Theo dấu hổ ba chân

Theo dấu hổ ba chân
TP - Chúng tôi lại ngược đường 20 tìm đến Km 16+500, nơi mấy ngày trước đây những người thi công công trình nhà chờ di tích Hang Tám Cô thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng có thông tin về sự xuất hiện của một con hổ 3 chân.
Theo dấu hổ ba chân ảnh 1
Ông Hạnh chỉ tay về nơi phát hiện ra dấu chân hổ

Con đường 20 huyền thoại xuyên giữa cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng loáng nước sau những cơn mưa rừng. Tốp thợ dăm người làm việc cầm chừng ngay trên bãi đỗ xe cách di tích Hang Tám Cô chừng 500m. Họ nhìn chúng tôi cảnh giác và thận trọng. Đi qua tốp thợ này, chúng tôi đi vào khu di tích Hang Tám Cô để dâng hương.

Bất cứ ai khi đi ngang qua đây đều phải vào hang thắp hương cho các anh, các chị TNXP đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông tuyến. Sự hy sinh của họ như một huyền thoại.

Bom Mỹ đánh sập cửa hang, 8 TNXP (4 nam, 4 nữ) bị kẹt lại trong đó. Đồng đội của họ đã cố gắng hết sức phá cửa hang cứu họ nhưng bất thành. Họ ở lại mãi mãi trong hang, ở lại với con đường và mảnh đất thiêng này...

Giờ ở đây đã là một địa chỉ di tích lịch sử trên con đường của tuổi 20. Canh giữ cho khu di tích này luôn có mặt một tổ gồm 3 người của Trung tâm Du lịch- văn hóa- sinh thái, thay phiên nhau túc trực.

Một chiếc lán che tạm nằm bên mé đình thiêng. 3 thanh niên co ro bên bếp lửa. Công việc của họ là bảo vệ sự tôn nghiêm ở đây và hướng dẫn, phục vụ du khách vào dâng hương. Cứ một tuần, họ thay ca một lần...

Những người nhìn thấy hổ ba chân

Ca trực lúc này có Trần Quốc Lữu, Trần Việt Ngữ và Trần Đình Long. Lữu kể mấy hôm trước, ba người xuống lán trại của anh em công nhân phía dưới chơi. Đêm giữa rừng hoang buồn lắm. Có người lên làm công trình là vui rồi.

Trời vừa tối mà đã thấy các anh các chú giục nhau đóng cửa lán. Cả ba thấy lạ hỏi, thì có người nói vọng ra: Bọn bay ở trên đó cũng nên thận trọng đó. Có một con hổ đang quanh quẩn ở đây...

Kinh hãi, họ vào hẳn lán nghe cho rõ thực hư.

Những người công nhân kể: “Chúng tôi ở mãi tận Cảnh Hóa (Quảng Trạch - Quảng Bình) lên đây làm thợ xây dựng công trình này. Giêng hai có được việc làm ở giữa chốn rừng xanh này cũng đã là quý lắm. Lương thực, thực phẩm mang theo cũng hạn chế. Xong buổi làm, chúng tôi thường đi xuống khe suối trước mặt tìm hoa chuối rừng và đánh bắt cá thêm để cải thiện.

Hôm đó, 3 anh em chúng tôi xuống khe bắt cá. Cái bãi cát được chúng tôi là phẳng hôm trước để cho cá nhảy thì bỗng hôm nay có nhiều vết chân thú lạ. Tôi cũng đã nhiều năm vào rừng hái mây nên ngờ ngợ. Những dấu chân to hơn miệng bát, cứ 3 chân một đều nhau.

Chúng tôi lại rà phẳng bãi cát này và hôm sau lại xuống, lại thấy những dấu chân thú lạ. Trên những dấu chân, ruồi nhặng bu đầy. Theo những người có kinh nghiệm thì, dấu chân hổ thường có hiện tượng như vậy. Chúng tôi cùng đi giật lùi trở lại lán. Tối đến, không ai bảo ai chúng tôi đều tự giác đóng cửa sớm.

Đêm. Hai thành viên trong nhóm mở cửa đi ra ngoài vệ sinh. Chẳng dám đi xa đâu, ngay sát lán thôi và quét đèn pin xung quanh. Trong ánh đèn pin, phía mỏm đá phía trước mặt hai mắt của một con thú to đóng đèn sáng rực như hai quả cầu thủy tinh. Ào một cái, con thú xé rừng biến mất... Nhiều khi nửa đêm thức giấc, chúng tôi nghe rõ lắm tiếng gầm rền quanh quẩn nơi đây...”.

“Họ kể cho chúng tôi những gì họ thấy và khuyên: Anh em ở trên đó khi vào rừng lấy nước và đêm ngủ phải hết sức cẩn thận” - Lữu dừng lời kể.

Lúc này ngồi trong lều tạm ngay sát đền thờ Hang Tám Cô, một mái lều tạm bợ đã tồn tại mấy năm. Mái và chung quanh vây che bằng vải bạt. Lữu, Long, Ngữ nhìn chúng tôi và bày tỏ sự ái ngại: “Khi nghe thông tin trên chúng em cũng sợ lắm. Đêm đến chúng em đốt một đống lửa to và trang bị cho mình những gì có thể xung quanh. Lán dã chiến của chúng em chẳng có cửa nên đêm cứ nhấp nha nhấp nhổm chả ai dám ngủ say. Thoáng nghe tiếng xào xạc của gió thôi đã ngồi nhổm cả dậy. Thú thật, tâm trạng bọn em khá căng thẳng”.

