Thôi rồi, Quách tiên sinh…

Thôi rồi, Quách tiên sinh…
TPO - Chiều ngày 1-5, nhận được tin dữ: Ông Quách Lê Thanh, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, Nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh Ủy Thanh Hoá..., người mà báo giới chúng tôi vẫn gọi thân mật là Quách tiên sinh đã đột ngột từ trần.

>> Gặp lại ông Quách Lê Thanh

Tiên sinh? Có lẽ cũng nhiêu khê với lại chả đúng cách lắm khi cánh làm báo bọn tôi cứ nê vào chỗ quen biết lẫn thân gần, mỗi bận gặp có chủ đích công việc hay bất chợt đều buông thứ đại từ nhân xưng hơi bị hoành tráng: Quách Lê Thanh tiên sinh! 

Một ông bạn đồng nghiệp cao niên từng gục gặc lẫn xuýt xoa cái đận ông Thanh nộp cho cấp trên hơn trăm triệu đồng tiền lối hộ rằng rồi sẽ hạ hồi phân giải nhưng hành vi kêu toáng lên với cấp trên vụ việc ấy thời buổi này trong mặt bằng chung hiện nay chả phải là chuyện đương nhiên?

Tôi lẩn mẩn giở lại đoạn băng ngày ấy đã thâu, buổi ông Quách Lê Thanh bộc bạch trước sự có mặt của nhiều ký giả sau khi sự việc “bung” ra: “Trong những ngày này, tôi đã tự thống kê lại cuộc đời mình cho đến nay. 20 tuổi được vào Đảng, 30 tuổi làm Bí thư Huyện ủy, 38 tuổi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa... cho đến giờ thì tổng cộng có 11 lần lên chức, 1 lần tự xuống và chắc lần này phải xuống, vậy thì trừ đi vẫn còn 9 lần lên chức.

Lần tự xuống là lần đang là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tôi xin xuống làm Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy quê tôi. Lần đó có cả tự ái và tự giác. Lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó hỏi, tôi trả lời như thế.

Tự ái là vì khi các bác lớn tuổi ở tỉnh mất đoàn kết, các bác bảo cháu lên vì cháu là người dân tộc, lại đang trẻ thì cháu vô tư cháu nhận làm vì nghĩ là yên rồi. Không ngờ, các bác tiếp tục mất đoàn kết rồi kéo cháu vào mà trình bày thế nào thì trên vẫn cứ bảo mày phải có trách nhiệm. 

Lúc ấy, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nói cậu tính thế nào, hay ra T.Ư làm Phó Ban Dân tộc, hoặc làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách kinh tế, không làm thường trực nữa.

Tôi nói, T.Ư điều ra bây giờ thì em xin không đi, vì ra T.Ư lúc nào cũng mang cái tiếng gây mất đoàn kết rồi, em thì chưa đến 40 tuổi, mất đoàn kết được với ai? Em là người dân tộc, bố thì tổ phó sơn tràng, mẹ thì không biết một chữ, dòng họ thì không có ai làm quan, bây giờ có một tí chức thì mới kiếm được anh em chứ lúc đói khổ tìm có ông nào đâu.

Cho nên em tự giác xin về làm Bí thư huyện Cẩm Thủy để làm ra ngô ra khoai, nuôi được bò được lợn cho bà con. Người dân vùng dân tộc Cẩm Thủy cần em nhiều hơn chứ không gạt bỏ em như trên tỉnh.

Còn bây giờ trên bảo không dùng nữa thì tôi lại về Cẩm Thủy như ngày  trước thôi...”.

Sau 11 lần lên chức và một lần xuống chức như ông từng bộc bạch thì sau sự kiện báo cáo cấp trên và giao nộp số tiền 110 triệu, tiền của gã thuộc cấp Lương Cao Khải dùng để định chạy tội, lần ấy ông Thanh xuống chức thật!

Nói đúng hơn là ông về hẳn với quyết định nghỉ hưu. Mà về Cẩm Thủy, một miền quê heo hút của miền Tây Thanh Hóa chứ không tá túc cùng con cháu ở căn nhà thuộc phố Tây Sơn của Hà Thành.

Bản Muốt luôn rộng lòng bao dung với người con của bản. Chả biết làm những vương tướng chi chi nhưng cuối đời muốn về thì bản đón. Đón với đủ mọi nghĩa. Gần với ngôi nhà cũ, ông kiếm được đám đất hô đám con cháu họ mạc dựng nên cái nhà sàn và ngôi nhà mới vừa cải tạo lại này!

Dai dẳng và cũng mong manh làm sao cái sự sống? Mới chiều hôm qua (30-4) thôi, bên khung cửa sổ nhà sàn ở Bản Muốt của Cẩm Thủy, chúng tôi còn tựa vào bức vách gỗ căn nhà sàn mới dựng của ông bà cách đây chưa lâu. Chính xác hơn, căn nhà này được dựng lại từ nếp nhà sàn cũ mà năm kia chúng tôi đã có dịp ghé.

Chiều nay mồng Một tháng Năm, những hồi chuông hối hả, những hồi chuông ngày đại lễ chắc chỉ có những tin lành ấy thế mà mở ra chất giọng quen thuộc của một quan chức thảng thốt ông đã nghe tin dữ gì chưa? Ông Quách Lê Thanh mất rồi!

