'Thiên đường' chưa dọn dẹp

'Thiên đường' chưa dọn dẹp
TP - Chúng tôi xuống dải cát vàng đã được chiêm ngưỡng từ lúc trên tàu. Đúng lúc nước lên, phần còn lại của bãi Cô Tô rải đều... rác. Ngồi thì còn được chứ nếu nằm ra sẽ khó tránh khỏi va vào lốp xe, vỏ chai, dép guốc, áo xống, cành khô hay có khi chính là cái ruột gối...

Khách du lịch đến Cô Tô, Quảng Ninh lèo tèo. Chúng tôi 7 người, lưu trú 2 đêm đã được các anh lái tàu phong là đoàn khách đông nhất, ở lại lâu nhất trên đảo.

Tiếng là như thế nhưng vẫn còn không ít bãi biển khác ở Cô Tô Lớn, Cô Tô Con và Thanh Lân (3 đảo lớn nhất nằm trong quần đảo Cô Tô gồm hơn 30 đảo lớn nhỏ) chúng tôi chưa kịp đặt chân.

'Thiên đường' chưa dọn dẹp ảnh 1
Đường phi lao ven bãi Cô Tô tiếp tục được nối dài

Tìm trên mạng được đôi ba  bài viết về Cô Tô 2 năm trở lại đây không nhìn từ góc độ kinh tế du lịch thì cũng của người đi khai phá tour. Còn chúng tôi chọn Cô Tô đơn giản cho một chuyến du khảo cuối tuần.

Ngán ngọt ở Vân Đồn

Không nhiều khách đến với Cô Tô thể hiện ở việc tuyến đường thủy từ Hạ Long đến Cô Tô đã bị hủy bỏ. Nếu xuất hành từ Hà Nội vào buổi chiều, du khách phải nghỉ đêm tại Vân Đồn để hôm sau đón chuyến tàu sớm ra Cô Tô.

6 giờ tối đi từ Hà Nội, đến Vân Đồn cũng chỉ hơn 10 giờ. Thị trấn Vân Đồn quá xinh bao gồm 2 con phố và 1 ngã tư hướng ra bến tàu. Đoàn chúng tôi gần như nghỉ một mình một nhà. Nhà nghỉ sẵn sàng nhận khách với giá thấp hơn niêm yết, với điều kiện “nhịn” điều hòa. Tội gì không mở cửa phòng để đón gió biển!

Trời mát và thực đơn hải sản tươi sống phong phú giữ chúng bên lề đường đến quá nửa đêm. Sau mấy ngày mưa, thịt ngán rất ngọt. Chủ quán giới thiệu món bàn mai vốn là đặc sản tại các nhà hàng hạng sang trong đất liền (Vân Đồn nguyên là đảo - mới nối với Cửa Ông bằng cầu).

Chị chủ từ Nam Định phiêu bạt ra đây sau trận vỡ hụi cho hay: “Nhà mình có người thu mua ngay tại bến Thanh Lân nên có nhiều đồ mà nơi khác không có”. Theo chị, giờ đang là mùa Trung Quốc “cấm biển” nên hải sản khan hiếm. Hỏi ra thì tháng 6-7 là mùa sinh sản của tôm cá, bên Trung Quốc cấm đánh bắt. Nhưng không cấm ăn, nên hàng Việt Nam càng bị tận thu.

Từ Vân Đồn đến Cô Tô mất 3 tiếng hơn. Sau nửa chặng cuối đi trong mưa, Cô Tô hiện ra trong nắng tươi với một dáng vẻ không thể hấp dẫn hơn. Vòng cung đảo như vòng tay ôm khách vào một vụng biển phẳng lì như mặt hồ. Còn màu xanh cô-ban rất dịu của nước chắc sẽ làm họa sĩ phải rất lâu công mới pha được. Men theo “vòng tay” Cô Tô là dải cát vàng tít tắp...

