Thú chơi tem chiến tranh

Trong một cửa hàng tem Ảnh: T.N.A
Trong một cửa hàng tem Ảnh: T.N.A
TP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hình ảnh của nó thì vẫn được lưu lại trên những con tem bạc màu. Tem chiến khu, hay tem nhà nước, tem hai miền… giờ đây đã không còn giá trị sử dụng theo nghĩa thông thường, mà trở thành một thú chơi đắt đỏ.

> Cầu ngói lên tem

Tem liên khu

Những năm kháng chiến gian khổ, đường sá đi lại khó khăn, năm 1946 chính phủ đã cho phép Liên khu V được in tem để phục vụ thư tín. Con thông thường tính giá bằng tiền đồng còn con phục vụ bưu phẩm thì tính bằng… thóc.

Tem liên khu trở thành huyền thoại, bởi do hoàn cảnh mấy cuộc chiến tranh tàn khốc mà người ta không thể lưu giữ được thư từ, tài liệu. Một phần, điều kiện in ấn và chất liệu thô sơ nên chúng đã hư hết.

Một con tem Liên khu V được bán trên thị trường quốc tế là 24 triệu đồng (1.200 USD).

Anh Bình, thành viên chủ chốt của Hội tem THPCM nói: “Tem Liên khu V in hình Bác Hồ, được bán với giá 400 triệu đồng (20.000 USD). Rất hiếm người sở hữu được báu vật ấy. Lắm khi phải tìm mua từ nước ngoài”.

Tem Anh hùng Mạc Thị Bưởi
Tem Anh hùng Mạc Thị Bưởi.

Loại tem đắt đỏ thứ nhì đối với giới chơi tem là bộ “Anh hùng Mạc Thị Bưởi”. Cô Bưởi người tỉnh Hải Dương, kiên trì hoạt động trong lòng địch, Pháp treo giải thưởng để bắt cô, cô không nao núng, bám trụ quê hương, trực tiếp trinh sát rồi nhiều lần đưa quân ta về đánh giặc.

Năm 1951, cô bị Pháp bắt và giết chết. Năm đó cô 24 tuổi. Năm 1955, cô được phong anh hùng và năm 1956 phát hành bộ tem in hình chân dung Mạc Thị Bưởi với khuôn mặt tròn và tóc dài vấn cao.

Anh Dũng, một kiến trúc sư ở TPHCM cho biết, bộ Anh hùng Mạc Thị Bưởi gồm 4 chiếc, rất hiếm, “giá cứ quy thành vàng”. Người ta đặt ra ba giả thiết. Kho bị giặc ném bom phá tan.

Giả thiết thứ hai, do hoàn cảnh loạn lạc, kho bị cháy. Giả thiết cuối cùng, con tem lúc ấy đã được nhà nước in với giá 5.000 đồng, bằng 50 chiếc tem bình thường, nên nó thường được dùng dán bưu kiện gửi đi nước ngoài. Trong nước không còn nữa.

Nhưng, cũng có người “mê tín” coi con tem mang số phận, rằng không dễ gì ngay khi phát hành đã mang giá trị ngất ngưởng.

Phải chăng người nữ anh hùng ấy, sống dũng cảm chết linh thiêng đã để cho đời một kỷ vật bất hủ? Bộ “Anh hùng Mạc Thị Bưởi” hiện được bán tương đương 1 cây vàng, “nhưng có vàng cũng không dễ mua”.

Bộ “Bộ đội dân quân” phát hành năm 1969, dân chơi gọi nôm na “binh sĩ màu lá mạ”, in hình anh vệ quốc đoàn với khẩu tiểu liên, cùng cô dân quân đứng bên cánh đồng lúa.

Một người chơi nói: “Bên ngành bưu điện đề giá cả bộ 3 chiếc là 840.000 đồng. Đề giá cho có, khi chúng tôi tới mua, họ không bao giờ bán”. Giá thực trên thị trường vào khoảng nửa cây vàng.

Bộ “Bắn rơi 1.500 máy bay Mỹ”, gồm hai chiếc. Chiếc thứ nhất không đề ngày tháng gì cả.

Chiếc thứ hai, có lẽ đã xác định được ngày chiếc máy bay 1.500 rơi, nên được in thêm dòng chữ ngày 14-10-1966. Con tem không ngày, do số lượng phát hành ít, cũng có giá hiện tới 2,3 triệu đồng…

Tem miền Nam

Mặt trận giải phóng miền Nam phát hành tem lần đầu tiên vào năm 1963, với cờ mặt trận và tiêu đề Độc lập – Dân chủ - Hòa bình. Các nhà sưu tập giới thiệu cho tôi sản phẩm được in ở miền Bắc này.

Điểm đặc biệt của nó là chữ bằng tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, thứ ngôn ngữ không thịnh hành ở miền Bắc lúc ấy.

