Chuyện làm giàu của người thương binh đặc biệt:

“Thép đã tôi thế đấy!”

“Thép đã tôi thế đấy!”
TP- Trong một lần ngồi cùng đại tá Lương Tiến Đại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) của tỉnh Quảng Bình nói về những người lính trở về sau trận chiến, ông Đại lấy làm thán phục và kính nể về một người mà theo như cách của ông bày tỏ là rất quý, rất hiếm ở trên dải đất tuyến lửa một thời này.

Ông khuyên tôi nếu có điều kiện hãy tìm gặp con người ấy. Thông tin mà ông Lương Tiến Đại đưa ra chỉ là: Lê Văn Ân, trú tại xã Phú Định (Bố Trạch, Quảng Bình).

“Thép đã tôi thế đấy!” ảnh 1
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến thăm trang trại của anh Ân

“Trong lửa nóng và nước lạnh...”

Mấy lần tìm rồi tôi cũng gặp được anh Nguyễn Văn An, bạn nhập ngũ cùng ngày với Lê Văn Ân, hiện là người cùng xã. Tình nguyện đưa tôi đến nhà anh Ân, anh An bảo: Tính Ân thẳng thắn, chân tình và cởi mở lắm.

Ngôi nhà cấp 4 của anh Ân được xây khá chắc chắn với hệ thống nhà trên nhà dưới khép kín. Nhà chỉ cách đường Hồ Chí Minh chừng 30m, nhưng nếu không có người dẫn đường thì khó tìm ra. Bởi nhà nằm trong vườn cây trái um tùm, khuất kín. Theo như anh An nói thì gặp anh Ân rất khó. Hầu hết thời gian anh dành trọn cho trang trại đang đến mùa thu hoạch của mình.

Có lẽ lúc chúng tôi tìm đến vào lúc giữa trưa nên anh Ân có nhà. Hình như anh đang tắm sau buổi làm từ vườn rừng trở về. Chúng tôi ngồi đợi ngay trên khuôn chiếu giữa nhà. Anh Ân xuất hiện. Tôi sửng sốt đến bàng hoàng. Tôi chưa hề chuẩn bị tinh thần để hình dung về một anh Ân như thế. Một thân hình gầy quắt, săn chắc như sợi dây thép. Hai cánh tay cụt lên gần đến khủy đang khum lại ôm bình nước to. Anh Ân ngồi xuống chiếu đối diện tôi. Tôi nhận ra con mắt phải của anh bằng nhựa đục mờ...

Cũng vẫn tư thế đó, anh chắt nước ra từng ly mời khách. Chính xác đến lạ lùng. Tôi dán mắt nhìn anh bần thần khó tả. Anh đứng dậy đi xuống bếp. Lần này lên, trên 2 cùi tay của anh kẹp một chùm nhãn lồng. Của “cây nhà lá vườn” anh bảo thế. Nhìn cái cách anh ăn nhãn tôi cứ sững sờ vì không thể tin, con người lại có thể uyển chuyển và khéo léo đến vậy trong mọi hoàn cảnh.

Tôi chưa thể định thần trong lúc này trước anh, nên chúng tôi cứ lặng yên thế một khoảng dài. Mãi khi anh An tếu táo vài câu đùa, không khí trở nên thân thiện và gần gũi. Câu chuyện về anh cũng từ đó dần dần hé mở.

Sinh năm 1966, là con trai đầu trong một gia đình có 5 anh em. Trước đây gia đình anh ở Tây Trạch (Bố Trạch) nhưng vì mưu sinh nên cả nhà đã chuyển hẳn lên vùng đồi Phú Định này. Khi vừa tròn 18 tuổi, như bao thanh niên khác, anh lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị của anh được tăng cường cho mặt trận K.

Đó là những năm tháng đầy hiểm nguy và ác liệt. 3 năm bám trụ ở chiến trường này. Cho đến một ngày, khi đơn vị của anh rơi vào một bãi mìn bẫy. Giờ trong ký ức của anh rõ lắm khoảnh khắc ấy. Một tiếng nổ vang lên. Tất cả như rơi vào hư không. Tỉnh lại, thấy đôi cánh tay mình nhẹ bẫng. Mắt nhói đau và chẳng thấy được gì. Đồng đội đưa anh trở lại tuyến sau. Vết thương quá nặng, anh được đưa về  trại điều dưỡng 646 ( Củ Chi-Quân khu 7).

