Bí ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn- Bài cuối:

Thông điệp của ngàn năm

Những ngôi nhà truyền thống người Cơ Tu. Ảnh: Nam Cường
Những ngôi nhà truyền thống người Cơ Tu. Ảnh: Nam Cường
TP - “Theo những tài liệu chúng tôi dày công thu thập được, có thể xác định niên đại của văn khắc trên đá vào khoảng thế kỷ IX-X, tức là thời gian đã một ngàn năm. Còn nội dung thì chỉ mới dịch nghĩa được một vài chữ, nhưng cũng vén lên một bức màn bí ẩn về một nền văn hóa xa xưa. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là đoán định thôi” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chămpa, cho biết.

Hành trình giải mã    

Ánh mắt của Nguyễn Thượng Hỷ sáng lấp lánh khi tôi đề cập đến câu chuyện văn khắc trên đá cổ ở Tây Giang. Anh có thể ngồi nói cả ngày không hết về những bí ẩn của nền văn minh, văn hóa ngàn năm. Trước chúng tôi, anh cũng đã đặt chân đến làng Achia, nơi có vách đá kỳ bí. Trước đó nữa, vào năm 1938, chính là viên quan ba Jean LePichon, người Pháp thuê các tráng niên làng Achia dựng thang tre để chụp ảnh.

Anh Hỷ nhớ lại, anh nhận được thông tin từ phòng Văn hóa huyện Tây Giang đầu 2012, sau khi xem một số mẫu ảnh, anh đã có thể kết luận ngay, đó có thể là định dạng mẫu chữ Chăm. “Cầm mấy bức ảnh vách đá, chúng tôi lên đường ngay. Không thể chờ lâu hơn nữa để được tận mắt thấy một báu vật kỳ lạ như thế” – anh Nguyễn Thượng Hỷ nhớ lại. 

Hồi đó là tháng 7, A Vương mùa nước cạn. Khi lên trực tiếp, anh đã kết luận ngay rằng, tại điểm vách đá, nơi dòng A Vương trải dài từ thượng nguồn, có thể kết luận rằng ngày xưa dòng A Vương khá rộng, ghe thuyền dễ dàng di chuyển. “Vật đổi sao dời, thêm hậu họa từ mấy tay đào vàng sa khoáng khiến lòng sông bây giờ tan hoang. May mắn là vách đá vẫn còn nguyên”. 

Nhóm nghiên cứu của anh Hỷ đã phải dầm mình trong dòng nước vàng đục ngầu và đứng khập khiễng trên các thanh gỗ để nâng chiều cao cho việc rập 3 bản khắc. Chia tay làng Achia, sau khi tìm hiểu tỉ mỉ từ những già làng, anh Nguyễn Thượng Hỷ đem theo 3 bản khắc và câu chuyện bí ẩn của vách đá về xuôi, để rồi từ đây, anh kỳ công nghiên cứu, liên lạc với cả những giáo sư, tiến sĩ nước ngoài, đặc biệt là Pháp. “Tôi rất may mắn khi nhà nghiên cứu Chămpa, anh Trần Kỳ Phương biết chuyện, đã chuyển đến cho một bài viết trên mạng internet. Đó quả thực là chiếc chìa khóa vén màn” - anh Hỷ kể.

“Chúng tôi đã cố gắng gửi nhiều bản đến các chuyên gia văn hóa, các giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ trong nước cũng như ở Nhật, Singapore, Hàn Quốc… nhưng cho đến nay vẫn chưa ai giải mã được. Hiện văn khắc trên vách đá đã bị ngập nước 2/3, nếu không có cơ chế bảo tồn sẽ mất nay mai. Khó nhất là kinh phí”.

Ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng phòng VHTT huyện Tây Giang

Bài viết có nhan đề  Văn khắc trên đá ở Samo: Một đoán định giải mã diễn dịch và định ngày tháng của Daoruang Wittayarat - Tiến sĩ trường Thực hành cao cấp Pháp, bản tiếng Pháp của tờ Lettre de la Société des Amis du Champa Ancien (SACHA), số năm 2004-2005. Bài viết đề cập đến nơi phát hiện dấu vết bản văn khắc mà ông J.Le Pichon (là vị quan ba, một thanh tra đội quân bản địa Annam, lập các đồn ở hai huyện Hiên và Giằng - 4 huyện miền Tây Quảng Nam cũ). Tài liệu này chưa xuất bản, vì vậy tác giả  Daoruang Wittayarat  đã xin phép cô Isabelle Pignon -Poujol sử dụng bản văn khắc đã đề cập trong luận văn thạc sĩ năm 1995 với tiêu đề “Di tích Mỹ Sơn vùng cao tôn giáo của Chămpa cổ, Việt Nam ngày nay” mà cô Isabelle đã nghiên cứu nhật kí của J.Le Pichon.

Thông điệp của ngàn năm ảnh 1

Ba bản khắc chưa bị chìm do anh Nguyễn Thượng Hỷ chụp. Ảnh: Nam Cường

Cùng với luận văn của Isabelle cũng như các công trình nghiên cứu Chămpa của ông Jean Pierre Ducrest và cô Emmanuel Guillon (hai tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm cổ), có thể tóm tắt sự việc phát hiện văn khắc trên đá như sau: 

Khoảng tháng 3-4/1938, tại một khúc sông của nhánh A Vương gần trạm/đồn Samo, trên vách đá của bờ sông này, ông Le Pichon đã cho người phát quang dọn dẹp, với diện tích 5x12m và làm giàn giáo tre cho việc dùng vôi tô vết lõm vào (làm rõ nét) các bản văn khắc trên đá để chụp ảnh (mất 2 ngày). 

Việc phát hiện bản khắc này trước đó do thông tin từ người lính Sêđăng đi săn chim bồ câu. Do gần trạm có tên Samo nên lấy tên văn khắc trên đá ở Samo. Với 3 bản khắc qua các ảnh chụp được phát hiện tại vùng của người Cơ Tu sinh sống với thổ ngữ Môn-Khơmer.

Để đoán định niên đại  tác giả  đã cố gắng so sánh các mẫu chữ trên những bia đá có niên đại sớm là bia Đông Yên Châu (bia cổ sớm nhất ở Quảng Nam, có lẽ ở vùng Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên) và bia Vat Luong Kao (Nam Lào ngày nay) mà theo G.Coedès dựa theo cổ ngữ xếp vào niên đại thế kỷ thứ IV, thứ V.

Thông điệp của người Chăm?

Thời điểm đứng ngay tại vách đá vào năm 2012, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, khi nhìn vào thiết bị GPS đã thốt không nên lời. GPS ghi ở độ cao đến 690 m, vĩ độ bắc 15 độ 52 phút; nhưng với kinh độ 107 độ 27 phút ... gần biên giới Việt -Lào mà xuất hiện di tích Chăm cổ thì quả là chuyện khó tin. “Di tích Chăm cổ, từ trước tới nay phát hiện xa nhất cũng chỉ tới thượng nguồn sông Thu Bồn, tức ở Hòn Kẽm - Đá Dừng (thuộc huyện Nông Sơn ngày nay) mà thôi”.

Thông điệp của ngàn năm ảnh 2

Bức ảnh chụp của LePichon vào năm 1938 lúc dựng chòi nghiên cứu vách đá (ảnh chụp tư liệu của anh Nguyễn Thượng Hỷ)

Mặc dù nhà nghiên cứu Isabelle Pignon-Poujol dịch tóm tắt từ nhật ký của Le Pichon, văn khắc có thể xếp thế kỷ IV, V nhưng sau khi so với các mẫu văn bia chữ Môn - Khơmer, chữ Chăm cổ sớm nhất khác, có thể kết luận, mẫu chữ này chỉ có thể xuất hiện vào thế kỷ IX hoặc X, tức cách đây hơn 1 ngàn năm mà thôi.

