Thêm một tráng ca trên cao nguyên đá

Thêm một tráng ca trên cao nguyên đá
TP - Độc đáo trong kiến tạo địa chất duy nhất của nước mình ở cao độ trên ngàn mét so với mực nước biển là một mênh mông cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc.
Thêm một tráng ca trên cao nguyên đá ảnh 1
Dòng sông Nho Quế  Ảnh: X.B

Lắm chuỗi sự kiện diễn ra trên cao nguyên đá này như những khúc tráng ca kiến tạo nên bản trường ca bất tận bao đời nay ở miền biên viễn cực Bắc của Tổ quốc.

Cái ngày Đại biểu Quốc hội Vương Chí Sình khi thì người nhà võng, lúc ngồi ngựa ba ngày mới vượt qua Cổng Trời Quản Bạ để về Hà Nội họp Quốc hội thì trước đó cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc đã phảng phất lúc hiện lúc biến như mây trời vô số chuyện về vị "vua" Mèo này.

Nhà văn Tô Hoài, mười năm trước đã giải thích khá tường tận cho tôi trong một bức thư. 

...Tôi đã đọc mấy bài Cháu Vua Mèo của anh. Có một chi tiết này gửi anh tham khảo. Trước kia, vùng Đồng Văn và Mèo Vạc có 2 Vua Mèo, theo tập quán người hùng cứ một vùng gọi là vua, không phải là vua cả đất nước như ta quan niệm.

Vương Chí Sình ở Đồng Văn. Dương Trung Nhân ở bên Mèo Vạc. Vương thuê người ở Vân Nam sang xây dinh cơ. Nay trụ sở Ủy ban xã Sà Phìn và cửa hàng nhà mậu đóng vài gian ở đấy. Dương cũng thuê thợ Vân Nam sang xây dinh cơ ở Mèo Vạc.

Dinh cơ Vương toàn đá, to đẹp hơn nhà Dương. Nhà Dương ở trên núi bên Mèo Vạc, có một đường ống xây bằng đá dẫn nước xuống cánh đồng. Tôi đã đến cách đây chục năm, chắc nhà Dương không còn.

Khoảng năm 1950, hai vua có xích mích rồi đem quân đánh nhau.. Dương thua phải bỏ đất chạy sang Tàu rồi về Hà Nội, ở Hà Nội đến năm 1954 thì di cư vào Nam.

Sau này, không biết nhà văn Tô Hoài có viết tiếp về Đồng Văn, Mèo Vạc ấy không? (Không hiểu sao tôi cứ thiển nghĩ rằng, những đề tài những mảng miếng ấy, cứ là phải vào tay cỡ tiên chỉ như Tô Hoài thì mới là ra tấm ra món? Tây Bắc có Đèo Văn Long, cũng là một "vua" Thái.

Cao nguyên đá Việt Bắc có "vua" Mèo họ Vương hẳn là đang đợi những cây viết có tầm lẫn tài khắc họa những biến cố bể dâu của người Thái, người H’Mông trước khi nhập vô gia đình đông đúc 54 dân tộc bây giờ.

Rồi sự kiện hàng ngàn TNXP 18 dân tộc của 6 tỉnh thuộc khu tự trị Việt Bắc mở con đường non 200 cây số xuyên qua cao nguyên đá ròng rã suốt 8 năm trời, bẵng đi cho đến nay đã hơn 40 năm cũng chưa có phim sách hay thể loại nghệ thuật hoành tráng nào đề cập?)

Chỉ biết cách đây dăm năm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có hẳn một cái công văn gửi cho ông Chủ nhiệm UB dân tộc giúp cho nhà văn Tô Hoài lên lại cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc. Nhưng khi ấy do nhiều lý do, chuyến đi không thành.

Thêm một tráng ca trên cao nguyên đá ảnh 2
Các thiếu nữ dân tộc ngày khởi công thủy điện Nho Quế I

Lần thứ hai tôi lại ngược cao nguyên đá. Lần này không có hậu duệ "vua Mèo" đi cùng (ông Vương Quỳnh Sơn, cháu gọi "vua Mèo" bằng chú ruột, nguyên cố vấn của UBDTMN).