Anh Ân nhìn tôi hỏi: “Anh có hình dung được tâm trạng của một người đang vẹn nguyên bỗng chốc trở nên tàn phế nó thế nào không? U ám, buồn nản và chỉ nghĩ đến những điều dại dột thôi. 5 năm nằm tại Trại điều dưỡng. Bao lời động viên, an ủi cũng không làm tôi nguôi nhớ quê nhà và tôi quyết định phải về thôi. Về với người thân, về với quê hương làng xóm. Có thế may ra tôi còn có hy vọng để sống nốt phần đời quá dài còn lại”.

Người thân đón anh về với hạng thương binh nặng 1/4. Anh trọn vẹn sống trong sự đùm bọc, yêu thương và sẻ chia của những người ruột thịt. Ngày qua ngày như thế. Ai cũng bảo anh nên đành lòng cam chịu số phận rủi ro này. Còn sống để trở về là hạnh phúc hơn những người mãi mãi nằm lại giữa rừng thiêng nước bạn. Tiền trợ cấp cũng đủ để anh sống qua ngày. Nhưng với anh, càng ngày càng cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho mọi người. Anh không thể nào chịu được bao ánh mắt nhìn anh xót xa, thương hại. Bao đêm dài không thể nào ngủ được.

Trằn trọc nghĩ mình phải làm một điều gì đó. Nhưng đó là điều gì thì anh chưa thể nghĩ ra. Cứ ngày ngày anh tha thẩn đi lên rồi đi xuống khoảnh đồi hoang trước mặt. Thèm muốn lắm để chinh phục đồi hoang, nhưng nhìn lại mình, anh nhiều lần từ bỏ ngay ý định. Người ta bảo “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”. Anh có gì đâu ngoài ý chí, nghị lực và quyết tâm...

“Thép đã tôi thế đấy!” ảnh 2
Anh Ân bên gốc vải thiều

Rồi một ngày, anh quyết định thử sức mình với sim mua, lau lách, sỏi đá cằn khô. Nói ý định đó với người thân, ai cũng can ngăn, lắc đầu, lè lưỡi. Thằng Ân khùng mất rồi. Bao nhiêu người khỏe như voi, có lực, có sức thế mà nhìn đồi hoang họ đã chồn chân, mỏi gối. Mọi người nhìn anh ngỡ vết thương vùng đầu đã khiến anh không tự lượng sức mình. Mặc. Anh đã quyết là anh làm...

Anh Ân hướng ánh mắt còn lại ra khoảnh rừng xanh um trước mặt. Lúc này đây, hình ảnh những ngày cam go, khổ ải của những ngày chưa xa như hiện ra mồn một. Anh ngồi lặng như thế để trọn vẹn sống với hoài niệm. Đồng đội của anh thay anh kể tiếp: Khi hay tin Ân quyết định lên khai hoang vùng đồi trước mặt, tôi lo cho sức khỏe rất có hạn của Ân. Nhưng đã biết tính Ân, đã quyết là làm nên tôi chẳng dám can ngăn.

Đầu năm 1995, để bắt đầu cuộc chinh phục đồi hoang Ân tự sắm cho mình một chiếc cuốc cúp và một chiếc xà beng. Xé áo quần cũ ra từng miếng dài làm dây, nhờ người buộc cán cuốc, hoặc xà beng vào hai đốt tay còn lại và tập cuốc, tập đào. Cứ thế, từng ngày, từng ngày, một mình anh lầm lũi với đồi hoang. Những mét vuông đất đồi được vỡ cứ rộng thêm. Cuốc và xà beng va vào đá tóe lửa. Cùi tay anh va vào cuốc máu chảy thành dòng. Áo quần cũ đã không còn để anh xé làm dây buộc cuốc. Hàng xóm thương anh cho thêm áo quần cũ, anh mừng lắm.

Từng ngày một anh đánh vật với đồi hoang, để đêm về anh nằm vật với toàn thân tê dại. Bền bỉ như thế không kể trời nắng hay mưa. Đông hay hạ. Ba năm ròng rã. Tấm áo lính bạc màu luôn đẫm ướt mồ hôi và đã khiến cho nó cứng queo như vải bạt. Cho đến cuối năm 1998, tức là khi 2 cùi tay anh đã chai lại như sừng và bàn chân tòe ra cứng như đá chẻ thì cũng là lúc gần 2 ha đất đồi được anh chinh phục và cây cao su đã bắt đầu bén rễ... Anh chưa lấy đó để tự bằng lòng.

