cách ly khỏi bản làng, cho chết dần, chết mòn.

Nghe phong thanh những khu rừng thâm u, những bãi hoang, có người bị bệnh phong đến trú ngụ, chờ chết, làng, bản không ai dám qua lại. Đêm, đi qua một bụi rậm, một gốc cây mục, thấy đàn đom đóm, một đám lân tinh lập loè, người ta rùng mình, bỏ chạy, cho là ma hủi đi ăn đêm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.