Bây giờ đến câu chuyện bí ẩn nhất: giải mã. Theo nhóm nghiên cứu của Nguyễn Thượng Hỷ, 3 bản khắc Samo được kí hiệu A, B và C thì bản A dành cho nghi lễ hiến tế với từ châu báu, ngọc trai và từ trâu; bản C là danh mục, số lượng các đồ hiến tế, và lặp lại từ có thể là Trâu (kabav) bản B có từ  Ya đại từ “ai” tiếng Chăm cổ có nghĩa là thần, thánh. 

Tuy nhiên, suốt cả ba bản khắc không nêu danh tính vị thần được tôn vinh như các bia của người Chăm cổ ta thường thấy xuất hiện về thần chủ Shiva, hoặc tên các vì vua… Theo kết luận bài viết của Daoruang Wittayarat, tác giả mở rộng nhận định rằng 3 bản văn khắc trên đá được phát hiện ở bờ sông A Vương, một nhánh chi lưu của sông Thu Bồn trong dãy Trường Sơn cách nhiều ngày đi bộ theo hướng tây bắc từ Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam kết nối với khu vực vùng thung lũng sông Mê Kông vùng Wat Phou thuộc tỉnh Chămpasak của Nam Lào. 

Đây là vùng đất quan trọng từ lâu xem như là nơi phải đi qua. Cũng nhấn mạnh khu đô thị cổ Wat Phou (Di sản văn hóa thế giới năm 2001) đã trải qua dưới thời đô hộ của Khơ me, tức từ thời các vua Kambuja, nhưng có vẻ cũng bị chiếm đóng thời các vua Chăm vào thế kỷ thứ VI, mặc dù có vẻ chữ viết trong văn khắc Samo có nguồn gốc từ phía tây mà các vua Kambuja là khâu trung gian.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng, có thể với những từ “Trâu, châu báu…”, như tín hiệu trên con đường giao thương, hay một sự trao đổi nào đó của người Chăm với người Cơ Tu. “Đây là chữ Chăm cổ, được khắc trên vách đá, thổ địa của người Cơ Tu, tồn tại ngàn năm đến nay chắc hẳn phải có một bức màn bí ẩn của sự giao thương hai dân tộc.

Có thể, người Chăm khi xưa là láng giềng thân thiện với tộc người Cơ Tu. Huyền sử con đường muối chính là minh chứng cho điều này. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là đoán định, bởi cả 3 bản khắc chúng ta mới chỉ dịch nghĩa được vài chữ, chưa nói lên điều gì”. 

“Cổ tự khắc trên vách đá có thể hé lộ cho chúng ta về sự giao thương buôn bán qua lại giữa 2 dân tộc Chăm và Cơ Tu. Câu chuyện con đường muối mà những năm gần đây các nhà nghiên cứu trong nước đang tìm hiểu về việc giao thương, trao đổi của vùng đồng bằng với miền núi ở miền Trung Việt Nam. 

Sự xuất hiện và tồn tại đến hôm nay về các minh văn trên vách đá vôi tự nhiên bên dòng sông nối vùng  thấp với vùng cao đã minh chứng cho việc giao thương trên sông mà chủ yếu là-con đường muối.

Việc tri ân ,ghi nhớ công ơn các vị thần theo hình thức THẦN SÔNG, THẦN NÚI, THẦN CÂY , THẦN ĐÁ... là tính đặc trưng của tín ngưỡng bái vật giáo mà các tộc người vùng Trường  Sơn và Tây Nguyên đã hướng theo. 

Rất có thể người Chăm và Cơ Tu xưa là những láng giềng thân thiện, bởi nếu không, cổ tự của người Chăm sẽ không tồn tại quá vài ngày sau khi khắc lên vách đá, trên lãnh thổ của người Cơ Tu.

 Vị trí vách đá chính là điểm dừng chân của con đường muối mà ngàn năm trước, người Chăm đi qua các nước Lào, Thái Lan, Campuchia để giao thương” – Nhà nghiên cứu dân tộc Cơ Tu Nguyễn Tri Hùng (Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam), khẳng định.

MỚI - NÓNG