Dự định của anh là một trang trại vùng đồi khép kín. Tiếp những tháng ngày vật lộn đào ao thả cá. Rồi những ngày đốn gỗ làm chuồng trại chăn nuôi. Quanh vườn nhà, không để cho đất nghỉ, anh trồng hơn 200 cây ăn quả chủ yếu là nhãn và vải thiều. Cho đến lúc này đây, có lẽ anh đã tự cho phép mình được nhàn một chút để quản lý trang trại mà anh đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa mới tạo dựng được. Gần 2 ha cao su đã đi vào khai thác 3 năm nay cho thu nhập cao. Cây ăn quả trong vườn cùng ao cá với gia cầm, gia súc trong chuồng đủ để gia đình anh vững vàng. Anh chưa bao giờ tự nhận mình là điển hình hay mô hình làm ăn kinh tế giỏi.

“Thép đã tôi thế đấy!” ảnh 3
Vợ chồng anh Ân trong ngày cưới

Hạnh phúc bất ngờ và bình dị

Suốt cả cuộc nói chuyện với anh tôi để ý thấy bóng của một người phụ nữ thoắt ẩn, thoắt hiện trong khung cửa nhà dưới. Người phụ nữ còn rất trẻ và khá xinh. Tôi không dám hỏi anh vì sợ mình bị hớ. Bởi vì nếu như không được giới thiệu ngay từ đầu rằng anh mới 42 tuổi thì tôi đã đoán anh ngoài tuổi 50. Vùng đồi kia đã vắt kiệt anh già quắt, rắn đanh. Như đoán được điều tôi đang băn khoăn, anh bảo: “Vợ tôi đấy”.

Về làng tôi như một phế nhân. Trẻ nhỏ trong làng lúc đầu nhìn tôi cứ rúm cả người lại. Hàng xóm nhìn tôi, dù không nói nhưng họ cứ ngài ngại thế nào. Tôi thủ phận cố thủ một mình ở nhà với tất cả sự cô đơn và đắng cay vốn có. Tôi không nghĩ đến chuyện mình sẽ lập gia đình dù lúc đó tôi còn rất trẻ.

Rồi một ngày có cô bé trong làng thường đến giúp tôi làm những chuyện lặt vặt. Có lúc đánh bạo ngồi nói chuyện linh tinh cùng tôi cho đỡ buồn. Tôi coi cô bé như đứa cháu vì lúc đó cô bé kia kém tôi đúng một giáp (12 tuổi). Dần dà thành thân. Nhưng tôi không cho phép mình được nghĩ khác. Con cái người ta đang phơi phới thế kia, tôi không nỡ để họ phải khổ, phải chịu thiệt thòi cùng tôi.

Nhưng rồi tôi là người “bị tấn công trước”. Anh Ân đưa ánh mắt nhìn về phía khung cửa nhà dưới hóm hỉnh. Thật đấy. Anh không tin cứ hỏi Hòa mà xem (vợ anh tên là Trần Thị Hòa). Chị Hòa nói vọng từ dưới bếp: Bây giờ lấy được người ta rồi mặc sức nói trạng. Anh Ân tiếp: Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Liệu Hòa yêu tôi thật hay chỉ là thương hại. Hỏi Hòa, Hòa bảo kính phục tôi và muốn cùng tôi sẻ chia những khổ đau, vất vả. Bao lần thử và chắc chắn rằng Hòa yêu tôi thật, thế là chúng tôi làm đám cưới.

Tôi mời chị Hòa lên ngồi cùng anh Ân chụp chung một kiểu ảnh, chị cứ mãi chối từ. Chị bảo có anh Ân là được rồi. Tiếng cười khúc khích từ nhà dưới vọng lên nghe sao mà hạnh phúc và đầm ấm lạ. Có với nhau 3 mặt con. Con lớn đã vào lớp 7, bé út bước vào lớp 1. Có lẽ ngần ấy đã đủ để anh Ân thỏa nguyện lắm rồi.

MỚI - NÓNG