Cũng không được dừng lại ở Sà Phìn để ghé nhà Vương, ngôi biệt thự bằng đá độc đáo do những hiệp thợ tận bên Vân Nam sang xây cất từ những năm hai mươi của thế kỷ trước (Nhà nước ta thông qua Bộ Văn hóa vừa bỏ ra nhiều tỷ tu tạo lại) lẫn việc ghé thăm bà con gái nuôi người H’Mông của nhà văn Tô Hoài ở Sà Phìn.

Con lộ Hạnh phúc từ thị xã Hà Giang xuyên qua cao nguyên đá mà hơn 40 năm trước những chàng trai cô gái Mông, Pà Thẻn, Pupéo... dùng độc  mỗi choòng đục và sức người mà làm nên bây giờ đã được cải tạo vo vo bánh xe lăn.

Giăng miên man mải miết vẫn là những ngô với ngô. Như hàng bao đời người Mông vẫn độc canh. Có thời người ta tìm lối ra cây con với thiện ý nhằm đổi đời cho dân trên cao nguyên đá này. Như cây cải dầu chả hạn. Nhưng qua mấy mùa trồng ra chả ai thu mua cho nên đành bỏ.

Rồi đâu chuyển hướng sang cây mận. Cũng chủng chẳng như thế. Lại quay lại ngô. Có thể là mèn mén (dạng bột ngô) hợp với người Mông? Có thể là thổ nhưỡng nơi này đất hiếm lắm, đất một thì đá năm nên chả thể trồng thứ gì khác?

Qua địa phận đá Đồng Văn, chớm sang địa phận đá Mèo Vạc, như lần lên trước, ngó ra ngoài xe, tôi bất giác rủn cả người. Chao ôi là Nho Quế! Chỉ có thể trên độ cao của máy bay dân dụng, mới có một độ chênh, một góc hút thăm thẳm như thế.

Hun hút dưới kia, là dòng sông Nho Quế quanh co uốn lượn mà chỉ mỏng manh bé như chiếc lược bạc. Từ thị trấn Mèo Vạc, ngược 13 cây số là sang đất Châu Văn Sơn của Trung Hoa. Đinh ninh phải có một cửa khẩu thông thương mua bán? Nhưng hàng bao năm nay mới chỉ có cửa tiểu ngạch!

Và dòng sông Nho Quế, thượng nguồn đâu như từ đất Châu Văn Sơn, không xuất hiện cùng cái cửa tiểu ngạch ấy mà len lỏi bí mật đột ngột òa ra ở một cái thung thuộc địa phận Việt rộng chỉ hơn mươi mét quanh co mà uốn lượn như thế giữa địa phận đá trùng điệp của Mèo Vạc mấy chục cây số để rồi bắt với nhánh của hệ thống sông Gâm mãi bên Cao Bằng!

Cái năm mùa khô tôi lên, hun hút ngó xuống Nho Quế là cái lược bạc mảnh mai. Nhưng cữ nước tháng Tám này, thăm thẳm ngó xuống thấy Nho Quế hùng dũng xiết giữa hai bờ đá thấy mà chóng mặt. Hàng bao năm Nho Quế chỉ uốn lượn lẫn xiết suông, nói tóm lại là chỉ chóng mặt suông giữa những điệp trùng đá như thế! Nhưng số phận lẫn công năng Nho Quế bây giờ đã khác...

Cái xe đang đổ dốc mà tôi phải bíu chặt vào thành ghế oặt cả người ra  hạ dần độ cao là xe của GĐ Công ty Điện lực I Nguyễn Phúc Vinh. Chỉ lát nữa thôi, ông là người thay mặt cho ngành năng lượng Việt Nam bấm nút cho nổ quả mìn tượng trưng phát lệnh khởi công nấc I của công trình thủy điện trên sông Nho Quế!

Từng chứng kiến những vầng khói bất thần bung lên trong ngày khởi công ở địa điểm mai kia là thân con đập thủy điện những Sông Đà, Sê San 1,2,3, và Na Hang - Tuyên Quang rồi Tạ Bú - Sơn La v.v... nhưng sao người mình cứ rân rân mãi cái cảm giác là lạ khi vầng khói mảnh mai bung lên trong khoảng chàm xanh của trời lẫn đá bên dòng Nho Quế?

Nói mảnh mai vì công suất của Nho Quế I chỉ 32MW. Công suất ấy ứng với việc xây lắp thủy điện bây giờ là non 700 tỷ nghe có vẻ to nhưng không là gì so với Sông Đà lẫn Na Hang cùng Tạ Bú.