Tắm chung với... rác

Chúng tôi xuống dải cát vàng đã được chiêm ngưỡng từ lúc trên tàu. Đúng lúc nước lên, phần còn lại của bãi Cô Tô rải đều... rác. Ngồi thì còn được chứ nếu nằm ra sẽ khó tránh khỏi va vào lốp xe, vỏ chai, dép guốc, áo xống, cành khô hay có khi chính là cái ruột gối... Đại loại là đủ thứ vứt đi. Dù đảo có chỗ để rác hẳn hoi, nhưng ngờ rằng tàu thuyền trong bến chẳng cất công tìm đến tận bãi để xả.

Dãy nhà tạm - cũng là dãy phố “thương mại” của đảo - đồng loạt quay “đuôi” ra biển. Cửa cống sau chợ Cô Tô bốc mùi nồng nặc. Càng gần chỗ người ở, bãi cát càng chuyển sang màu xám rêu. Đôi chỗ bắt gặp đống rác vun gọn trên cát. Đường phố cũng thế, đi một đoạn lại có đống rác. Phía đầu cắm biển cho biết đây đã là “đoạn đường tham gia dự thi Đường phố đẹp và trật tự an toàn giao thông”!

Trở lại bãi Cô Tô, các kiểu rác vẫn không ngăn nổi du khách xuống nước. Vài dân sở tại cũng bình thản ngâm mình làm du khách thêm vững tâm! Chỉ cần thêm yếu tố sạch thì đây sẽ là bãi tắm lý tưởng với mọi đối tượng du khách - cát mịn, thoải, trải dài đến bất tận và tiện đường.

Một yếu tố giữ chân du khách là vô số ốc đẹp và lạ. Sau lần gọi món ốc ở quán bên đường, mới vỡ lẽ một phần vì sao bãi tắm đầy vỏ ốc... Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp vỏ của một loài cá lạ, có đôi môi chúm chím và 2 cặp sừng trắng ở đầu và đuôi. Đầu cá khá giống đầu bò. Dân ở đây gọi là cá nóc.

'Thiên đường' chưa dọn dẹp ảnh 2
Phía sau chợ Cô Tô

Xe không mất

Dân trên đảo xác nhận, xe đạp xe máy không khóa để ngoài đường vô tư. Trước sảnh nhà khách lúc nào cũng dựng một chiếc mini Tàu dáng chừng công cộng, khách cứ thế lấy đi cả buổi rồi lại để vào đúng chỗ cũ. Chị cán bộ nhà khách kiêm chủ “nhà hàng” (người gốc Hà Nội) của chúng tôi tình nguyện cho mượn và mượn hộ xe đạp. Một chị chợ về đạp qua liền bị vẫy ngay lại trưng thu xe.

Qua những thông tin gạn lọc được, chúng tôi thẳng tiến bãi Bắc Vàn - cách nhà khách 7km. Phong cảnh hai bên đường rất bắt mắt, dẫn du khách từ địa hình đồng ruộng, trảng cát, đồng cỏ đến đồi núi và cả “hồ trên núi” - hồ nước nhân tạo trữ lượng tới 60 vạn m3 do đắp đập mà thành.

Gần đến bến Bắc Vàn, trên đầu du khách xuất hiện những con nhện to ít nhất phải bằng ngón tay cái chăng tơ từ tán cây bên này sang bên kia đường. Tuyến đường nhựa và bê tông (chỉ trong khoảng 20km) ở Cô Tô khá ổn cho việc đi xe đạp - giá mà có xe đua hoặc xe địa hình! Đi xe máy không thể đem lại cảm giác mạnh lúc thả dốc không phanh. Hơn nữa, kể cả hải sản tươi sống thì cũng phải có vận động mới dễ tiêu.

Buổi sáng cuối cùng trên đảo, mưa rả rích đã không ngăn nổi du khách tranh thủ. Sẵn xe đạp mượn, bến Thanh Lân thẳng tiến. Thuyền bè mắc cạn trong mưa. Triều xuống trơ toàn đá sỏi  thoạt nhìn không có vẻ gì hứa hẹn. Nhưng chỉ cần tiến lại bãi đá, thái độ của du khách sẽ đảo ngược.