Chúng tôi tìm xuống dưới nhóm thợ kia đem chuyện của Lữu ra kiểm chứng. Họ nhìn nhau dò hỏi, có nên nói thật việc này? Ông Nguyễn Văn Hạnh, nhóm trưởng và ông Cao Văn Muối đã chỉ cho chúng tôi phía con suối phía trước mặt, nơi họ đã nhìn thấy dấu chân hổ.

Mấy hôm trước, khi thông tin trên loang rộng thì đã có nhiều người tìm đến đây. Họ trấn an và động viên rằng đó không là hổ. Nếu chứng thực thông tin trên loang ra thì việc điều thêm nhân công lên đây sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói, nhiều công nhân đã có ý định bỏ việc quay trở về...

Cuộc bẫy thú kinh hoàng

Theo dấu hổ ba chân ảnh 2
Công nhân đang thi công nhà chờ

Rất khó khăn chúng tôi mới tìm gặp lại được một thành viên trong phường săn khét tiếng năm nào.

Ông tên là Bườn, năm nay cũng đã ngoài 60. Vì lý do tế nhị theo yêu cầu của ông chúng tôi không thông tin địa chỉ. Ông kể: “Tốp săn của ông ngày đó có 5 người. Có 2 khẩu súng trường từ hồi chiến tranh được cất giấu trong hang đá. Mấy năm trước đã nộp lại rồi”.

Cách đây chừng 7 năm, một cuộc bẫy thú kinh hoàng đã diễn ra. Hàng ngày họ vào rừng Phong Nha – Kẻ Bàng đặt bẫy treo. Với loại bẫy này thì thú lớn nào dính bẫy cũng chịu quy phục. Họ chọn địa điểm mà thú thường đi.

Chọn một loại cây rừng to, dẻo dai vít cong xuống và thắt thòng lọng, cài lẫy và ngụy trang chờ thú đi qua. Hàng trăm chiếc bẫy như thế được cài dày đặc trong rừng nguyên sinh. Cứ vài ba hôm họ lại vào rừng thăm bẫy một lần...

Lần đó ở gần khu vực bản Đoòng, khi họ vào gần đến nơi khu vực đặt bẫy đã nghe tiếng gầm gừ dữ tợn. Một con hổ dính bẫy. Chân trước của nó bị treo lên. Nó đang giẫy giụa, quẫy đạp khiến cho cả đám cây rừng xung quanh đổ rạp và gãy nát. 3 người ở lại. Hai người chạy về nơi giấu súng. Chúng tôi chỉ còn cách phải bắn hạ nó.

“Lúc đó mắt con hổ vằn lên dữ tợn lắm và như nó biết tình thế sắp đến của mình. Nó búng người nhảy lên chao đảo trên không. Nó lại tì chân dính dây vào miệng cắn. Nhưng loại dây cáp to làm thòng lọng quá chắc nên nó không thể. Vùng vẫy một lúc nó đi đến quyết định sống còn. Chúng tôi đứng từ xa nhìn, cứ ngỡ nó cắn dây. Ai ngờ nó cắn chân nó. Phựt. Cần cây vít cong bật ngược trở lại.

Sợi dây thòng lọng còn lại chỉ toòng teng bàn chân trước của con hổ, vừa lúc hai người ôm súng chạy đến. Chúng tôi tiếc ngẩn ngơ. Đó là chuyện của mấy năm về trước rồi, khi chúng tôi chưa “giác ngộ” về Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng” - Ông Bườn cười.

Liệu con hổ ấy có là con hổ đang xuất hiện gần đường 20 ở khu vực Hang Tám Cô? Ông Bườn: “Có thể là nó. Người ta bảo hổ 3 chân thành tinh. Khôn và giảo quyệt lắm. Vùng này hổ xuất hiện không phải là chuyện hiếm nhất là khi nó được bảo vệ tốt như lúc này...

Hổ đã ăn thịt nhiều gia súc?

Đem những thông tin này trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hiệp, Giám đốc Vườn Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Hiệp cho hay rằng, vùng Phong Nha – Kẻ Bàng trước đây theo nghiên cứu, là vương quốc của hổ. Nhất là ở vùng bản Đoòng. Chiến tranh, bom đạn dọc suốt tuyến đường 20, nên hổ phải di trú sang phần liền kề của di sản ở Hin Nậm Nô (Lào).

Ngay từ khi có quyết định thành lập Vườn và Vườn trở thành Di sản TNTG thì sự đa dạng sinh học của vùng này dần dần phục hồi trở lại. Tôi còn nhớ cách đây chưa lâu, đã có hộ dân lên bắt đền Vườn vì lý do: Có Vườn rồi, sao Vườn không bảo vệ nhốt hổ lại, lại để hổ trong một đêm ăn thịt hết 9 con trâu bò của họ.

Cũng cách đây 3 năm, trong một đêm, hổ đã ăn 3 con trâu bò của một người dân tộc. Việc hổ xuất hiện gần đường 20, ngay trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn, theo những thông tin mà người dân cung cấp, thì cũng là chuyện bình thường.

Việc cần làm là cảnh báo để người dân sống và làm việc nơi đây thận trọng, đề phòng và chủ động thông tin cho những người mới đến cảnh giác. Việc của Vườn là tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt vùng này, ngăn chặn sự manh động của một vài thợ săn lén lút. Trên hết là triển khai các biện pháp bảo vệ người và gia súc, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Chỉ còn 4 tháng nữa là Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với thêm một hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận lần 2 với tiêu chí đa dạng sinh học đang mở ra nhiều triển vọng cho di sản này. Hổ đã tìm được môi trường yên bình ở đây và xuất hiện ngay cạnh đường 20 huyền thoại.

MỚI - NÓNG