Mặt trận cũng in tem “Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi”, kỷ niệm một năm ngày anh bị tử hình sau khi vụ đánh bom nhằm vào phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu bị bại lộ vào tháng 5 năm 1964. Hình anh nổi bật giữa nền lửa và lố nhố kẻ thù đang khiếp sợ.

Về tem của chế độ cũ, anh Dũng cho biết: “Chế độ Việt Nam Cộng hòa chủ yếu in tem ở nước ngoài. Kỹ thuật làm tem rất cao mà trình độ kỹ thuật in của Việt Nam còn hạn chế.

Chính quyền miền Nam chỉ in tem ở Sài Gòn trong trường hợp đặc biệt như sau Tết Mậu Thân 1968”. Anh Bình nói: “Bộ đắt nhất hiện nay trên thị trường sưu tập là bộ tem di cư, mô tả chiếc bè chở người vào Nam.

Với trọn bộ 7 chiếc, giá vào khoảng 1,5 triệu đồng. Bộ tem Ngô Đình Diệm, 16 chiếc phát hành qua hai nhiệm kỳ, cũng chỉ khoảng một triệu đồng”.

Anh Đức, người sưu tầm ở quận 1, TPHCM, thông tin cho biết có 21 bộ mà chế độ Việt Nam Cộng hòa đã không phát hành được trước 1975. Chẳng hạn bộ kỷ niệm Ngày Đại hội Thanh niên Phật Tử Thế Giới đã in xong, nhưng không phát hành.

Theo một nhà sưu tập, năm 1975, chính quyền Sài Gòn cũ đã không phát hành thêm mẫu mới nào. Ngày 30-4-1975, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, năm 1976, sự kiện này mới được in trên tem. Nhà nước phát hành các con tem “Giải phóng Buôn Ma Thuột”, “Giải phóng Đà Nẵng”, “Giải phóng Sài Gòn”.

Tem “Giải phóng Sài Gòn” in hình chiếc xe tăng nằm gọn bên trong sân Dinh Độc Lập.

Giả mạo

Một lá thư thời chống Pháp Ảnh: T.L
Một lá thư thời chống Pháp.  Ảnh: T.L.
 

Một người chơi tem ở TPHCM nói với tôi rằng con tem thời chiến bé tí xíu nhưng giá lên tới hàng triệu đồng thậm chí cả ngàn USD nên xuất hiện nạn hàng giả nhiều. “Công nghệ in ốp sét (off-set) không còn là bí mật, máy phô tô màu cũng sẵn”.

Ông Joe Cartafalsa (Hội tem Đông Dương) từng lặn lội sang Việt Nam để làm một phóng sự điều tra về tem liên khu. Ông đã được xem một số con tem thật từ phía nhà nước và nhờ đó khi đi sâu vào thị trường, Joe Cartafalsa phát hiện phần lớn hàng đang được bán đều giả mạo.

Một số người phản ảnh có tem anh Trỗi giả, nhưng theo anh Bình, quản lý trung tâm thông tin và dịch vụ tem của Hội tem TPHCM “lúc ấy một mẫu in ở Hà Nội, một in ở Liên Xô, giữa chúng có những nét khác nhau”. Một số trường hợp khác thì khó thẩm định hơn.

Thông tin về thư tín liên khu chẳng hạn, hầu như rất ít. “Số lượng tem được phát hành tại liên khu là bao nhiêu, mẫu mã thế nào, thời điểm và giá lúc đương thời, ngay cả ngành bưu điện cũng không công bố” – người chơi tem than thở.

Chính khoảng tối ấy, cộng thêm việc chẳng mấy khi người chơi được tiếp cận hàng hóa trong tình trạng tốt, nên việc nhận định và mua phải hàng giả dễ xảy ra.

Một bộ tem Việt Nam được cho là đầy đủ nếu so với ca-ta-lô do ngành bưu điện công bố, ước khoảng 4.000 con, giá không dưới 100 triệu đồng.

Những người sở hữu được chúng luôn lấy đó làm niềm tự hào. Người ta đồn đại rằng ông Kim, một người sưu tập ở TPHCM, từng có tới 6 bộ tem Việt Nam, rồi ông bán đi 5 bộ.

Anh Dũng nói: “Tôi từng đổi một bộ tem Việt Nam cho Việt kiều để lấy sách vở ngành kiến trúc vào những năm 1990. Sau đó, tôi phải tốn số tiền gấp 7 lần như thế mới thu thập được đủ bộ sưu tập ấy”. Theo anh Dũng, chơi tem không phải để kinh doanh, nó là cái duyên mà người ta bén vào rất khó dứt ra được.

Anh Nguyên, thành viên của Hội tem TPHCM đang giữ mẫu phác thảo tem về Hoàng Sa, nhưng mẫu này chưa được chính quyền ông Ngô Đình Diệm phê duyệt để in phát hành. Nhiều ý kiến nói mẫu phác thảo hình thuyền rồng ra đảo là không đạt.

4- 2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.