Nhưng toàn bộ việc xài điện của cả tỉnh Hà Giang bây giờ chỉ là 20 MW, đủ thấy mai kia Nho Quế I lẫn II,III (tổng cộng 3 nấc thang thủy điện trên Nho Quế là 180 MW) hữu ích đến thế nào.

Giá trị nữa, cứ chiểu theo tình trạng khan điện túng điện đói điện như hiện nay khắc thấy... Cái năm tôi theo Nguyễn Phúc Vinh sang Nam Ninh mua điện, thấy anh mặc cả khôn khéo lẫn căng thẳng cùng đối tác từng xen cho mỗi số điện thấy cái nghề của những người cầm chịch năng lượng cho quốc gia này cũng mong manh thế nào?

Ngồi với hai ông chủ tịch người Mông xã Xín Cái (bờ trái sông Nho Quế) và Giàng Chu Phìn (bờ phải) thấy ngày khởi công tự dưng ngắn tủn lại. Chao ơi là chuyện.

Dường như cái nhẹ nhõm của việc đền bù giải tỏa mặt bằng nhà cửa lẫn hoa màu không nặng nề nhiêu khê như nơi khác cũng như việc bên A gọi vốn chả mấy khó khăn nên tâm trạng đó lây sang cả người đến thi công lẫn ông bổn địa? 

Gọi là bờ làm chi cho mênh mang ra mà bên này Nho Quế ngó sang bên kia nói vừa phải cũng nghe được. Dưng mà đi cho hết mấy bản của hai ông cũng mất hàng ngày đường. Cái năm tôi theo ông Vương Quỳnh Sơn về Xín Cái bốc mèn mén chiêu với canh rau cải rừng nấu cùng thịt chuột thơm lừng...

Bây giờ nhắc lại kỷ niệm bữa cơm đã xa cũng là nhắc lại vị chủ tịch xã nhiệm kỳ cũ. Ánh mắt chủ tịch mới Giàng Súa lóng lánh khi nói về con hồ rộng non cây số vuông mà Nho Quế I tạo ra. Rồi Nho Quế II,III nữa.

Trong câu chuyện thoảng cả những hơi thở nặng nhọc đứt đoạn của người phụ nữ Mông xếp bốn ống bương hoặc hai cái can nhựa lên chiếc gùi mỗi khi xuống Nho Quế địu nước về bản. Hình như Giàng Súa đang nói về cái máy bơm nước đang có bán đầy ở những cửa hàng điện máy Đồng Văn, Mèo Vạc.

Rồi đâu như sẽ có thêm diện tích lúa nước lẫn lúa nương. Và cá. Cá nuôi cá chứa ở hồ, con cá quy hoạch ấy dễ bắt hơn con cá họa may bao đời nay cứ chuội theo dòng nước suông Nho Quế. Tôi rân rân theo cái vỗ vai bồm bộp của Giàng Súa ăn canh cá với mèn mén ngon không kém canh thịt chuột nhà báo à...

Chao ôi chuyện của ba năm sau mà như ngày mai ngày mốt vậy! Nhưng mà ba năm so với bao đời nay là một cái gì có thể tin được? Tôi bất giác nhớ đến cái ao cá mà hiệp thợ tận bên Vân Nam dày công tạo ra ở biệt thự đá của "vua" Mèo Dương Trung Nhân. Con cá của người Mèo. Con cá tươi trên cao nguyên đá hơn ngàn mét! Như cơm với cá như mạ với con.

Người xuôi còn nắc nỏm ao ước! Qua bao biến thiên, cái ao ấy nay đã trở thành bằng địa. Lần ấy lên Mèo Vạc, tôi đã có một tối ngồi với một người cháu của họ Dương từ bên Mỹ về. Một buổi tối thanh bình sau bao năm hiềm khích lẫn xa cách.

Những người con người cháu của họ Dương nếu trở về thăm Mèo Vạc ba năm sau chả hạn, trục con cá dưới hồ thủy điện Nho Quế tươi roi rói lên mà nhậu, thay vì con cá trong cái ao tù đã thăm thẳm xa?

Bữa xuôi Mèo Vạc tôi cứ lẩn thẩn nghĩ đến con cá trong khúc tráng ca Nho Quế trên cao nguyên đá...

8-2007

Ghi chép của Xuân Ba

MỚI - NÓNG