Thôi rồi, Quách tiên sinh… ảnh 1
Ông Quách Lê Thanh (phải) và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu chiều ngày 30-4, một ngày trước khi ông Thanh mất. Ảnh : Xuân Ba

Quan chức vừa loan cái tin dữ là ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Vô tình lẫn bất ngờ gặp ông Bộ trưởng ở Suối cá thần Cẩm Lương Cẩm Thủy cùng với mấy người bạn nữa, ông Triệu rủ hay là ta rẽ vào thăm Quách tiên sinh một tý? Nhà tiên sinh gần đây chắc nhà báo biết? Nghe nói dạo này tiên sinh cái tim có vấn đề… Với lại, ông Bộ trưởng cười, thăm người đã về hưu chứ có đi làm công tác nhân sự cho đại hội này nọ đâu mà ngại!

Tôi thuận ngay. Xe không rẽ vào Bản Muốt mà ghé vào chỗ người bạn hồi cùng đơn vị ở chiến trường Quảng Trị với ông Triệu.  Đúng tầm trưa, một bữa cơm gia đình đã đợi sẵn.  Cả tốp chắc bụng mới rẽ về bản Muốt. Mặc dù đã điện trước nhưng Quách tiên sinh vẫn hơi bất ngờ … Những sải chân của ông trên cầu thanh nhà sàn như có chi hơi lập cập. Bà vợ ông nhắc cứ từ từ thôi. Bà than rằng hôm trước ở Hà Nội, ông đã suýt phải cấp cứu. Căn bệnh huyết áp cùng chứng tim trục trặc quái ác đã khiến lâu nay hạn chế cái việc tung tẩy của ông hết Thanh Hóa, Cẩm Thủy lại Hà thành.

Ông Triệu loáng cái đã nháy anh em cất biến đi cái can không biết đựng thứ chi đùng đục mà người nhà ông Thanh lén đưa ra. Cơm no rượu say chỗ thằng bạn rồi nhá! Chuyện một tý phải biến thôi… Chất giọng oang oang của ông Triệu cất lên. Bên khung cửa sổ nhà sàn, tấm thân vậm vạp của ông Thanh chủ nhà  như thứ cột cái làm điểm tựa cho những tràng chuyện tràng cười râm ran. Tôi không biết ông chủ nhà quen ông Triệu lâu chưa mà xôm chuyện thế?

  Thôi rồi, Quách tiên sinh… ảnh 2

Ông Quách Lê Thanh ( bên trái) lần gặp 2 năm trước. Ảnh Trịnh Tuấn

Lần thăm ngôi nhà sàn cũ năm ấy chiều nắng trời trong veo. Nhưng lần này chiều tự nhiên xám mù xám mịt. Ngó ra không gian bàng bạc ngoài kia tôi nghe bà vợ ông Thanh nói vẫn duy trì phong trào chăn nuôi như trước. Như trước nghĩa là ngoài khu vườn kia có một khu chăn nuôi. Lần ấy lũ ngỗng trong vườn thấy người lạ cứ vống lên thứ âm thanh dõng dạc như hồi kèn đồng. Ngó lũ gà cùng bầy vịt ngan quần cư cùng đám ngỗng trên khoảng vườn hơi dông dốc thấy thích mắt nhưng lạ.

Ông Thanh nói, không biết thật hay vui rằng ông có cách cho chúng đoàn kết được với nhau? Tổng cộng cả bốn giống gia cầm ấy phải hơn trăm con chứ không ít.

Nhân sự nhộn nhịp của cuộc gặp, có người đề nghị ông đọc lại bài thơ mừng ngôi nhà sàn dạo cất lần trước mà tác giả là Quách tiên sinh đây. Trên bộ ván hộp dày 3 phân xẻ từ thứ gỗ sộp của rừng bản Muốt, ông cười khơ khơ nhà cũ nhà mới chi thì cũng một tâm trạng này thôi các ông ạ.

Có quê nay lại có nhà

Từ nay thôi cũng mẹ cha đời đời

Nén hương thơm ấm hồn người

Cha nghèo mẹ khó một đời vì con

Ơn này ghi tạc lòng son

Nhớ lời cha dạy vẫn còn thấm sâu

Con ơi ghi nhớ lấy câu

Giàu sang cũng chẳng bằng giàu nghĩa nhân

Một đời quan vạn đời dân

Từ đây được sống thân gần bà con

Con đi muôn dặm nước non

Công cha hun đúc ý con vững bền

Việc dân việc nước triền miên

Công cha nghĩa mẹ gắn liền tình quê

Ngựa xe lối cũ đi về

Chẳng quên mái ấm cột tre nhà sàn

Biết ơn cô bác xóm làng...

...  Lần gặp trước, tôi rời ngôi nhà sàn đầu bản Muốt ấy với chùm Pồn pồng (thứ hoa trắng muốt từa tựa như cúc đại đoá được chắp từ những mảnh nhỏ của thứ gỗ chàng bạng mà nghệ nhân nào đó của bản Muốt chế tác. Thứ hoa chỉ dùng trong những dịp lễ thiêng của người Mường)  mà ông Thanh  nói là cầm theo đi cho may mắn. 

Chùm hoa Pồn pồng vẫn ngần lên sắc trắng ngà bên góc bàn làm việc của tôi kia. Đúng dịp lễ đưa một người con của Bản Muốt đi xa mãi ấy không biết  có hơi hướng của giai điệu thiêng mo mường lẫn sắc muốt Pồn Pồng?

Chiều muộn Mồng Một tháng 5 tức ngày 18 tháng 3 canh Dần

MỚI - NÓNG