Không chỉ vì lớp lớp đá hè nhau chạy ra biển mà còn vì hoa văn trên đá - tạo ra vô vàn những bố cục trừu tượng - khiến các tay máy nghiệp dư cũng phải lên cơn bấm lia lịa. Đi một đoạn gặp một tấm biển xi măng ốp vào đá, đề: “Cấm đánh bắt hải sâm...”. Chứng tỏ chỗ này phải rất nhiều hải sâm - ngâm rượu uống thì bổ.

Nếu cứ bắt chắc cũng chày vảy vì đến sát biển, bãi đá đã trở thành bãi hà sắc nhọn. Mải ngưỡng mộ đá, bỗng thấy nhói dưới chân. Nhìn xuống thấy một đám rải đầy gai, hơi giống gai bồ kết. Một chiếc đâm xuyên qua dép tông.

Lại có một số mảnh vỏ xanh rêu lạ mắt to bằng quả cà bát. Dân thành phố bắt đầu tưởng tượng đến một loại động vật bí hiểm, thấy mình càng như đang dạo trên bề mặt sao Hỏa. Vào bờ mới vỡ lẽ là 2 bộ phận của vỏ con cầu gai (ăn được) chất đầy ở đống rác!

Bãi đá Thanh Lân ngốn trọn gần 2 giờ đồng hồ cuối cùng của chúng tôi trên đảo Cô Tô, mà nhu cầu khám phá vẫn còn. Hết khám phá này đến khám phá khác: 3/4 bánh xe đạp đã bị cắt vào tận xăm. May mà đường về chưa đầy 2 cây, không thì nhỡ tàu như chơi.

Ngồi ngẫm ra thì kẻ thủ kéo xén hẳn 3 đôi xăm lốp hẳn phải thù oán mình chi đây. Mà mấy ngày qua, mình đã kịp “đắc tội” gì với ai- trừ mấy bác xe ôm mấy bận mất công đón lõng... Thủ phạm có thể chỉ một người, nhưng trên đường tản bộ, du khách không tránh khỏi nhìn ai cũng thấy nghi ngờ.

Ngày cuối ở Cô Tô loại hình du lịch bỗng chuyển sang “mạo hiểm”. Hai bạn khác trong đoàn thuê xe máy tính leo lên ngọn hải đăng ngắm cảnh (theo quảng cáo của các đoàn đi trước) - đã không được vào còn bị một số người ở đó xua chó ra đuổi khi 2 người đang xuống dốc! Bạn gái sợ quá ngã sứt cả chân...

Có thể Cô Tô chưa sẵn sàng là điểm du lịch (đây còn là điểm tiền tiêu giáp ranh Trung Quốc) nhưng những cách hành xử như vậy ở bất cứ đâu cũng là rất khó hiểu. Đó là 2 trường hợp cá biệt. Dọc đường, không ít lần chúng tôi được dân đảo vui vẻ chào hỏi, có khi bằng tiếng Anh hẳn hoi.

Trong ngày mạo hiểm, sóng cũng lớn hơn hẳn. Chuyến tàu về Vân Đồn, mạnh ai nấy ngủ cho qua cơn choáng. Vào đến hải phận Bái Tử Long, sóng êm, mọi người tỉnh lại, các tay máy lại không ngừng xoạch xoạch. Ai cũng muốn tự mình ghi hình non nước.

Bốn giờ chiều tàu cập bờ và chỉ 5 tiếng sau là ai đã về nhà nấy. “Biết xe cộ dễ dàng thế này thì mua mấy cân ngán đem về,” cô bạn chép miệng.

Đảo Cô Tô thật thích hợp với các bạn trẻ ưa khám phá. Chi phí/người cho chuyến đi của chúng tôi chỉ xấp xỉ tiền thuê phòng resort ở Quan Lạn trong 2 đêm. Điểm du lịch biển hoang đã từ Quan Lạn 3-4 năm trước nay đang chuyển sang Cô Tô. Hãy đến với Cô Tô khi hòn đảo (có thể) còn chưa sẵn sàng chào đón bạn!

MỚI - NÓNG